Thêm nông sản vào giỏ hàng
Ngày 24/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã quy tụ được hơn 40 người trẻ có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng TikTok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo…
Chỉ trong vòng 4 tiếng, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút tổng cộng gần 1,7 triệu lượt xem. 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Ngoài ra, mỳ chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút livestream.
Nhờ tính năng bán đồ tươi được mở khóa trên TikTok Shop gần đây, người trẻ có thể tiếp cận và mua nông sản dễ dàng hơn khi đơn hàng được xử lý trong vòng 3 ngày hoặc thậm chí 24 giờ.
Trước đó, trào lưu “gỏi gà măng cụt” hay “trà mãng cầu” trên TikTok đã góp phần đưa các loại nông sản như gà ta, măng cụt xanh và mãng cầu lên tầm cao mới về giá trị. Ở một số nơi, giá của măng cụt xanh đã vượt qua giá của măng cụt chín do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu thụ của thực khách. Việc tạo trào lưu trên mạng xã hội có thể là nhân tố quan trọng giúp cho nông sản Việt được giá và được cả đầu ra.
Các hashtag (công dụng hỗ trợ phân loại nội dung và chủ đề) như #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho nông sản Việt.
Bán hàng trên TikTok cần chiến lược và đầu tư nghiêm túc
Trên thực tế, những người làm công tác xúc tiến thương mại cho ngành hàng nông sản gần đây đã thấy được tầm quan trọng của việc tạo trào lưu thông qua các clip ngắn và đã có những động thái để thúc đẩy việc này.
Nếu như trước đây, người nông dân vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại. Giờ đây, họ phải bắt đầu tìm hiểu phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Đủ các mặt hàng, từ hoa quả, rau củ đến gia súc, gia cầm… đều được nông dân chụp ảnh, quay clip đưa lên TikTok, Youtube, Facebook, …
Để tạo sự chú ý cho khách hàng, nhiều nông dân còn đầu tư rất lớn về chất lượng bài viết, trau chuốt hình ảnh, clip, thậm chí sẵn sàng thuê người viết bài giới thiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc của Tiktok Việt Nam cho biết TikTok rất mong làm sao giúp được các nông sản địa phương, những đặc sản Việt Nam đến với người dùng trong và ngoài nước.
Nhận định về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Đỗ Văn Việt, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết Live Commerce (thương mại trực tiếp), hình thức bán hàng, quảng bá qua livestream sẽ tiếp tục bùng nổ. Đặc biệt, sự kết hợp giữa Live Commerce và Entertainment (giải trí) được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ yêu thích.
Để tạo ra các trào lưu trên mạng xã hội cho nông sản Việt Nam, cần có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường trực tuyến, nắm bắt tâm lý người trẻ; nhanh chóng bắt kịp các trào lưu sáng tạo, đổi mới trong sản phẩm và chiến lược marketing; sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn và cơ quan chức năng.
Tóm lại, khi người tiêu dùng trẻ đang “đu trend” - chạy theo các trào lưu mạng xã hội, nông sản Việt cần thích ứng tốt với “trend” để vừa được giá, vừa được cả đầu ra.
Tháng 2/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng TikTok để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đó, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời tái khởi động hashtag #DacSanVietNam trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.
Việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương.