Xác định khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk đã thực hiện có hiệu quả chức năng thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, đồng thời nghiên cứu ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Để khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành động lực phát triển thiết thực phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH địa phương nhanh và bền vững, Trung tâm Thông tin Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk (Trung tâm) tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Năm 2023, Trung tâm đã thực hiện 02 đề tài nghiên cứu Khoa học cấp tỉnh là “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT trong đo lường, giám sát điều khiển nuôi trồng nấm tại Đắk Lắk” và “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Gai xanh (Boehmeria nivea (L.) Gaud) lấy sợi và sản xuất phân bón hữu cơ tại tỉnh Đắk Lắk”. Đồng thời thực hiện 01 đề tài cấp cơ sở là “Nghiên cứu ứng dụng quy trình nhân nuôi và sản xuất nấm Trân Châu (Agrocybe aegerital) phù hợp với điều kiện Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Hoàn thành nghiệm thu 01 đề tài cấp cơ sở là “Xây dựng mô hình nuôi trùn quế (Perionyx excavatus) theo hướng dẫn thâm canh và ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ rùn quế phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk”.
Bên cạnh đó, Trung tâm triển khai chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các cơ sở bao gồm: 02 mô hình “Xây dựng mô hình chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế theo hướng thâm canh tại huyện Cư Kuin và Ea Súp tỉnh Đắk Lắk”; 06 mô hình “Xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp đến các hộ đồng bào tại vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Ea Kar, huyện Krông Bông, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk”; 01 mô hình “Xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm ăn tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk”…Từ các mô hình ứng dụng KH&CN đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, trong quá trình xây dựng mô hình Trung tâm đã tổ chức/phối hợp tổ chức tập huấn 09 lớp với 380 người tham dự và tổ chức 09 cuộc hội thảo đầu bờ cho 402 đại biểu, tuyên truyền nhân rộng kết quả các mô hình trên đại bàn tỉnh, thông qua chương trình tập huấn đã lồng ghép giới thiệu về hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm đã tiếp tục triển khai các kế hoạch nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao năm 2023 tại 02 Trại Thực nghiệm KH&CN (Trại TN KH&CN tỉnh Đắk Lắk thực hiện 09 mô hình; Trại Thực nghiệm KH&CN huyện Cư M’gar thực hiện 04 mô hình), tại địa điểm này đã trồng thử nghiệm các loại giống cây trồng theo các kỹ thuật mới.
Hiện nay, Trung tâm vẫn đang duy trì điểm kết nối cung – cầu công nghệ, đồng thời tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ, hội thảo công nghệ, hội thảo khoa học theo nhu cầu của doanh nghiệp. Năm vừa qua, Trung tâm đã nhận và trưng bày 22 sản phẩm phẩm của 11 đơn vị, trong đó có làm việc với 05 đơn vị để ký gửi hàng hóa.
Ông Lê Đăng Pha - Giám đốc Trung tâm Thông tin Ứng dụng KH&CN cho biết: Năm 2024, Trung tâm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và cơ sở vật chất để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Ngành và địa phương giao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện xuất bản các Bản tin Thông tin và Chuyên mục KH&CN trên truyền hình, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất để hướng tới chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk./.