TÓM TẮT:
Thành lập theo Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 01/02/2013, vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gần 10 năm qua hết sức quan trọng. Các chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động thực tiễn đã cho thấy được tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả trong công tác thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chỉ đạo, việc đánh giá vai trò của Tổng Bí thư, với trọng trách là Trưởng ban Chỉ đạo, trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng quan trọng không kém. Bài viết này đánh giá vai trò của Tổng Bí thư trong hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Từ khóa: Tổng Bí thư, vai trò của Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực.
1. Tổng quan nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Bí thư trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
1.1. Vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Về vị trí: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do Bộ Chính trị thành lập. Do vậy, Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước.[1]
Về nhiệm vụ: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:[2]
Thứ nhất, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.
Thứ tư, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ năm, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị.
Thứ sáu, chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những hành vi lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thứ bảy, tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Như vậy, về cơ bản, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có thay đổi đặc biệt so với nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ở mỗi nhiệm vụ cụ thể, có thêm nội dung “tiêu cực” để phù hợp với chức năng và công tác của Ban Chỉ đạo không chỉ hoạt động trong việc chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mà còn phải phòng, chống tiêu cực.
Về quyền hạn: Tương tự quyền hạn của Ban Chỉ đạo vẫn được xây dựng dựa trên tinh thần của Quyết định số 211-QĐ/TW, tuy nhiên hiện nay, theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tại Quyết định số 32-QĐ/TW, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung thêm như: Ban Chỉ đạo có quyền “chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh”; có quyền “yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển”. Ngoài ra, ở một số quyền hạn khác cũng được quy định lại một cách cụ thể và chi tiết hơn.
1.2. Vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Về vị trí: Trong bộ máy làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nắm giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo. Do đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Bí thư trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo. Theo đó, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Bí thư trong hoạt động của Ban Chỉ đạo bao gồm:[3]
Một là, lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Hai là, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo.
Ba là, chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Bốn là, khi cần thiết, trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Năm là, trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.
Sáu là, quyết định những vấn đề khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
2. Đánh giá vai trò của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay
Kể từ khi được thành lập đến nay, vai trò của Tổng Bí thư, hay Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay ngày càng được nâng cao và có xu hướng mở rộng. Cụ thể, trong văn kiện Quyết định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ gồm có 4 nhiệm vụ và quyền hạn chính. Đó là:[4]
- Lãnh đạo, điều hành hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động của Ban Chỉ đạo.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác về phòng, chống tham nhũng; quyết định kế hoạch, chương trình công tác và các vấn đề khác thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban.
- Chủ trì, định hướng thảo luận, kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp không họp được Ban Chỉ đạo, trực tiếp quyết định và chỉ đạo thực hiện một số công việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu công tác, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp gần nhất.
Do là văn kiện quy định nhiệm vụ và quyền hạn đầu tiên của Trưởng ban cũng như Ban Chỉ đạo, rõ ràng Quyết định số 163-QĐ/TW có phần hạn chế và chưa mở rộng phạm vi vai trò của Tổng Bí thư hay nói cách khác là Trưởng ban trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Trưởng ban có “quyền lãnh đạo, điều hành chung của Ban Chỉ đạo” hay “Chỉ đạo xây dựng kế hoạch; quyết định kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban” khiến vai trò của Trưởng ban không được xác định cụ thể bởi các hoạt chung là bao gồm các hoạt động nào của Ban Chỉ đạo hoặc vấn đề khác thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban cũng không được đề cập rõ là vấn đề gì tại Điều 5 Quyết định số 163-QĐ/TW ngày 01/02/2013. Như vậy, vai trò chủ yếu của Trưởng ban trong hoạt động của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn này chủ yếu là chủ trì các cuộc họp, phiên thảo luận của Ban Chỉ đạo. Các nhiệm vụ và quyền hạn còn lại tuy được thực hiện nhưng không quá được nhấn mạnh và quan tâm như vị chủ trì, định hướng các cuộc họp thường niên và đột xuất của Ban Chỉ đạo.
