“Xanh” để tiếp cận thị trường FTA tốt hơn

Lợi ích của việc xanh hoá dệt may cho các nhà sản xuất bao gồm: Lợi nhuận tốt hơn nhờ giảm thiểu phát thải và sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả hơn; cải thiện năng suất để cắt giảm chi phí vận hành; cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và tăng cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn; đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý để giành được sự tin tưởng từ các bên liên quan.

thị trường FTA

3 áp lực phải “xanh” hoá

Dự án Xanh hóa ngành Dệt May, do WWF-Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng HSBC, Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ, và nhãn hàng Tommy Hilfiger, hướng tới mục đích cải cách ngành Dệt May Việt Nam và tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường nhằm mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho quốc gia và toàn bộ khu vực Mekong.

Dự án tập trung vào cải thiện quản lý nước và năng lượng với mục tiêu dài hạn là tăng cường quản trị khu vực Mekong và nâng cao tính bền vững của hệ sinh thái và môi trường sống khu vực này. Dự án cũng hỗ trợ giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng bền vững và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Việt Nam đang tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA mang đến các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu của họ. Ưu đãi thuế sẽ dành cho hàng hóa Việt Nam có nguồn gốc phù hợp được chứng nhận, sản xuất bền vững và minh bạch thông tin. Đồng thời, Việt Nam cũng có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho các sản phẩm chất lượng cao và đa dạng từ các quốc gia đối tác và vì thế áp lực phải cạnh tranh một cách bình đẳng sẽ dần tăng lên - hoặc có nguy cơ thua cuộc trên sân nhà trước các sản phẩm và công ty nước ngoài. Do đó, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại từ thị trường FTA, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi khía cạnh hoạt động của mình, trong đó có “xanh” hoá bởi 3 áp lực phổ quát sau.

Thứ nhất, các cam kết và nghĩa vụ trong FTAs. Xin lấy một ví dụ, trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Chương 20 về Môi trường, điểm 6 Điều 20.3 có nêu “các Bên nhận thức rằng việc khuyến khích thương mại hay đầu tư bằng cách giảm mức độ bảo vệ được quy định trong pháp luật môi trường của mình là không phù hợp.” CPTPP cũng quy định nhiều nghĩa vụ hơn nữa để bảo vệ tầng ozone và môi trường biển.

Thứ hai, các nhà mua, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước.

Thứ ba, nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng. Con số người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn cho các sản phẩm dệt may bền vững đang tăng lên cũng như nhận thức của họ về tiêu thụ bền vững để bảo vệ môi trường ngày càng cao hiện đặt ra các áp lực buộc ngành phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh.

Các tiêu chuẩn, tổ chức phổ biến

Sau khi phân tích các cơ hội và cam kết mà doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ đáp ứng khi khai thác thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường FTAs, Dự án Xanh hóa ngành Dệt May tóm tắt vấn đề: “Xanh hóa ngành Dệt May bắt đầu từ việc sản xuất nguyên liệu cho ngành một cách bền vững”. Đồng thời, giới thiệu một số tiêu chuẩn và tổ chức liên quan đến xanh hoá ngành Dệt May đang được các nhãn hàng lớn chú ý:

Global Recycled Standard (GRS)

Là một tiêu chuẩn sản phẩm dùng để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm cuối cùng, đồng thời đảm bảo các yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả công ty có sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm dán nhãn GRS. GRS bao gồm quá trình gia công, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối sản phẩm được làm từ tối thiểu 20% vật liệu tái chế. Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu (GRS) là một tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện, và một tiêu chuẩn sản phẩm đầy đủ đưa ra yêu cầu đánh giá bởi bên thứ ba về các vấn đề sau:

- Nhận dạng và truy xuất về thành phần tái chế trong sản phẩm dệt may trong toàn bộ chuỗi tạo nên sản phẩm.

- Yêu cầu về môi trường giúp chống suy thoái bằng cách bảo đảm sử dụng vật liệu tái chế.

- Những giới hạn về hóa chất giúp đảm bảo việc không sử dụng hóa chất độc hại và gây tác động xấu môi trường và sức khỏe của người sử dụng.

- Trách nhiệm xã hội theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

The Better Cotton Initiative (BCI)

Là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và là chương trình bền vững về bông lớn nhất trên thế giới.

Mục đích của BCI là giúp cho việc sản xuất bông toàn cầu trở nên tốt hơn cho những người trồng, cho môi trường và cho tương lai của ngành. BCI thúc đẩy những cải tiến có thể đo lường được trong trồng bông để giúp hoạt động này bền vững hơn về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Các hoạt động của BCI bao gồm:

- Xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí sản xuất để đưa ra định nghĩa toàn cầu về Better Cotton (bông tốt hơn).

- Hỗ trợ nông dân để thúc đẩy các cơ chế tạo điều kiện từ cấp địa phương đến toàn cầu, phối hợp với các đối tác có kinh nghiệm, khuyến khích các quỹ hợp tác công tư để triển khai các cơ chế này.

