TÓM TẮT:
Theo quy định của Luật Xử lý phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2020). Người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính (bị xử phạt). Tuy nhiên, các quy định của Luật Xử lý liên quan đến vấn đề truy cứu trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất ảnh hưởng đến việc hiểu và tổ chức thực hiện các quy định này. Chính vì vậy, bài viết tập trung phân tích về hành vi vi phạm hành chính, trách nhiệm hành chính, trên cơ sở đó đánh giá các quy định của pháp luật về trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên và chỉ ra những bất cập và hướng khắc phục.
Từ khóa: người chưa thành niên, vi phạm hành chính, trách nhiệm hành chính.
1. Vi phạm hành chính, trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên
1.1. Vi phạm hành chính - Cơ sở để truy cứu trách nhiệm hành chính
Vi phạm hành chính là “hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính [1].
Theo quy định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức. Đối với cá nhân khi vi phạm hành chính phải có lỗi, đây là một yếu tố thuộc về mặt chủ quan của vi phạm hành chính. Để xác định, một cá nhân là người chưa thành niên thực hiện hành vi nào đó có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không, phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành đó là mặt chủ thể, khách quan, chủ quan, khách thể. Vi phạm hành chính, thực chất là một loại sự kiện pháp lý hành chính có các dấu hiệu cơ bản như: là hành vi thể hiện dưới dạng hành động không hành động, có tính chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội, có lỗi, do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện, các dấu hiệu này là nội dung cơ bản của 4 yếu tố cấu thành hành vi vi phạm hành chính. Quan hệ giữa người chưa thành niên với pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là ở hành vi vi phạm hành chính của họ. Hành vi vi phạm hành chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất của mặt khách quan thể hiện ở chỗ, nó chỉ tồn tại trong mối “liên hệ” với các quy phạm pháp luật quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính. Nghiên cứu về hành vi vi phạm hành chính qua đó còn xem xét, đánh giá mối liên hệ nội tại liên quan đến nhận thức, tâm lý của chủ thể vi phạm hành chính. Có thể nói, hoạt động này là điểm nhấn quan trọng nhất để đánh giá, khẳng định người chưa thành niên thực hiện hành vi trái pháp luật vi phạm hành chính hay không, vi phạm hành chính đó thuộc lĩnh vực nào.
Ngoài ra, những yếu tố khác ảnh hưởng đến vi phạm hành chính của lứa tuổi chưa thành niên cũng cần phải được làm rõ. Trong lĩnh vực khoa học pháp lý ở nước ta, khái niệm người chưa thành niên hay vị thành niên đều chỉ những người chưa đủ 18 tuổi và chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Còn căn cứ vào pháp luật, độ tuổi của người chưa thành niên được quy định cụ thể tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015:“Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”; Điều 1, Luật Trẻ em 2016:“Trẻ em là người dưới 16 tuổi”; Điều 1, Luật Thanh niên 2020:“Công dân Việt Nam là thanh niên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi,…” trở lên. Như vậy, theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật liên quan, người chưa thành niên có nội hàm rộng hơn, bao gồm trẻ em và thanh niên có độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên không phải là những người ở cùng một độ tuổi. So với người trưởng thành, độ tuổi này chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, quyền nghĩa vụ pháp lý “hạn hẹp” hơn so với người thành niên. Về cơ bản, điểm chung giữa khoa học pháp lý và các luật thực định xác định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi trở xuống. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung một só điều 2020) quy định độ tuổi cụ thể có thể vi phạm hành chính và bị xử phạt cũng theo độ tuổi như vậy [2]. Sự phát triển tâm, sinh lý, nhận thức của lứa tuổi này cũng không thể như nhau. Vì thế, so sánh với độ tuổi trẻ em thì độ tuổi thanh niên có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi phát triển, hoàn thiện hơn.
