Điểm nhấn lớn
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ qua. Năm 1986 dân số đô thị của Việt Nam chỉ là dưới 13 triệu người; hiện nay con số đó đã gấp 3 lần, lên tới 37 triệu người.
Các đô thị lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn.
Tại đây, các động lực phát triển mới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính – ngân hàng, bất động sản, viễn thông và truyền thông…
Đô thị cũng là nơi tập trung các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cấp quốc gia, cấp địa phương. Hà Nội có KCN Sài Đồng A, Sài Đồng B, Bắc Thăng Long… TP. Hồ Chí Minh có KCN Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Tân Tạo…
Hải Phòng có KCN Vsip, Đình Vũ, Nomura; Bắc Ninh có KCN Tiên Sơn, Quế Võ, Hanaka; Hải Dương có Nam Sách, Việt Hòa-Kenmark…
Vĩnh Phúc có Phúc Yên, Khai Quang, Vĩnh Thịnh; Hưng Yên có Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long; Quảng Ninh có Cái Lân, Việt Hưng và Hải Yên…
KCN là nơi tập trung của các doanh nghiệp xuất khẩu FDI như Samsung, Fujico, LG, Denso, Simitomi, Microsoft, Canon, Yoneda, Kyoritsu, Nissei, Hiroshige… tạo ra doanh số xuất khẩu lớn.
Chỉ riêng KCN Yên Phong, Bắc Ninh với 3 nhà máy của Samsung đã thu hút 136,7 nghìn lao động, xuất khẩu sản phẩm tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm 2018 đạt 40 tỉ USD, bằng 1/6 kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ở Hải Phòng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN hàng năm tăng từ 20%-30%; chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), hệ thống đô thị ở Việt Nam là khu vực đem lại các nguồn lực lớn cho phát triển, tăng trưởng kinh tế của khu vực đô thị cao gấp 2 lần mức bình quân của cả nước, đóng góp trên một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
2 “tái”, 1 “giảm”
Hiện tỷ lệ đô thị hóa của cả nước đạt 38,6%, với 830 đô thị, gồm: 2 đô thị đặc biệt (TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội ), 20 đô thị loại I trong đó có 3 đô thị loại I trực thuộc trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 83 đô thị loại IV và 265 đô thị loại V.
Nhìn trên tổng thể, các đô thị này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội. Về cơ bản, chất lượng đô thị hóa Việt nam còn thấp.
Để phát huy vai trò của các đô thị lớn như Nghị quyết 01 nêu trên, cần có chính sách phát triển đô thị và nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Nghiên cứu của WB chỉ ra rằng , quá trình đô thị hóa sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong vòng 20 năm tới, nếu Việt nam điều chỉnh lại vai trò của nhà nước và của thị trường trong quản lý đô thị hóa theo 3 tiêu chí sau đây:
a). Tái tập trung vai trò và nâng cao năng lực nhà nước trong một số lĩnh vực mà chỉ có nhà nước mới làm được, ví dụ tăng cường năng lực và điều phối quy hoạch đô thị (kể cả mảng thông tin và sử dụng đất), tài chính công, dịch vụ xã hội, và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ thực hiện quy hoạch đô thị.
b). Tái phân công trách nhiệm, đi kèm thẩm quyền và nguồn lực giữa các cơ quan trung ương, địa phương và chính quyền đô thị nhằm đảm bảo giải quyết vấn đề một cách tổng thể và đồng bộ thay vì bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ địa phương.
c). Giảm bớt mức độ can thiệp và kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động mà thị trường có thể làm tốt hơn. Điều này đặc biệt cần trong thị trường yếu tố sản xuất, ví dụ như đất đai, nơi điều tiết theo các quy định thường làm méo mó thị trường. Giải pháp ở đây không phải là đề ra quy định mới, mà là giảm kiểm soát.
Đồng thời, với các đô thị lớn, phải thúc đẩy hơn nữa mục tiêu tập trung phát triển các đô thị hạt nhân cốt lõi cấp vùng. Các thành phố vệ tinh nằm cách trung tâm 40 km cần được kết nối bằng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt nhanh và đường cao tốc để cùng phát triển, tránh hiện tượng quá tập trung vào đô thị lớn.
Đối với từng đô thị, chính quyền đô thị cần quan tâm nhiều hơn đến cơ cấu, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, vị thế đô thị trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực…