Tổng quan về logistics ngược

NGUYỄN HUY TUÂN (Trường Đại học Duy Tân) - LÊ TẤN BỬU (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu tổng quan về logistics ngược trên cơ sở chọn lọc một cách có hệ thống các tài liệu đã công bố, trong đó chú trọng phân tích các đặc điểm của các bài đánh giá tổng quan về logistics ngược, phân tích các nội dung chính trong các nghiên cứu trước đây. Đồng thời, bài viết đã đề xuất một số hàm ý về khoảng trống cũng như định hướng nghiên cứu tiếp theo về logistics ngược.

Kết quả nghiên cứu cho thấy logistics ngược được khai thác không chỉ đáp ứng yêu cầu về vấn đề bảo vệ môi trường mà qua đó doanh nghiệp có thể tìm kiếm lợi ích kinh tế từ hoạt động này. Logistics ngược sẽ phát huy được hiệu quả tốt hơn trong sự xem xét cùng với chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng xanh và chuỗi cung ứng bền vững.

Từ khóa: Logistics ngược, chuỗi cung ứng bền vững, chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng xanh.

1. Giới thiệu

Nghiên cứu tập trung xem xét tổng quan về logistics ngược trong những năm gần đây, bởi logistics ngược ngày càng thể hiện vai trò quan trọng không chỉ trong chuỗi cung ứng khép kín, mà còn là một trong những khía cạnh đáng chú ý trong quản lý chuỗi cung ứng xanh và bền vững (Govindan và cộng sự, 2015).

Ở thế kỷ XX, vào những năm 1970 đã xuất hiện những thuật ngữ như kênh ngược, dòng ngược trong các tài liệu khoa học và phần lớn liên quan đến vấn đề tái chế (Guiltinan & Nwokoye, 1975). Trong thập niên 80, định nghĩa logistics ngược được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các luồng dịch chuyển sản phẩm đi theo hướng ngược so với các luồng truyền thống trong chuỗi cung ứng, lúc này logistics ngược được hiểu là đi theo đường sản phẩm hỏng (Lambert & Stock, 1981). Vào cuối những năm 1990, Rogers và Tibben-Lembke (1999) cũng đã đưa ra định nghĩa và nhận được nhiều sự quan tâm, đó là "Logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách có hiệu quả và mang lại lợi nhuận các dòng nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm và những thông tin liên quan từ điểm tiêu thụ tới điểm xuất xứ nhằm mục đích thu lại giá trị hoặc xử lý một cách hợp lý".

Nhìn chung, lý thuyết logistics ngược có một quá trình phát triển theo thời gian gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập mang tính toàn cầu. Nhận thức được vai trò quan trọng của logistics ngược trên phương diện lý luận và thực tiễn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu này cho thấy việc xem xét có thệ thống về logistics ngược lúc này là cần thiết, vì qua đó góp phần làm rõ hiện trạng những vấn đề của logistics ngược đã được giải quyết và kịp thời, khám phá những cơ hội mới cho nghiên cứu tiếp theo, bắt kịp với nhu cầu phát triển không ngừng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thương mại theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thu thập tài liệu sơ bộ

Thời gian thu thập tài liệu: Tháng 9/2018 đến tháng 12/2019.

Nguồn dữ liệu: Các bài báo đã được công bố (cả tiếng Việt và tiếng Anh) về logistic ngược trong thời gian từ tháng 01/2018 đến 12/2019 trên các website, Tạp chí khoa học trong và ngoài nước, Google Scholar. Việc tìm kiếm cũng được cập nhật định kỳ vì sự xuất hiện ấn phẩm công bố mới.

Quá trình tìm kiếm tài liệu sơ bộ cho thấy phần lớn các tài liệu được thu thập là các công trình khoa học từ nước ngoài và ngôn ngữ bằng tiếng Anh là phổ biến. Điều này chứng tỏ chủ đề logistics ngược và các vấn đề liên quan (chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững) vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nghiên cứu trên phương diện khoa học và thực tiễn tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả thu thập tài liệu tại bước này gồm 325 tài liệu nước ngoài và 21 tài liệu trong nước có liên quan đến logistics ngược.

2.2. Chọn lọc tài liệu

Tiêu chí chọn lọc tài liệu:

Bước 1 - Chọn theo từ khóa: Tài liệu phải có ít nhất một trong các từ khóa: reverse logistics, cloose-loop supply chain, green supply chain, sustainable supply chain xuất hiện trong tiêu đề, tóm tắt hoặc từ khóa. Kết quả cuối cùng còn 189 tài liệu được giữ lại (trong đó có 178 tài liệu ngoài nước và 11 tài liệu trong nước). Nội dung toàn văn của các tài liệu giữ lại này được tìm kiếm để tải xuống.

Bước 2 - Chọn lọc các bài báo xuất bản được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín được phát hành định kỳ. Kết quả còn 157 tài liệu dưới dạng bài viết toàn văn (trong đó có 146 bài viết ngoài nước và 11 bài viết trong nước) được sử dụng cho bước đánh giá tài liệu ở nội dung tiếp theo.

2.3. Đánh giá tài liệu

Kiểm tra chéo các tài liệu còn lại để đảm bảo độ tin cậy của quá trình tìm kiếm và lựa chọn tài liệu nghiên cứu, đồng thời kiểm tra với hệ thống Tạp chí thuộc danh mục SCOPUS, ISI để bổ sung vài tài liệu còn thiếu. Các tài liệu phù hợp là các tài liệu có liên quan với chủ đề logistics ngược, chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững. Cuối cùng cho ra kết quả còn 90 tài liệu (trong đó có 83 bài viết ngoài nước và 7 bài viết trong nước) được lựa chọn sử dụng cho các bước phân tích tiếp theo.

Hình 1: Phân bố tài liệu được lựa chọn qua các năm

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huy_tuan_8_5.jpg

Kết quả Hình 1 cho thấy 90 tài liệu liên quan đến logstics ngược được công bố nhiều trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, giai đoạn 2014 - 2018 ít được nghiên cứu và tăng trở lại ở năm 2019. Trước xu hướng đó, việc kế thừa và bổ sung thêm các công trình nghiên cứu liên quan đến logistics ngược lúc này là cần thiết để bắt kịp với những thay đổi kinh tế trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Kết quả nghiên cứu tổng quan

3.1. Phân tích đặc điểm của các bài đánh giá tổng quan về logistics ngược

Giai đoạn 2008 - 2019, có 15 nghiên cứu tiến hành đánh giá tổng quan các chủ đề liên quan đến logistics ngược, tuy nhiên không có nhiều nghiên cứu đánh giá toàn diện và đồng thời về logistics ngược, chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng bền vững, chuỗi cung ứng xanh.

Bảng 1. Đặc điểm của các bài tổng quan

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huy_tuan_8_5.jpg

Nguồn: Tổng hợp thống kê từ tài liệu lựa chọn

Theo thống kê tại Bảng 1, bài báo của Pokharel & Mutha (2009) và Sasikumar & Kannan (2009) đề cập phân tích khá đầy đủ về lĩnh vực logistics ngược, tuy nhiên đều có phạm vi thời gian tổng quan trước năm 2008. Pokharel và Mutha (2009) chỉ cố gắng đưa ra lựa chọn các bài báo tốt nhất trong số tất cả các ấn phẩm được công bố, do đó số lượng các tài liệu được tham chiếu trong bài báo này khá thấp.

Govindan và cộng sự (2015) nghiên cứu khá đầy đủ với việc thu thập phân tích 382 bài báo đã công bố trước đây liên quan đến lĩnh vực logistics ngược và chuỗi cung ứng khép kín, từ đó khám phá và đưa ra những định hướng nghiên cứu trong tương lai trên nhiều khía cạnh như phương pháp nghiên cứu, giải pháp, mô hình và các biến quyết định mới trong logistics ngược và chuỗi cung ứng khép kín. Dias và cộng sự (2016) đã nghiên cứu tổng quan về logistics ngược trong ngành bán lẻ với 10 tài liệu được chọn lọc một cách có hệ thống.

Mặc dù từ năm 2016 trở về sau vẫn tiếp tục có nhiều công bố trong trong lĩnh vực logistics ngược, nhưng để có cái nhìn tổng thể và qua đó có thể xác định được khoảng trống về các hướng nghiên cứu tiếp theo, cần thiết để tái tạo một nghiên cứu đánh giá tài liệu mới dựa trên các công bố gần đây trong lĩnh vực logistics ngược.

3.2. Phân loại và nội dung chính trong các công bố liên quan đến logistics ngược

Do logistics ngược không chỉ có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khép kín nói chung (Govindan và cộng sự, 2015) mà còn được xem là khía cạnh liên quan chặt chẽ đến chuỗi cung ứng bền vững (Gupta và Palsule-Desai, 2011) và chuỗi cung ứng xanh (Srivastava, 2007). Hình 2 mô tả phân phối các bài báo theo các phân loại chính này.

Hình 2: Phân phối tài liệu theo lĩnh vực

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huy_tuan_8_5.jpg

Như đã đề cập ban đầu, tác giả tập trung tìm hiểu các vấn đề liên quan đến logistics ngược gồm 4 lĩnh vực chính: (1) Logistics ngược, (2) chuỗi cung ứng khép kín, (3) chuỗi cung ứng xanh, và (4) chuỗi cung ứng bền vững. Kết quả cho thấy chủ đề logistics ngược nhận được sự quan tâm khá lớn với 49 tài liệu được thu thập. Tiếp theo là chuỗi cung ứng khép kín với 24 tài liệu, chuỗi cung ứng xanh là 10 tài liệu và chuỗi cung ứng bền vững là 7 tài liệu.

Mặc dù có thể phân định các tài liệu nghiên cứu theo các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên logistics ngược lại có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Bởi thực chất logistics ngược là một phần của chuỗi cung ứng khép kín, do đó việc phát huy hiệu quả logistics ngược sẽ góp phần đạt được mục tiêu của chuỗi cung ứng khép kín, đáp ứng được các yêu cầu của chuỗi cung ứng xanh vì góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết được các vấn đề xã hội để đạt được một chuỗi cung ứng bền vững.

3.3. Các khía cạnh lợi ích của logistis ngược

Dựa vào nội dung các tài liệu công bố về logistics ngược cho thấy các tác giả đã tiếp cận logistics ngược theo nhiều khía cạnh lợi ích khác nhau (Hình 3). Theo đó, với 49 tài liệu đề cập trực tiếp đến lĩnh vực logistics ngược được công bố thì có 11 tài liệu đề cập đồng thời đến lợi ích kinh tế, môi trường, cạnh tranh và xã hội, 34 tài liệu đề cập đến lợi ích kinh tế, môi trường, cạnh tranh, 42 tài liệu đề cập đến lợi ích kinh tế, môi trường, và cả 49 tài liệu đề cập đến lợi ích kinh tế của logistics ngược.

Hình 3: Các khía cạnh lợi ích của logistics ngược

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/huy_tuan_8_5.jpg

Khía cạnh lợi ích kinh tế và môi trường được các tác giả quan tâm nhiều nhất, trong đó khía cạnh lợi ích kinh tế đề cập đến việc tăng lợi nhuận hoặc doanh thu và giảm chi phí thông qua việc quản lý logistics ngược. Khía cạnh lợi ích môi trường đề cập đến việc giảm tác động môi trường, giảm lượng chất thải do xử lý không phù hợp.

Một khía cạnh lợi ích khác liên quan đến phạm vi xã hội bao gồm tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người dân từ các hoạt động của logistics ngược. Cuối cùng là khía cạnh cạnh tranh liên quan đến sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh thông qua thực thi logistics ngược để cải thiện hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp. Về những lợi ích được nhận thức thông qua việc áp dụng các hoạt động logistics ngược, các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động logistics ngược có thể kết tinh trong các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội và cạnh tranh.

Điều này chứng tỏ nhận thức lợi ích của logistis ngược được các tác giả đưa ra tương ứng với những gì mà tác giả Tibben-Lembke (1998) đề cập đến trong nghiên cứu của mình. Sự vượt trội của phương pháp tiếp cận với những lợi ích của logistics ngược trong các khía cạnh kinh tế và môi trường được thể hiện qua các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận và đảm bảo yêu cầu pháp lý liên quan đến các vấn đề môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khía cạnh kinh tế có sự phức tạp hơn bời liên quan đến các chi phí phát sinh từ hoạt động logistics ngược trong việc so sánh với sự cải thiện doanh thu do thực thi logistics ngược của doanh nghiệp.

Các chi phí phát sinh từ hoạt động logistics ngược có thể kể đến bao gồm lao động, kho chứa hàng trả lại, máy móc và thiết bị, nước, năng lượng và các chi phí khác phát sinh trong quá trình xử lý các sản phẩm trả lại từ khách hàng. Do đó, phần lớn các tác giả nghiên cứu đều nhận định cần thiết phải thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu trong phạm vi tài chính của logistics ngược của các doanh nghiệp bán lẻ mới có thể xác định được khả năng tạo ra lợi ích kinh tế của logistics ngược.

3.4. Logistics ngược theo các giai đoạn trong chuỗi cung ứng

Dựa trên tài liệu được công bố, logistics ngược theo các giai đoạn tiếp cận được thể hiện tại Bảng 2. Kết quả cho thấy phần lớn các nghiên cứu tập trung tiếp cận nhiều hơn đối với logistics ngược trong một chuỗi tổng thể xuất từ khách hàng tiêu dùng ngược dần về nhà cung cấp. Trong khi đó, có ít nghiên cứu chuyên sâu theo từng giai đoạn trong chuỗi logistics ngược, chẳng hạn như logistics ngược trong giai đoạn từ khách hàng tiêu dùng đến nhà bán lẻ; Giai đoạn từ nhà bán lẻ đến nhà bán sỉ/ nhà cung cấp/ nhà sản xuất; Giai đoạn từ nhà bán sỉ đến nhà cung cấp/nhà sản xuất; Giai đoạn từ nhà sản xuất đến nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào. Nghiên cứu này cho thấy việc xem xét riêng hoạt động logistics ngược trong mỗi giai đoạn sẽ cho phép giải quyết vấn đề logistics ngược một cách cụ thể, chi tiết và điều này sẽ làm cho khả năng thực thi tốt hơn.

Bảng 2. Logistics ngược theo các giai đoạn tiếp can

Logistics ngược theo các giai đoạn tiếp can

Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu nghiên cứu

4. Hàm ý nghiên cứu

Thông qua việc nghiên cứu tổng quan cho thấy logistics ngược đã được đề cập và giải quyết từ nhiều tác giả trên thế giới về mặt lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, các khía cạnh liên quan đến logistics ngược cũng được nghiên cứu, đó là chuỗi cung ứng khép kín (bao hàm cả logistics xuôi và logistics ngược trong một chu trình khép kín), chuỗi cung ứng xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Qua quá trình nghiên cứu tổng quan này, tác giả cho thấy đây là một vấn đề rộng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống cần được nghiên cứu giải quyết trong logistics ngược, đây cũng chính là cơ hội cho hướng nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động logistics ngược có điểm xuất phát từ khách hàng tiêu dùng cuối cùng với nhiều lý do trả lại sản phẩm cho nhà bán lẻ, điều này dẫn tới nhà bán lẻ thường xuyên phải đối mặt với các quyết định trong logistics ngược. Gắn liền với nhà bán lẻ trong chuỗi ngược đó là các đối tượng liên quan trực tiếp và gián tiếp bao gồm nhà bán sỉ, nhà cung cấp, nhà sản xuất. Các đối tượng này tác động lẫn nhau trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến logistics ngược.

