Các chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho biết, bất chấp các ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra khi hiện tượng El – Nino xảy ra, mức tỷ lệ dự trữ trên sử dụng gạo trên toàn cầu đạt 23,5% sẽ đủ đảm bảo nguồn cung gạo.
Trong tháng 5/2014, chỉ số giá gạo toàn cầu – All Rice Price Index của FAO đã đạt 235 điểm trong tháng 5/2014, giảm 2 điểm so với mức 237 điểm trong tháng 4/2014; nguyên nhân chủ yếu do giá loại gạo Japonica đã giảm 6 điểm.
Thái Lan
Kết thúc tháng 5/2014, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 380 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 4/2014, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2013.
Trang oryza.com cho biết, Thái Lan đang lên kế hoạch chiếm lĩnh thị phần nhập khẩu gạo của Malaysia trong năm 2014; Malaysia nhập khoảng 1 triệu tấn gạo mỗi năm. Thái Lan cũng kỳ vọng sẽ giành lại được thị phần gạo thơm tại Hồng Kông từ tay Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị phần gạo thơm của Thái Lan tại Hồng Kông đã giảm từ mức 86% trong năm 2008 xuống còn 46% trong năm 2013; trong khi đó, thị phần của Việt Nam đã tăng từ 0% lên 41% trong cùng kỳ.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, Thái Lan đã xuất khẩu được 2,9 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm 2014, tăng 45% so với mức 1,985 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013. TREA đã điều chỉnh mức ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2014 lên mức 9 triệu tấn, cao hơn mức ước tính 7,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Do TREA kỳ vọng việc Chính phủ Thái Lan chấm dứt chương trình trợ giá thu mua lúa gạo sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan so với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và Ấn Độ.
FAO dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo trong năm 2014 nhờ mức sản lượng gạo và tỷ lệ dự trữ gạo cuối niên vụ tăng cao.
Ấn Độ
Kết thúc tháng 5/2014, gạo 5% tấm Ấn Độ đạt 430 USD/tấn, tăng 2% so với tháng 4/2014; thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2013. Giá gạo bán buôn trung bình tại Ấn Độ đã giảm xuống mức 487 USD/tấn trong tháng 5/2014, giảm 4% so với mức 492 USD/tấn trong tháng 4/2014 nhưng vẫn cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, sản lượng gạo của nước này trong niên vụ 2013/2014 (tháng 10/2013 – tháng 9/2014) dự báo đạt 106,23 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ 2012/2013.
Trong khi đó, USDA dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ chỉ đạt 105 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014, thấp hơn 1,3 triệu tấn so với mức dự báo của Chính phủ Ấn Độ. Hiện các nhà phân tích đang theo dõi sát sao tình hình mùa mưa tại Ấn Độ để dự báo các khả năng Chính phủ Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo nếu điều kiện thời tiết bất lợi.
Tính đến ngày 1/5/2014, lượng gạo dự trữ tại các kho thuộc Chính phủ Ấn Độ đạt 28,41 triệu tấn, giảm 18% so với mức 34,73% trong cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, mức dự trữ gạo này cao gấp đôi so với mưc dự trữ chiến lược và cần thiết của Ấn Độ vào thời điểm này trong năm (14,2 triệu tấn).
Pakistan
Kết thúc tháng 5/2014, giá gạo 5% tấm Pakistan đạt 460 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng 4/2014 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013.
Kể từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, Pakistan đã xuất khẩu 2,66 triệu tấn gạo, giảm 5% so với mức 2,74 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013.
Campuchia
Trong tháng 5/2014, gạo 5% tấm Campuchia đạt 440 USD/tấn, không đổi so với tháng 4/2014.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, Campuchia đã xuất khẩu 148.262 tấn gạo , tăng 1% so với mức 146.854 tấn trong cùng kỳ năm 2013. FAO dự báo Campuchia sẽ xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014, bao gồm cả lượng gạo được xuất khẩu phi chính thức và lượng thóc được giao dịch qua biên giới với Thái Lan và Việt Nam.
Châu Phi
Chính phủ Nigeria hiện lên kế hoạch áp dụng các loại thóc sản lượng cao vào hoạt động canh tác nhằm nâng cao sản lượng, hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp gạo trong năm 2015. Chính phủ Nigeria cũng lên kế hoạc cấm nhập khẩu gạo vào năm 2015. Nigeria hiện nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo mỗi năm. Do sản lượng gạo nội địa của Nigeria chỉ đạt 2,7 triệu tấn, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo của người dân nước này lên tới 6 triệu tấn.
Chính phủ Kenya cho biết các quốc gia Đông Phi sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo cho đến khi sản lượng gạo của khu vực này đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Trước đó, thị trường đã lo ngại Chính phủ Kenya có thể cấm nhập khẩu gạo nhằm bảo vệ ngành canh tác lúa gạo của nước này trước sự cạnh tranh của gạo nhập khẩu.
Trang oryza.com cho biết Công đồng các quốc gia Đông Phi (EAC), bao gồm: Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda đã nâng mức thuế suất thuế nhập khẩu gạo từ 10% lên 35%.
Chính phủ Liberia đã hoãn việc thu thuế nhập khẩu gạo nhằm kiểm soát giá gạo – mặt hàng thiết yếu tại nước này; Liberia phải nhập khẩu từ 50 – 60% tổng lượng gạo tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.
FAO dự báo sản lượng thóc của Madagascar trong năm 2014 sẽ đạt 4,3 triệu tấn, tăng 19% so với mức 3,6 triệu tấn trong năm 2013. FAO cũng đưa ra dự báo lượng gạo được Madagascar nhập khẩu trong năm 2014 sẽ giảm xuống ngang bằng mức năm 2012 sau khi tăng cao vào năm 2013. Trong năm 2013, mức sản lượng thấp đã khiến Madagascar đã nhập khẩu tới 400.000 tấn gạo, tăng gấp đôi so với mức 200.000 tấn trong năm 2012.
Myanamar
Myanmar hiện đang xem xét việc dỡ bỏ thuế xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Chính phủ Myanmar cũng đang tiến hành đàm phán với Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch thực vật Trung Quốc nhằm miễn thuế và giới hạn khối lượng gạo xuất khẩu.
Trung Quốc
Theo Viện nghiên cứu lúa gạo Philippines (PhilRice), Philippines đã vượt qua các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu Châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan để trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng sản lượng gạo cao nhất. Tuy nhiên, lượng gạo được Philippines nhập khẩu trong niên vụ 2013/2014 có khả năng đạt 2 triệu tấn, tăng 33% so với niên vụ trước; qua đó, cho thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng gạo của Philippines vẫn chưa theo kịp mức tăng lượng gạo tiêu thụ tại nước này.
Cơ quan thông kê nông nghiệp Philippines cho biết, tính đến ngày 1/4/2014, tổng lượng gạo dự trữ của Philippines đạt 2,18 triệu tấn, giảm 6% so với mức 2,32 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013; tăng 22% so với tháng 3/2014.
Bangladesh
FAO dự báo lượng gạo được Bangladesh nhập khẩu trong năm 2014 có thể tăng gấp 3 lần lên mức 400.000 tấn do giá gạo quốc tế ở mức thấp. Theo hãng tin Reuters, Bangladesh sẽ nhập khẩu 200.000 tấn gạo trong năm tài chính 2014/2015 (tháng 7/2014 – tháng 6/2015) nhằm bổ sung lượng gạo dự trữ và đảm bảo an ninh lương thực.
Sản lượng thóc của Bangladesh trong năm 2014 ước đạt 52 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 51,5 triệu tấn trong năm 2013 do diện tích canh tác tăng lên và chương trình hỗ trợ canh tác lúa gạo của Chính phủ Bangladesh.