Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trái cây Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 thị trường trên thế giới; trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu trái cây của Việt Nam, chiếm 66,8% thị phần, đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, chiếm 4% thị phần, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cố gắng mở cửa thị trường cho trái cây Việt. Bởi Thái Lan đã đưa được 22 loại trái cây sang thị trường Trung Quốc, còn các doanh nghiệp Việt cố gắng đưa được 9 loại trái cây. Mặc dù có sự chênh lệch khá lớn, nhưng 9 loại sản phẩm trái cây Việt đã vượt qua đánh giá rủi ro, nâng uy tín khi vào thị trường này.
Không những vậy, các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia… cũng có thêm nhiều hàng rào kỹ thuật đối với trái cây Việt sau Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết tháng 10/2019, tạo thuận lợi về thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm nông sản Việt tiến vào thị trường này.
Là một trong những thị trường khó tính, thị trường Australia cũng đã mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây Việt. Trong năm 2019, thị trường này đã chính thức nhập khẩu trái nhãn Việt. Như vậy, sau những nỗ lực, Việt Nam đã đưa thành công 4 loại trái cây vào Australia, đó là vải, xoài, thanh long và nhãn tươi.
Việc đa dạng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất thế giới là tín hiệu đáng mừng cho ngành trái cây Việt, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Australia ngày càng mở rộng. Điều này cũng nói lên rằng, để người sản xuất trái cây Việt đủ "lực" phục vụ nhu cầu, yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế thì phải đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây, xây dựng vùng nguyên liệu trái cây chất lượng được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp mã số vùng trồng để khách hàng quốc tế dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Bà Anna Le, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path, Australia nhấn mạnh, trái cây Việt muốn tạo ấn tượng tốt đến người tiêu dùng thế giới, các doanh nghiệp Việt không được vì tiết kiệm chi phí mà sử dụng dịch vụ logictics rẻ tiền, giá thấp. Bởi trái cây thu hút người tiêu dùng nhờ vào chất lượng và sự tươi ngon. Đặc biệt, khi loại trái cây nào đã được thị trường Australia đón nhận, cũng đồng nghĩa đã được công nhận chất lượng cao. Loại trái cây đó có thể "tự tin" lưu thông vào các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...
Ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T cũng cho rằng, thị trường Australia không gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trái cây hay bất kỳ loại nông sản nào bằng chính sách thuế hay pháp luật, nhưng chính yêu cầu cao của người tiêu dùng Australia là sự tuyển chọn tốt nhất. Bởi sản phẩm muốn vào thị trường này, đã phải trải qua các khâu kiểm tra, kiểm dịch, bảo quản khắt khe của các cơ quan kiểm dịch Australia.
Những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản… đang mở cửa nhiều hơn với các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn hơn nếu đẩy mạnh khâu giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế như: Anuga (Đức), Sial (Pháp), Moscow (Nga), Foodex (Nhập Bản)… để gặp gỡ khách hàng toàn cầu, đồng thời nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từng khu vực. Tuy nhiên, "để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên 10 - 20 lần so với trái cây tươi" - ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nhấn mạnh.