Nhưng nhìn chung, ở lứa tuổi chưa thành niên, con người đang phát triển về thể chất, tâm, sinh lý,… Do vậy, nhận thức của họ về xã hội còn hạn chế, họ chịu áp lực từ những quan hệ xã hội đối với mình, trực tiếp chịu tác động của những người xung quanh. Sự tác động đó có thể tốt hoặc xấu. Hành vi của con người ở độ tuổi này thường là bộc phát, cảm tính, khó kìm chế,… Những yếu tố này, ảnh hưởng rất lớn đến sự suy nghĩ và chi phối hành động của họ trong đời sống hàng ngày, dẫn đến có những hành vi có hại cho xã hội mà độ tuổi này thực hiện, gây ra hiệu ứng xấu cho xã hội. Nếu trong cùng một điều kiện hoàn cảnh cụ thể người thành niên thường sẽ xử sự hợp lý hơn. Căn cứ vào độ tuổi, để xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, cho thấy quá trình hình thành tư chất của một con người phải qua một thời gian dài, chỉ đến khi đạt một độ tuổi nhất định con người mới hiểu được ý nghĩa, hậu quả của hành vi do mình thực hiện và khi đó mới có căn cứ để xem xét một hành vi trái pháp luật hành chính của người chưa thành niên là vi vi phạm hành chính hay không. Dưới góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn, đòi hỏi các nhà làm luật phải nghiên cứu một cách thấu đáo về các yếu tố như tâm, sinh lý, độ tuổi, khả năng nhận thức,... từ đó mới quy định được đâu là hành vi trái pháp luật của từng độ tuổi trong lứa tuổi chưa thành niên vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm (trách nhiệm hành chính). Tránh yếu tố chủ quan, khi quy định áp đặt biện pháp xử phạt (trách nhiệm hành chính) đối với người chưa thành niên.
Hành vi trái pháp luật hành chính không đồng nhất với vi phạm hành chính. Có thể khẳng định, một người ở vào một độ tuổi nhất định trong lứa tuổi chưa thành niên, chỉ có thể được coi là có vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện hành vi trái pháp luật hành chính, có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, của mình, tức là có lỗi. Đây chính là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hành chính. Thiếu yếu tố nhận thức (lỗi) không đủ dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính. Đối với đối tượng này, nếu không có khả năng nhận thức thì pháp luật không đặt ra yêu cầu xác nhận hành vi đó có hợp pháp hay không. Còn khả năng nhận thức hạn chế thì tùy trường hợp hành vi của đối tượng này có thể được coi là vi phạm hành chính hoặc không, chế tài được áp dụng đối với họ theo đó là khác nhau. Vi phạm hành chính thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan là cơ sở để chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xử phạt (trách nhiệm hành chính) tương ứng với những hành vi vi phạm mà những người ở độ tuổi này gây ra. Chủ thể là người chưa thành niên phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế hành chính được quy định ở các chế tài (xử phạt) theo quy định của pháp luật hành chính do có hành vi vi phạm hành chính.
1.2. Trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên
Trách nhiệm hành chính là một dạng trách nhiệm pháp lý, vì vậy cũng giống như các dạng trách nhiệm pháp lý nói chung, đó là khả năng mà một chủ thể phải gánh chịu một hậu quả bất lợi về mặt vật chất hay tinh thần khi các chủ thể này thực hiện hành vi vi phạm hành chính [3]. Ở đây, chỉ tập trung bàn đến trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên, trường hợp nào chủ thể này phải chịu trách nhiệm hành chính. Thực chất trách nhiệm hành chính, là việc chủ thể có thẩm quyền áp dụng các chế tài xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Nói một cách khác, chủ thể có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hành chính người chưa thành niên, bằng một chế tài xử phạt khi đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Trách nhiệm hành chính chỉ có thể đặt ra đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính trong những trường hợp nhất định do luật định. Không có vi phạm hành chính thì không thể có trách nhiệm hành chính [4]. Trách nhiệm hành chính gắn liền với hoạt động cưỡng chế trong những trường hợp cần thiết và phải phù hợp với từng độ tuổi của lứa tuổi chưa thành niên, vì mỗi một độ tuổi năng lực hành vi (khả năng nhận thức, điều khiển hành vi) là khác nhau. Trẻ em ở độ tuổi nào, trường hợp nào phải chịu trách nhiệm hành chính. Thanh niên, nhưng ở độ tuổi chưa thành niên, bị truy cứu trách nhiệm khi nào, khác với người thành niên ở điểm nào. Đó là yêu cầu khi xử lý trách nhiệm hành chính đối với họ. Một trong những nguyên tắc mà các chủ thể có thẩm quyền khi truy cứu trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên phải tuân thủ khi truy cứu trách nhiệm hành chính phải dựa vào các Nghị định của Chính phủ quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để xác định. Không có quy định của pháp luật hành chính quy định hành vi nào đó là vi phạm hành chính thì không có vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm hành chính.
