Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu: Lợi ích và giải pháp cho doanh nghiệp

Tăng cường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sang thị trường châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích từ Hiệp định EVFTA.

Chiều 18/11, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu - Chuyên đề: Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo doanh nghiệp các ngành hàng xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan.

xuất khẩu
Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu - Chuyên đề: Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu

EVFTA thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ

Thực hiện Hiệp định Thương mại tự giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), 4 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%. EU nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương; Giảng viên đào tạo của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) về tiếp cận thị trường và công cụ thuế quan đã thông tin về tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu - Định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng dẫn khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực, như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.

Đáng chú ý, những số liệu thống kê cho thấy, hầu hết kim ngạch nhập khẩu của các nước EU từ Việt Nam đều tăng từ năm 2021 tới nay.

Đinh Sỹ Minh Lăng
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương; Giảng viên đào tạo của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) về tiếp cận thị trường và công cụ thuế quan cho biết, xuất khẩu chính ngạch mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Xuất khẩu chính ngạch mang lại nhiều lợi ích bền vững cho doanh nghiệp

Từ việc phân tích trường hợp điển hình nhóm mặt hàng cà phê xuất khẩu vào thị trường Hà Lan và Đức, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho rằng xuất khẩu chính ngạch mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn là xuất khẩu không chính ngạch.

Theo đó, xuất khẩu không chính ngạch thủ tục đơn giản, nhanh gọn; chi phí thấp hơn, không phải chịu nhiều loại thuế, phí nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất lợi như: chất lượng hàng hóa khó kiểm soát, chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam; rủi ro cao hơn, dễ xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật; hàng hóa chủ yếu tập trung vào các thị trường nhỏ lẻ, biên giới; không được hỗ trợ; khó đảm bảo tính bền vững, dễ bị cạnh tranh không lành mạnh.

Ngược lại, mặc dù cần thủ tục phức tạp, nhiều giấy tờ hơn; chi phí cao hơn do phải chịu các loại thuế, phí nhưng xuất khẩu chính ngạch thì chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng; nâng cao uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam; rủi ro thấp hơn, pháp lý rõ ràng; hàng hóa tiếp cận được nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường khó tính; nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước về chính sách, vốn; góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thành công sang châu Âu

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng khuyến nghị doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Âu, trước tiên cần đầu tư nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn, quy định của thị trường đó; đánh giá năng lực hiện tại của doanh nghiệp và lập kế hoạch để thực hiện với nguồn lực cần thiết, thời gian thực hiện, chi phí dự kiến.

Lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu (ISO 9001, HACCP,...); xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đã chọn, đào tạo nhân viên… để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp uy tín, xây dựng hợp đồng rõ ràng, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua cải tiến công nghệ, nâng cao kỹ năng nhân viên, kiểm soát chất lượng chặt chẽ để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Thường xuyên cập nhật thông tin, quy định thủ tục, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, tránh các rủi ro pháp lý, đảm bảo hàng hóa được thông quan thuận lợi.

Đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu, tham gia các hội chợ triển lãm, nâng cao nhận biết về thương hiệu, tìm kiếm khách hàng mới. Liên kết với các tổ chức hỗ trợ thông qua tham gia hiệp hội ngành hàng, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn để nhận được hỗ trợ về thông tin, thị trường và các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Tích cực tìm kiếm khách hàng tiềm năng, ký kết hợp đồng, thực hiện quá trình xuất khẩu chính ngạch, tạo ra doanh thu và lợi nhuận bền vững.

Nguyễn Thành Hưng
Ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia tư vấn cao cấp về các FTA thông tin về những nguyên tắc phòng chống rủi ro trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu

Trao đổi, thông tin về những nguyên tắc phòng chống rủi ro trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu, ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia tư vấn cao cấp về các FTA cho biết: Thời gian qua, EU đã ban hành nhiều chính sách điều chỉnh, quy định mới liên quan tới hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Có thể kể tới như: quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài được EU ban hành ngày 13/5/2024; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026; cùng hàng loạt biện pháp, quy định liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quản trị chuỗi cung ứng bền vững...

Do vậy, theo ông Nguyễn Thành Hưng, muốn xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định, xu hướng thị trường để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới. Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi mô hình sản xuất của mình để bắt kịp xu thế mới của EU. Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý phòng chống rủi ro trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu.

"Làm thế nào vừa tranh thủ được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhưng cũng hạn chế tối đa những rủi ro khi xuất khẩu. Đó là một vấn đề đang đặt ra cho các doanh nghiệp khi vừa qua một số lô hàng xuất khẩu đã bị lừa đảo", ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với lựa chọn hình thức thanh toán an toàn, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định năng lực, pháp nhân của đối tác nhập khẩu, tránh tình trạng tin vào các đại lý, công ty môi giới.

Bên cạnh đó, với những rào cản phi thuế quan đang được các thị trường xuất khẩu áp dụng ngày càng nhiều, doanh nghiệp cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo rào cản kỹ thuật của từng thị trường quy định nhằm tránh bị vi phạm hợp đồng và mất tiền vì phải thu hồi hàng hóa đã xuất khẩu. Trong giao kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần chú ý lưu giữ các thông tin trao đổi trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng phù hợp, dù sử dụng phương tiện điện tử nào...

Nguyễn Cảnh Cường
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC), Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin về cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh

Bên cạnh đó tại Hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ thông tin về quy định nhập khẩu quan trọng và yêu cầu của nhà nhập khẩu châu Âu về chứng nhận chuỗi cung ứng bền vững; Những phương pháp để tiếp cận khách hàng thông qua hội chợ triển lãm châu Âu và sàn thương mại điện tử; Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh cùng những kinh nghiệm xuất nhập khẩu vào thị trường châu Âu…

Việt Hằng