BTV LAN ANH: Theo đánh giá của các chuyên gia, trước xu hướng và đà tăng trưởng hiện nay, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: (i) tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; (ii) thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp - năng lượng, và dịch vụ logistics.
Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ngành Công Thương là vô cùng cần thiết trong nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành Bộ Công Thương cũng như thúc đẩy kinh tế số trong ngành. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, quá trình số hóa được đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp, đưa tỷ trọng của những ngành khai thác giảm dần và tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo tăng dần.
Tuy nhiên để phát triển kinh tế số ngành Công Thương nói chung cũng như số hóa các lĩnh vực công nghiệp một cách bền vững hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, rào cản. Đây là bài toán của các nhà sản xuất cần được sự chung tay vào cuộc của nhiều thành phần với nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.
Vấn đề này sẽ cùng được chia sẻ tại Tọa đàm hôm nay do Tạp chí Công Thương thực hiện. Tọa đàm với chủ đề “Số hóa trong lĩnh vực công nghiệp - Bài toán cho các nhà sản xuất”.
Tham gia Toạ đàm của chúng ta ngày hôm nay, có sự tham dự của các vị khách mời.
Xin trân trọng giới thiệu:
- TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
- TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Xin cảm ơn các vị khách mời đã đến với Toạ đàm của Tạp chí Công Thương ngày hôm nay. Và trước khi bắt đầu buổi Tọa đàm, xin mời quý vị cùng theo dõi một phóng sự do Tạp chí Công Thương tổng hợp.
BTV LAN ANH: Trở lại với các vị khách mời, câu hỏi đầu tiên xin gửi tới ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Được biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành và triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số.
Vậy xin ông cho biết những hành động cụ thể của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Công Thương nói chung và các lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói riêng? Và những hoạt động này đã có tác động như thế nào trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Chuyển đổi số đã thay đổi cách thức giao tiếp của mọi tầng lớp, thành phần kinh tế. Chuyển đổi số thay đổi cách chính phủ giao tiếp với chính phủ thông qua các hệ thống liên thông quốc tế (cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa Việt Nam - Hàn Quốc…), cách chính phủ giao tiếp với người dân, doanh nghiệp (cổng dịch vụ công quốc gia, các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương), cách doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - khách hàng giao tiếp với nhau thông qua sự phát triển bùng nổ thương mại điện tử những năm gần đây.
Nhận thức từ sớm lợi ích của chuyển đổi số, thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Bộ Công Thương xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trong đó "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Một số hành động cụ thể của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là:
Thứ nhất, về xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ đã kiện toàn Ban chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công Thương; Ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương theo giai đoạn và thường niên; Ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2030; Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công Thương; v.v...
Thứ hai, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ Công Thương. Bộ đã triển khai nhiều ứng dụng nội bộ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tại Bộ Công Thương và hoạt động quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như: hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ, hệ thống quản lý văn bản điện tử...; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm 22 DVCTT toàn trình và 23 DVCTT một phần. Bộ Công Thương cũng đang quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: cơ khí chế tạo, ô tô, dệt may, da giầy, điện tử, hóa chất quốc gia.
Thứ ba, chúng tôi liên tục đánh giá mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực. Chúng tôi đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các doanh như là: tác động thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất; sự xuất hiện của mô hình sản xuất công nghiệp mới; chỉ số thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ...
Thứ tư, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thúc đẩy số hóa, phát triển nhà máy thông minh. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là chương trình trọng điểm để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trong thời gian tới.
Các hoạt động trên đã thúc đẩy công tác triển khai chuyển đổi số tại các đơn vị và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bộ cũng chủ động nắm bắt và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, định hướng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ dữ liệu, đánh giá chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Từ kho dữ liệu mở của Bộ, các doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có thể được sử dụng, khai thác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động như vậy chúng tôi cũng hy vọng là cũng đã phần nào hỗ trợ được cho các doanh nghiệp. Ví dụ như là từ các hệ thống cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công Thương thì hoàn toàn doanh nghiệp sản xuất có thể truy cập vào và lấy các dữ liệu đấy để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
BTV LAN ANH: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Kính thưa quý vị, Selex Motors là một startup Việt Nam trong lĩnh vực xe điện và vừa chính thức xuất khẩu mẫu xe điện Selex Camel cùng hệ sinh thái đổi pin và chia sẻ năng lượng sang Philippines. Đây là bước đi quan trọng của Selex Motors trong việc mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và cũng là doanh nghiệp Việt hiếm hoi xuất khẩu sản phẩm này. Được biết là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt và sự cạnh tranh của doanh nghiệp này là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Với quan điểm, cuộc cách mạng xe điện không chỉ đơn thuần là thay thế động cơ xăng thành động cơ điện, mà là sử dụng công nghệ mới để tạo ra thế hệ xe thông minh.
Thưa tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên, việc ứng dụng, chuyển đổi số áp dụng các giải pháp công nghệ vào mô hình sản xuất kinh doanh được Selex Motors triển khai như thế nào trong thời gian qua và Công ty đã có những định hướng hoạt động và giải pháp như thế nào để thích ứng với xu thế số hóa hiện nay, thưa ông?
TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Vâng, ngay từ đầu chúng tôi cũng xác định là câu chuyện của giao thông cũng chỉ dừng lại là xanh, sạch mà giao thông nó phải bền vững và có nghĩa là giao thông nó phải số hóa thì chúng tôi đã tự nghiên cứu phát triển, xây dựng một hệ sinh thái cho xe máy điện toàn diện và thông minh. Nói về xe máy điện chúng ta có mấy thành phần cơ bản đấy chính là chiếc xe máy điện. Thứ hai nữa là hạ tầng năng lượng và quan trọng nhất là người dùng. Toàn bộ cái hệ sinh thái này được kết nối vào một cái nền tảng IoT chung của Selex và chúng tôi thu thập dữ liệu thường xuyên gần như là theo thời gian thực và kể cả những hoạt động như hậu mãi, bảo hành, sửa chữa của khách hàng cũng được số hóa trên nền tảng đấy.
