Ngày 12/2/2020, Bộ Công Thương đã có công văn số 862/BCT-CT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc rà soát, điều chỉnh các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 6429/VPCP-KTTH ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020.
Các hoạt động đã được bắt đầu tổ chức từ tháng 11/2019 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 5/2020, trong đó, trọng tâm là các hoạt động dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2020.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Covid-19 (trước được biết đến là virus Corona, hay 2019-nCoV) gây ra, để thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dân, liên quan đến việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, ngày 12/2/2020, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 862/BCT-CT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung liên quan.
Trong đó, đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát và điều chỉnh việc thực hiện các kế hoạch hưởng ứng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, điều chỉnh, lùi thời gian tổ chức các sự kiện có thể dẫn đến tập trung đông người; ưu tiên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trực tuyến trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm như quảng cáo gian dối, cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, ép buộc giao dịch; cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm về số lượng, chất lượng, giá cả...
Việc chuyển từ các sự kiện tập trung đông người sang ưu tiên truyền thông trực tuyến cho thấy bước đi linh hoạt của Bộ Công Thương trong việc triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành Công Thương mà vẫn đảm bảo đặt yếu tố sức khỏe của người dân lên trên hết, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại nhiều cuộc họp trước đó.