Tự chủ tài chính - Cơ hội và thách thức đối với các trường đại học công lập Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ DUNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong tiến trình đổi mới của Nhà nước thì việc đổi mới cơ chế tự chủ tài chính các trường đại học công lập đang là yêu cầu cần thiết được đặt ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính công ở nước ta. Để thực hiện các giải pháp nêu trên, Chính phủ và các trường đại học công lập cần thực hiện các nội dung liên quan. Bài viết phân tích cơ hội và thách thức trong tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Tự chủ tài chính, trường đại học công lập, Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

1. Đặt vấn đề

Sau gần 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả đạt được cũng như những vấn đề phát sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Nghị định quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời Nghị định đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Đây được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó có tự chủ tài chính. Các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học công lập nói riêng đang đứng trước những cơ hội, đồng thời cũng không ít thách thức trước yêu cầu tự chủ tài chính.

2. Cơ hội và thách thức trong tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP

2.1. Cơ hội khi áp dụng cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập

Thứ nhất, cơ chế tự chủ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các trường đại học công lập, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo.

Các trường muốn giữ vững và nâng cao uy tín, danh tiếng thì phải chú trọng tới các hoạt động của mình. Từ khâu tuyển sinh, các trường phải tuyển sinh viên, học viên có trình độ, có chất lượng phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo, không để xảy ra hiện tượng tuyển sinh ồ ạt, chỉ quan tâm tới số lượng. Trong quá trình đào tạo, sẽ thúc đẩy nhà trường phải đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, học tập đảm bảo cập nhật được xu thế phát triển của thời đại để thu hút thêm sinh viên. Muốn tạo ra được nguồn thu, các trường phải tích cực chủ động đa dạng hóa, nâng cấp chương trình và hình thức đào tạo…. đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mặt khác, cơ chế tự chủ tài chính sẽ khuyến khích và bắt buộc các trường phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là tìm kiếm các cơ hội liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ hai, cơ chế tự chủ sẽthúc đẩy các trường đại học công lập nâng cao hiệu quả hoạt động, khuyến khích các trường làm tốt hơn các nhiệm vụ, sứ mạng của mình, giảm được thời gian và những chi phí vô ích.

Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, tất cả các việc đều phải trải qua các bước thủ tục hành chính phức tạp. Các trường phải báo cáo, xin ý kiến cấp trên gây tốn kém về thời gian, kinh phí thực hiện. Khi tự chủ tài chính, các trường sẽ sáng tạo, chủ động hơn khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, mọi hoạt động gắn với trách nhiệm thì các trường sẽ làm việc có hiệu quả, năng suất hơn, như vậy sẽ làm giảm chi phí kiểm tra, kiểm soát của quá trình thực hiện.

+ Về huy động vốn: Các trường được vay vốn từ các tổ chức tín dụng, huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Riêng các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vay vốn, huy động vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định. Khi thực hiện vay vốn, huy động vốn, các trường phải có phương án tài chính khả thi, tự chịu trách nhiệm trả nợ vay, lãi vay theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn.

+ Về mở rộng, khai thác và phát triển nguồn thu: Các trường đã mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề, cấp bậc đào tạo với nhiều hình thức đào tạo tập trung, đào tạo từ xa, một số trường lớn đã mời chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy tại trường hoặc tổ chức liên kết với nước ngoài để mở trường hoặc tổ chức liên kết với nước ngoài để mở khoa, mở lớp đào tạo… Ngoài ra, các trường đã có nhiều giải pháp về quản lý nội bộ, thực hành tiết kiệm chi phí như xây dựng các tiêu chuẩn, hệ số quy đổi giờ giảng lý thuyết, thực hành, thực tập, đơn giá giờ giảng… đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

+ Về thu nhập tăng thêm của người lao động: Các trường đã đổi mới hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo ra nguồn tăng thu nhập cho người lao động. Điều này góp phần tạo động lực để cán bộ viên chức nhà trường yên tâm tập trung vào công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn, các hợp đồng có tính thương mại… Như vậy, sẽ củng cố được lòng tin, uy tín của nhà trường, thu hút thêm sinh viên, tạo cơ hội liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

2.2. Thách thức khi áp dụng cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập

Cơ chế tự chủ tài chính mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các trường đại học công lập, nhưng bên cạnh đó cũng có thể xảy ra những tác động tiêu cực như:

- Mục tiêu xã hội của giáo dục đại học có thể bị ảnh hưởng: Nếu những quy định trong cơ chế không đảm bảo được sự minh bạch, chặt chẽ, để xảy ra việc quá đề cao quyền tự chủ tài chính nhưng không làm rõ trách nhiệm, biện pháp quản lý đi kèm thì có thể gây tổn hại nghiệm trọng đến sự thống nhất, sự công bằng và tiến bộ xã hội. Điều này dễ tạo ra cơ chế khuyến khích các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội mà chỉ tập trung vào việc cung ứng các dịch vụ đáp ứng cho những người có khả năng chi trả, làm cho người nghèo mất đi cơ hội sử dụng dịch vụ giáo dục đại học. Đặc biệt là các trường áp dụng biện pháp tăng học phí để tăng nguồn thu.- Có thể xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường có cùng ngành nghề, nội dung đào tạo: Nguyên nhân là muốn thu hút người học, các trường thường đưa ra những ưu đãi khác nhau, trong đó có biện pháp giảm học phí… Khi cắt giảm học phí sẽ làm các trường thiếu hụt nguồn thu, bắt buộc phải cắt giảm thời gian, nội dung, chương trình đào tạo, cát giảm chi phí dịch vụ đi kèm dẫn đến giảm chất lượng đào tạo.- Các trường nhỏ, các trường mới thành lập sẽ gặp khó khăn: Bởi vì, các trường này thường có cơ sở vật chất nhỏ, chưa có uy tín, khó tạo lòng tin với các đối tác và cũng gặp khó khăn trong việc thu hút người học.- Có thể làm nảy sinh khuynh hướng các trường chạy theo lợi nhuận, chạy theo nguồn thu dẫn tới vi phạm các quy định, quy chế giáo dục đại học; Vì nguồn thu, vì lợi nhuận, một số trường sẽ tăng cường mở rộng quy mô đào tạo tức là tăng số lượng sinh viên, học viên, tăng số giờ giảng dạy và các hình thức đào tạo nhưng lại buông lỏng quản lý. Chẳng hạn, nới lỏng tiêu chuẩn đầu vào với người học, dẫn tới chất lượng đầu vào của sinh viên, học viên thấp, không phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo làm cho quá trình đào tạo của nhà trường không hiệu quả, gây lãng phí.

Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết 77 và Nghị định 16, tính đến nay đã có 02 học viện, 11 trường đại học và 03 trường cao đẳng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế hoạt động. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện cho thấy, các trường đại học công lập vẫn gặp những khó khăn, thách thức trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các trường/học viện thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ được vay vốn ưu đãi (hoặc hỗ trợ lãi suất) để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa điều chỉnh tăng mức cho vay tín dụng đối với sinh viên học tại trường đang thí điểm tự chủ, điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý cho người học, nhất là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc diện chính sách.

Thứ ba, chưa quy định cụ thể việc hạch toán một số nghiệp vụ kế toán mới phát sinh như: Lãi tiền gửi lập quỹ học bổng; trích lập quỹ nghiên cứu khoa học 3% theo Nghị định số 99/2014/ NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ; các khoản thu sự nghiệp khác trong đề án tự chủ.

Thứ tư, chưa có quy định về điều kiện liên doanh liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, về xác định giá trị thương hiệu khi góp vốn liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho một số CSGDĐHCL thuộc các khối ngành có khả năng xã hội hóa thấp có nguyện vọng tham gia thực hiện thí điểm tự chủ.

Thứ năm, khó khăn cho các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ khi đối tượng chính sách tập trung nhiều, khó đảm bảo cân đối thu, chi của đơn vị khi thực hiện cơ chế tự chủ.

3. Đề xuất một số giải pháp

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập, để đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 77, Nghị định 16 và để thúc đẩy phát triển lĩnh vực sự nghiệp giáo dục đại học, nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới cần thực hiện một số đề xuất sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa quyền tự chủ tài chính trên cơ sở giảm bớt các rào cản quy định có liên quan như: Quy định dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của các trường để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ. Dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của các trường đại học công lập để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học..., đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các nội dung quy định tại Nghị quyết 77 và Nghị định 16 để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của chính sách như: về sử dụng nguồn lực liên doanh liên kết, góp vốn bằng tài sản.

Thứ hai, đảm bảo tự chủ về nguồn thu và quản lý nguồn thu của các trường đại học công lập. Theo đó các trường cần chủ động trong việc tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm tăng nguồn thu sự nghiệp thông qua vận động các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động tạo nguồn thu từ sự đóng góp của người học trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế giá dịch vụ, tăng cường liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo...

Thứ ba, đổi mới cơ chế phân bổ NSNN cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, các trường đại học công lập nói riêng trên cơ sở các ưu tiên và kết quả đầu ra. Đẩy mạnh chuyển đổi việc cấp phát kinh phí NSNN sang hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Thứ tư, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học công lập chuyển đổi cơ chế hoạt động thông qua tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...; đổi mới chính sách ưu đãi tín dụng đối với học sinh, sinh viên cho phù hợp với cơ chế tự chủ theo Nghị định 16 khi thực hiện chuyển từ cơ chế học phí sang giá dịch vụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

2. Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Nghị định số 99/2014/ NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ.

4. Báo cáo của Vụ Phát triển nguồn nhân lực về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 77 /NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học công lập.

FINANCIAL AUTONOMY MECHANISM: OPPORTURNITIES AND CHALLENGES TO VIENAM’S PUBLIC UNIVERSITIES

Master. NGUYEN THI DUNG

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

During the renovation process of Vietnam, it is necessary to innovate the mechanism for financial autonomy of Vietnams public universitie in order to improve the quality of higher education sector and contribute to the innovation of Vietnams public financial management mechanism. The Government and public universities in Vietnam shoul implement appropriate measures. This study analyzes opporturnities and challenges of the financial autonomy mechanism to Vietnams public universities. 

Keywords: Financial autonomy, public university, Decree No.16/2015/ND-CP.