TÓM TẮT:
Trong quá trình sản xuất, cung cấp hàng hóa và cung ứng dịch vụ, các thương nhân có nhiều trách nhiệm liên quan với người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dân sự, thương mại, quảng cáo, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn và quy chuẩn, giá,...
Trên cơ sở xem xét, phân tích các quy định hiện hành, bài viết đã đánh giá thực trạng thực thi cũng như có một số đề xuất liên quan đến việc hoàn thiện các quy định này.
Từ khóa: Trách nhiệm, thương nhân, tổ chức, cung cấp thông tin, hàng hóa, người tiêu dùng.
1. Đặt vấn đề
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế nhờ có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế: “Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương”[1]. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế, thương mại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và khoa học - công nghệ, NTD chưa bao giờ dễ dàng đến vậy trong việc tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi các thương nhân (hay còn gọi là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ[2] theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD) trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường hàng hóa dịch vụ, nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi của NTD cũng gia tăng ở mức độ cao[3]. Nhiều thương nhân vì mục tiêu lợi nhuận đã thực hiện không đầy đủ hoặc thậm chí không thực hiện trách nhiệm của mình đối với NTD. Một trong những hành vi vi phạm trách nhiệm phổ biến nhất của các thương nhân đối với NTD chính là trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa dịch vụ cho NTD, đặc biệt trong bối cảnh thông tin giữa hai bên luôn bất cân xứng.[4]
2. Các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD của thương nhân
Trong quan hệ tiêu dùng, cung cấp thông tin là một khái niệm kết hợp giữa tính pháp lý và tính kỹ thuật. Khái niệm này được hiểu là hành vi của các thương nhân nhằm cung cấp đúng, đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa/dịch vụ cung cấp cho NTD và những thông tin liên quan đến việc giao kết cũng như thực hiện hợp đồng. Các thông tin này bao gồm nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, các thông số kỹ thuật để hướng dẫn vận hành và sử dụng sản phẩm, về các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, giá cả sản phẩm/dịch vụ, các điều kiện bảo hành, bảo trì,... và các thông tin có liên quan khác. Dựa trên các thông tin này, NTD sẽ đưa ra quyết định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng, cũng như xác định trách nhiệm đối với hàng hóa khuyết tật, dịch vụ kém chất lượng trong quá trình thực hiện, trách nhiệm bảo hành trong giai đoạn hậu mãi.
Trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân dựa trên các căn cứ pháp lý sau đây:
2.1. Trách nhiệm cung cấp thông tin trong pháp luật dân sự
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật dân sự, nghĩa vụ cung cấp thông tin là nghĩa vụ chủ yếu của bên bán. Cụ thể, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 khi quy định về Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng[5] có yêu cầu bên bán “cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản”. Điều này có ý nghĩa bảo đảm các quyền tài sản cho bên mua, đặc biệt là quyền sử dụng.
Thứ hai, ngoài bên bán, pháp luật dân sự còn đặt ra nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với các thương nhân ở nhiều khâu trong chuỗi sản xuất, cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho NTD. Cụ thể như: Bên thế chấp, người chuyển giao quyền, bên cho thuê, bên cho mượn tài sản, bên sử dụng dịch vụ, bên vận chuyển, bên ủy quyền…[6]
Tuy nhiên, do BLDS là một bộ luật quy định cho các đối tượng chủ thể đa dạng, bình đẳng nói chung nên vị trí bất lợi và yếu thế của NTD trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện rõ nét, dẫn đến các quy định trong BLDS về trách nhiệm cung cấp thông tin không bảo vệ được triệt để quyền lợi NTD.
2.2. Trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin cho NTD trong pháp luật thương mại
Đầu tiên, nghĩa vụ của thương nhân trong việc cung cấp đầy đủ thông tin cho NTD về hàng hóa, dịch vụ là một trong những nguyên tắc quan trong nhất trong Luật Thương mại 2005, theo đó “Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho NTD về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.”[7]
Thứ hai, để cụ thể hóa nguyên tắc cung cấp thông tin của thương nhân, pháp luật thương mại cũng quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân khi thực hiện một số loại hình giao dịch, cụ thể như: Bên bán, bên cung ứng dịch vụ, thương nhân thực hiện khuyến mại, bên thuê quảng cáo thương mại, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá/ dịch vụ, bên giao đại diện, bên được môi giới, bên ủy thác, bên giao đại lý, người tổ chức đấu giá, bên thuê dịch vụ quá cảnh,…
Có thể thấy, về bản chất, pháp luật thương mại xây dựng chủ yếu nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa thương nhân và thương nhân. Vấn đề trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin cho NTD về cơ bản được điều chỉnh trên nền tảng các nghĩa vụ cung cấp thông tin nói chung của thương nhân trong hoạt động thương mại.
2.3. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD trong pháp luật bảo vệ NTD
Đầu tiên, ở góc độ NTD, Luật Bảo vệ quyền lợi (BVQLNTD) 2010 quy định NTD có quyền “được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác”[8] và các thông tin được quyền nhận được, bao gồm: “... thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.”
Thứ hai, ở chiều ngược lại, Luật đặt ra nghĩa vụ và trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD [9].
Thứ ba, Luật cũng cấm thương nhân che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa/ dịch vụ, về thương nhân và về giao dịch[10] hoặc che dấu thông tin về an toàn sản phẩm hàng hóa[11].
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, thương nhân sẽ có trách nhiệm cung cấp cho NTD các thông tin liên quan đến các nội dung: (i) Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; (ii) Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; (iii) Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của NTD và các biện pháp phòng ngừa; (iv) Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; (v) Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; (vi) Thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
Trong các nội dung này, có hai nội dung điển hình chính là ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá.
2.3.1. Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật
Quy định pháp luật liên quan trực tiếp nhất đến vấn đề “ghi nhãn hàng hóa” chính là Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa (Nghị định số 43/2017/NĐ-CP). Đây là Nghị định được ban hành căn cứ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Thương mại 2005 và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010.
Thứ nhất, trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, các khái niệm pháp lý cơ bản liên quan đến ghi nhãn hàng hóa đã được xây dựng như “Nhãn hàng hóa”[12] và “Ghi nhãn hàng hóa[13]”.
Thứ hai, căn cứ quy định của Nghị định này thì các thương nhân có trách nhiệm ghi nhãn[14] đối với mọi loại hàng hóa do mình sản xuất, cung cấp, trừ một số trường hợp đặc biệt[15].
Thứ ba, thông tin bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, trên nhãn còn phải có “Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa”. Các nội dung này được xác định theo Phụ lục I của Nghị định 43/2007/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã quy định khá rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của thương nhân. Ngoài ra, khi cung cấp các hàng hóa, thương nhân cũng cần thực hiện theo các quy định đặc thù trong những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong đó có bổ sung thêm một số nội dung hướng dẫn cụ thể hơn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, chủ yếu do yêu cầu riêng xuất phát từ đặc điểm của hàng hóa[16].
Trong pháp luật thương mại cũng có một số nội dung quy định về ghi nhãn hàng hóa, tuy nhiên, các quy định này khá đơn giản.
Thứ nhất, Luật Thương mại 2005 cũng xây dựng khái niệm “nhãn hàng hóa”[17] và đặt ra yêu cầu phải ghi nhãn hàng hóa[18] đối với mọi loại hàng hóa từ lưu thông trên thị trường đến hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Thứ hai, để cụ thể hóa, Luật Thương mại 2005 đặt ra yêu cầu ghi nhãn đối với hàng hóa và nghĩa vụ trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của thương nhân trong một số hoạt động thương mại cụ thể như: Trưng bày, giới thiệu hàng hóa[19]. Đồng thời, đặt ra vấn đề xử lý đối với các vi phạm về ghi nhãn hàng hóa[20].
2.3.2. Niêm yết giá
Giá hàng hóa, dịch vụ được coi là một yếu tố quan trọng trong giao dịch giữa NTD và tổ chức kinh doanh. Giá hàng hóa phản ánh giá trị mà NTD phải trả để nhận được hàng hóa, dịch vụ. Về nguyên tắc, mọi thương nhân khi cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho NTD đều phải niêm yết giá. Vấn đề niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không được quy định trong BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, hiện tại, có cả hệ thống văn bản điều chỉnh vấn đề giá nói chung và niêm yết giá nói riêng, đó là Luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn.
Thứ nhất, Luật Giá 2012 đã xây dựng được các khái niệm cơ bản có liên quan, trong đó có khái niệm về “niêm yết giá”[21].
Thứ hai, Luật Giá 2012 đã coi niêm yết giá là một nghĩa vụ[22] của thương nhân và quy định rõ việc niêm yết giá liên quan đến cả hai nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và Nhà nước không định giá.
Thứ ba, Luật Giá 2012 yêu cầu các thương nhân phải công khai thông tin về giá và quy định rõ hình thức không khai chính là niêm yết giá[23].
2.3.3 Trách nhiệm của bên thứ ba
Ngoài các thương nhân trực tiếp thực hiện cung cấp thông tin, đối với các thương nhân khác, pháp luật bảo vệ NTD còn đặt ra trách nhiệm đối với bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD.
Thứ nhất, trong BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005 không xây dựng khái niệm “bên thứ ba”, tuy nhiên, có đề cập đến “bên thứ ba” khi điều chỉnh một số hoạt động dân sự và thương mại. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, “bên thứ ba” chính là một bên khác với hai bên tham gia giao dịch (với quan hệ tiêu dùng là giữa NTD và thương nhân).
Thứ hai, trong pháp luật bảo vệ NTD, khái niệm “bên thứ ba” trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD được xây dựng từ Nghị định số 19/2012/NĐ-CP[24] sau đó được tích hợp vào Nghị định số 185/2013/NĐ-CP[25]. Theo đó, “bên thứ ba”[26] trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD được xác định bao gồm các tổ chức cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và truyền tải thông tin về hàng hóa, dịch vụ đến NTD [27].
Thứ ba, “bên thứ ba” được xác định là một bên phải chịu trách nhiệm (trực tiếp và liên đới)[28] liên quan đến việc cung cấp thông tin cho NTD dù thực tế bên thứ ba thường là bên tham gia theo yêu cầu của thương nhân trực tiếp cung cấp thông tin.
Thứ tư, Luật BVQLNTD 2010 đặt ra trách nhiệm “đặc thù” của bên thứ ba đối với chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông.
Về bản chất, hai chủ thể này cũng là “bên thứ ba”, tuy nhiên, do vai trò “trung gian” quan trọng, nên nhóm chủ thể này được xếp vào nhóm “bên thứ ba đặc thù” khi có bổ sung thêm một số trách nhiệm[29] nhằm tác động, kiểm soát nền tảng thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin.
Qua nghiên cứu các quy định hiện hành về trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD của thương nhân có thể rút ra một số đánh giá sau:
Thứ nhất, về chủ thể, trách nhiệm cung cấp thông tin được xác định thuộc về các thương nhân tham gia vào tất cả các khâu từ sản xuất đến cung cấp hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho NTD. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về người sản xuất và người bán hàng nhưng cũng có cả trách nhiệm của các thương nhân khác, trong đó có cả ở khâu xây dựng và truyền tải thông tin tới NTD.
Thứ hai, các thông tin chủ yếu phải cung cấp bao gồm các thông tin về: (i) Hàng hóa, dịch vụ (chất lượng, số lượng, thành phần, xuất xứ, thời hạn sử dụng, thông số, cảnh báo, tính chất,…); (ii) Thông tin về thương nhân (tên, địa chỉ, tài chính, hoạt động,…); và (iii) Các thông tin khác liên quan đến giao dịch (điều kiện, điều khoản, phương thức thanh toán,…).
Thứ ba, thông tin cung cấp phải đầy đủ, chính xác. Thông tin là do thương nhân xây dựng dựa trên “sự thật” về hàng hóa, dịch vụ, thương nhân và giao dịch. Vì vậy, thương nhân có khả năng và có trách nhiệm phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin này tới NTD.
Thứ tư, có nhiều phương thức để thương nhân cung cấp thông tin tới NTD. Việc lựa chọn phương thức cung cấp thông tin tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại thông tin, loại hình doanh nghiệp, tính chất của hàng hóa, dịch vụ,… Tuy nhiên, một số phương thức chủ yếu bao gồm: Quảng cáo, ghi nhãn hàng hóa, công bố/đăng ký tiêu chuẩn, niêm yết thông tin,...