Do đó, việc xem xét hoạt động logistics ngược cho từng đối tượng nghiên cứu là nhà bán sỉ, nhà cung cấp, nhà sản xuất cũng được xem là những hướng nghiên cứu có thể thực hiện để làm sáng tỏ các câu hỏi đặt ra như: Hoạt động logistics ngược bao gồm những hoạt động cụ thể nào?  Làm thế nào để đánh giá khả năng thực thi logistics ngược của nhà bán lẻ, nhà bán sỉ, nhà cung cấp, hoặc nhà sản xuất trong quá trình hoạt động.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu tổng quan cũng cho thấy chưa có nhiều nghiên cứu thực nghiệm đề cập đồng thời cả môi trường bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động logistics ngược của doanh nghiệp. Theo đó, câu hỏi đặt ra là các nhân tố thuộc môi trường bên trong và môi trường bên ngoài, gồm những nhân tố gì và chúng có mối quan hệ như thế nào với thực thi logistics ngược và kết quả kinh tế của doanh nghiệp. Điều này cũng mở ra một hướng nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực này.

Thứ ba, các nghiên cứu đã được công bố trước đây liên quan đến logistics ngược đã giải quyết nhiều vấn đề rộng lớn đứng trên quan điểm của hoạt động sản xuất như hoạt động sản xuất xanh, sản xuất thân thiện với môi trường và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn ít nghiên cứu logistics ngược tiếp cận cụ thể dưới quan điểm marketing.

Tác giả cho rằng thực chất của hoạt động logistics ngược là hướng tới đáp ứng, thỏa mãn các yêu cầu ràng buộc của các bên hữu quan như cơ quan chính phủ, nhà cung cấp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Suy cho cùng cũng là làm cho khách hàng tin tưởng, hài lòng đối với hoạt động logistics ngược của doanh nghiệp, từ đó thu hút khách hàng mua hàng nhiều hơn, làm cho khách hàng trung thành với các sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Do đó, câu hỏi mà tác giả đặt ra ở đây là: Dưới quan điểm marketing thì nhân tố cụ thể nào có khả năng ảnh hưởng đến thực thi logistics ngược các doanh nghiệp.

Thứ tư, các nghiên cứu về logistics ngược được tìm thấy nhiều ở các quốc gia nước ngoài, nhưng ít được thực hiện tại thị trường Việt Nam. Nghiên cứu này cho thấy trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới, với thị trường có sức hút nhiều đối tác kinh doanh trong và ngoài nước, hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng điện tử, như: Điện thoại di động, máy ảnh, máy vi tính, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, và nhiều các loại mặt hàng điện tử khác.

Do đó, hoạt động logistics ngược tại Việt Nam cần được quan tâm để phát triển hơn nữa trong môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu. Đây là một hướng mở cho việc nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực logistics ngược tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt với doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng điện tử đang trong xu hướng ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế.

5. Kết luận

Vậy, thông qua việc tập hợp, đánh giá một cách có hệ thống, nghiên cứu này đã sử dụng 90 các tài liệu trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2019 để đưa vào phân tích nhằm làm rõ tổng quan về logistics ngược. Kết quả cho thấy logistics ngược đã nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả trên thế giới, do đó nhiều vấn đề về logistics ngược đã được giải quyết trong suốt thời gian qua. Sự lớn mạnh của logistics ngược gắn liền với sự phát triển của chuỗi cung ứng khép kín, chuỗi cung ứng xanh và chuỗi cung ứng bền vững.