Chủ thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hành chính làm xuất hiện loại quan hệ pháp luật đặc biệt đối với đối tượng chưa thành niên vi phạm hành chính. Năng lực chịu trách nhiệm hành chính của đối tượng chưa thành niên hạn chế hơn so với người thành niên. Chính vì vậy, cá nhân là người chưa thành niên nếu bị xử phạt (trách nhiệm hành chính) sẽ nhẹ hơn người thành niên.
Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của chủ thể vi phạm hành chính của người chưa thành niên phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước do chế tài hành chính quy định [5].
2. Đánh giá về các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên và một số ý kiến đề xuất
Khi xem xét các quy định về trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020) và các Nghị định. Cho thấy, các quy định này là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các chủ thể có thẩm quyền tiến hành truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân ở độ tuổi này. Bên cạnh đó, một số điểm của các quy định còn chưa thống nhất với nhau, cần làm rõ để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập đó.
- Điểm a, kh1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Quy định này cho thấy, độ tuổi tối thiểu là trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Độ tuổi này khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì không bị xử phạt tiền mà chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Hình thức phạt cảnh cáo phải bằng văn bản [6]. Từ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi hành vi vi phạm hành chính. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt tiền thì mức phạt chỉ bằng một nửa so với người thành niên [7]. Các nhà làm luật, trên cơ sở nghiên cứu về tâm, sinh lý, lỗi của lứa tuổi này để xác định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hành chính (độ tuổi bị xử phạt). Trong trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm. Những quy định này phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và với chính sách xử lý đối với người chưa thành niên.
Nhìn chung, khi xử lý trách nhiệm hành chính đối với người chưa thành niên sẽ áp dụng hình thức nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Khi xử lý người chưa thành niên ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm được áp dụng chung thì việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc riêng. Một trong những nguyên tắc đó được quy định tại Kh 2 Đ134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp”.
Nguyên tắc trên cho thấy, việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính căn cứ vào khả năng nhận thức (lỗi) của họ. Nếu hạn chế hoặc mất khả năng này đương nhiên người chưa thành niên không thể nhận thức được về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm và hoàn cảnh vi phạm, rơi vào tình trạng này người chưa thành niên không thể bị xử phạt [8].
Những nguyên tắc trong nội dung của những điều luật trên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi còn hạn chế ở trong giai đoạn phát triển tâm, sinh lý chưa ổn định của người chưa thành niên. Chính vì vậy, những nguyên tắc riêng được áp dụng khi xử lý trách nhiệm hành chính đối với đối tượng này nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, một số nội dung của các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên cũng còn có những điểm không thống nhất với nhau, cụ thể:
- Kh1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân thực hiện…” Nội dung của quy định này khẳng định về mặt chủ quan cá nhân (gồm cả người thành niên và chưa thành niên) thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải có lỗi. Tức là, khi cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính phải nhận thức được hành vi của mình là có hại cho xã hội và bị pháp luật hành chính cấm nhưng vẫn cố tình thực hiện hoặc do vô tình, thiếu thận trọng dẫn đến vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hành chính (bị xử phạt).
