Theo Amazon Global Selling tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2027. Không chỉ dừng lại ở một khái niệm hay xu hướng kinh doanh mới, thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất khẩu online hứa hẹn sẽ là một phong trào, một “bình thường mới” cho doanh nghiệp Việt Nam và dần trở thành một động lực mạnh mẽ của nền kinh tế xuất khẩu.
Xu thế xuất khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử đã và đang bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực sản xuất, từ các nhà sản xuất truyền thống, hay các doanh nghiệp vừa & nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp với các chủ thương hiệu trẻ đều có thể xem đây là một động lực mới và nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng này. Đại diện Amazon tại Việt Nam cho biết, 86% các doanh nghiệp vừa và nhỏ tin rằng sẽ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.
Cho đến nay, hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam đã tham gia bán hàng, phát triển kinh doanh và thương hiệu thông qua Amazon, như một số thương hiệu nổi tiếng trong nước như Minh Long, SunHouse; đến các nhà sản xuất truyền thống chuyển đổi kinh doanh sang xuất khẩu online như hạt điều Lafooco, nội thất gỗ Beefurni, nhà sản xuất nhựa phân hủy sinh học Aneco; hay những startup trẻ với ý tưởng sản phẩm mới lạ như rong nho Trường Thọ, thiệp 3D thủ công HMG, đồ chơi an toàn & giáo dục cho trẻ Chippi&Co.
Amazon Global Selling cho biết, 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng liên tiếp trong 2 năm qua là: Nhà bếp; Nhà cửa; May mặc; Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; Tiện ích gia đình. Đây cũng là các nhóm hàng Amazon kỳ vọng tìm kiếm thêm đối tác phát triển thông qua Chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 sắp tới.
Trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện, Amazon Global Selling dự kiến triển khai các hoạt động sôi nổi liên tục tại gian hàng như: tư vấn trực tiếp 1:1 hoặc workshop hướng dẫn bán hàng trên Amazon, mini game tìm hiểu về thương mại điện tử xuyên biên giới, phát hành cẩm nang xuất khẩu trực tuyến qua Amazon.
Ngoài ra, Tập đoàn Amazon Global Selling cũng đưa ra 3 gợi ý cho doanh nghiệp Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử quốc tế, đó là (i) hiểu rõ thêm về khách hàng quốc tế thông qua tận dụng triệt để công nghệ số để nắm bắt nhu cầu, hành vi, hoặc ngay lập tức đọc được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình, từ đó có cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình; (ii) đổi mới, đột phá sản phẩm thông qua lắng nghe phản hồi trực tiếp và nhanh chóng hơn nhiều so với kênh truyền thống; (iii) xây dựng thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Đại diện Amazon Global Selling tại Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng thông qua Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế" - Viet Nam International Sourcing 2023 sẽ kết nối thêm nhiều nhà sản xuất trong nhiều ngành hàng vào sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới, làm phong phú thêm các ngành hàng xuất khẩu online từ Việt Nam trên Amazon trong nhiều năm tới.