Thứ năm, việc vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD có thể dẫn đến một số loại chế tài về dân sự, hành chính và hình sự.
Thứ sáu, các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD của thương nhân trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là thiếu và sơ sài. Nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hàng hóa, thương nhân và giao dịch chưa được quy định. Các thông tin đã được yêu cầu còn khá đơn giản và sơ sài.
3. Thực tiễn thực thi các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD
3.1. Tình hình vi phạm
Trong thời gian vừa qua, việc thực thi trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin cho NTD cho thấy còn rất nhiều bất cập. Đa số những tranh chấp giữa NTD và thương nhân đều có liên quan đến vấn đề thông tin. Điều này rất dễ hiểu khi quyết định mua hàng hóa, dịch vụ của NTD phần lớn là dựa trên thông tin có tính hạn chế, thậm chí sai sự thật do thương nhân cung cấp.
Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, Bộ Công Thương, trong năm 2019, Cục đã tiếp nhận và giải quyết 1.442 khiếu nại, yêu cầu của NTD, trong đó nhóm hành vi khiếu nại về “cung cấp thông tin cho NTD” là một trong những nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất, với khoảng 17% trong tổng số khiếu nại[30].
Theo báo cáo của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, trong năm 2019, trong tổng số hơn 3.000 khiếu nại, yêu cầu của NTD được giải quyết tại hệ thống các Hội bảo vệ NTD trên toàn quốc, số các vụ việc khiếu nại liên quan đến các hành vi quảng cáo sai lệch hay cung cấp thông tin không chính xác cho NTD là một trong những nhóm có tỷ lệ khiếu nại cao nhất[31].
Những con số trong các báo cáo khiếu nại nêu trên tại một số cơ quan, tổ chức có tham gia vào việc xử lý các khiếu nại, yêu cầu của NTD đã phần nào cho thấy bức tranh về việc thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, trong đó có trách nhiệm về cung cấp thông tin cho NTD.
3.2. Một số vụ việc cụ thể
Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, chúng ta có thể xem xét một số vụ việc cụ thể đã và đang diễn ra trên thị trường.
3.2.1. Vụ việc Công ty TNHH Khải Đức (Nhãn hiệu Khaisilk) dùng hàng sản xuất tại Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam[32]
Vào thời điểm năm 2017, có lẽ rất ít NTD Thủ đô và cả nước biết đến Công ty TNHH Khải Đức nhưng chắc chắn rất nhiều người biết đến thậm chí đã từng mua hoặc sở hữu một sản phẩm (khăn, cà vạt,…) lụa có nhãn hiệu Khaisilk, mua từ hệ thống một số cửa hàng trên phố cổ Hà Nội.
Vụ việc bắt đầu vào cuối tháng 10 năm 2017. Trên cơ sở thông tin do một NTD đã từng mua hàng phản ánh trên mạng xã hội, chiều ngày 26/10/2017, Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã phối hợp Chi cục QLTT Hà Nội và Công an Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại địa chỉ 113 Hàng Gai. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng này đã đóng cửa. Đoàn kiểm tra đã thu giữ nhiều mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc.
Vụ việc đã gây ra rúng động lớn trong ngành kinh doanh lụa, vì trước đó Khaisilk được coi là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của Việt Nam trong ngành. Với không ít NTD, các sản phẩm lụa Khaisilk không những được bán trong nước với hình ảnh xa xỉ, hào hoa mà còn từng được coi là sản phẩm mang “thương hiệu Việt” quý giá tặng các bạn bè ngoại quốc.
Ngày 31 tháng 10 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD tại Công ty TNHH Khải Đức. Đồng thời, kiểm tra tại các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp này.
