Vai trò tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Bài báo: “Vai trò tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam” do Th.S. Nguyễn Bá Thanh - Trường Đại học Tài chính – Marketing thực hiện.

Tóm tắt: 

Bài viết đánh giá vai trò tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu thống kê, mô tả, phân tích dựa vào dữ liệu thứ cấp của Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê, Thời báo Kinh tế Việt Nam và các tài liệu liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao năng suất lao động của nước tiếp nhận, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, gia tăng việc làm, cải thiện đời sống người dân ở nước tiếp nhận đầu tư theo hướng đẹp hơn… Trên cơ sở đó, tác giả hàm ý một số giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò của khu vực kinh tế này vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trải qua hơn 30 năm thực thi Luật Đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đối với kinh tế - xã hội nước nhà với sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN. Vai trò của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần khơi dậy tiềm năng của đất nước, tạo thêm việc làm cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

Để góp phần vào nghiên cứu và phát huy vai trò của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong tiến trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tác giả thực hiện bài viết này. Bài viết gồm 3 nội dung chính, bao gồm: (1) Cơ sở lý thuyết về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN; (2) Vai trò của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam; (3) Hàm ý thúc đẩy thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN trong quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Lý thuyết về khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Ở Việt Nam, thành phần kinh tế có vốn ĐTNN được xác định tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, bao gồm: “Các doanh nghiệp, công ty 100% vốn nước ngoài; các doanh nghiệp, công ty liên doanh và doanh nghiệp có vốn ĐTNN”. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN là tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN là thành viên hoặc cổ đông”. Theo mục 1, khoản a, b và c của Điều 23 Luật Đầu tư 2020, một tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà ĐTNN khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác có nhà ĐTNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ - đây cũng là con số làm cơ sở để thống kê số lượng doanh nghiệp trong khu vực có vốn ĐTNN được cung cấp bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam. 

Theo quan điểm của Đảng ta nêu trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI: “Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [4, tr.83]. Tổng cục Thống kê phân theo loại hình kinh tế bao gồm: Kinh tế nhà nước; Kinh tế ngoài nhà nước (kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể); Khu vực có vốn ĐTNN.

Xét về mặt quan hệ sở hữu, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN được hiểu là tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khác với sở hữu cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể trong nước. 

2.2. Vai trò của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở nước tiếp nhận

Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nói riêng và tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội nói chung ở nước tiếp nhận đầu tư.

Trong tiến trình tăng trưởng kinh tế, khu vực có vốn ĐTNN giúp cho nước tiếp nhận đầu tư huy động mọi nguồn lực: vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ vào hoạt động kinh tế. Vốn đầu tư cho phát triển kinh tế được huy động từ 2 nguồn chủ yếu là vốn trong nước và vốn ngoài nước. Vốn trong nước được hình thành thông qua tiết kiệm và đầu tư. Vốn ngoài nước được hình thành thông qua vay thương mại, đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp. Đối với các nước đang phát triển, vốn là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế. ĐTNN có thể xem như là một cú huých lớn để tăng vốn cho đầu tư, tham gia nguồn lực vào phát triển nền kinh tế. Thông qua việc di chuyển vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn ĐTNN góp phần nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động của nước tiếp nhận đầu tư (Đào Thị Bích Thủy, 2012). 

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN còn tác động mạnh đến cơ cấu ngành kinh tế của nước tiếp nhận, chuyển đổi từ ngành sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vu, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước tiếp nhận đầu tư thông qua xây dựng năng lực xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu. (Chandran và Tang, 2013). Xuất khẩu được đẩy mạnh từ các công ty nước ngoài sẽ mang lại nguồn thu ngoại tệ, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế cho nước tiếp nhận đầu tư.

Hoạt động của khu vực có vốn ĐTNN với tính chất là nguồn vốn đầu tư ổn định góp phần quan trọng để duy trì, cải thiện cán cân thanh toán của nền kinh tế thông qua hoạt động xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. 

Khu vực có vốn ĐTNN tác động đến lao động của nước tiếp nhận đầu tư trên phương diện số lượng và chất lượng lao động. Về mặt số lượng là tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Về mặt chất lượng là nâng cao kỹ năng, năng lực lao động và quản trị doanh nghiệp thông qua trực tiếp đào tạo lao động và gián tiếp nâng cao trình độ lao động. Hoạt động của khu vực có vốn ĐTNN góp phần gia tăng sinh kế, ổn định xã hội ở quốc gia tiếp nhận đầu tư (Anderson và cộng sự, 1986).

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp lược khảo: dùng để tóm lược cơ sở lý thuyết về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN và vai trò của khu vực này trong tăng trưởng kinh tế ở nước tiếp nhận đầu tư.

