Thị trường bao bì nhựa của Thụy Điển tiếp tục tăng trưởng và dự báo trong tương lai sẽ tiếp tục tăng. Bao bì nhựa đã thay đổi cách thức hoạt động của ngành bao bì. Các giải pháp đóng gói nhẹ, bền và thoải mái cho người sử dụng là những yếu tố đã làm tăng việc sử dụng nhựa làm vật liệu đóng gói trên toàn thế giới. Bao bì nhựa đã đạt được sức hút đáng kể trong ngành chăm sóc sức khỏe do tính chất ngăn cản cao, thời hạn sử dụng lâu dài và độ bền.
Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu cho các nước Bắc Âu nói riêng. Nhằm thực hiện Chỉ thị (EU) 2018/851 ngày 30/5/2018 sửa đổi Chỉ thị số 2008/98/EC về rác thải, các quốc gia Bắc Âu đều có các Chương trình nhằm thực hiện Chỉ thị này như Hệ thống tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhập khẩu và người tiêu dùng. Tất cả đều phải có trách nhiệm thu gom rác thải bằng nhựa để tái chế. Do vậy, người tiêu dùng Bắc Âu và Chính phủ các nước ngày càng đặt ra yêu cầu cho các sản phẩm tiêu dùng phải bền vững, ít tác động đến môi trường.
Theo Chỉ thị (EU) số 2019/904 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ngày 5/6/2019 về việc giảm tác động của các sản phẩm nhựa nhất định đến môi trường (Chỉ thị SUP), vào ngày 3/7/2021, các nước thành viên của Liên minh Châu Âu phải đảm bảo không được đưa một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào thị trường EU.
Nhằm thực hiện quy định của EU, Đan Mạch và Na Uy đều đã ban hành các quy định cấm tiếp thị các sản phẩm nhựa dùng một lần. Thụy Điển sẽ sớm có quy định cụ thể, tuy nhiên nội dung cơ bản vẫn theo quy định 2019/904 của EU hoặc có thể khắt khe hơn.
Theo đó, các thương nhân không được tiếp thị các sản phẩm nhựa dùng 1 lần gồm: tăm bông, dao kéo (nĩa, dao, thìa, đũa), ống hút, que khuấy đồ uống, gậy dùng để gắn vào bóng bay, hộp đựng thực phẩm và hộp đựng đồ uống, cốc uống làm từ polystyrene giãn nở. Thương nhân cũng không được tiếp thị các sản phẩm làm bằng nhựa có thể phân hủy oxo (oxo-degradable plastic).
Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm là nhựa sử dụng một lần đều chuyển sang cung cấp các sản phẩm thay thế như tre, gỗ, hay nguyên vật liệu tự nhiên như lá cây, bã mía… hoặc các mặt hàng làm bằng nhựa có thể tái chế và tái sử dụng.
Cùng với đó, EU đã ban hành kế hoạch hành động European Green Deal và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải 60% vào năm 2030 so với năm 1990 và đặt mục tiêu dài hạn đạt khí hậu trung hòa vào năm 2050. Nhằm thực hiện Chương trình hành động của EU, các nước Bắc Âu cũng ban hành chương trình hành động quốc gia để giảm lượng khí thải phát ra với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2045.
Việc sản xuất và sử dụng nhựa ngày nay cũng đặt ra những thách thức lớn. Giống như các vật liệu khác, nhựa phải được điều chỉnh để trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn, để giảm thiểu tác động đến môi trường và khí hậu, giảm thiểu việc xả rác, thải nhựa và các chất độc hại ra môi trường.
Do vậy, trong thời gian tới, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thân thiện và giảm tác động đến môi trường, như:
- Sản phẩm nhựa nhỏ hơn và nhẹ hơn: Do xu hướng ngày càng tăng của các sản phẩm bền vững với lượng khí thải carbon thấp, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm nhựa nhỏ hơn và nhẹ hơn ngày càng tăng.
- Tầm quan trọng của tái chế: Người tiêu dùng Bắc Âu tin rằng việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa có thể tái chế là cách hữu ích để giúp bảo vệ môi trường. Việc sử dụng nhựa tái chế cho các sản phẩm mới ngày càng tăng do nhận thức về môi trường ngày càng tăng giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
- Nguyên liệu mới để sản xuất nhựa: Nhựa sinh học là chất dẻo được làm từ các nguyên liệu tái tạo như sinh khối, bao gồm nguyên liệu thực vật và chất thải động vật. Các sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường và giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Một số loại nhựa sinh học như: Polylactic acid (PLA), Bio-polyethylene terephthalate (PET) hay Bio-polyamide (PA).
Tỷ trọng của nhựa sinh học trong tổng các ngành công nghiệp là dưới 1%. Tuy nhiên, việc sử dụng và sản xuất nhựa sinh học được dự báo sẽ tăng từ 60-80% mỗi năm trong những năm tới do nhận thức và nhu cầu về tính bền vững cao hơn.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, hiện tại, một số doanh nghiệp thuộc EU như Ba Lan, Latvia đã phát triển các sản phẩm bao bì nilong, túi đựng rác “bio”, thay thế cho các loại nhựa cổ điển. Các sản phẩm này được làm từ các nguyên liệu có gốc thực vật như ngô, mía và có thể phân hủy sinh học. Ngoài ra, mực in trên bao bì và các chất phụ gia khác trong sản phẩm cũng hoàn toàn có thể phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng Bắc Âu có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nhựa có chất lượng cao được làm từ các nguyên liệu nhựa có thể tái chế được và tái sử dụng các sản phẩm nhựa nhiều lần.