Trong dịch bệnh Covid-19, ngành Dệt May tìm cơ hội bứt phá

Theo một số chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam nhận định "cơn bão dịch bệnh do Virus Corona" đang đem đến cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn ra thế giới do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên giành lấy các đơn đặt hàng này. Đặc biệt là đối với ngành dệt may và da giầy Việt Nam.

Tuy nhiên ngành Dệt May Việt Nam lại đang gặp nút thắt vì phải nhập khẩu hơn 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động cũng như doanh thu của doanh nghiệp.

Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã cho biết: Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh.

Nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1 - 2 tháng tới, thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN trong nước tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác. Điều này các DN Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia đã triển khai từ lâu nhằm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc.

khau trang det kim dong xuan
Khẩu trang được làm bằng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty TNHH – MTV Dệt Kim Đông Xuân

Tại thị trường nội địa, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đã và đang tích cực chuyển mình  mạnh mẽ khi quyết định tung sản phẩm sản xuất mặt hàng khẩu trang, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang được làm bằng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty TNHH – MTV Dệt Kim Đông Xuân. Sự kiện này được ví như một đòn bảy cứu cánh, biến những thách thức khó khăn thành cơ hội thuận lợi mới cho ngành Dệt May Việt Nam trong việc xác định xây dựng thương hiệu mạnh cho từng doanh nghiệp ở những thế mạnh riêng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Dệt May, phía Vitas cũng mong Chính phủ, các cấp ban ngành và cơ quan nhà nước đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp cho sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng, chính sách bảo hiểm… đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, (do thực trạng hiện nay khoảng 90% DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa).

Đồng thời Vitas cũng đề nghị việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan, ông Giang nhấn mạnh.

 

Thu Hoài