Phương pháp phân tích, mô tả: dùng để phân tích vai trò của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2022.

Phương pháp tổng hợp: dùng để hàm ý những giải pháp nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN ở Việt Nam trong thời gian tới.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Vai trò tích cực của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội cho sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Vai trò của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thể hiện như tại Bảng 1.

Bảng 1. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá so sánh năm 2010

Năm

Tổng số vốn

(tỷ đồng)

Kinh tế nhà nước

Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực có vốn ĐTNN

Số vốn

(tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Số vốn

(tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Số vốn (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

2010

1.044.875

364.286

34,9

466.083

44,6

214.506

20,5

2011

966.623

324.940

33,4

456.931

47,0

184.752

19,6

2012

1.024.957

368.629

36,1

478.853

46,8

177.475

17,2

2013

1.106.541

392.359

35,5

521.070

47,2

193.112

17,3

2014

1.223.170

413.319

33,9

598.033

49,1

211.818

17,0

2015

1.324.311

425.225

31,7

673.912

50,2

243.174

18,1

2016

1.486.048

453.106

30,5

762.756

51,3

270.186

18,2

2017

1.664.276

468.411

28,2

892.093

53,7

303.772

18,1

2018

1.794.452

463.566

26,0

1.003.046

56,1

327.840

17,9

2019

1.921.367

461.107

24,1

1.120.210

58,3

340.050

17,6

2020

1.989.373

518.787

26,2

1.138.979

57,3

331.607

16,5

2021

1.995.905

491.046

24,8

1.183.770

59,4

321.089

15,8

2022

2.112.566

539.345

25,8

1.224.213

58,0

349.008

16,2

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 1 cho thấy trong nhiều năm trở lại đây, số lượng vốn ĐTNN có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ trọng khoảng 1/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, được phân bổ vào mọi lĩnh vực kinh tế nhưng trong đó phần lớn đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế với nhiều ngành nghề, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ mới… góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.

Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ rất mạnh mẽ và góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Bảng 2. Đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng thu ngân sách nhà nước                                        Đơn vị: %

Năm

Giá trị xuất khẩu (triệu USD)

Tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu (%)

Tỷ trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước (%)

2011-2015

86.217,3

64,96

12,65

2016

126.235,6

71,50

14,40

2017

154.910,2

72,00

13,31

2018

173.963,7

71,40

13,29

2019

185.277,9

70,10

13,66

2020

204.432,1

72,30

13,84

2021

246.876,8

73,40

13,85

2022

276.762,4

74,40

13,41

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 2 cho thấy, giá trị xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN gia tăng liên tục và luôn dẫn đầu trong hoạt động xuất khẩu của cả nước. Năm 2022 giá trị xuất khẩu ở khu vực này ước tính đạt 276,76 tỷ USD, chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước nâng tầm Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới và khu vực. Đối với các ngành như điện tử, dệt may, khu vực kinh tế này có giá trị xuất khẩu rất lớn gần như tuyệt đối. Điều này đã góp phần thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu vào hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, Việt Nam có điều kiện hợp tác với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, hội nhập sâu rộng hơn vào các nền kinh tế khu vực và thế giới, góp phần đưa vị thế Việt Nam vươn lên tầm cao mới. 

Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tham gia vào tiến trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bảng 3. GDP chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2010-2022 theo giá so sánh 2010

Năm

Tổng giá trị

(tỷ đồng)

Kinh tế nhà nước

Kinh tế ngoài nhà nước

Khu vực có vốn ĐTNN

Giá trị

(tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Giá trị

(tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Giá trị

(tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

2010

2.739.843

662.603

24,18

1.362.613

59,58

413.937

15,11

2011

2.915.553

693.220

23,77

1.470.852

50,44

444.564

15,24

2012

3.076.041

731.782

23,78

1.566.290

50,91

477.016

15,50

2013

3.246.870

764.184

23,53

1.647.946

50,75

515.127

15,86

2014

3.455.392

799.757

23,14

1.752.749

50,72

558.024

16,14

2015

3.696.825

838.307

22,67

1.876.590

50,76

618.065

16,71

2016

3.944.143

880.452

22,32

2.005.402

50,84

672.011

17,04

2017

4.217.874

907.095

21,50

2.149.366

50,95

750.994

17,80

2018

4.532.739

933.489

20,59

2.322.394

51,23

841.037

18,55

2019

4.866.315

954.483

19,61

2.537.372

52,14

909.266

18,68

2020

5.005.755

992.359

19,82

2.602.656

51,99

941.538

18,81

2021

5.133.589

1.032.967

20,12

2.650.843

51,63

969.787

18,89

2022

5.550.616

1.102.809

19,86

2.886.625

52,00

1.053.497

18,97

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 3 cho thấy, đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN vào GDP Việt Nam liên tục tăng lên về số lượng và tỷ trọng. Hơn nữa, khi so sánh vớ khu vực kinh tế nhà nước thấy rằng, tỷ trọng vốn của khu vực ĐTNN bé hơn tỷ trọng vốn ở khu vực kinh tế nhà nước nhưng tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội của 2 khu vực thì xấp xỉ bằng nhau. 

