Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Những ngành hàng tăng trưởng tốt, giá trị lớn là điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, nông thủy sản…
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp... Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.
Các thị trường trong khối EU có mức nhập khẩu hàng Việt tăng trong Quý I/2021 gồm: Hy Lạp tăng 23,5%, CH Séc tăng 64,7%, Bồ Đào Nha tăng 36,6%, Italia tăng 26,4%, Bỉ tăng 19,9%, Ai len tăng 23,2%, Áo tăng 10,3%, Đan Mạch tăng 20,2%...
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%... Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay.
Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 quan trọng của Việt Nam, thị trường EU được nhiều ngành hàng lớn đẩy mạnh xuất khẩu để khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đang có dư địa tăng trưởng cao nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Tiêu biểu như với mặt hàng gạo, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao trên 65 EUR/tấn, nhưng ngay từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm.
Sau 8 tháng triển khai Hiệp định EVFTA, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn. Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá.
Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long, vali, túi xách, giày dép ...
Bộ Công Thương cho rằng, việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
EVFTA đã vượt ra ngoài Hiệp định thương mại hàng hóa
Đáng chú ý, mới đây, trong một bài chia sẻ với báo chí về kết quả sơ bộ của Hiệp định EVFTA đối với 2 nền kinh tế, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tiêu dùng ở nhiều thị trường nước ngoài giảm sút, ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, EVFTA không chỉ phát huy tác dụng ngăn chặn đà sụt giảm mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, Đại sứ Giorgio Aliberti còn cho rằng, EVFTA đã vượt ra ngoài thương mại hàng hóa. Hiệp định giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, và giữa các công ty lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên thực tế, 85% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy, Đại sứ Giorgio Aliberti tin tưởng, Hiệp định EVFTA mang đến những cơ hội to lớn và tạo ra tác động tích cực lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Những nỗ lực cải cách mà Việt Nam sẵn sàng thực hiện theo các điều khoản EVFTA sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Đây là một bước tiến và chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam”, Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định.