- Cũng tại Kh15, Đ2 LXLVPHC 2012 giải thích: “Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Cách hiểu này cho thấy không khoa học, thể hiện ở chỗ người bị các bệnh làm mất khả năng nhận thức, điểu khiển hành vi (người chưa thành niên cũng có thể rơi vào tình trạng này), tức là những người không bình thường về sức khỏe, tâm lý, lý trí. Do họ mất khả năng nhận thức, nên không thể lựa chọn được phương án hành vi phù hợp với lợi ích của xã hội, cộng đồng mà pháp luật quy định. Nghĩa là, họ thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng mất khả năng nhận thức (không có lỗi) thì không phải là vi phạm pháp luật. Tức là không có năng lực trách nhiệm hành chính. Việc quy định người không có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện hành vi vi phạm hành chính là không chính xác. Ngay trong Điều 2 mà khoản1, khoản 15 của điều này đã có sự mâu thuẫn với nhau.
- Tiếp đó, Kh 5, Đ11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: không xử phạt nếu: “…người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều5”. Điều luật này, cho thấy các nhà làm luật quy kết cá nhân chưa đủ tuổi cũng thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Chỉ có khác là, chưa phải độ tuổi bị xử phạt theo quy định. Nếu theo quy định này thì độ tuổi nào cũng có thể vi phạm hành chính. Chỉ có khác ở chỗ đủ tuổi bị xử phạt hay không mà thôi. Nội dung này, mâu thuẫn với việc xác định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hành chính quy đinh tại kh1, điểm a Điều 5 về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại điều, khoản này quy định cụ thể độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính là từ đủ 14 tuổi trở lên,… mới là độ tuổi vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm hành chính. Quy định tại khoản 5 Điều 11 còn cho thấy, khái niệm hành vi trái pháp luật hành chính, khái niệm vi phạm hành chính, chưa có sự phân biệt. Để làm rõ nội dung tại điều này, phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của vi phạm hành chính để xem xét. Về mặt khách quan, cá nhân ở độ tuổi dưới 14 có thể thực hiện những hành vi trái với các quy định của pháp luật. Ví dụ: trẻ em có thể điều khiển xe máy điện, xe gắn máy, mô tô,… nhưng Luật quy định chỉ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mới bị xử phạt cảnh cáo [9]. Rõ ràng trẻ em trong tình huống này đã thực hiện những hành vi không tuân theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, tức là làm trái với các quy định mà pháp luật cấm. Nhưng không vi phạm, vì thiếu dấu hiệu chủ quan của cấu thành vi phạm hành chính là yếu tố lỗi. Các em ở độ tuổi này năng lực hành vi còn rất hạn chế, chưa nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật cấm. Cho nên, độ tuổi này giáo dục các em là cần thiết.
Theo quy định của Luật, người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi trái pháp luật ở vào một độ tuổi nhất định từ 14 tuổi trở lên và có lỗi. Dưới độ tuổi này thực hiện hành vi trái pháp luật thì không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm hành chính. Ngay tên của Điều 11 và các khoản của điều này cũng không thống nhất. Tên điều luật là những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, còn trong nội dung thì liệt kê hàng loạt hành vi vi phạm hành chính, trong đó có người chưa thành niên vi phạm nhưng chưa đủ độ tuổi để xử phạt. Quy định như vậy dẫn đến câu hỏi không có lời đáp, vì sao vi phạm hành chính mà không bị xử phạt?
Như vậy, về mặt khoa học để xác định một hành vi nào đó do một cá nhân nói chung, trong đó có người chưa thành niên thực hiện có hại cho xã hội có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không, phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của vi phạm hành chính. Một hành vi trái pháp luật hành chính chỉ được coi là vi phạm hành chính nếu thỏa mãn 4 dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính. Nếu là người dưới 14 tuổi khả năng nhận thức hạn chế thì không thể vi phạm hành chính được, do thiếu 1 yếu tố lỗi 1 trong 4 dấu hiệu cấu thành rất quan trọng là cơ sở để khẳng định là có vi phạm hành chính hay không.