Xét về cơ cấu GDP đã có thay đổi theo hướng tăng trưởng về chiều sâu, giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với định hướng tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng thâm dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo được một số ngành công nghiệp mũi nhọn. 

Bảng 4. Số lao động có việc làm chia theo khu vực kinh tế

Năm

Tổng số 

(nghìn người)

Kinh tế Nhà nước

Kinh tế ngoài Nhà nước

Khu vực có vốn ĐTNN

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng 

(%)

2010

49.124,4

5025,2

10,2

42.370,0

86,3

1.729,2

3,5

2011

50.547,2

5024,8

9,9

43.423,8

85,9

2.098,6

4,2

2012

51.690,5

5017,4

9,7

44.423,3

85,9

2.249,8

4,4

2013

52.507,8

4994,9

9,5

44.994,6

85,7

2.518,3

4,8

2014

53.030,6

4893,2

9,2

45.269,3

85,4

2.868,1

5,4

2015

53.110,5

4779,9

9,0

45.132,8

85,0

3.197,8

6,0

2016

53.345,5

4702,3

8,8

45.052,2

84,5

3.591,0

6,7

2017

53.708,6

4595,4

8,6

44.905,4

83,6

4.207,8

7,8

2018

54.282,5

4525,9

8,3

45.215,4

83,3

4.541,2

8,4

2019

54.659,2

4226,2

7,7

45.664,6

83,6

4.768,4

8,7

2020

53.609,6

4098,4

7,6

44.777,4

83,6

4.733,8

8,8

2021

49.072,0

3951,7

8,1

40.534,0

82,6

4.586,3

9,4

2022

50.604,7

3995,0

7,9

41.533,2

82,1

5.076,5

10,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng có ý nghĩa khi khu vực kinh tế có vốn ĐTNN tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, giải quyết sinh kế, gia tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ở Việt Nam, đồng thời cải thiện tay nghề của người lao động. 

Bảng 4 cho thấy, số lượng lao động có việc làm ở khu vực kinh tế có vốn ĐTNN ngày càng gia tăng và hiện nay chiếm khoảng 10% tổng số việc làm toàn xã hội. 

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cũng phát triển theo, tức là hiệu ứng lan tỏa tạo việc làm gián tiếp. Hiện nay, với chính sách tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như công nghệ chế tạo ô tô, xe máy, giày da, may mặc…đã làm hình thành những doanh nghiệp vệ tinh cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Việc hình thành các doanh nghiệp vệ tinh đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho Việt Nam, giảm bớt trình trạng thất nghiệp. 

4.2. Một số hạn chế trong thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài

Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN phân bổ không đồng đều giữa các khu vực, chủ yếu tập trung ở các địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nhiều chính sách hấp dẫn về môi trường đầu tư và kinh doanh (Bảng 5).

Bảng 5. Vốn ĐTNN chia theo địa phương 

(Lũy kế vốn của các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2022)

 

Số dự án

Tổng vốn đăng ký (Triệu đô la Mỹ)

Đông Nam Bộ

18.547

177.752,89

Đồng bằng sông Hồng

12.217

132.841,54

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

2.266

65.149,16

Đồng bằng sông Cửu Long

1.876

34.803,20

Trung du và miền núi phía Bắc

1.223

25.408,37

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số liệu ở Bảng 5 cho thấy phần lớn dự án có vốn ĐTNN tập trung ở khu vực Đông Nam bộ (điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai) và đồng bằng sông Hồng (điển hình là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh). Còn lại các vùng khác, vốn ĐTNN khá khiêm tốn. Điều này có thể dẫn đến bất bình đẳng thu nhập giữa các địa phương. 

Ngoài ra, cơ cấu đầu tư cũng mất cân đối, chủ yếu tập trung đầu tư vào những ngành sản xuất thay thế nhập khẩu như chế biến, chế tạo, những ngành lắp ráp, gia công, thâm dụng lao động, tỷ lệ nội địa hóa thấp như sản xuất điều hòa không khí, dịch vụ ăn uống, lưu trú và những ngành sản xuất được Nhà nước ưu đãi thuế, những ngành thâm dụng tài nguyên như kinh doanh bất động sản (Hình 1). ĐTNN tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vì Việt Nam ưu tiên phát triển ngành công nghiệp này để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế. Những dự án đầu tư từ các tập đoàn lớn như Samsung, Toshiba, Microsoft, Intel… đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Hình 1. Vốn đầu tư nước ngoài chia theo ngành kinh tế

(Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2022)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, khả năng lan tỏa công nghệ chưa cao. Chỉ có những dự án từ châu Âu mới có những tiến bộ về công nghệ sản xuất, còn phần lớn những nhà đầu tư đến từ châu Á chủ yếu sử dụng công nghệ cũ. Phần lớn các hợp đồng chuyển giao công nghệ thường tập trung vào việc chuyển giao quy trình công nghệ, bí quyết công nghệ (73%), trợ giúp kỹ thuật (77%), đào tạo (71%), chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ chiếm 13%.