Logistics ngược được khai thác không chỉ đáp ứng yêu cầu về vấn đề bảo vệ môi trường, mà qua đó doanh nghiệp đã có sự thay đổi rõ nét về mặt nhận thức trong việc tìm kiếm lợi ích kinh tế thông qua thực thi logistics ngược. Nhiều tác giả đã chỉ ra rằng, việc triển khai logistics ngược một cách có hiệu quả cần có các giải pháp cụ thể trong các hoạt động thu gom, tái chế, tái sản xuất, cũng như xử lý phế thải. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được lợi nhuận, giảm chí phí quản lý cũng như chi phí tồn kho, cải thiện được sự hài lòng của khách hàng cũng như gia tăng hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Logistics ngược được xem là một nội dung quan trọng trong chuỗi cung ứng khép kín, do đó doanh nghiệp muốn thực thi logistics ngược đạt kết quả cao đòi hỏi phải xem xét logistics ngược trong một chuỗi cung ứng khép kín. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến chuỗi cung ứng xanh vì hướng tới mục tiêu về môi trường. Ngoài ra, logistics ngược sẽ phát huy được hiệu quả tốt hơn trong sự xem xét với chuỗi cung ứng bền vững.

Nghiên cứu kỳ vọng góp phần giúp các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn vai trò của logistics ngược trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bởi các doanh nghiệp này thường xuyên đối mặt với các quyết định logistics ngược do nhu cầu trả lại sản phẩm ngày càng tăng của người tiêu dùng với nhiều lý do khác nhau. Nghiên cứu cũng mạnh dạn đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo.

