Tại Phiên thảo luận chiều ngày 24/06/2024 thuộc kỳ họp Quốc hội thứ 7, các đại biểu quốc hội cơ bản đồng tình với việc đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế Giá trị Gia tăng (VAT).
Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến thảo luận về mức thuế suất VAT áp dụng đối với phân bón là 0% hay 5% và các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá chi tiết hơn về tác động của việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón đến người nông dân, đến giá phân bón trong nước.
Bộ Tài chính hiện đang tiến hành nghiên cứu và sẽ trình chính thức dự thảo vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 dự kiến diễn ra trong tháng 10/2024.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán BIDV, trong trường hợp mặt hàng phân bón được áp thuế VAT với mức thuế suất 5% (kịch bản cơ sở) thì Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) có thể phải chịu 70% phần thuế VAT đầu ra. Điều này có thể giúp lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau trong năm 2025 tăng thêm 6% so với trường hợp mặt hàng phân bón không được áp thuế VAT.
Trong trường hợp mức thuế suất được đề xuất là 0% (kịch bản tích cực) thì đây sẽ là yếu tố thuận lợi nhất, giúp Đạm Cà Mau không phải nộp thuế VAT đầu ra và giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này có thể tăng thêm 15% so với trường hợp mặt hàng phân bón không được áp thuế VAT.
Chứng khoán BIDV dự kiến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được thông qua trong năm 2024 và chính thức có hiệu lực từ 2025 giúp Đạm Cà Mau tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Cụ thể, phân bón nhập khẩu vào trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 5% như phân bón nội địa và giá bán sẽ tùy thuộc vào cung cầu thị trường. Đồng thời, Đạm Cà Mau sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào, từ đó giúp giảm giá thành đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh; công ty sẽ hưởng lợi từ phần thuế VAT đầu vào lớn hơn phần thuế VAT phải nộp (5% doanh thu).
Cũng theo Chứng khoán BIDV, việc hoàn thuế VAT nếu được áp dụng từ năm 2025 sẽ giúp biên lợi nhuận của Đạm Cà Mau được cải thiện đáng kể từ mức 15,7% của năm 2023 lên 24,7% trong năm 2025.
Kết thúc nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 6.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 919 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 69% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 115% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau sản xuất được 588.950 tấn ure và 111.280 tấn NPK, lần lượt hoàn thành 66% và 61% kế hoạch năm. Doanh nghiệp tiêu thụ được 302.100 tấn ure trên thị trường nội địa và xuất khẩu được 193.530 tấn, lần lượt hoàn thành 57% và 86% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, cả nước xuất khẩu được 1,03 triệu tấn phân bón trong 7 tháng đầu năm nay. Như vậy, Đạm Cà Mau đã chiếm khoảng 18% tổng lượng phân bón xuất khẩu cả nước.