Sau quá trình kiểm tra, đến ngày 11 tháng 12 năm 2017, Bộ Công Thương đã ra Kết luận[33] về việc kiểm tra đối với Công ty Khải Đức. Trong đó, có 2 nội dung liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD, cụ thể:
(i) Vi phạm quy định về ghi nhãn
Cụ thể: (1) Có một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật; (2) Các sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trên cơ sở đó, Đoàn kết luận, có dấu hiệu cho thấy Công ty Khải Đức đã có hành vi vi phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
(ii) Vi phạm về cung cấp thông tin cho NTD
Cụ thể: Công ty Khải Đức đã quảng cáo và cung cấp thông tin cho NTD qua website www.khaisilkcorp.com và fanpage (với tên là khaisilk boutique). Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, trên bao bì sản phẩm của công ty có ghi website của Công ty là: www.khaisilkcorp.com. Đoàn kiểm tra thu thập được tài liệu in toàn bộ các nội dung đăng tải trên website www.khaisilk.com hiển thị vào các ngày 05 tháng 11 năm 2017 và ngày 31 tháng 10 năm 2017.
Trong quá trình kiểm tra, Công ty đã không cung cấp được cho Đoàn các hợp đồng xây dựng, vận hành, hồ sơ đăng ký pháp lý của website www.khaisilkcorp.com cũng như các tài liệu chứng minh cho các nội dung đăng trên website, trong đó có nội dung các sản phẩm Công ty đã bán ra là làm từ “Tinh hoa của lụa truyền thống Việt Nam” và được “dệt tay”.
Đồng thời, trong quá trình bán hàng, Công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng không giới thiệu hoặc thông tin cho NTD rõ ràng, đầy đủ, chính xác về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Trên cơ sở đó, Đoàn kết luận, có dấu hiệu cho thấy Công ty Khải Đức đã có hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho NTD.
Sau khi Đoàn kiểm tra ra Kết luận, một số hành vi vi phạm (trong đó có hai hành vi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD) đã bị các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công Thương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số hành vi khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đã được chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Đây là một vụ việc rất điển hình cho việc thực thi các quy định về trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin cho NTD.
Thứ nhất, đây là vụ việc xảy ra đối với một doanh nghiệp có tiếng trong một ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm có tính truyền thống (sản phẩm từ lụa).
Thứ hai, vụ việc do NTD phát hiện và đã cung cấp thông tin, phản ánh tới báo chí và cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ NTD của Bộ Công Thương đã vào cuộc một cách nhanh chóng, quyết liệt, chặt chẽ.
Thứ tư, trong các hành vi vi phạm có một số hành vi rất điển hình cho trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD. Điều này cũng cho thấy, ý nghĩa, giá trị, ảnh hưởng của thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp tới quyết định tiêu dùng của NTD cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ năm, các hành vi vi phạm bị phát hiện đã bị xử lý một cách nghiêm khắc và triệt để.
Thứ sáu, vụ việc có ý nghĩa bài học đối với cả ngành sản xuất - kinh doanh sản phẩm lụa cũng như hoạt động kinh doanh tại các phố cổ của Hà Nội.
Tuy nhiên, đáng tiếc không phải vụ việc nào liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân cho NTD cũng được giám sát, phát hiện và xử lý như vụ việc Khaisilk. Nhìn ra thị trường, chúng ta có thể thấy, tồn tại rất nhiều những lĩnh vực, những vụ việc mà thương nhân đã và đang đưa ra các thông tin không chính xác, không đầy đủ, thậm chí sai lệch, lừa dối NTD.
3.2.2. Một số vụ việc liên quan đến quảng cáo
Ngay từ những năm 2010, khi các sản phẩm điều hòa bắt đầu trở nên phổ biến và được tiêu thụ rộng rãi ở Việt Nam, có hàng loạt công ty[34] sản xuất và kinh doanh sản phẩm điều hòa (trong đó không thiếu các hãng danh tiếng) đã đưa ra quảng cáo có nội dung không đầy đủ, gây nhầm lẫn cho NTD như: “Tiết kiệm điện 60%”, “tiêu diệt 99,9% virus H1N1”... Đến tận giữa năm 2020, nhiều quảng cáo về khả năng “tiết kiệm điện” và “diệt khuẩn” của nhiều sản phẩm gia dụng vẫn chứa đựng những thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc cung cấp một cách mập mờ, dễ gây nhầm lẫn[35] cho NTD. Thậm chí, có doanh nghiệp bán phẩm xi măng nhân dịch Covid -19 đang bùng phát đưa ra thông điệp quảng cáo sản phẩm xi măng có khả năng tiêu diệt cả Covid-19 (???)