Các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, khám phá logistics ngược của mỗi giai đoạn trong chuỗi tổng thể xuất từ khách hàng tiêu dùng ngược dần về nhà cung cấp. Chẳng hạn như logistics ngược trong giai đoạn từ khách hàng tiêu dùng đến nhà bán lẻ, giai đoạn từ nhà bán lẻ đến nhà bán sỉ/ nhà cung cấp/ nhà sản xuất, giai đoạn từ nhà bán sỉ đến nhà cung cấp/nhà sản xuất, giai đoạn từ nhà sản xuất đến nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu chuyên sâu hoạt động logistics ngược của nhà bán lẻ, nhà bán sỉ, nhà sản xuất, hoặc nhà cung cấp các yếu tố đầu vào. Ngoài ra, có thể tiếp cận các quan điểm marketing trong việc phát triển nghiên cứu logistics ngược. Nhóm tác giả thực hiện bài viết này cũng kỳ vọng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về logistics ngược tại thị trường quốc gia Việt Nam vì điều này là cần thiết trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Agrawal, S., Singh, R. K., & Murtaza, Q. (2015). A literature review and perspectives in reverse logistics. Resources, Conservation and Recycling, 97, 76-92.
  2. Akçalý, E., & Çetinkaya, S. (2011). Quantitative models for inventory and production planning in closed-loop supply chains. International Journal of Production Research, 49(8), 2373-2407.
  3. Akçalý, E., Çetinkaya, S., & Çster, H. (2009). Network design for reverse and closed-loop supply chains: An annotated bibliography of models and solution approaches. Networks, 53(3), 231-248, https://doi.org/10.1002/net.20267
  4. Carrasco-Gallego, R., Ponce-Cueto, E., & Dekker, R. (2012). Closed-loop supply chains of reusable articles: a typology grounded on case studies. International Journal of Production Research, 50(19):1-15.
  5. Chan, H. K., Yin, S., & Chan, F. T. S. (2010). Implementing just-in-time philosophy to reverse logistics systems: A review. International Journal of Production Research, 48(21), 6293-6313.
  6. Chanintrakul, P., Coronado Mondragon, A. E., Lalwani, C., & Wong, C. Y. (2009). Reverse logistics network design: A state-of-the-art literature review. International Journal of Business Performance and Supply Chain Modelling, 1(1), 61-81.
  7. Dias, K. T. S., Braga, S. S., Silva, D., & Satolo, E. G. (2016). Reverse Logistics for Return Management in Retail: A Systematic Literature Review from 2007 to 2016. In J. Mula, R. Barbastefano, M. Díaz-Madro#ero, & R. Poler (Eds.), New Global Perspectives on Industrial Engineering and Management (pp. 145-153). https://doi.org/10.1007/978-3-319-93488-4_17
  8. Govindan, K., Soleimani, H., & Kannan, D. (2015). Reverse logistics and closed-loop supply chain: A comprehensive review to explore the future. European Journal of Operational Research, 240(3), 603-626.
  9. Guiltinan, J. P., & Nwokoye, N. G. (1975). Developing Distribution Channels and Systems in the Emerging Recycling Industries. International Journal of Physical Distribution, 6(1), 28-38.
  10. Gupta, S., & Palsule-Desai, O. D. (2011). Sustainable supply chain management: Review and research opportunities. IIMB Management Review, 23(4), 234-245. https://doi.org/10.1016/j.iimb.2011.09.002
  11. Ilgin, M. A., & Gupta, S. M. (2010). Environmentally conscious manufacturing and product recovery (ECMPRO): A review of the state of the art. Journal of Environmental Management, 91(3), 563-591.
  12. Jayant, A., Gupta, P., & Garg, S. K. (2012). Perspectives in reverse supply chain management (R-SCM): A state of the art literature review. Jordan Journal of Mechanical & Industrial Engineering, 6(1), 87-102.
  13. Kubota, F. I., Ferenhof, H. A., Ferreira, M. G. G., Forcellini, F. A., & Miguel, P. A. C. (2013). Desenvolvimento de Plataforma de Produto e Modularidade: Uma análise bibliométrica. TPA - Teoria e Prática em Administração, 3(2), 44-69.
  14. Lambert, D. M., & Stock, J. R. (1981). Strategic Physical Distribution Management. Hollywood: Irwin.
  15. Pokharel, S., & Mutha, A. (2009). Perspectives in reverse logistics: A review. Resources, Conservation and Recycling, 53(4), 175-182.
  16. Rogers, D. S., & Tibben-Lembke, R. S. (1999). Going backwards: Reverse Logistics trends and practices. RLEC Press, Pittsburgh, PA.
  17. Rubio, S., Chamorro, A., & Miranda, F. J. (2008). Characteristics of the research on reverse logistics (1995-2005). International Journal of Production Research, 46(4), 1099-1120.
  18. Sasikumar, P., & Kannan, G. (2008a). Issues in reverse supply chains, part I: End-of-life product recovery and inventory management - an overview. International Journal of Sustainable Engineering, 1(3), 154-172.
  19. Sasikumar, P., & Kannan, G. (2008b). Issues in reverse supply chains, part II: Reverse distribution issues - an overview. International Journal of Sustainable Engineering, 1(4), 234-249.
  20. Sasikumar, P., & Kannan, G. (2009). Issues in reverse supply chain, part III: Classification and simple analysis. International Journal of Sustainable Engineering, 2(1), 2-27.
  21. Srivastava, S. K. (2007). Green supply-chain management: A state-of-the-art literature review. International Journal of Management Reviews, 9(1), 53-80.

AN OVERVIEW ON REVERSE LOGISTICS

● NGUYEN HUY TUAN

Duy Tan University

● LE TAN BUU

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This literature review is to study reverse logistics by systematically reviewing published documents, focusing on analyzing the characteristics of reviews and the main contents of previous studies on the reverse logistics. This literature reviews also proposes some implications for the gap as well as directions for further researches on the reverse logistics.

This literature review finds that the implementation of the reverse logistics is not only help businesses meet requirements of environmental protection but also gain other economic benefits. The reverse logistics would bring greater benefits when it is exploited along with closed supply chains, green supply chains and sustainable supply chains.

Keywords: Reverse logistics, sustainable supply chain, closed supply chain, green supply chain.