Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương một số địa phương, đại diện Hiệp hội Xăng dầu, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước.
Khái quát một số tình hình thế giới, trong nước thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão là dịp để Bộ Công Thương nhìn lại công tác chuẩn bị hàng hóa phục Tết ra sao. Bộ Công Thương sẽ lắng nghe phản ánh của các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, hệ thống phân phối, từ đó cùng các bộ, ngành có kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Dự báo đi lại, tiêu dùng tăng dịp Tết
Theo thông tin từ Tổ Điều hành thị trường trong nước – Bộ Công Thương, kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Ước tính dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 4-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Thông tin tại cuộc họp, ông Phạm Văn Duy – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước tính năm 2022, tổng sản lượng cả nước đạt 43,1 triệu tấn thóc, giảm 0,8% so với năm 2021, tương đương 382 ngàn tấn. Lượng thóc này nếu tính về cung cầu thì cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm 9,3 triệu tấn gạo; xuất khẩu 6,3-6,5 tấn gạo; sản lượng dành cho chế biến, chăn nuôi, dự phòng giống…
Nguồn rau các loại đạt khoảng 19 triệu tấn, diện tích cây ăn quả tăng lên. Sản lượng thịt các loại ước tính đến hết tháng 12/2022 khoảng 6,98 triệu tấn, đáp ứng đủ cung – cầu trên thị trường.
Đại diện Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, năm 2022, thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp nên hoạt động sản xuất từ diện tích, năng suất sản lượng cơ bản vượt kế hoạch đề ra. “Nhìn chung, kế hoạch đáp ứng lương thực thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết cơ bản là đảm bảo” – ông Phạm Văn Duy khẳng định.
Đánh giá về tình hình thế giới ít nhiều ảnh hưởng tới việc điều hành giá cả của Việt Nam, tình hình kiểm soát giá, bà Phùng Ánh Ngọc, đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho rằng, mặt bằng giá cả của Việt Nam hiện nay đang được kiểm soát, việc điều hành đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, giá xăng dầu sát với tình hình thế giới, có giảm hơn. Các mặt hàng thiết yếu có nguồn cung dồi dào, ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Cũng theo bà Phùng Ánh Ngọc, việc kiểm soát thị trường tốt dịp cuối năm, quý 1 năm sau sẽ tạo dư địa cho việc kiểm soát CPI cả năm 2023.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cung cấp thêm một số thông tin về diễn biến hàng hóa, công tác kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương. Công tác phối hợp trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2022. Trong đó, việc nới room tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm cho doanh nghiệp và người dân, đề xuất về hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường.
Địa phương chủ động
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã thông tin về kế hoạch tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Các địa phương đã chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Thành phố Hà Nội đã ban hành 10 Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kích cầu nội địa tăng tổng mức bán lẻ, công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, xăng dầu trên địa bàn Thành phố.
Thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Thành phố đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 09 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Đối với các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2023, Hà Nội đã triển khai phục vụ tết cho nhân dân trên toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố.
Ông Ngô Hồng Y, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nguồn cung của Thành phố Hồ Chí Minh qua kênh chợ đầu mối, chợ truyền thống khoảng 50 – 60%, hệ thống phân phối siêu thị khoảng 15 – 20%, còn lại qua các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường là 73 đơn vị, với nguồn vốn chuẩn bị cho nguồn hàng khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự báo, nhu cầu hàng hóa tết tăng 2-3 lần, vì vậy, ngành Công Thương tích cực tìm kiếm nguồn hàng, đảm bảo tiêu thụ của Thành phố.
Để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.
TP Hồ Chí Minh đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.
Thông tin về tình hình hàng Tết tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm về chuẩn bị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Qua tổng hợp, nhìn chung, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của doanh nghiệp năm nay so với năm trước có tăng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại;
Ông Nguyễn Hữu Hạnh nhấn mạnh: “Dự báo nhu cầu tiêu thụ thời gian tới sẽ sẽ tăng, do thu nhập người dân được cải thiện sau dịch, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho nhu cầu Tết thay thế cho các sản phẩm truyền thống”.
