Cụ thể sản phẩm bị điều tra là mặt hàng săm, lốp xe đạp, xe gắn máy, mô tô thuộc các mã HS 4013.20.00.00; 4013.90.00.10 và 4013.90.00.20.
Theo số liệu tổng hợp từ ITC Trade map, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Ma-rốc đạt 150 nghìn USD năm 2019, giảm một nửa còn 74 nghìn USD năm 2020 và tăng lên 636 nghìn USD năm 2021.
Đây là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên do Ma-rốc tiến hành đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đến hết năm 2021, Ma-rốc đã tiến hành 17 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 12 vụ việc tự vệ toàn cầu đối với hàng nhập khẩu vào nước này.
Cùng với thông tin về vụ việc, Tổng vụ Thương mại Ma-rốc đã gửi kèm Bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Thời hạn để doanh nghiệp hoàn thiện và nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra là ngày 22 tháng 11 năm 2022. Ngoài ra, bản trả lời cần được dịch sang Tiếng Pháp hoặc tiếng Ả Rập.
Vì vậy, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có liên quan cần cân nhắc có phương án kịp thời xử lý vụ việc để đảm bảo xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang thị trường Ma-rốc.
Trong trường hợp tham gia vụ việc, doanh nghiệp cần xây dựng phương án xử lý xuyên suốt, chuẩn bị nguồn lực, phối hợp tích cực với cơ quan điều tra trong toàn bộ quá trình vụ việc và nộp các bản trả lời câu hỏi điều tra đúng hạn, cung cấp đầy đủ thông tin và chính xác. Đồng thời, thường xuyên liên hệ, trao đổi với Cục để được cập nhật diễn biến vụ việc và hỗ trợ kịp thời.
Cục Phòng vệ thương mại cũng lưu ý, việc bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ trong quá trình điều tra có thể dẫn tới việc Tổng vụ Thương mại, Bộ Công Thương Ma-rốc sử dụng các chứng cứ sẵn có (thường là bất lợi) để tính toán biên độ phá giá cho doanh nghiệp, dẫn tới mức thuế cao.
Khi đó, việc bị áp thuế chống bán phá giá sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, gia tăng nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị phần xuất khẩu mặt hàng săm lốp xe đạp, xe máy và mô tô tại thị trường Ma-rốc.