Một dịch vụ đường sắt chở hàng mới khai trương kết nối Malaysia, Thái Lan, Lào và Trung Quốc dự kiến sẽ mở ra thị trường mới trong khu vực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân địa phương.
Hãng tin tức của Singapore Channel News Asia (CNA) đưa tin, chuyến tàu ASEAN Express đầu tiên đã khởi hành từ kho nội địa Kelana Jaya ở bang Selangor, Malaysia vào ngày 27/6/2024, trước sự chứng kiến của đại diện từ 4 quốc gia. Chuyến tàu đã đến đích tại Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 11/7/2024 với hàng hóa là các thiết bị điện tử và sản phẩm nông nghiệp. Một chuyến tàu khác khởi hành ngược chiều từ Trùng Khánh cũng đã đến Selangor trong thời gian này.
Thời gian vận chuyển của các chuyến tàu chỉ dưới 14 ngày - nhanh hơn so với tuyến vận tải đường biển có thể mất tới 03 tuần. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng giải pháp vận chuyển mới sẽ thúc đẩy ngành sản xuất đường sắt và giảm chi phí dịch vụ logistics tới 30%.
Một số nông dân trồng sầu riêng tại Malaysia đang có kế hoạch xuất khẩu giống sầu riêng Musang King nổi tiếng bằng đường sắt sang Trung Quốc vào cuối năm nay, sau khi Trung Quốc đồng ý cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia vào tháng trước.
Hướng tới mục tiêu vận chuyển hàng ngày
Tuyến đường sắt ASEAN Express kết nối 03 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc sẽ kết nối các tuyến thương mại mới và các cảng nội địa trên khắp khu vực, bao gồm: Cảng thông quan nội địa Kontena Nasional ở Selangor, Cảng nội địa Latkrabang ở Thái Lan và Cảng khô Thanaleng ở Lào.
Trước mắt, Công ty Đường sắt Malaysia (KTMB) dự định khai thác hai chuyến tàu mỗi tuần giữa Kelana Jaya (Malaysia) và Trùng Khánh (Trung Quốc).
Giám đốc điều hành của Công ty, ông Mohd Rani Hisham Samsudin cho biết, mục tiêu cuối cùng là tăng tần suất lên thành các chuyến chạy hàng ngày giữa hai thành phố. “Đây sẽ là giai đoạn đầu tiên. Nếu mọi thứ ổn thỏa, chúng tôi sẽ xem xét cả tàu chở khách trong tương lai”, ông nói thêm.
Tuyến vận tải đường sắt kết nối 3 nước ASEAN với Trung Quốc hoạt động như thế nào?
Từ Kelana Jaya, hàng hóa có thể đến Padang Besar - gần biên giới giữa Malaysia và Thái Lan trong vòng chưa đầy một ngày. Không cần thay đổi khổ đường ray ở đây vì mạng lưới đường sắt của cả hai nước đều sử dụng hệ thống khổ đường ray 1m.
Trong vận tải đường sắt, khổ đường ray đề cập đến khoảng cách giữa hai thanh ray của đường ray xe lửa. Có một số khổ đường ray khác nhau trên toàn thế giới, tạo ra rào cản cho hoạt động rộng hơn trên mạng lưới đường sắt.
Điều này xảy ra ở biên giới tiếp theo của chuyến tàu giữa Thái Lan và Lào, vì đường sắt của Lào khác với đường sắt của Malaysia và Thái Lan. Lào sử dụng hệ thống đường sắt tiêu chuẩn với khổ đường ray là 1.435m.
Do vậy, tại Cảng Thanaleng ở Viêng Chăn (Lào), các container được chuyển từng cái một sang các toa xe khác nhau - một quá trình mất gần hai giờ.
Từ Lào, tàu ASEAN Express đi đến Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, trước khi đến Trùng Khánh.
KTMB cho biết, dịch vụ đường sắt rẻ hơn vận tải đường bộ trung bình 30%, cũng là giải pháp thay thế xanh và bền vững hơn.
Cải thiện kết nối đường sắt khu vực, giảm chi phí dịch vụ logistics
Các chuyên gia đường sắt ca ngợi dịch vụ vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Malaysia đến Trung Quốc là mang tính lịch sử. "Đây là một khởi đầu tốt. Mặc dù còn nhỏ, nhưng nó có thể phát triển", ông Rosli Azad Khan, Cố vấn và Giám đốc điều hành của MS Traffic Planners cho biết.
Ông Rosli Azad Khan cũng cho biết điều này sẽ cho phép Malaysia phát triển ngành vận tải của mình và có thể trở thành một đơn vị chủ chốt tại các quốc gia mà ASEAN Express phục vụ. “Tôi nghĩ Malaysia nên đi đầu trong việc này - đây là một cơ hội tốt”, ông nói.
Giáo sư Khalid Hasnan, người đứng đầu Trung tâm xuất sắc về Công nghiệp đường sắt Malaysia (ICO REL) lưu ý: “Nếu bạn có thể thuyết phục ngành công nghiệp rằng bạn có thể cung cấp dịch vụ nhanh chóng, hiệu quả, giá rẻ và đảm bảo tính toàn vẹn của hàng hóa, họ sẽ đồng ý”.
Các chuyên gia cũng cho biết, ngoài việc cải thiện kết nối đường sắt khu vực, họ kỳ vọng chi phí dịch vụ logistics sẽ giảm xuống.
Ông Rosli Azad Khan chỉ ra rằng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ở cả 4 quốc gia đều "rất cao" và dịch vụ đường sắt sẽ phục vụ nhu cầu của họ tốt hơn so với đường bộ.
“Trong tương lai, chúng ta không thể trông chờ vào đường cao tốc để phục vụ chúng ta, cả về hành khách và hàng hóa. Chúng ta phải quay lại với đường sắt”, ông nói thêm.