9 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa (Cục QLTT Thanh Hóa) - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, chủ động phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh
Kiểm tra: 1.375 vụ; xử lý: 1.080 vụ
Theo báo cáo của Cục QLTT Thanh Hóa trong 9 tháng đầu năm 2022 Cục QLTT Thanh Hóa đã tổng số vụ kiểm tra: 1.375 vụ; tổng số vụ xử lý: 1.080 vụ. Trong đó: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu: 228 vụ; xử lý về hàng giả và quyền SHTT 107 vụ; xử lý về lĩnh vực giá: 209 vụ; xử lý vi phạm về sinh an toàn thực phẩm: 445 vụ; xử lý vi phạm khác trong kinh doanh: 91 vụ.
Tổng số tiền thu là 3.618,74 triệu đồng. Trong đó: Tiền phạt vi phạm hành chính: 3.100,45 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu: 518,29 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: 715,83 triệu đồng; trị giá hàng hóa chờ bán, chờ tiêu hủy: 1.260,29 triệu đồng.
Tăng cường quản lý thị trường những tháng cuối năm
Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sôi động hơn trong bối cảnh, tình hình mới cùng với các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Về công tác Quản lý địa bàn, các Đội QLTT tập trung lực lượng rà soát địa bàn, bổ sung quản lý địa bàn, hồ sơ xử phạt vi phạm hành lên hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) trong toàn lực lượng, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường; giúp lực lượng hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ kiểm tra, đảm bảo toàn vẹn hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với các mặt hàng, ngành hàng, nhóm hàng, nhất là mặt hàng xăng dầu.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, thuốc chữa bệnh trên địa bàn được phân công quản lý. Đồng thời tập trung giám sát hoạt động thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân có hệ thống kinh doanh rộng khắp, kinh doanh theo chuỗi, các hoạt động kinh doanh theo mùa vụ (điện tử, điện lạnh; dịch vụ du lịch; vật tư y tế, thuốc phòng chống dịch bệnh; phân bón...) để tổ chức kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Đặc biệt, về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả các Kế hoạch như: Kế hoạch định kỳ năm 2022; Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật năm 2022; Kế hoạch cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá năm 2022.
Đôn đốc các Đội QLTT đẩy mạnh triển khai Kế hoạch 888, kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025: tập trung đôn đốc các Đội ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, các trung tâm thương mại, các chợ (ký quy chế phối hợp); đôn đốc Đội QLTT số 1, số 7 xây dựng phương án tuyến phố nói không với hàng giả và trưng bày gian hàng phân biệt hàng thật và giả tại tuyến phố.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với mặt hàng xăng dầu; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo…); các cửa hàng kinh doanh theo hệ thống chuỗi cửa hàng... Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2022, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2663/QĐ-BCT ngày 25 tháng 11 năm 2021 tại 01 đơn vị.
Bên cạnh đó, với cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh, Cục QLTT Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ ban ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh.
Tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn theo lĩnh vực được phân công quản lý. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, công an, thanh tra chuyên ngành...
Tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, BCĐ 389 Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tham mưu tổ chức thực hiện giám sát công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực biên giới, ven biển.