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản là lợi thế của Việt Nam nhưng thu hút ĐTNN còn hạn chế, do các chính sách thu hút chưa hấp dẫn, các chính sách phát triển nông lâm ngư nghiệp cũng còn yếu kém, giá trị gia tăng của ngành này cũng thấp.

Đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hành vi tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế… nên mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước còn khiêm tốn. Nguyên nhân của những vấn đề trên có chủ quan và khách quan. Nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước về vai trò của khu vực kinh tế FDI chưa nhất quán, còn chồng chéo. Hệ thống luật pháp còn nhiều lỗ hổng để các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hành vi tiêu cực. Môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư rót vốn mạnh; chất lượng nguồn nhân lực trong nước còn thấp. Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển mạnh.

5. Hàm ý thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các quốc gia cạnh tranh trong thu hút ĐTNN, Việt Nam cần phải nỗ lực hết mình để hấp dẫn nhà đầu tư đồng thời khéo léo sử dụng nguồn vốn thật hiệu quả.

Nhà nước cần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng cơ chế khuyến khích ưu đãi thoả đáng để tiếp tục thu hút ĐTNN. Các chính sách bao gồm ưu đãi thuế, tiền thuê đất… cần điều chỉnh phù hợp theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có chiến lược chọn lọc vốn đầu tư vào những ngành mũi nhọn, ưu tiên, đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước và có sức lan tỏa kéo theo những ngành nghề khác phát triển. Tập trung đẩy mạnh thu hút các ngành công nghệ cao, giảm thâm dụng tài nguyên và lao động.

Để cạnh tranh trong thu hút ĐTNN, Nhà nước nên tạo ra sự hấp dẫn như hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin ở các địa phương, đặc biệt là hạ tầng liên kết giữa các địa phương sao cho thông thoáng để thu hút ĐTNN về các địa phương đồng đều, tránh tình trạng tập trung một vài địa phương, ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng thu nhập.

Nhà nước nghiên cứu chính sách đón đầu xu hướng đầu tư hiệu quả vào các ngành nghề phổ biến trong bối cảnh mới có giá trị gia tăng cao đồng thời đẩy mạnh tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN nhằm mục tiêu chuyển giao công nghệ và trình độ quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động trong nước.

Nhà nước cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hấp dẫn nhà ĐTNN, đồng thời xây dựng định mức, quy chuẩn cụ thể trong thu hút ĐTNN theo định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để ngăn chặn các hoạt động tiêu cực của nhà đầu tư, nhằm gia tăng nguồn thu ngân sách, gia tăng các lợi ích cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quy định các chế tài hợp lý đối với nhà ĐTNN về việc bảo vệ môi trường, tránh tình trạng các nhà đầu tư đưa công nghệ máy móc lạc hậu sang Việt Nam gây ô nhiễm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê 2023.

6. Thủy, Đ. T. B. (2012). Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế trong mô hình nền kinh tế đang phát triển. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội28, 193-199.

7. Anderson, E.; Gatignon, H. (1986). Modes of Foreign Entry: A Transaction Cost Analysis and Propositions, J. Int. Bus. Stud. 1-26.

8. Chandran, V.; Tang, C.F. (2013). The impacts of transport energy consumption, foreign direct investment and income on CO2 emissions in ASEAN-5 economies, Renew. Sustain. Energy Rev. 24, 445-453.

 

The positive role of the foreign-invested economic sector in Vietnam's economic growth                                         

Master. Nguyen Ba Thanh

University of Finance and Marketing

Abstract: 

This study evaluated the positive role of the foreign-invested economic sector in Vietnam's economic growth. Statistical, descriptive, and analytical research methods were used to analyze secondary data collected from the General Statistics Office, Statistical Yearbook, Vietnam Economic Times, and related documents. The study’s results pointed out that the foreign-invested economic sector plays a very important role in economic growth, helping to increase export turnover and improve labor productivity, contributing to budget revenue, creating jobs, improving the lives of people in the receiving country, etc. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to promote the role of the foreign-invested economic sector in Vietnam’s economic growth.

Keywords: foreign invested economic sector, economic growth, Vietnam.

Tạp chí Công Thương