Trong lĩnh vực thực phẩm cũng tồn tại rất nhiều ví dụ nhức nhối liên quan đến việc cung cấp thông tin cho NTD. Theo đó, rất nhiều bà nội trợ mua sản phẩm hạt nêm cho gia đình dùng vì tin tưởng rằng các sản phẩm này thực sự làm từ “thịt, xương, tủy”[37]. Nhiều gia đình thì lại bối rối khi bị loạn thông tin trong “cuộc chiến”[38] giữa “nước mắm truyền thống” và “nước mắm công nghiệp”. Các bà mẹ đang nuôi con nhỏ thì hoang mang trước việc phân loại các loại sữa (sữa tươi, sữa công thức[39], sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa organic[40] ).
3.3. Xu hướng cung cấp thông tin gây nhầm lẫn trong các giao dịch thương mại điện tử
Nếu một vài năm trước, vấn đề nhức nhối trong việc cung cấp thông tin cho NTD là lĩnh vực quảng cáo trên truyền hình, trên báo viết với những vụ việc liên quan đến vòng titan[41], đồng hồ[42], chổi lau nhà[43], đồ gia dụng[44], thực phẩm[45], thực phẩm chức năng[46]… Thì trong những năm gần đây, lĩnh vực được quan tâm chính là việc cung cấp thông tin trong các giao dịch thương mại điện tử. Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, mạng internet, thiết bị di động và gần đây lại thêm yếu tố dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tiêu dùng được lựa chọn rộng rãi do sự thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, do yếu tố “trực tuyến” của thương mại điện tử nên NTD hoàn toàn không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, dịch vụ và thương nhân.
Mọi quyết định của NTD khi đó phần lớn dựa vào các thông tin do các thương nhân (bao gồm cả chủ sàn, chủ shop, người vận chuyển, trung gian thanh toán,…) cung cấp. Trong các giao dịch truyền thống, NTD vốn đã “yếu thế” hơn các thương nhân. Trong các giao dịch thương mại điện tử, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân lại càng tăng lên với các lợi thế về tài chính, nhân sự, kiến thức về công nghệ, thông tin về sản phẩm,… Tuy nhiên, có một thực tế là khi thực hiện giao dịch thương mại điện tử, rất nhiều NTD đã không được cung cấp thông tin đầy đủ, thậm chí là bị lừa dối, lừa đảo.
3.4. Chế tài xử lý
Về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD, hiện tại theo quy định có cả chế tài dân sự, hành chính và hình sự.
Về chế tài dân sự, nguyên tắc bồi thường được ghi nhận rõ trong quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng[47]. Theo đó, bên vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ phải bồi thường. Ngoài ra, trong hầu hết các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin đều có quy định cho phép bên vi phạm đòi bồi thường. Căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc đòi bồi thường (nếu có) sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015.
Về hành chính, theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[48]. Hình thức xử phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Ngoài ra, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, phương thức cung cấp thông tin, loại hàng hóa, dịch vụ, trong một số lĩnh vực khác, thương nhân còn có thể bị xử phạt hành chính khi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho NTD. Ví dụ: Bị phạt 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo lừa dối, quảng cáo sai sự thật hoặc Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho NTD hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng[49].
Về vấn đề xử lý hình sự đối với các vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin cho NTD thì Bộ Luật Hình sự 2015 đã đưa vào hành vi “Quảng cáo gian dối”[50] với các hình thức xử lý “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” hoặc “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
4. Kết luận và đề xuất
Hiện nay, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể chỉ ra những hành vi vi phạm trách nhiệm đối với NTD. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Đối với NTD, tình trạng này khiến họ hoang mang, mất niềm tin. Đối với các thương nhân làm ăn chân chính, tình trạng này khiến họ phải đối mặt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Với xã hội, tình trạng này gây ra sự hỗn loạn, cản trở việc xây dựng một môi trường kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc cải cách pháp luật, hoàn thiện cả quy định và cơ chế thực thi liên quan đến trách nhiệm của thương nhân trong việc cung cấp thông tin cho NTD. Trong quá trình này, có một số nội dung cần quan tâm như:
Thứ nhất, cần hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan mà trước mắt là sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010.
Thứ hai, hoàn thiện về hệ thống cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD cũng như các cơ chế hỗ trợ để các cơ quan, tổ chức này hoạt động hiệu quả.
Thứ ba, cần phải xây dựng các cơ chế để động viên, khuyến khích thương nhân chủ động thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho NTD. Gắn trách nhiệm với lợi ích.
Thứ tư, hoàn thiện các cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Nâng cao các mức xử phạt về hành chính. Nghiên cứu, bổ sung các hình thức xử phạt đặc thù[51].
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview (Các thông tin được cập nhật ngày 27/4/2020).
[2] Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, khái niệm “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” sẽ rộng hơn khái niệm thương nhân theo quy định của Luật Thương mại khi còn bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như bán vé số, giữ xe… Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ dùng thuật ngữ “thương nhân” tương đương với thuật ngữ “Tổ chức, cá nhân kinh doanh” trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và coi các “cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh” chính là các “thương nhân thực tế”.
[3] http://daidoanket.vn/thi-truong/so-vu-vi-pham-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-van-gia-tang-tintuc439561
[4] Lý thuyết về “Thông tin bất cân xứng” (Asymmetric Information): Đây là học thuyết kinh tế được phát triển từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX bởi các học giả George Akerlof, Micheal Spense và Joseph Stiglitz. Học thuyết này cho rằng có sự bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể giao dịch, trong đó bên bán có đầy đủ thông tin về sản phẩm, trong đó bên mua sẽ không thể có đầy đủ thông tin đó, nhất là khi các bên tham gia giao dịch cố tình che giấu thông tin. Lý thuyết này là cơ sở quan trọng để xây dựng nhiều chế định quan trọng trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng như việc bảo đảm quyền được thông tin của người tiêu dùng hay quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Không chỉ là thông tin, lý thuyết “bất cân xứng” này còn có thể dùng để xây dựng cơ sở lý luận cho nhiều chế định khác nữa.
[5] Điều 443 quy định về Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng của bên bán, cụ thể: “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
[6] Bộ luật Dân sự 2015, Các Điều: 320, 366, 476, 498, 515, 536, 567.
[7] Luật Thương mại 2005, Điều 14, Khoản 1.
[8] Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
[9] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Điều 12 và các quy định pháp luật khác.
[10] Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
[11] Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, Điều 8, Khoản 10, “10. Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hoá đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường”.
[12] Nghị định 43/2007/NĐ-CP, Điều 3: “Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa”.
[13] Nghị định 43/2007/NĐ-CP, Điều 3: “Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”.
[14] Nghị định 43/2007/NĐ-CP, Điều 9.
[15] Danh sách hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
[16] Ví dụ: Đối với thực phẩm chức năng thì cần thêm thông tin cảnh báo “Thực phẩm này không phải là thuốc”…
[17] Luật Thương mại 2005, Điều 32. Nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: “1. Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.”
[18] Luật Thương mại 2005, Điều 32. “2. Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.”
[19] Luật Thương mại 2005, Điều 121. Điều kiện đối với hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu, “2. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hoá.”.
[20] Luật Thương mại 2005, Điều 320. Hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, “đ) Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;”
[21] Luật Giá 2012, Khoản 6 Điều 4: “6. Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
[22] Luật Giá 2012, Điều 12, “5. Niêm yết giá: a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết; b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết”.
[23] Luật Giá 2012, Điều 6, “2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế - kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác”.
[24] Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau đó, theo chủ trương hợp nhất các văn bản pháp luật, Nghị định này đã hết hiệu lực khi được tích hợp vào Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[25] Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[26] Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, Điều 3, Khoản 13, “13. “Bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng” là các tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu thực hiện việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng; b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia vào việc xây dựng thông tin về hàng hóa, dịch vụ; c) Chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông; d) Tổ chức, cá nhân khác được yêu cầu thực hiện việc cung cấp thông tin”.
[28] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Điều 13, Khoản 1, “Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm: a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.”
[29] Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 13, Khoản 2, “2. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm: a) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này; b) Xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng; c) Từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng; d) Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
[30] Nguồn: Báo cáo khiếu nại năm 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
[31] Nguồn: Báo cáo công tác năm 2019 của Hội Bảo vẹ người tiêu dùng Việt Nam.
[32] Tổng hợp từ nguồn thông tin về vụ việc công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
[33] Xem: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ket-qua-kiem-tra-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-thuong-mai-san-xuat-buon-ban-hang-gia-hang-cam-va-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tai-cong-ty-tnhh-khai-%C4%91uc-9878-22.html
[34] Xem: http://www.qlct.gov.vn/pvtm/NewsDetail.aspx?lg=1&CateID=272&ID=1797
[35] Nhiều thông điệp quảng cáo sau có chú thích những nội dung như: Được công nhận bởi tổ chức X, hay “Trong điều kiện phòng thí nghiệm”, “Trong điều kiện tiêu chuẩn”. Nhưng những nội dung này thường rất nhỏ hoặc nằm ở vị trí khó nhận biết trên tài liệu quảng cáo.
[36] Nguồn: Báo cáo Tổng kết của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
[37] https://zingnews.vn/6-quang-cao-hat-nem-lua-nguoi-tieu-dung-post267115.html
[38] Xem: https://vietnamfinance.vn/cuoc-chien-nuoc-mam-70-thi-phan-thuoc-ve-nuoc-mam-cong-nghiep-20180504224220719.htm
[39] https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/sua-cong-thuc-va-sua-tuoi-loai-nao-tot-hon-post131070.gd
[40] https://vietnambiz.vn/cuoc-chien-sua-organic-chi-moi-bat-dau-90580.htm
[41] http://cand.com.vn/Xa-hoi/Nhieu-nguoi-mac-lua-vi-quang-cao-vong-titan-tren-tivi-152185/
[42] https://www.quangninh.gov.vn/pInChiTiet.aspx?nid=63293
[43] https://thanhnien.vn/thoi-su/nhung-kieu-rao-hang-on-lanh-tren-truyen-hinh-mat-tien-oan-voi-cay-lau-nha-432979.html
[44] http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phap-luat-kinh-doanh/lach-luat-de-quang-cao-gay-nham-lan-97990.html
[45] http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/thuong-truong/quang-cao-xo-mui-la-lua-dao-nguoi-tieu-dung-288874.html
[46] http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/hang-chuc-cong-ty-vi-pham-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-259040.html
[47] BLDS 2015, Điều 387. Thông tin trong giao kết hợp đồng.
[48] Mức phạt áp dụng với thương nhân là cá nhân. Phạt gấp đôi với thương nhân là tổ chức.
[49] Nghị định 119/2017/NĐ-CP, Điều 24, Khoản 1.
[50] BLHS 2015, Điều 197. Tội quảng cáo gian dối: 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
[51] Ví dụ, trong nhiều vụ việc, việc xử phạt hành chính không có giá trị răn đe bằng việc công bố công khai tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật số 59/2010/QH12).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ Luật Dân sự (Luật số 91/2015/QH13).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Quảng cáo (Luật số 16/2012/QH13).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Thương mại (Luật số 36/2005/QH11).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Giá (Luật số 11/2012/QH13).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2007), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 (Luật số 05/2007/QH12).
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật số 68/2006/QH11).
- Chính phủ (2017), Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa.
- Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (2019), Báo cáo Tổng kết của các năm trong giai đoạn 2012-2019. Nguồn: www.vcca.gov.vn.
- Tổng cục Quản lý thị trường (2019), Báo cáo tình hình xử lý vi phạm hành chính Nguồn: https://dms.gov.vn/.
The responsibilities of traders for providing informations and facts about goods and services to consumers in Vietnam: Legal perspectives to Practice
Master. Cao Xuan Quang
Head, Department of Consumer Protection
Vietnam Competition and Consumer Authority, Ministry of Industry and Trade
ABSTRACT:
In the process of manufacturing, distributing goods and providing services, traders have many responsibilities related to consumers, especially the responsibility for providing information and facts about goods and services which are provided by them. In Vietnam, this responsibility is address and regulated in different fields’ legal documents such as the law on consumer protection, the civil code, the law on advertising, product quality and price standards. By analyzing and reviewing current related regulations, this paper assesses the status quo of the implementation of regulations related to the consumer protection. Based on this paper’s findings, some recommendations are proposed to perfect these regulations.
Keywords: Responsibilities, traders, organizations, information, goods, consumers.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]