Tức là khách hàng chỉ cần một ứng dụng thì có thể quản lý toàn bộ phương tiện giao thông của mình, cũng như có thể truy cập đến các điểm đổi pin của chúng tôi, đó là hạ tầng năng lượng để khách hàng có thể đổi pin và quản lý lịch sử sử dụng của mình, bao gồm lịch sử nạp năng lượng, lịch sử đổi pin cũng như là lịch sử bảo hành, sửa chữa v.v… và cũng có thể là mua các dịch vụ giao thông thông minh ở trên nền tảng đấy. Có nghĩa là một thế hệ mới, một thế hệ giao thông thông minh và bền vững, mang lại những trải nghiệm và những giá trị mới mà chỉ có được khi chúng ta số hóa toàn bộ hạ tầng, dựa trên dữ liệu và dựa trên phần mềm để chúng ta có thể mang lại những giá trị mới cho người dùng.
Đấy là ở góc độ về mặt sản phẩm ra thị trường phục vụ người dùng. Còn những góc độ sản xuất, chúng tôi là một doanh nghiệp khởi nghiệp đương nhiên là câu chuyện có một nhà máy kết nối IoT toàn bộ, đồng bộ một cách tự động rất khó khăn. Nhưng tôi nghĩ đây là bài toán chung của toàn bộ nền sản xuất. Câu chuyện của số hóa chúng ta vẫn thường nghĩ là phải như vậy, nhưng mà thực tế tôi nghĩ là có hai phần chuyển đổi và phần số đúng không?
Phần chuyển đổi thì thực ra là cái quan trọng nhất là phần chuyển đổi trong tư duy, trong cách nghĩ rồi đến mới đến phần số, phần số chỉ là phần công cụ. Tôi nghĩ quan trọng ở đây là chúng ta phải nhận thức được vai trò của dữ liệu và chúng ta phải có thu thập các dữ liệu từ các khâu sản xuất của chúng ta để từ dữ liệu đấy chúng ta có thể có những phân tích và hiểu hơn về quá trình sản xuất của mình, có những thấu hiểu sâu sắc hơn và từ đấy chúng ta có thể cải tiến được cái hiệu quả trong toàn bộ chuỗi sản xuất của mình, thậm chí là cả chuỗi cung ứng.
Như vậy, câu chuyện ở đây là chúng ta phải nhận thức được vai trò của chuyển đổi số, sau đó còn công cụ thì tôi nghĩ là làm đồng bộ ngay lập tức rất khó. Đối với hầu hết doanh nghiệp, câu chuyện chúng ta phải chọn những khâu mà chúng ta thấy là quan trọng nhất và thứ hai kể cả chưa số hóa một cách hiện đại được thì chúng ta vẫn có thể số hóa được theo những phương pháp truyền thống. Ví dụ như dùng các công cụ mình có cách thu thập dữ liệu của mình, có thể không được theo tính thời gian thực nhưng mà thu thập hàng ngày cũng đã rất hữu ích. Tôi nghĩ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, nhìn ở góc độ một doanh nghiệp Startup chưa có đủ nguồn lực để trang bị một hệ thống như vậy thì tôi nghĩ mình cũng có thể số hóa từ những công việc đơn giản.
BTV LAN ANH: Vâng, xin cảm ơn ông. Có những thông tin cho rằng hoạt động số hóa thất bại có tới 40% nguyên nhân từ văn hóa số, văn hóa con người và bài toán nguồn nhân lực là yếu tố trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số của các nhà sản xuất. Được biết, Đại học Công nghiệp Hà Nội là đơn vị có thế mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp thông tin và cung cấp nhân sự cho công tác số hóa trong các ngành sản xuất.
Vậy, thưa tiến sĩ Đặng Trọng Hợp, xin ông cho biết về công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp tại Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện nay ra sao?
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể nói công nghệ số là nền tảng cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, khi chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt là quan tâm đến phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế chia sẻ thì công nghiệp số lại càng có vai trò quan trọng. Để phát triển công nghiệp số thì nhân tố con người có tính chất là then chốt.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển công nghiệp số thì trong những năm vừa qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã liên tục đổi mới, cải tiến các chương trình đào tạo, đặc biệt là mở mới các chương trình đào tạo theo xu hướng và nhu cầu xã hội cần. Có thể nói, trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thống, chúng tôi cũng đã đào tạo hầu hết các ngành như: công nghệ thông tin, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin. Trong những năm vừa rồi, chúng tôi cũng đã mở thêm những ngành mới như về trí tuệ nhân tạo, về robotics phân tích dữ liệu và gần đây nhất chúng tôi cũng là một trong những trường mở đào tạo kỹ sư về chip bán dẫn theo chủ trương của Nhà nước và xu hướng hiện nay.
Hàng năm, Trường Đại học Công nghiệp với quy mô khoảng 35.000 sinh viên thì riêng đối với khối công nghệ thông tin chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng trên 1.000 sinh viên. Còn nếu tính tất cả các sinh viên có liên quan đến lĩnh vực công nghệ số, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng gần 2.000 sinh viên. Có thể nói Trường Công nghiệp Hà Nội là một cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực cho công nghệ số thuộc diện lớn của cả nước.
BTV Lan Anh: Vậy công tác đào tạo được thiết kế để giải quyết những vấn đề và yêu cầu mà ngành đặt ra như thế nào, thưa ông?
