Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Phải đơn giản mọi thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Như xin cấp phép xây dựng chỉ cần đến Sở Xây dựng; người dân và doanh nghiệp xin cấp phép kinh doanh xăng, dầu chỉ cần đến Sở Công Thương... Với tầm nhìn hướng tới thực hiện Chính quyền số, đáp ứng nhu cầu phục vụ số lượng người dân của thành phố ngày càng đông, trọng tâm của thành phố là sẽ chuyền sang việc giảm số lượng các dịch vụ công rời tạc, thủ công hiện nay của từng cơ quan chính quyền, bằng cách tập trung vào thu thập và sử dụng dữ liệu về người dân và môi trường cá nhân của người dân, để họ có thể tự thao tác yêu cầu các gói dịch cụ cá thể hóa mỗi khi cần đến.
Xây dưng Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP. Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị thông minh.
Kiến trúc Chính quyền điện tử của TP. Hồ Chí Minh tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đồng thời bám sát theo Đề án Xây TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do UBND Thành phố ban hành.
Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghịNgoài ra, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, Robot thông minh,...
Kiến trúc Chính quyền điện tử chủ yếu được xây dựng cho các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện, Phường, Xã tại TP. Hồ Chí Minh để các đơn vị tham chiếu,tuân thủ khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, thống nhất. Kiến trúc này giúp đảm bảo các kế hoạch đầu tư nghệ thông tin và truyền thông của các cơ quan chính quyền thuộc thành phố đạt được thành quả đúng theo mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tránh lãng phí, trung lặp và tiết kiệm ngân sách.
Nhìn tổng quan, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP. Hồ Chí Minh là kế hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Kiến trúc Chính quyền điện tử là một tài liệu “sống” được tiếp tục điều chỉnh, cập nhật, bổ sung hàng năm dựa trên kết quả triển khai thực tế và yếu tố mới xuất hiện nhằm đạt được kết quả thực tế cao nhất.
Theo đó, Kiến trúc Chính quyền điện tử luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số để quản lý và điều hành đô thị thông minh. Trong đó, những chuẩn mực xây dựng và phát triển đô thị thông minh luôn được tham chiếu từng bước chuyển đổi trạng thái ứng dụng CNTT của chính quyền thành phố.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Thành phố cũng đang triển khai Đề án Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Đô thị thông minh không chỉ là một đô thị được trang bị công nghệ số cho hạ thầng kỹ thuật mà còn cao hơn, còn là đô thị được quản lý bởi một chính quyền điện tử có khả năng điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Như vậy, với mục đích quan trọng là để phục vụ triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh, Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố sẽ đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, theo định hướng Chính quyền số, quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân doanh nghiệp và tổ chức.
Sau giai đoạn chính quyền điện tử 2018-2020, thành phố sẽ tiến đến xây dựng chính quyền điện tử thông minh trong giai đoạn 2020 – 2025, trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp./.