WB hỗ trợ 107 triệu USD nâng cao năng lực các tuyến đường thủy và logistics phía Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 107 triệu USD để hỗ trợ cải thiện năng lực của các tuyến đường thủy nội địa và góp phần cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong lĩnh vực vận tải tại khu vực các tỉnh phía Nam của Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hàng đầu của Việt Nam cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam mới được Ngân hàng Thế giới (WB) phê duyệt nhằm mục đích tăng khối lượng hàng hóa và giảm thời gian di chuyển dọc theo các hành lang Đông-Tây và Bắc-Nam quan trọng. Dự án cũng sẽ kết nối các trung tâm sản xuất chính của Việt Nam với cảng biển nước sâu chính của đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Các tuyến đường thủy phía Nam của Việt Nam có tiềm năng to lớn như một giải pháp thay thế rẻ hơn, xanh hơn và an toàn hơn cho giao thông vận tải. Dự án này hỗ trợ trực tiếp cho các mục tiêu của Việt Nam nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của vận tải đường thủy nội địa, giảm phát thải carbon trong lĩnh vực vận tải và nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại của quốc gia”, bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

đường thủy
Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ tín dụng để cải thiện năng lực của các tuyến đường thủy nội địa khu vực phía Nam

Việc nâng cấp các tuyến đường thủy sẽ cho phép tăng khối lượng hàng hóa trên các tàu lớn hơn di chuyển trên các hành lang kết nối 04 cảng lớn nhất ở khu vực phía Nam thông qua các tuyến đường hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển, thời gian, lượng khí thải nhà kính (GHG) và tai nạn.

Dự án sẽ tăng năng lực đường thủy của hành lang Đông-Tây và hành lang Bắc-Nam, kết nối cảng Cần Thơ, cảng chính ở Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất chính của Đồng Nai, cảng TP.HCM và cảng biển nước sâu Cái Mép Thị Vải. Khoảng cách vận chuyển giữa cảng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và cảng lớn nhất theo khối lượng của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh dự báo có thể rút ngắn khoảng 30%.

Theo WB, việc vận chuyển nhiều hàng hóa hơn bằng đường thủy nội địa rất quan trọng để giảm phát thải carbon cho ngành vận tải Việt Nam. Vận tải đường bộ, đóng góp khoảng 80% lượng khí thải GHG của ngành vận tải Việt Nam, thải ra lượng CO2 gấp sáu lần so với đường thủy.

Dự án cũng giới thiệu các thiết bị hỗ trợ điều hướng và khắc phục những khúc cua gấp trên đường thủy, giúp cải thiện tính an toàn.

Theo công bố của WB, Dự án này bao gồm 03 dự án thành phần:

Dự án thành phần 1: Nâng cấp một số đoạn của Hành lang logistics đường thủy Đông-Tây (chi phí ước tính 155,2 triệu USD; trong đó khoản tín dụng ưu đãi IDA là 100,8 triệu USD).

Dự án thành phần này hỗ trợ cải thiện Hành lang logistics đường thủy Đông-Tây, thông qua việc cải tạo và nâng cấp các đoạn nút thắt cơ sở hạ tầng của hành lang để đáp ứng Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II của Việt Nam, đáp ứng tàu có trọng tải đến 600 tấn và tàu container 3 tầng có thể di chuyển toàn thời gian và tàu có trọng tải đến 1.500 tấn có thể di chuyển trong thời gian thủy triều cao.

Hành lang logistics đường thủy Đông-Tây, có tổng chiều dài khoảng 197 km, bao phủ hành lang đường thủy nội địa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối Cảng Cần Thơ với Cảng TP.HCM ở khoảng cách ngắn nhất.

Đặc biệt, Dự án thành phần này sẽ hỗ trợ: (a) Mở rộng và đào sâu các tuyến đường thủy tại sông Mang Thít, kênh Chợ Lách, rạch Lá, sông Trà Ôn và rạch Kỳ Hôn, có tính đến biến đổi khí hậu và mực nước; (b) xây dựng các bờ kè tại sông Mang Thít, kênh Chợ Lách và rạch La để thích ứng với rủi ro xói mòn do biến đổi khí hậu; (c) xây dựng lại cầu Chợ Lách 2 để tăng độ cao và rộng hơn cho tàu thuyền và chống chịu tốt hơn với mực nước dâng cao; (d) hiệu chỉnh khúc cua gấp tại sông Mang Thít, kênh Chợ Lách và rạch La; (e) xây dựng lại các tuyến đường để kết nối với các tuyến đường hiện có tại Mang Thít và Chợ Lách; (f) xây dựng lại các cống thoát nước tại sông Mang Thít, kênh Chợ Lách và rạch La; và (g) lắp đặt các thiết bị hỗ trợ hàng hải bao gồm tại các sông Trà Ôn, sông Mang Thít, kênh Chợ Lách và kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc để đảm bảo an toàn.

Sau khi nâng cấp các đoạn, hành lang đường thủy Đông-Tây sẽ giảm khoảng cách vận chuyển khoảng 92 km so với tuyến đường hiện có mà tàu thuyền trên 300 tấn sử dụng. Do hạn chế của các tuyến đường thủy, hiện tại chỉ có tàu thuyền chở 100–300 tấn mới có thể đi qua các đoạn này. Khi các đoạn này được nâng cấp, hành lang này sẽ cho phép các đội tàu có trọng tải lên tới 600 tấn và các tàu có trọng tải lên tới 1.500 tấn hoặc khoảng 128 TEU cũng có thể di chuyển tùy thuộc vào thủy triều.

Dự án thành phần 2: Nâng cấp một số đoạn của Hành lang logistics đường thủy Bắc-Nam (chi phí ước tính 0,1 triệu USD; trong đó khoản tín dụng ưu đãi IDA là 0,09 triệu USD).

Hợp phần này hỗ trợ cải thiện Hành lang logistics đường thủy Bắc-Nam thông qua việc cải tạo các đoạn nút thắt cơ sở hạ tầng của hành lang, cho phép tàu có trọng tải đến 5.000 tấn và tàu container 4 tầng lưu thông. Hành lang logistics đường thủy Bắc-Nam có tổng chiều dài khoảng 82 km, bao phủ hành lang đường thủy nội địa ở khu vực Đông Nam bộ, kết nối Cảng Đồng Nai với Cảng TP.HCM và Cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải. Các đoạn tuyến đường thủy đặc biệt quan trọng này sẽ được cải thiện để lưu thông dễ dàng hơn và an toàn hơn.

Cụ thể, hợp phần sẽ hỗ trợ mở rộng và đào sâu lòng sông, hiệu chỉnh khúc cua và hỗ trợ hàng hải. Hiện tại, một tàu điển hình trên tuyến này có thể có trọng tải khoảng 3.000 tấn nhưng không thể lưu thông toàn thời gian và phải chờ thủy triều lên. Việc cải tạo sẽ cho phép các tàu có trọng tải lên đến 3.000 tấn và tàu container 200 TEU di chuyển toàn thời gian dọc theo hành lang, và các tàu có trọng tải lên đến 5.000 tấn di chuyển trong thời gian thủy triều cao. Trong kết nối với Hành lang Đông-Tây, việc cải tạo Hành lang Bắc-Nam cũng tăng cường mạng lưới logistics tích hợp và khả năng kết nối hàng hóa từ vùng nội địa Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng biển nước sâu tại Cái Mép Thị Vải.

Dự án thành phần 3: Hỗ trợ thực hiện dự án (chi phí ước tính: 6,9 triệu USD; trong đó khoản tín dụng IDA là 6,1 triệu USD). Dự án thành phần này sẽ tài trợ cho hỗ trợ thực hiện dự án, bao gồm: thiết kế kỹ thuật chi tiết và giám sát thi công; kiểm toán tài chính và giám sát xã hội và môi trường. Trong đó, khoản tín dụng IDA sẽ tài trợ cho các hoạt động theo Thành phần 3(a), trong khi các hoạt động theo Thành phần 3(b) sẽ được thực hiện bằng vốn đối ứng.

Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy trọng điểm và giảm chi phí vận tải, dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao an toàn giao thông đường thủy và an ninh khu vực biên giới các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Việt Hằng