- Khuyến khích người trồng bông cải tiến liên tục, thông qua số liệu đo đạc và chu kỳ rút kinh nghiệm theo mùa vụ.

- Kết nối cung cầu thông qua các đơn hàng được xác định là 100% xơ BCI.

- Các cơ chế giám sát, đánh giá, học hỏi để đo lường tiến độ và sự thay đổi, đồng thời đảm bảo hệ thống Better Cotton tạo tác động tích cực tới đối tượng hưởng lợi trực tiếp.

- Tạo điều kiện trao đổi các thực hành và kiến thức tốt nhất để khuyến khích các hành động tập thể.

Cradle-to-Cradle (C2C)

Triết lý của C2C22 là thiết kế lại, định hình lại hệ thống thiết kế và sản xuất sản phẩm truyền thống thành một hệ thống khép kín, trong đó mọi vật liệu đi trong chu trình sử dụng và tái sử dụng liên tục.

Để đạt được chứng nhận C2C, các sản phẩm cần được đánh giá về hiệu quả môi trường và xã hội theo 5 hạng mục bền vững gồm: nguyên liệu bền vững; tái sử dụng nguyên liệu; quản lý carbon và năng lượng tái tạo; quản trị nước; và công bằng xã hội.

Chứng nhận C2C được trao dựa trên mức độ hoạt động tăng dần và yêu cầu gia hạn chứng nhận sau mỗi hai năm. Phương thức chứng nhận gồm các bước sau:

- Chọn đơn vị đánh giá được công nhận để kiểm tra, phân tích và đánh giá sản

phẩm của bạn.

- Làm việc với đơn vị đánh giá để tổng hợp, đánh giá dữ liệu và lập thành hệ thống tài liệu.

- Nhận chứng nhận cho sản phẩm của bạn, đưa sản phẩm lên sổ ghi chứng nhận C2C của Viện Product Innovation Institute.

- Cập nhật và thông tin tới khách hàng của bạn về chứng nhận này.

- Báo cáo tiến độ của bạn mỗi hai năm để được tái chứng nhận.

C2C có ý nghĩa nhiều hơn là một dấu hiệu được công nhận về chất lượng sản phẩm. Đăng ký với C2C có nghĩa là công ty của bạn:

- Đang tham gia vào một cộng đồng các doanh nghiệp sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng được chứng nhận, và mang lại lợi ích về xã hội và môi trường trong nền kinh tế tuần hoàn.

- Được phép dùng nhãn thương mại C2C để thể hiện cam kết liên tục cải tiến và là một tuyên bố chất lượng toàn diện.

- Trở thành đơn vị có sản phẩm đươc ưa chọn” cho nhiều chương trình mua hàng nhấn mạnh yếu tó môi trường.

Công cụ tiếp cận thị trường FTA

Trên toàn cầu có rất nhiều cơ chế và công cụ giúp doanh nghiệp sản xuất cải thiện hoạt động môi trường để liên tục trở nên “xanh hơn”. Dưới đây là một số công cụ được công nhận và áp dụng phổ biến hàng đầu.

Không xả thải hóa chất nguy hại (ZDHC)

Chương trình ZDHC Roadmap to Zero23 được khởi xướng năm 2011 nhằm “bảo vệ hành tinh” bằng cách giảm dấu chân hóa chất của ngành công nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. ZDHC đánh giá mức độ nghiêm trọng của mối nguy hại từ việc sử dụng hóa chất, nhận diện rủi ro, phát triển các phương pháp và công cụ, xây dựng nhân thức và giáo dục các bên trong chuỗi cung ứng về sử dụng và quản lý hóa chất có trách nhiệm, và cách thức thay thế hóa chất độc hại bằng các lựa chọn an toàn hơn.

Có 2 module trong tiếp cận ZDHC. Đối với nhà sản xuất ngành Dệt May, module Hóa chất có vai trò là một công cụ tìm kiếm tiên tiến các loại hoá chất và thực hành quản lý hóa chất phù hợp. Còn module Nước thải thì đi xa so với tuân thủ quy định pháp luật để bảo đảm doanh nghiệp xả nước thải không gây tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng xung quanh.

Nhà cung ứng được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn thống nhất như trong Hướng dẫn về Nước thải của ZDHC. Họ có thể kiểm tra nước thải của mình và chia sẻ kết quả đồng thời với tất cả các khách hàng. ZDHC có 86 Phòng thí nghiệm được công nhận trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Các nhãn hàng cũng có được lợi ích từ hệ thống này vì họ có thể tìm kiếm kết quả từ nhiều nhà cung ứng ngay trên 1 nền tảng, đó là ZDHC Gateway của module Nước thải.

Higg Index

Higg Index25 là bộ công cụ tự đánh giá tính bền vững được phát triển bởi SAC để xem xét tác động của sản xuất, thương hiệu và sản phẩm ngành Dệt May.

Để đạt được chứng nhận Higg Index, doanh nghiệp cần áp dụng các công cụ Higg dưới đây:

- Công cụ cho sản phẩm (Higg Product Tools) giúp các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất,… hiểu được tác động môi trường của trang phục, giày dép và hàng dệt. Có hai công cụ sản phẩm là Chỉ số Bền vững Vật liệu Higg (Higg MSI) và Mô-đun Sản phẩm Higg (Higg PM).

- Công cụ cho nhà máy (Higg Facility Tools) đo lường các tác động bền vững đến môi trường và xã hội tại các cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Có hai công cụ cho nhà máy gồm module Môi trường (Higg FEM) và module Lao động & Xã hội (Higg FSLM).

- Công cụ cho nhãn hàng và bán lẻ (Higg Brand and Retail Tool): Nhãn hàng và nhà bán lẻ toàn cầu sử dụng công cụ này để đánh giá tính bền vững của vòng đời sản phẩm, hiệu quả môi trường và tác động xã hội của chuỗi giá trị.

Higg Index cho phép và khuyến khích các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà sản xuất trở nên minh bạch bằng cách truyền đạt công khai thông tin về tính bền vững rõ ràng, đáng tin cậy và có ý nghĩa. Higg Index tạo ra các giá trị cho doanh nghiệp thông qua:

- Tập trung vào chiến lược bền vững của công ty;

- Xác định các cơ hội thúc đẩy đổi mới đồng thời cắt giảm chi phí và

chất thải;

- Tránh lãng phí thời gian và chi phí nhờ cách tiếp cận “tự đánh giá”;

- Giảm thời gian chia sẻ dữ liệu, chi phí và độ phức tạp;

- Thúc đẩy cải tiến thông qua lập định mức ngành;

- Tối ưu hóa việc tìm kiếm nguồn cung;

- Hỗ trợ trao đổi thông tin giữa các bên hữu quan.

Bluesign Approved

Bluesign là một tiêu chuẩn quốc tế ra đời năm 2000, với mục đích quản lý việc không sử dụng các hóa chất độc hại trong sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dệt may. Chứng nhận này thể hiện cho mức độ bảo đảm với người tiêu dùng rằng sản phẩm được sản xuất với việc sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và tác động tới môi trường và con người thấp nhất có thể. Các tiêu chí nghiêm ngặt của bluesign cung cấp tất cả thông tin liên quan và đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và khả năng truy xuất nguồn gốc của tất cả các bước xử lý nguyên liệu. Các nguyên liệu được tạo ra trong chuỗi sản phẩm hoặc các sản phẩm trung gian được bluesign đánh giá và mang nhãn bluesign®APPROVED. Hệ thống quản lý bluesign bao gồm:

- Quản lý dòng vào: Loại bỏ chất độc hại và kiểm soát nguồn đầu vào.

- Quản lý quá trình sản xuất: Đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường.

- Quản lý dòng ra: Kiểm tra sản phẩm đầu ra phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của khách hàng.

Chứng nhận bluesign là phương thức hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới nhất về Môi trường, Sức khỏe và An toàn mà không ảnh hưởng đến chức năng, chất lượng hoặc thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp nhờ giúp giảm lãng phí tài nguyên và chi phí trong mỗi công đoạn của quá trình sản xuất và giảm tiêu thụ nước, năng lượng, cũng như lượng hóa chất có trong nước thải.

SO 14001

ISO 1400129 là một phần của bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường áp dụng cho tất cả mọi tổ chức doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu. Tiêu chuẩn này giúp đảm bảo cho hoạt động trong ngành Dệt May theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy cải tiến liên tục và bền vững, cũng như giảm tác động môi trường từ quá trình sản xuất. Để được chứng nhận, doanh nghiệp cần tham khảo các bước sau:

- Đào tạo nội bộ về yêu cầu của tiêu chuẩn và yêu cầu của pháp luật.

- Xây dựng văn bản cho hệ thống quản lý môi trường.

- Thực hiện và giám sát việc thực hiện hệ thống.

- Đánh giá và xác nhận tuân thủ.

- Nhận chứng chỉ.

- Duy trì chứng chỉ.

Lợi ích cho các nhà sản xuất bao gồm:

- Quản lý môi trường tốt hơn nhờ giảm thiểu phát thải và sử dụng

nguyên, nhiên liệu hiệu quả hơn.

- Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước.

- Cải thiện năng suất để cắt giảm chi phí vận hành.

- Cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và tăng cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn.

- Đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý để giành được sự tin tưởng từ các bên hữu quan.

Cuối cùng, Dự án Xanh hóa ngành Dệt May đưa ra kết luận: “Cách duy nhất để thực sự đạt được sự chuyển đổi xanh của toàn ngành Dệt May là phải có sự phối hợp hành động của tất cả các bên hữu quan đến ngành, cùng hướng tới một mục tiêu chung là “tầm nhìn xanh”.

Hy vọng rằng Dự án “Xanh hóa ngành Dệt May” do WWF triển khai - sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành Dệt May Việt Nam theo hướng phát triển bền vững và tích cực đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia.

Bạch Công Hùng