Ngành công nghiệp sụt giảm
Theo báo cáo của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng 2023 đạt khoảng 156.258 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,25 % so với cùng kỳ. Trong đó, ngành Khai khoáng giảm 28,92%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,29%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 0,2%, ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,92%.
Ngành sản xuất linh kiện điện tử với cơ cấu chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh Vĩnh Phúc sau khi có mức giảm sâu ở tháng 01/2023, đã tăng trở lại, duy trì mức tăng 2 con số, giá trị gia tăng 6 tháng tăng khoảng 14,17%, đóng góp 2,82 điểm % vào tốc độ tăng GRDP chung của tỉnh.
Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô gặp nhiều khó khăn từ đầu năm do nhu cầu thị trường giảm, đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với xe nhập khẩu do không được gia hạn hỗ trợ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP. Chỉ số tiêu thụ và chỉ số sản xuất bình quân 5 tháng đầu năm đều đạt thấp, trong đó chỉ số tiêu thụ chỉ ở mức 47,54% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp liên tục cắt giảm sản lượng khiến chỉ số sản xuất giảm 48,1%. Giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm giảm 42,83%, làm giảm 1,88 điểm % tăng trưởng chung.
Ngành sản xuất xe máy có dấu hiệu khả quan hơn khi chỉ số tiêu thụ tăng khá và chỉ số tồn kho đã có xu hướng giảm. Giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm giảm 10,55%, làm giảm 1,04 điểm % tăng trưởng chung.
Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm bị sụt giảm nguyên nhân là do do kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm.
Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu tăng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 39.573 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 33.412,9 tỷ đồng, tăng 24,6%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.646,7 tỷ đồng, tăng 80,09%; doanh thu các ngành dịch vụ khác đạt 2.513,4 tỷ đồng, tăng 27,37% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 11.757 triệu USD tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 5.821 triệu USD, tăng 10%, nhập khẩu hàng hóa đạt 5.936 triệu USD tăng 7% so với cùng kỳ.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, Linh kiện, phụ tùng ô tô: máy móc, thiết bị và phụ tùng; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng dệt may,... Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng tài sản cố định...
Thị trường trong nước phát triển ổn định
Cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển ổn định, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo chất lượng và phương thức phục vụ được nâng dần theo hướng hiện đại, văn minh.
Trên địa bàn tỉnh có 01 chợ đầu mối, 81 chợ truyền thống, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, đã hình thành các chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart, Minimat, điện máy xanh... xuống tận vùng sâu, vùng xa, đáp ứng tốt cho nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Hệ thống truyền dẫn trên địa bàn tỉnh được cáp quang hóa 100%, các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và những công nghệ lạc hậu đã dần bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt, 55% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng các kênh thanh toán điện tử...
Sự kết hợp giữa thương mại truyền thông và thương mại hiện đại ngày càng phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại. Để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên tất cả các lĩnh vực thương mại và công nghiệp, tạo sự bứt phá trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao.