Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 14-18/8/2023 (đợt 1) và từ ngày 24-26/8/2023 (đợt 2) tại Nhà Quốc hội.
Cho ý kiến về 3 dự án Luật
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá Tài sản; dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi); dự án Luật Căn cước Công dân (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu Quân sự; dự án Luật Lực lượng tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở Cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Hai Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 577/KH-UBTVQH15 về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc (ngày 15/8) để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật
Nhóm vấn đề thứ nhất là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, cụ thể:
Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Xuất khẩu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực
Nhóm vấn đề thứ hai là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:
Một là, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).
Hai là, hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.
Ba là, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 05 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút (đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và tranh luận qua app Quốc hội).
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.