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Vâng, đây là một câu hỏi cũng tương đối khó mà chúng tôi cũng phải nghiên cứu và tìm ra nhiều giải pháp để triển khai trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, về mặt triết lý và về mặt định hướng thì trường Đại học Đại học Công nghệ Hà Nội định hướng đào tạo ứng dụng. Chúng tôi mong muốn sinh viên của chúng tôi ra trường có thể tham gia vào các doanh nghiệp ngay lập tức tham gia vào sản xuất, tham gia vào công nghiệp. Do đó chúng tôi quan tâm: Đầu tiên là đào tạo của chúng tôi tiếp cận theo chuẩn đầu ra. Trước đây chúng ta đào tạo tiếp cận theo nội dung, tức là chúng ta dạy sinh viên cái gì, còn bây giờ chúng tôi dạy sinh viên ra để làm được cái gì. Với mỗi chương trình đào tạo, chúng tôi đều đặt câu hỏi xác định chuẩn đầu ra, tức là sinh viên tốt nghiệp thì có năng lực và làm được cái gì và chúng ta có trách nhiệm để dạy sinh viên làm được trong mỗi một môn học và trong mỗi một bài học thì thầy giáo đều phải có trách nhiệm cùng với sinh viên là sau khi học xong bài học này, sinh viên sẽ làm được gì chứ không phải sinh viên học gì.
Tiếp đến, vì là định hướng ứng dụng nên chúng tôi có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với các doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành chương trình đào tạo của chúng tôi.
Ngay từ khi xác định mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra chúng tôi đã cùng với doanh nghiệp để xác định xem nhu cầu của doanh nghiệp thế nào. Sinh viên tốt nghiệp phải có năng lực như vậy. Trong quá trình giảng dạy doanh nghiệp cũng tham gia cùng đào tạo với chúng tôi. Sinh viên năm thứ nhất đã mời doanh nghiệp về để chia sẻ, định hướng. 100% sinh viên công nghệ thông tin thì năm thứ hai đã được trải nghiệm ở môi trường doanh nghiệp. Năm thứ ba cũng rất nhiều sinh viên đã bắt đầu đi thực tập và có việc làm. Đến năm thứ tư sinh viên làm thực tập và đồ án sẽ cùng hướng dẫn với doanh nghiệp. Với cách làm như vậy, sau khi tốt nghiệp 6 tháng đến 01 năm, khoảng 95 đến 98% sinh viên của trường Công nghiệp có việc làm.
Tiếp nữa, trường Công nghiệp thì là một trường tự chủ nên chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo với xã hội nên là tất cả các chương trình đào tạo của chúng tôi đều được kiểm định trong nước và quốc tế. Đặc biệt là hiện nay Trường công nghiệp Hà Nội là trường duy nhất ở miền Bắc có 5 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn ABET của Hoa Kỳ (gồm Khoa học Máy tính, Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử). Trong đó liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin thì có chương trình khoa học máy tính. Ngoài ra có chương trình điện tử, viễn thông cũng thuộc lĩnh vực công nghệ số thì được kiểm định ABET của Hoa Kỳ. Với cách làm như vậy chúng tôi cam kết và đảm bảo với xã hội để chất lượng sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
BTV LAN ANH: Dạ vâng, xin cảm ơn ông và rõ ràng nguồn nhân lực là một trong những bài toán trong công tác số hóa của các ngành sản xuất hiện nay.
Vậy thưa ông Nguyễn An Sơn, ông có thể chia sẻ thêm về công tác ứng dụng chuyển đổi số của ngành Công Thương nói chung và việc áp dụng tại các đơn vị của ngành Công Thương đang gặp những khó khăn và rào cản như thế nào?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Trong thời gian vừa qua, việc triển khai hoạt động chuyển đổi số của ngành Công Thương bên cạnh một số các kết quả đạt được, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một vài khó khăn. Đầu tiên là mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp hiện tại còn khá thấp và cũng không có nhiều doanh nghiệp nhỏ như các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện, có nguồn lực để tiếp cận những chương trình, những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả. Hoạt động chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp có các nguồn vốn FDI, họ có sẵn các nguồn lực, có sẵn công nghệ để ứng dụng được các giải pháp công nghệ số vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đấy là cái khó khăn đầu tiên.
Khó khăn thứ hai là về nguồn nhân lực, nhất là trong cái giai đoạn sắp tới AI cũng đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng và các vấn đề liên quan chất lượng, đến khả năng cung cấp nguồn nhân lực của ngành sản xuất chuyển đổi số trong ngành công nghiệp.
Thứ ba là các mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của các doanh nghiệp hiện tại là còn lạc hậu và để theo kịp quá trình chuyển đổi số chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải thay đổi. Thay đổi không chỉ là về mặt công nghệ mà như anh Nguyên vừa chia sẻ là chúng ta sẽ phải thay đổi cả về quy trình nữa. Quy trình có đáp ứng được dây chuyền công nghệ không thì đấy là một trong những khó khăn của doanh nghiệp và để thay đổi quy trình thì lãnh đạo của doanh nghiệp cũng như lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đầu đầu tiên phải thay đổi về nhận thức. Đấy là khó khăn thứ ba.
Khó khăn thứ tư là sự lệ thuộc vào công nghệ đang có xu hướng thiên về các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn FDI và từ đấy thì nó tạo ra cái việc là những doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với những dây chuyền, công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện quá trình chuyển đổi số của mình.
Về cơ bản những cái khó khăn vừa rồi tôi chúng tôi cũng nhận thấy đa phần đều là những khó khăn chủ quan mà các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự cải thiện để làm sao giảm bớt được những khó khăn đấy, giúp quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhanh hơn.