Đến văn kiện Quyết định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban được mở rộng hơn. Cụ thể, Trưởng ban có nhiệm vụ và quyền hạn “khi cần thiết, trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.”[5] Việc trao thêm nhiệm vụ và quyền hạn đối với vấn đề này cho Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là hết sức phù hợp. Bởi lẽ, nhiệm vụ và quyền hạn làm việc với trực tiếp với các cấp đảng, ủy, cơ quan… trong công tác phòng, chống tham nhũng để có thể phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp tiêu cực, tham nhũng cũng như đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức cụ thể là một điều hết sức cấp thiếp, thích hợp từ đó đưa ra các đề xuất, cơ chế xử lý đối với từng hành vi vi phạm cụ thể trong vấn đề này. Do vậy, đối với việc tăng thêm nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban này sẽ tạo nên sự chủ động, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác Trưởng ban trong hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị đã thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”.[6] Với sự thay đổi về tên gọi, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban cũng được quy định lại trong văn kiện Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021. Trên cơ sở kế thừa các nội dung từ các văn kiện trước, nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban về cơ bản không có quá nhiều thay đổi và tiếp tục mở rộng khi Trưởng ban có nhiệm vụ và quyền hạn “quyết định những vấn đề khác liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo.”[7] Ở đây, Trưởng ban có quyền quyết định các vấn đề khác không chỉ gói gọn thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban, mà còn có quyền quyết định các vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Như vậy, vai trò của Tổng Bí thư trong hoạt động của Ban Chỉ đạo được mở rộng và nâng cao qua từng thời kỳ hoạt động của Ban Chỉ đạo và được ghi nhận trong các văn kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, vai trò của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua các hoạt động cụ thể và thực tế của Ban Chỉ đạo. Với tư cách là người ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nắm giữ chức vụ Trưởng Ban kiêm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và điều hành tổng cộng 21 Phiên họp kể từ khi Ban Chỉ đạo được thành lập tính đến nay. Trong mỗi Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những định hướng cho công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với từng thời kỳ. Tại Phiên họp thứ 21 ngày 20/1/2022, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Đồng thời đưa ra các kết luận và định hướng trong năm 2022 như sau:[8]
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…; sửa đổi, bổ sung văn bản luật và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
- Tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 01 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
- Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng.
- Chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.
- Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành tổng kết Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và các đề án, chuyên đề khác theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Với tư cách là người đứng đầu trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã thể hiện rõ được vai trò quan trọng và to lớn của mình trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo. Hàng loạt các vụ trọng án về tham nhũng và tiêu cực được triệt phá, như:
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo PVN, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC), Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch... bị khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).[9]
Vụ án Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.[10]
Gần đây nhất là vụ án Công ty Việt Á đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở nước ta nhằm lợi dụng, chiếm đoạt tài sản bằng cách tăng giá kit xét nghiệm Covid-19 thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến số tiền gần 30 tỷ đồng; câu kết với lãnh đạo các đơn vị hợp thức hồ sơ chỉ định thầu và đẩy giá kit cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Toàn bộ vụ việc không chỉ khiến dư luận xôn xao, mà còn gây tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta.[11]
3. Kết luận
Trong những năm qua, hàng loạt các vụ án từ nhỏ đến đại án liên quan đến vấn đề tham nhũng, tham ô tài sản liên tục bị triệt phá đã cho thấy tính hiệu quả và sự cần thiết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực luôn là vấn nạn của quốc gia, xã hội và khiến nhân dân xói mòn niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, với vị trí là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, chủ trì công việc của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quyền hạn khác, việc Tổng Bí thư nắm giữ vị trí là Trưởng ban Chỉ đạo là phù hợp, đồng thời đảm bảo cho thực hiện hoạt động trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Điều 2 Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[2] Điều 5 Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[3] Điều 8 Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[4] Điều 5 Quyết định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
[5] Khoản 4 Điều 5 Quyết định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
[6] Trung Hanh (2021), Đổi tên Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng chính là bước tiến mới trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/doi-ten-ban-chi-dao-ve-phong-chong-tham-nhung-chinh-la-buoc-tien-moi-trong-cong-cuoc-xay-dung-va-ch-1491884184.
[7] Khoản 6 Điều 8 Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[8] Ban Nội chính Trung ương (2022), Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202201/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tiep-tuc-duoc-day-manh-khang-dinh-quyet-tam-manh-me-khong-ngung-khong-nghi-310586/.
[9] Vinh An (2017), Chuẩn bị đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, https://vnexpress.net/chuan-bi-dua-vu-an-trinh-xuan-thanh-ra-xet-xu-3675637.html.
[10] Nguyễn Trọng Thành (2017), Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - bài học về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, https://ubkttw.vn/nghien-cuu-trao-doi/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/khoi-to-bat-tam-giam-ong-inh-la-thang-bai-hoc-ve-trach-nhiem-cua-nguoi-ung-au-cap-uy?inheritRedirect=false.
[11] Kim Anh (2021), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo xử nghiêm vụ kit test Việt Á, https://vov.vn/chinh-tri/ban-chi-dao-tw-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-chi-dao-xu-nghiem-vu-kit-test-viet-a-post915228.vov.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 163-QĐ/TW ngày 1/2/2013 Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
- Bộ Chính trị (2019), Quyết định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
- Bộ Chính trị (2021), Quyết định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 Quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Assessing the role of the General Secretary in the Central Steering Committee for Corruption Prevention and Control
Phan Khuyen
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
The Central Steering Committee for Corruption Prevention and Control, which was established under the Decision No. 162-QD/TW dated February 1, 2013, has played a key role in the fight against corruption and negative acts in Vietnam over the past 10 years. Policies on anti-corruption and anti- negative acts have gained encouraging results. Besides the assessment of the Central Steering Committee for Corruption Prevention and Control’s performance, it is important to assess the role of the General Secretary who is the Head of the Central Steering Committee. This paper is assessing the role of the General Secretary in the Central Steering Committee for Corruption Prevention and Control.
Keywords: the General Secretary, the role of the General Secretary, the Central Steering Committee for Corruption Prevention and Control.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]