6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai gồm: CSDL quốc gia về Dân cư (do Bộ Công an làm cơ quan chủ quản); CSDL Đất đai quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản); CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan chủ quản); CSDL quốc gia về Tài chính (Bộ Tài chính làm cơ quan chủ quản); CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam làm cơ quan chủ quản).
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chủ quản CSDL quốc gia. Theo đó, các cơ quan chủ quản CSDL quốc gia phải đề xuất xây dựng mới, hoặc điều chỉnh, bổ sung trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về CSDL quốc gia do mình chủ trì; triển khai xây dựng CSDL quốc gia; thực hiện quản lý, vận hành CSDL quốc gia; tổ chức khai thác, cập nhật CSDL quốc gia.
Không chồng lấn thông tin
Trong đó, về việc triển khai xây dựng CSDL quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ quản triển khai xây dựng CSDL quốc gia cần quy định chi tiết nội dung thuyết minh, mô tả về mục tiêu, quy mô, phạm vi, đối tượng của CSDL quốc gia, định nghĩa và mối quan hệ giữa các thành phần thông tin cơ bản, đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả của việc xây dựng CSDL quốc gia; xác định rõ đặc điểm, thuộc tính dữ liệu của CSDL quốc gia theo nguyên tắc không chồng lấn thông tin với CSDL quốc gia đã hoạt động...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong phạm vi, quyền hạn của mình và theo nhiệm vụ được phân công tham gia hoạt động vận hành, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin, cập nhật biến động dữ liệu cho cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và chịu trách nhiệm về độ chính xác, toàn vẹn các thông tin, dữ liệu này; bảo đảm khả năng sẵn sàng thực hiện kết nối...