BTV LAN ANH: Vâng, đó là những khó khăn. Vậy ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm chuyển đổi số và ứng dụng số thành công của các doanh nghiệp sản xuất của ngành Công Thương?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Tôi cũng rất là đồng tình với chia sẻ của anh Nguyên vừa rồi là việc chuyển đổi số nên đi từ những cái nhỏ nhất. Tôi xin lấy ví dụ, tôi cũng được trực tiếp quan sát một doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Đồng Tháp, đầu tiên là họ cũng chỉ sản xuất từ hoa quả tươi, họ triển khai chế biến thành các sản phẩm hoa quả sấy và đầu tiên cũng chỉ cung cấp cho trong nước. Nhưng khi lãnh đạo của doanh nghiệp thay đổi nhận thức là bây giờ họ cần ứng dụng thương mại điện tử, họ cần có thêm các cái kênh mới để cung cấp sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài chẳng hạn, thì lập tức họ tìm đến những cái kênh phân phối thông qua thương mại điện tử, ví dụ như các sàn thương mại điện tử lớn ở nước ngoài. Từ đấy doanh nghiệp đã có thêm những kênh phân phối mới và họ gia tăng được cái sản lượng. gia tăng được các thị trường, cũng như có thêm đều các đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Đấy là một trong những điểm mà tôi cũng xin chia sẻ là việc thay đổi từ những cái nhỏ nhất. Chuyển đổi số từ những cái nhỏ nhất trong các doanh nghiệp là rất quan trọng.
BTV LAN ANH: Vậy thì từ kinh nghiệm thực tế triển khai theo ông, những yếu tố nào sẽ quyết định được việc thành công của công tác chuyển đổi số trong ngành công nghiệp?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Tôi nghĩ là các diễn giả cũng vừa chia sẻ rồi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố về nhận thức của các lãnh đạo các doanh nghiệp, cũng như là từng thành viên trong doanh nghiệp. Đầu tiên là phải thay đổi nhận thức và chúng ta có sẵn sàng chuyển đổi số hay không. Chuyển đổi số là một quá trình, nó không phải là đích đến, bởi vì công nghệ thì thay đổi hàng ngày. Hôm nay công nghệ có thể là mới nhưng mà ngày mai thì có thể nó không còn mới nữa và chúng ta phải nhận thức rõ ràng trong cả một quá trình chuyển đổi số. Từ việc nhận thức đấy chúng ta sẽ sẵn sàng thay đổi, chúng ta sửa đổi các quy trình sản xuất của mình, cũng như sửa đổi những cái không còn phù hợp nữa để làm sao mà chúng ta áp dụng được bài học thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
MC: Vâng, xin cảm ơn ông Sơn và rõ ràng chuyển đổi số là một quá trình, không phải là đích đến và điều quyết định để thành công của công tác này là người đứng đầu phải có nhận thức đúng và có kế hoạch bài bản hay không.
Quay trở lại với đại diện của doanh nghiệp sản xuất, thưa tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên, quá trình chuyển đổi số ở Selex Motors đã gặp phải những thuận lợi và khó khăn như thế nào và chúng ta đã hóa giải những khó khăn này ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Đối với một doanh nghiệp thì tôi nghĩ là luôn luôn có câu chuyện cân bằng giữa lợi ích và chi phí thì chuyển đổi số cũng thế thôi. Nếu như chuyển đổi số mang lại lợi ích thì doanh nghiệp sẽ tìm cách để đầu tư vào và triển khai áp dụng. Tuy nhiên, tôi nghĩ khó khăn mà lúc nãy tôi nói có thể là đâu đấy nhận thức là mình chưa nhìn thấy được cái lợi ích của chuyển đổi số.
Thứ hai, lợi ích chung của nhà sản xuất, cụ thể để nhìn được trong chuỗi sản xuất đấy, chỗ nào mình có thể số hóa được và lợi ích mang lại nhiều nhất và xác định mình có những lộ trình để mình làm, đó cũng sẽ là những khó khăn chung của các doanh nghiệp sẽ gặp phải.
Xuất phát từ những điều đó thì để giải được người đứng đầu của doanh nghiệp sẽ cần có tầm nhìn về chuyển đổi số. Thứ hai là mình phải có những phân tích, đánh giá hệ thống của mình hiện tại có những khâu nào mình có thể chuyển đổi số phù hợp nhất, giống như anh Sơn vừa nói, chúng ta không cần phải chuyển đổi số toàn bộ hệ thống ngay lập tức, cái đó không phù hợp. Chúng ta chỉ cần xác định những điểm nào cần thiết trước, mang lại lợi ích nhanh nhất, từ đó chúng ta sẽ tạo được động lực, động lực về mặt cách làm, về mặt văn hóa cũng như là về mặt cả tài chính nữa thì chúng ta làm từng bước.
Cái khó khăn nữa tôi nghĩ là có những giải pháp chuyển đổi số phù hợp. Hiện tại có nhiều giải pháp trên thị trường nhưng tôi nghĩ là đang đắt đỏ và đang không được linh hoạt lắm, không phù hợp với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường. Chúng ta cần có thêm nhiều giải pháp may đo phù hợp với đặc thù của từng đối tượng doanh nghiệp và đây cũng là một cơ hội chung cho các công ty phát triển các giải pháp số cho lĩnh vực sản xuất để có thể đáp ứng được những giải pháp đúng với nhu cầu và ở một mức chi phí phù hợp.
Thứ ba nữa, vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng. Bởi vì cuối cùng, những nhân sự trực tiếp đấy họ có thực sự nhận thức được và họ có thực sự ủng hộ việc chuyển đổi số không và có đủ kỷ luật để thực hiện không. Cần sự kết hợp giữa các bên, phía bên đào tạo và phía doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức để những người thực hiện cũng ủng hộ. Còn đầu tư một dây chuyền hoặc là hạ tầng IoT đồng bộ về nhưng cuối cùng không ai sử dụng hoặc là không muốn sử dụng thì cũng chỉ là lãng phí.
BTV LAN ANH: Vâng và cũng cùng câu hỏi với ông Nguyễn An Sơn thì theo ông yếu tố nào sẽ quyết định tới sự thành công hay là thất bại trong quá trình chuyển đổi số?
TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Tôi nghĩ nhận thức là cái quan trọng nhất, ý chí của người đứng đầu và nhận thức của họ nhìn nhận, đánh giá đúng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp và có những lộ trình để mà chuyển đổi một cách phù hợp. Để có sự chuyển đổi đấy thì tôi nghĩ là ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, đơn vị đào tạo có thể có nhiều thêm các hoạt động đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp để họ nhận thức được vai trò của chuyển đổi số. Tôi nghĩ đó là cái mấu chốt.
BTV LAN ANH: Dạ. Vâng, xin cảm ơn ông, hoặc là câu chuyện về nguồn nhân lực thì rõ ràng là rất là cấp bách trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu số hóa của doanh nghiệp sản xuất vẫn còn tình trạng vênh giữa cung và cầu, tức là từ cơ sở đào tạo đến thực tiễn doanh nghiệp còn có khoảng cách. Vậy thưa tiến sĩ Đặng Trọng Hợp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Và theo ông, quá trình đào tạo nhân sự cho công nghệ cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và đang gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Và làm thế nào để cho cung và cầu cũng khớp nhau ạ?
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Trước khi nói về khoảng cách giữa cung và cầu thì cũng chia sẻ với quý vị một thông tin rất vui là nếu đánh giá chỉ số chung nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao và có thứ hạng trên thế giới. Có thể nói là về kỹ năng của lập trình viên Việt Nam nằm trong top 10 của thế giới. Các lập trình viên tự do đứng thứ 02 thế giới. Kỹ năng của các nhà phát triển thì cũng rất là tốt. Chính vì vậy, chúng ta cũng thấy hiện nay xu hướng của các doanh nghiệp lớn, các Big Tech đang đầu tư vào Việt Nam cũng tương đối nhiều thì đấy là thuận lợi.
Quay trở lại với câu hỏi về khoảng cách, theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi chia sẻ hai cái. Khoảng cách thứ nhất là khoảng cách giữa khả năng cung cấp và nhu cầu số lượng về nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay. Hiện nay thì ở Việt Nam chúng ta thì làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng gần 600.000 người.
Theo thống kê tại năm 2024 này chúng ta cũng đang thiếu khoảng 170.000 người, 2025 chúng ta thiếu khoảng 200.000 và đến năm 2026 chúng ta thiếu khoảng 220.000 người. Trong khi đấy thì năng lực đào tạo của toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học hiện nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng chỉ khoảng trên 60.000 người một năm.
Chưa kể trong chiến lược bán dẫn của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực về công nghiệp bán dẫn chúng ta cũng mới xác định là 2025 là 25.000 và sau đó lên đến 100.000 nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, có thể nói sự thiếu hụt về nhu cầu nhân lực vẫn đang rất lớn. Đây cũng là cơ hội cho các cơ sở giáo dục đào tạo của chúng tôi để làm thế nào phát huy để đào tạo, cung cấp đủ nguồn nhân lực này.
Không những ở Việt Nam, trên thế giới cũng như vậy. Hiện nay ở Châu Âu có khoảng 10 triệu người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, họ cũng thiếu rất nhiều. Nhật Bản dự kiến cũng thiếu khoảng 790.000 người. Thế nên chúng ta thấy trong những năm vừa rồi, việc làm gia công cho thị trường Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ của Việt Nam cũng phát triển rất tốt trong.
Khoảng cách thứ hai là năng lực của nhân sự mà chúng ta đào tạo ra với yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay mặc dù là chúng ta cung cấp tuyển sinh khoảng độ hơn 60.000 và chúng ta cung cấp ra thị trường cũng con số tương tự như vậy hàng năm. Tuy nhiên là số lượng đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp không cao và doanh nghiệp thường kêu ca là phải đào tạo bổ sung và tái đào tạo. Đấy là khoảng cách mà chúng ta phải thừa nhận.
Thực tế thì trong một, hai năm gần đây, anh Sơn vừa có nói đến cái việc phát triển của AI, mặc dù AI thì là lĩnh vực mà chủ đạo, sáng tạo của công nghệ thông tin nhưng nó cũng là lĩnh vực tác động mạnh đến nhân lực của ngành công nghệ thông tin. Bởi vì là với các doanh nghiệp hiện nay làm về công nghệ thông tin thì cũng ứng dụng AI rất nhiều, nên các công việc có tính chất giản đơn sẽ bị giảm đi. Nên nếu chúng ta đào tạo nhân lực ra mà chất lượng thấp, tức là làm ở những cái vị trí công việc giản đơn thì sẽ thất nghiệp. Do đó đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo phải nâng cao chất lượng đào tạo của mình, phải đào tạo ra những kỹ sư, những cử nhân làm ở các vị trí công việc cao hơn, có tính chất sáng tạo hơn thì mới có thể đáp ứng được. Tôi nghĩ là đấy là khoảng cách thứ hai mà giữa nhu cầu cũng như năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục.
Còn nói về thuận lợi và khó khăn khi chúng tôi tổ chức đào tạo nhân lực về công nghệ số thì tôi nghĩ đối với Việt Nam hiện nay, thuận lợi là nhiều hơn. Thứ nhất là có thể nói là tố chất của người Việt Nam thì về toán học, về STEM là tương đối là tốt. Thuận lợi thứ hai là trong giai đoạn vừa qua được sự quan tâm của Nhà nước, công tác truyền thông và bản thân lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số cũng phát triển, công việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn nên hiện nay lĩnh vực này đang thu hút được rất nhiều học sinh và các bạn trẻ tham gia học những ngành này nên chất lượng đầu vào những người giỏi lựa chọn lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số rất là nhiều. Đấy là đầu vào, là cơ hội tốt để chúng ta đào tạo ra chất lượng cao hơn.