Một số bất cập của các điều luật đã được phân tích rõ ở trên và để khắc phục bài viết đề xuất ý kiến sau:
- Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) các quy định về xử phạt đối với người chưa thành niên còn có những quy định khiếm khuyết, mâu thuẫn, chồng chéo làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc ban hành các nghị định để cụ thể hóa, chi tiết hóa luật. Nhất là khi áp dụng luật gây ra tranh luận, ảnh hưởng đến việc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Thực tế đó đòi hỏi, cần phải đảm bảo sự nhất quán ngay trong các khoản của một điều luật và các điều luật với nhau trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Kh 15, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải được sửa lại thành: “Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Khoản 5, Điều11 nên quy định: “…người thực hiện hành vi trái pháp luật hành chính là người chưa đủ tuổi bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5”. Có như vậy mới thống nhất với khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Quá trình soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin và một trong các kênh đó là từ đội ngũ các nhà khoa học pháp lý những người đang nghiên cứu, giảng dạy tại các học viện, trường đại học chuyên ngành luật. Ban soạn thảo có trách nhiệm tiếp thu tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, chắt lọc thông tin quan trọng cho việc xây dựng dự thảo luật. Có như vậy, mới tránh được những sai sót không đáng có.
- Kiểm tra, rà soát xử lý, đánh giá đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tổ chức thực hiện không chỉ bó hẹp trong hoạt động kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền mà phải có cơ chế để các cơ quan, người có thẩm quyền tham gia tích cực, thực chất hiệu quả vào việc kiểm soát pháp luật nói chung, Luật Xử lý vi phạm hành chính nói riêng. Những công chức, những người của lực lượng vũ trang thường ngày trực tiếp áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý các tình huống cụ thể, dễ phát hiện những bất cập của Luật Xử lý, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền làm tiền đề cho việc xử lý những khiếm khuyết đang tồn tại. Nhu cầu phát hiện, xử lý những khiếm khuyết trong Luật Xử lý vi phạm hành chính luôn mang tính thời sự.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020.
[2] Điều 5 khoản 1 Luật Xử lý vi phạm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020).
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr 346.
[4] Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam (1996), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr 253, 254.
[5] Nguyễn Cửu Việt và Đinh Thiện Sơn, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam (1994) - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
[6] Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020).
[7] Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020).
[8] Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 97/2017).
[9] Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật, Nxb Tư pháp.
- Nguyễn Thế Quyền (2009), Xử lý văn bản quản lý hành chính khiếm khuyết, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đại học Quốc gia Hà Nội (2017), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa luật, Giáo trình lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Đoàn thị Tố Uyên (2017), Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở Việt nam hiện nay, Nxb Công an Nhân dân.
- Đào Thị Thu An (2019), Các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình tâm lý học tội phạm, Nxb Công an Nhân dân.
- Hoàng Minh Khôi (2012), Đặc điểm và một số nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 14.
Administrative liability of juveniles
Ph.D Hoang Quoc Hong
Hanoi Law University
ABSTRACT:
According to the Law on Handling of Administrative Violations 2012 (amended and supplemented in 2020), juveniles who commit administrative violations will be held administratively liability, in other words, to be sanctioned. However, there are many inconsistencies in the law’s provisions for the prosecution of administrative liability against juveniles. These inconsistencies affect the understanding and the enforcement of law. This paper focuses on analyzing administrative violations and administrative liabilities. The paper also evaluates and points out shortcomings of legal provisions on administrative liability of juveniles, thereby proposing some amendments and supplements to improve the effectiveness of these provisions.
Keywords: juveniles, administrative violations, administrative responsibilities.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]