Việt Nam "tiến bộ vượt bậc" về chỉ số thương mại bền vững

Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường...
thuong mai ben vung

Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường.

 

Với sự mở cửa thương mại mạnh mẽ và tiêu chuẩn lao động được nâng cao, Việt Nam tiến bộ vượt bậc trên bảng Chỉ số thương mại bền vững Hinrich Foundation. Song Việt Nam cũng đang đối mặt với một số vấn đề cản trở sự phát triển bền vững trong thương mại, như xuất khẩu quá phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tỷ lệ phá rừng hiện đang nằm trong danh sách những chỉ số cao nhất, chi phí thương mại cao...

Năm 2016, lần đầu tiên bảng Chỉ số thương mại bền vững được công bố, Việt Nam đứng ở vị trí 11/20 nền kinh tế châu Á được xếp hạng. Lần xếp hạng thứ hai này, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên thứ 9/20. Bộ chỉ số nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng của 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ khi tham gia vào thương mại bền vững.

Nhìn trên ba trụ cột đều có tiến bộ

Bảng chỉ số được đo lường trên ba lĩnh vực trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Phân tích rõ hơn từng khía cạnh, báo cáo cho biết, về trụ cột kinh tế, chỉ số của Việt Nam đã được cải thiện, nhất là các chỉ số về giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan và thu hút nguồn vốn FDI. 

Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở cửa thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới. Cùng với tăng trưởng GDP ấn tượng, Việt Nam còn cho thấy sự mở cửa thương mại với chỉ số tự do hoá tài khoản vãng lai xếp đầu bảng.

Tại hội thảo "Công bố báo cáo Chỉ số thương mại bền vững 2018", ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu quỹ Hinrich Foundation đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Với các tập đoàn đa quốc gia ngày càng coi trọng các yếu tố bền vững trong quyết định đầu tư, những chính sách thương mại bền vững đã giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ vốn FDI trong GDP.

"Việt Nam bây giờ đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia tiên phong", ông Stephen Olson nhấn mạnh.

Hơn nữa, ông Alexander Boome, Giám đốc Chương trình Hinrich Foundation cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế này mà không gây ra nhiều hệ quả ở những phương diện khác.

Về trụ cột xã hội, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được những bước cải thiện nhất định trên lĩnh vực xã hội trong bảng Chỉ số thương mại bền vững 2018. Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động (chỉ báo được xây dựng dựa trên việc hạn chế lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cải thiện quyền của người lao động).

Đối với trụ cột môi trường, nhờ giảm bớt sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu, điểm chỉ báo môi trường của Việt Nam tăng 8 bậc và xếp thứ 8 trong bảng Chỉ số thương mại bền vững. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng điểm nhờ vào sự tham gia và cam kết các nghị định quốc tế về môi trường. Nỗ lực này sẽ góp phần đảm bảo tính môi trường bền vững ở quy mô quốc gia.

Việt Nam cần cải thiện những lĩnh vực nào?

Bên cạnh các cải thiện tích cực, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, báo cáo xếp hạng lần này cũng chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần tập trung cải thiện trong thời gian tới, nhất là liên quan đến các trụ cột về môi trường và xã hội cũng như những chỉ số thành phần khác liên quan đến hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong trụ cột kinh tế.

Theo ông Stephen Olson, Việt Nam cần nhìn lại những chỉ số môi trường quan trọng nhất là tỷ lệ phá rừng hiện đang nằm trong danh sách những chỉ số cao nhất. Ngoài ra, giảm chi phí thương mại cũng là một ưu tiên cần được xem xét. 

Chỉ số này được xây dựng dựa trên 4 yếu tố: cơ cấu hạ tầng, hậu cần, vấn nạn tham nhũng và hệ thống pháp lý nhằm đo lường gánh nặng cho nền kinh tế tạo ra bởi hệ thống thương mại. Chi phí thương mại của Việt Nam đang cao thứ 8 trong bảng xếp hạng.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để tiếp tục cải thiện hơn nữa để phát triển thương mại bền vững. Đơn cử trong trụ cột kinh tế, cần nỗ lực hơn nữa trong đơn giản, giảm trừ các thủ tục, chi phí thương mại liên quan đến cơ sở hạ tầng và các chi phí khác từ hệ thống pháp lý và quản lý. Giảm bớt rủi ro trong quá trình thanh toán thương mại. Hay trong trụ cột về môi trường, trong khi có cải thiện ở chỉ số thành phần là đã giảm được bớt sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu thì chỉ số về tỷ lệ phá rừng và ô nhiễm nguồn nước do yếu tố thương mại và sản xuất lại tăng lên, qua đó kéo giảm điểm thứ hạng chung ở trụ cột này. 

Trong khi đó ở trụ cột xã hội, dù tiêu chuẩn lao động đã có cải thiện nhưng để đối phó với tình trạng già hóa dân số bắt đầu diễn ra, cũng như để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là các cam kết trong các FTA chất lượng cao như CPTPP hay EVFTA thì vẫn cần tiếp tục tập trung cải thiện hơn nữa.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cho biết, từ trước tới nay ngành da giày chủ yếu mới chỉ tuân thủ theo các bộ chỉ số đánh giá về tiêu chuẩn lao động, môi trường do các nhãn hàng đưa ra mà chưa có bộ chỉ số mang tính quốc gia. Vì vậy, cần sự đồng hành hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt nói chung và trong ngành da giày nói riêng.