Thuận lợi nữa là Việt Nam trong những năm vừa qua cũng là một trung tâm mà các doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào rất nhiều. Chúng tôi cũng đang làm việc với đối tác là trung tâm R&D của Samsung. Trung tâm R&D của Samsung ở Việt Nam được định hướng là trung tâm R&D lớn nhất thế giới. Trung tâm R&D của LG cũng là đối tác của chúng tôi cũng vừa mới khai trương văn phòng cách đây hơn một tháng, cũng định hướng là trung tâm R&D lớn nhất ở châu Á. Tôi nghĩ đấy là cái thuận lợi.
Một thuận lợi nữa là Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng để phát triển lực lượng lao động trẻ, lao động về kỹ thuật, công nghệ rất tốt. Đây cũng là một cơ hội tốt mà tôi nghĩ là chúng ta cần phải bắt nhịp, cần phải đào tạo để chúng ta bắt nhịp và theo kịp sự phát triển của thế giới. Đây là một cơ hội rất tốt cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Còn về khó khăn thì cũng có. Khó khăn thứ nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành của chúng ta hiện nay cũng thiếu. Thứ hai nữa là đào tạo trong lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi cơ sở vật chất cũng rất là lớn, đặc biệt là những lĩnh vực mà chúng ta mới quan tâm hiện nay mà chúng ta đang nói rất nhiều là bán dẫn, chẳng hạn thì để đào tạo được các kỹ sư bán dẫn thì chi phí rất cao. Trong hè vừa rồi chúng tôi cũng có đoàn sang công tác tại một trường đại học Trung Quốc chưa phải là top đầu, nhưng một dây chuyền để thực hành cho sinh viên, thí nghiệm cho sinh viên, một công nghệ cũng cách đây 5-7 năm nhưng cũng khoảng 20 triệu USD. Có thể nói là nếu với chi phí như vậy mà các trường đại học Việt Nam thì rất là khó để đầu tư được.
Một cái khó khăn nữa là nhân lực công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà như anh Nguyên ở đây cần thì nó đòi hỏi tính liên ngành rất là cao. Trước đây các trường đại học chúng ta có xu hướng đào tạo đơn ngành là chính. Công nghệ thông tin là công nghệ thông tin. Nhưng khi chuyển đổi số trong công nghiệp, trong sản xuất thì không chỉ công nghệ thông tin mà còn là IoT, còn về tự động hóa điện tử, đấy là những khó mà nhân lực của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được.
Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng đang phải chuyển đổi các chương trình đào tạo theo xu hướng liên ngành và chuyên ngành để có thể đáp ứng được nhu cầu này.
BTV LAN ANH: Dạ vâng, có thể thấy là trong quá trình đào tạo đã gặp rất nhiều khó khăn. Vậy thưa tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên thì bài toán về nguồn nhân lực được Công ty giải quyết như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Chúng tôi thì cũng có những khó khăn chung như anh Hợp đã chia sẻ về nguồn nhân sự, nhân lực. Thực ra có hai cái yếu tố. Một là về chất lượng và số lượng, thì nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp startup như Selex thì để cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn, để thu hút được những bạn sinh viên giỏi là rất khó. Những người làm việc có kinh nghiệm giỏi cũng rất khó. Cách mà chúng tôi giải quyết bài toán này thì chúng tôi phải dựa vào đào tạo nguồn nhân lực nội tại của công ty. Chúng tôi có những chương trình đào tạo dài, thậm chí một năm rưỡi bắt đầu từ sinh viên năm cuối và các bạn sẽ có những cái giai đoạn thực tập 6 tháng và sau đấy một năm thì làm việc toàn thời gian. Qua những chương trình đào tạo như thế chúng tôi sẽ phần nào chủ động được nguồn nhân sự liên tục cho Công ty. Bên cạnh đó mình vẫn phải có những nhân sự nòng cốt của công ty để có thể dẫn dắt được các bạn và phát triển các bạn. Đấy là cách mà chúng tôi giải quyết bài toán về nhân sự.
BTV Lan Anh: Dạ vâng, xin cảm ơn ông! Có thể thấy trong bối cảnh mới hiện nay, yêu cầu chuyển đổi số đang tạo ra rất là nhiều thách thức tới doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu nói chung và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nói riêng. Vậy thưa ông Nguyễn An Sơn, xin ông cho biết xu hướng chuyển đổi số trong thời gian tới sẽ diễn ra như thế nào và bài toán đặt ra cho các nhà sản xuất Việt Nam cần phải ứng dụng chuyển đổi số ra sao để nắm bắt được xu hướng và đáp ứng yêu cầu này trong thời gian tới?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Chúng tôi nhận định một vài xu hướng chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới. Đầu tiên việc phát triển Chính phủ số là xu hướng tất yếu và khi mà dịch vụ hành chính công trực tuyến đã phát triển, đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như người dân thì chúng ta cũng phần nào đấy giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ngay cả những vấn đề về mặt nhân lực chẳng hạn, khi nguồn cung ứng nhân lực trong nước chúng ta chưa đáp ứng được thì hoàn toàn là chúng ta có thể thuê các nhân sự nước ngoài?
Khi nhân sự nước ngoài làm việc ở Việt Nam thì việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến làm sao để thuận lợi nhân sự đấy làm việc được ở Việt Nam một cách nhanh chóng và không tốn quá nhiều thời gian đấy cũng là một hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển hoạt động chuyển đổi số. Hay như việc chúng ta chuyển đổi số, sử dụng các máy móc, các trang thiết bị tiên tiến nhập từ nước ngoài chẳng hạn, thì hoạt động nhập khẩu mà dịch vụ hành chính công trực tuyến phát triển và đáp ứng được việc đấy thì chúng ta rút ngắn được rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp cũng như người dân. Đấy là xu hướng đầu tiên.