Do đó, Sở Công Thương đã tổ chức một số hoạt động bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như vận động 3 doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối thịt heo tham gia tổ chức bán thịt heo bình ổn (Nhà nước có hỗ trợ một phần chi phí tổ chức bán hàng) tại 18 điểm. Đồng thời, tổ chức Hội chợ Xuân 2022 dự kiến từ ngày 11/01/2023 đến ngày 16/01/2023 với quy mô khoảng 250 gian hàng.
Về Phía tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do tỉnh đặc thù là tỉnh nông nghiệp nên chủ yêu hàng hóa tự cung, tự cấp, cơ bản đủ cho 1,2 triệu người dân. Ông Hiền cũng đề xuất nâng cao vai trờ của công tác Quản lý thị trường, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Cũng tại Hội nghị, ông Hiền mong muốn kết nối các địa phương tiêu thị mặt hàng thủy, hải sản, có thế mạnh của địa phương.
Doanh nghiệp vào cuộc
Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc, CTCP Thương mại Dịch vụ tổng hợp WinCommerce (Thành viên Tập đoàn Masan) ghi nhận việc Bộ Công Thương có những đề xuất, điều hành về giá giá xăng dầu, giảm 2% thuế Vat đã kìm hãm của đà tăng giá. Về phía WinCommerce sẽ chỉ đạo sát sao trong việc bình ổn giá với yêu cầu tăng sản lượng và bình ổn với nhà sản xuất. Việc này đã được WinCommerce làm việc từ tháng 7,8 trong năm. Chúng tối cam kết bình ổn giá, đáp ứng hàng hóa cho người dân. Bà Phương cho biết.
Ông Trịnh Quang Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường. Thời tiết vừa qua đảm bảo cho tàu ra vào cảng. Nhà máy Bình Sơn tăng công suất 10-20%, về cơ bản đã đáp ứng hợp đồng đã ký với thương nhân đầu mối. Theo ông Khanh, dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường. Các cửa hàng đều có phương án đảm bảo nguồn và phòng cháy chữa cháy. Dự báo nhu cầu tết sẽ tăng nhưng sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân
Đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đến thời điểm này, các kênh phân phối trên cả nước đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đảm bảo cho dịp Tết. Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng Big C/GO khu vực Hà Nội và miền Bắc thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, dịp Tết Quý Mão 2023 sắp tới là một cái Tết rất đặc biệt. Người tiêu dùng háo hức đón chờ Tết tới vì đây là Tết đầu tiên của trạng thái bình thường mới sau hai năm đại dịch.
Tập đoàn dự báo khả năng từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch.
Trên cơ sở đó, GO!, Big C đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái tết đủ đầy, sung túc, không lo về giá.
“Chúng tôi làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ Quý 2/2022 và chúng tôi đã dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm nay, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả khách hàng của mình” – ông Phong chia sẻ.
Trong mọi tình huống không để thiếu hàng hóa
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm của các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, các hiệp hội, địa phương và một số doanh nghiệp lớn trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Về vấn đề nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian tới, thị trường hàng hóa được đánh giá vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7/12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.
Bên cạnh đó, giá thịt lợn xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn, vậy nguồn cung ở đâu và kiểm soát giá như thế nào? Tất cả những dấu hiệu này cần phải nhìn nhận rõ ràng để có kế hoạch chuẩn bị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng như sự chủ động, tích cực triển khai từ sớm của các địa phương, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Để bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả; Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thứ hai, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Thứ ba, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.
Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Thứ năm, Bộ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.
Thứ sáu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương đẩy mạnh sản xuất, kết gắn thị trường. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Chỉ đạo, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trên, qua địa bàn địa phương.
Thứ bảy, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết chủ động kế hoạch sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng), cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.
Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; Tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.
Thứ tám, các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; Chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.