Xu hướng thứ hai là ứng dụng chuyển đổi số trong các công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ ngày càng được chú trọng và ngày càng hoàn thiện hơn. Từ việc đấy sẽ dẫn đến các kho dữ liệu mở liên quan đến sản xuất, liên quan đến các ngành công nghiệp cũng sẽ đầy đủ hơn, có nhiều thông tin dữ liệu để cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể sử dụng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Xu hướng thứ ba là thương mại điện tử sẽ là một xu hướng tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới và doanh nghiệp khi sản xuất yếu tố cuối cùng vẫn là bán hàng. Việc ứng dụng thương mại điện tử ngay từ đầu sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu ra của mình, chủ động hơn trong kênh bán của mình và từ đấy hoạt động sản xuất cũng sẽ được yên tâm hơn và thuận lợi hơn.
Đấy là ba xu hướng mà tôi cho rằng sẽ phát triển trong trong thời gian tới. Bên cạnh những việc là ứng dụng tại chính các doanh nghiệp là Big Data hay là các công nghệ về trí tuệ nhân tạo hay là những dây chuyền sản xuất thông minh thì đấy là các xu hướng và để mà nắm bắt xu hướng thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị ba yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là các nhân sự ở trong doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được việc là đáp ứng các xu hướng. Không chỉ là nhân sự trong lĩnh vực công nghệ mà cả những nhân sự trong quản lý. Chúng ta muốn quản lý được quy trình, những phương thức sản xuất mới khi chuyển đổi số thì rõ ràng không chỉ là nhân sự về công nghệ mà còn là cả nhân sự về quản lý hay là những cái nhân sự khác nữa.
Yếu tố thứ hai là chúng ta nên dần dần làm chủ các công nghệ không phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài nữa, điều đấy sẽ làm cho việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ tiến đến bền vững hơn và cuối cùng như tôi có vừa trình bày là nên ứng dụng thương mại điện tử ngay từ đầu để làm sao đảm bảo việc chúng ta sẵn sàng cho những yếu tố khi chuỗi cung ứng đầu ra theo phương thức truyền thống bị đứt gãy chẳng hạn thì chúng ta vẫn còn một cái kênh nữa để làm sao không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
BTV LAN ANH: Dạ vâng, xin cảm ơn ông và quay trở lại với tiến sĩ Đặng Trọng Hợp. Để giải quyết những phần này về đào tạo nhân lực thì tiến sĩ có đề xuất các giải pháp phát triển và liên kết đào tạo nào để nhằm đáp ứng cái nguồn nhân lực cho ngành, cho các doanh nghiệp sản xuất trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tới đây ạ?
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tôi nghĩ rằng giải pháp thì cần đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở giáo dục đại học. Về phía cơ quan nhà nước cần tăng cường truyền thông và đầu tư giáo dục về STEM ngay từ học sinh phổ thông để tạo nguồn phát triển nguồn nhân lực số.
Thứ hai, như tôi chia sẻ lúc nãy thì đào tạo nhân lực công nghệ số thì đòi hỏi đầu tư rất lớn thì bản thân các trường đại học cũng rất là khó làm. Nhà nước cũng cần có các chính sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thể chọn những trường đại học lớn để thành những cái trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ số để dẫn dắt các cái cơ sở khác.
Thứ ba nữa là chúng ta cũng nói nhiều nhưng cần có các chính sách để thu hút nguồn nhân lực, các chuyên gia giỏi từ các nước phát triển về, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, việc này cũng rất là quan trọng.
Thứ tư nữa là công nghệ số thay đổi mô hình kinh doanh và vận hành nên nó cũng đòi hỏi chúng ta có rất nhiều cái mới mà các quy định trước đây chúng ta chưa chưa áp dụng được. Thế thì cũng cần có các cơ chế để thử nghiệm hoặc là có các chính sách đặc thù trong việc thương mại hóa các sản phẩm số. Tôi lấy ví dụ như về vấn đề định giá các sản phẩm về trí tuệ nhân tạo bây giờ chẳng hạn, hiện nay rất khó để mang ra áp dụng.
Về phía các cơ sở giáo dục đại học thì tôi nghĩ là cần phải gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo và thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, những giảng viên ở nước ngoài về cộng tác với các trường đại học, các cơ sở nước ngoài. Về cơ sở vật chất tôi nghĩ là trong lúc chờ Nhà nước thì chúng ta cũng cần có những cái giải pháp, đó là liên kết với các doanh nghiệp, liên kết với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Ví dụ như ở Trường Đại học Công nghiệp hiện nay cũng có rất nhiều lab của bên Samsung hoặc của LG đầu tư vào để vận hành, đấy là những giải pháp mà các cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng.
BTV LAN ANH: Vâng, vậy thì ông có thể chia sẻ thêm là những cái giải pháp của Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ triển khai trong thời gian tới để đáp ứng nguồn nhân lự cho chuyển đổi số ạ?
TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Vâng, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội triển khai rất nhiều giải pháp. Thứ nhất là trong giai đoạn tới chúng tôi tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình sang Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong đó chúng tôi có thành lập trường công nghệ thông tin truyền thông với mục đích tập trung vào khai thác tốt hơn nguồn lực đào tạo trong lĩnh vực này. Hiện nay có thể đang rải rác ở nhiều đơn vị khác nhau.
Thứ hai, chúng tôi rất coi trọng hợp tác với các doanh nghiệp để khai thác nguồn lực của doanh nghiệp. Có thể nói là đối với trường Công nghiệp thì chúng tôi có khoảng trên 3000 doanh nghiệp là hợp tác thường xuyên. Ngay trong lĩnh vực công nghệ thông tin của chúng tôi cũng có khoảng gần 300 doanh nghiệp là hợp tác. Chúng tôi hợp tác với hầu hết các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG, FPT, họ cùng với chúng tôi tham gia vào quá trình đào tạo.
Thứ ba nữa là chúng tôi cũng thay đổi những chính sách để thu hút nhân sự. Đây là một vấn đề rất là quan trọng hiện nay. Bản thân trong lĩnh vực giáo dục của chúng tôi cũng có sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhân sự chứ không chỉ doanh nghiệp của anh Nguyên. Do vậy, chúng ta cũng phải có những chính sách để thu hút và giữ chân các nhà khoa học có chuyên môn cao và đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Trong những năm vừa rồi chúng tôi cũng đầu tư rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Có các chính sách để khuyến khích các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu và công bố các xuất bản trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Trong những năm vừa rồi số lượng công bố các công trình trên các tạp chí quốc tế có uy tín của Trường Công nghiệp cũng phát triển rất mạnh.
BTV LAN ANH: Dạ, vâng, xin cảm ơn ông ạ. Câu hỏi tiếp theo tôi xin gửi tới Tiến sĩ Nguyên ạ. Ông có thể chia sẻ những kế hoạch tiếp theo của Selex Motors để triển khai trong quá trình số hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh?
TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hóa các công đoạn sản xuất của chúng tôi, cũng như là quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng và các dịch vụ hậu mãi của sản phẩm. Như tôi chia sẻ ở trên, chúng tôi sẽ làm từng bước, sẽ xác định những khâu nào cần thiết làm trước thì chúng tôi sẽ làm. Doanh nghiệp luôn định hướng chuyển đổi số là thực sự cần thiết và sẽ phải cân đối giữa nhiều nguồn lực và lộ trình phát triển thì sẽ làm từng bước một.
BTV LAN ANH: Vâng, vậy thì theo ông để chuyển đổi số thành công ở các doanh nghiệp sản xuất, trong thời gian tới chúng ta cần thêm những trợ lực như thế nào và đặc biệt là ở góc độ chủ thể triển khai thì cần phải nâng cao khả năng đáp ứng ra sao ạ?
TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors
Tôi nghĩ là về trợ lực thì về mặt cơ quan quản lý nhà nước, hoặc là các hiệp hội thì nên có nhiều chương trình hỗ trợ. Bên cạnh câu chuyện đào tạo thì có thể có những chương trình hỗ trợ đến từng doanh nghiệp giúp có thể là tư vấn về những vấn đề mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi số. Thực ra doanh nghiệp, vì nhiều lý do khác nhau mà có thể rất khó để dành một thời gian, hoặc có cái nhìn khách quan để đánh giá được cơ sở sản xuất của mình có thể là chuyển đổi số để phù hợp và hiệu quả với quá trình sản xuất của mình hiện tại. Như vậy, tôi nghĩ là câu chuyện về vấn đề nhận thức là một, nhưng có những chương trình hỗ trợ để có thể cụ thể hóa được một số các chuyển đổi, làm thí điểm trong doanh nghiệp thì tôi nghĩ nó sẽ tạo đà để các doanh nghiệp thay đổi nhận thức một cách mạnh mẽ và thứ hai nữa là thấy được hiệu quả của chuyển đổi số và tạo đà để họ có thể tiếp tục.
Ngoài ra, tôi nghĩ nên có các chương trình khuyến khích hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đang phát triển các giải pháp số. Cái đó cũng quan trọng, bởi vì chuyển đổi số thì giải pháp rất quan trọng. Ngoài việc ý chí mong muốn nhưng giải pháp cũng rất quan trọng để có thể chuyển đổi được. Nếu chúng ta vẫn dựa vào các giải pháp của nước ngoài thì sẽ rất đắt đỏ, rất khó tiếp cận, nhưng trong nước tôi nghĩ là hoàn toàn có thể tự làm được, thì cần có những chính sách để khuyến khích phát triển các giải pháp. Khi có sản phẩm phù hợp thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận.
BTV LAN ANH: Dạ vâng, xin cảm ơn ông. Chúng ta vừa lắng nghe những chia sẻ từ phía doanh nghiệp và từ phía đơn vị cung cấp nhân lực cho Số Hóa. Với câu hỏi cuối cùng tôi xin gửi tới ông Nguyễn An Sơn. Theo ông thì Bộ Công Thương sẽ có thêm những hoạt động tiếp theo như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới?
Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Với việc xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 thì Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số chuyển đổi số xuyên suốt trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số
- Nghiên cứu, đề xuất, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hướng đến mô hình nhà máy thông minh.
- Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030 và triển khai có hiệu quả Chương trình sau khi được phê duyệt, tạo cơ sở thống nhất cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận với các mô hình sản xuất thông minh.
Hai là, nâng cao năng lực
- Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
- Tăng cường nhận thức, năng lực lãnh đạo, tổ chức, làm việc trong môi trường số và thực hiện sản xuất thông minh.
- Tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách pháp luật và các hoạt động chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ khai thác, sử dụng các nền tảng số, hệ thống và hệ sinh thái chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
- Tăng cường công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học thuộc Bộ Công Thương quản lý nhằm phục vụ cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
- Thiết lập môi trường phát triển, hình thành các cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho phát triển sản xuất thông minh.
- Hỗ trợ tăng cường liên kết theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các doanh nghiệp với đối tác trong nước và quốc tế.
- Nâng cao chỉ số môi trường công nghệ quốc gia gắn với thúc đẩy sản xuất thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lực công nghệ và thử nghiệm sản phẩm, phát triển tài nguyên và hạ tầng số.
- Phát triển lực lượng và tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh Cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; thuốc lá; rượu-bia-nước giải khát; khoáng sản; hóa chất…) được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công đạt 90%;
- Tỷ lệ số hóa hồ sơ thực hiện TTHC, số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 100%.
BTV LAN ANH: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
Thưa quý vị và các bạn.
Như chúng ta vừa nghe chia sẻ của các vị khách mời, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển và xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp không chỉ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của các chuyên gia, mà còn là sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong mỗi doanh nghiệp.
Nắm bắt được những cơ hội từ xu hướng cộng thêm sự quyết tâm chuyển đổi của các doanh nghiệp sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự Tọa đàm hôm nay của Tạp chí Công Thương.
Xin trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị.
Xin kính chào và hẹn gặp lại.