Ảnh hưởng của chính sách tài khóa lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại các nước Đông Nam Á

ThS. Trương Minh Tuấn (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:
Bài nghiên cứu tập trung phân tích ảnh hưởng của các cú sốc từ chính sách tài khóa lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích hàm phản ứng đẩy và phân rã phương sai từ kết quả của mô hình PVAR, lấy dữ liệu tại các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2016. Kết quả cho thấy, các “cú sốc” từ chỉ tiêu công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nhưng lại gây ra lạm phát. Bên cạnh đó, các cú sốc từ số thu thuế lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Từ khóa: Chính sách tài khóa, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các nước Đông Nam Á.

1. Giới thiệu
Trong nền kinh tế, các hoạt động của chính phủ tác động đến tổng sản lượng thông qua sự tương tác với khu vực tư nhân. Phát triển cơ sở hạ tầng, loại bỏ hay điều tiết các ngoại tác sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế và cải thiện sự phân bổ nguồn lực. Các khoản thanh toán chuyển giao cũng giúp duy trì sự hài hòa của xã hội và làm gia tăng hiệu suất lao động. Nhìn chung, các chính sách kinh tế vĩ mô có vai trò nhất định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cũng gây ra những thất bại của thị trường. Gia tăng chi tiêu công có thể gây ra mất cân bằng kinh tế, lạm phát và quy mô nợ công gia tăng, lấn át đầu tư khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu về giả thuyết tăng trưởng kinh tế là một yếu tố cơ bản quyết định tăng trưởng khu vực công đã phát hiện ra mối quan hệ dương giữa tăng trưởng khu vực công và tăng trưởng kinh tế không chỉ ở các nền kinh tế phát triển mà còn ở các nền kinh tế đang phát triển, nhưng một số khác lại phát hiện mối quan hệ âm (Loizides, 2004).
Thời gian gần đây, có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và lạm phát, tăng trưởng, như: Fisher (1991), Easterly và Rebelo (1993), Giger và Tullock (1989), Kormandi và Meguire (1985). Lý do khiến các nhà nghiên cứu tập trung vào chủ đề này là vì có những khó khăn nhất định trong việc giải thích mối quan hệ vĩ mô giữa các biến, do chúng có khuynh hướng che lấp cả về chiều hướng lẫn bản chất. Singh và Sahni (1984) sử dụng phương pháp Granger để kiểm tra quan hệ nhân quả giữa chi tiêu công và tăng trưởng, kết quả thực nghiệm với dữ liệu Ấn Độ cho thấy mối quan hệ giữa chi tiêu công và thu nhập quốc gia là không có ý nghĩa. Bohl (1996) áp dụng phương pháp kiểm định đồng liên kết và nhân quả Granger trong trường hợp dữ kiệu Mỹ và Canada và đưa ra kết luận rằng mở rộng tài khóa là một trong những nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Ghali (1998) sử dụng dữ liệu của 10 nước trong khối OECD đã đưa ra kết luận quy mô chính phủ có quan hệ nhân quả với tăng trưởng trong nước.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa chính sách tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn còn nhiều vấn đề cần tranh luận. Các minh chứng thực nghiệm chưa thực sự thống nhất về kết quả. Bên cạnh đó, các kết quả thực nghiệm phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chi tiết của mô hình thực nghiệm. Có thể thấy, các nghiên cứu chủ yếu phân tích mối quan hệ nhân quả, tác động hai chiều của các biến số vĩ mô được nêu trên. Do đó, việc tìm ra mối quan hệ thực sự giữa chính sách tài khóa và các biến số kinh tế vĩ mô là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, theo xu hướng hội nhập, các phản ứng sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn, ngoài việc phân tích mối quan hệ, phân tích các cú sốc trong các mối quan hệ đó để xây dựng những cảnh báo chính sách cũng được các nhà nghiên cứu chú ý trong thời gian gần đây (Borys và Horvath., 2008; Deepak Mohanty.,2012;…).
Từ bối cảnh trên có thể thấy rằng, việc phân tích mối quan hệ giữa các công cụ trong chính sách tài khóa với các chỉ sô kinh tế vĩ mô khác như lạm phát và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa có một kết quả thống nhất. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các thay đổi trong chính sách tài khóa đó có thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát hay không? Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, những nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả có đủ cơ sở để các nhà hoạch định chính sách phản ứng lại với những cú sốc bên ngoài nền kinh tế? Để trả lời những câu hỏi này, đề tài “Ảnh hưởng của chính sách tài khóa lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở các nước Đông Nam Á” đã được tác giả lựa chọn để thực hiện nghiên cứu.
2. Tổng quan các nghiên cứu trước đây về chính sách tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lạm phát
Về phương pháp tiếp cận, việc nghiên cứu các cú sốc kinh tế thông qua phân tích hàm phản ứng đẩy và phân rã phương sai từ kết quả của mô hình VAR gần đây đã được nhiều nghiên cứu chú ý đến. Có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu như: Deepak Mohanty (2012) nghiên cứu về truyền dẫn lãi suất ở Ấn Độ bằng mô hình SVAR và đưa ra kết luận rằng, chính sách tăng lãi suất có ảnh hưởng trái chiều đến tăng trưởng sản lượng với độ trễ 2 quý và tác động giảm nhẹ lạm phát với độ trễ 3 quý. Hank (2008) đã đo lường ảnh hưởng của chính sách tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng mô hình VAR và đưa ra kết luận: khi thắt chặt tiền tệ có ảnh hưởng tạm thời lên sản lượng nhưng ảnh hưởng lâu dài lên giá cả. Borys và Horvath (2008) nghiên cứu ảnh hưởng của chính sách tiền tệ ở Séc bằng kỹ thuật phân tích VAR và đưa ra kết luận: giá cả và sản lượng suy giảm trong khoảng 1 năm sau cú sốc thắt chặt tiền tệ. Trần Nguyễn Minh Hải (2013) đã nghiên cứu về cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương và đưa ra kết luận: chính sách tiền tệ rất ít ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng của tổng cầu. Ngân hàng trung ương cần phải phát huy vai trò đọc lập và tăng cường cẩn trọng vĩ mô, thực hiện hiệu quả các chức năng của mình. Đồng Thị Ngọc Huyền (2013) cũng đã kiểm định cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ đến nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2012 và đưa ra kết luận đó là hệ thống các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Việt Nam chưa thực sự hoạt động hiệu quả ngay cả đối với những kênh truyền thống như lãi suất, tỷ giá hối đoái. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên rằng, nguyên nhân khiến tốc độ và mức độ truyền dẫn khá khiêm tốn đó là sự thiếu đa dạng trong loại hình tổ chức hoạt động cũng như chủng loại các sản phẩm cung ứng trên thị trường. Trương Minh Tuấn (2015) đã nghiên cứu về truyền dẫn trong chính sách điều hành lãi suất ở Việt Nam và đưa ra các kết luận rằng, trong ngắn hạn lãi suất trong nước chịu ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố trong nước như lạm phát, tăng trưởng và yếu tố nước ngoài đó là lạm phát Mỹ, nhưng lãi suất trong nước cũng chi phối cung tiền, lạm phát trong nước và tỷ giá hối đoái.
Về nội dung, hầu như chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào việc phân tích các cú sốc trong chính sách tài khóa đến tăng trưởng và lạm phát trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á. Phần lớn các nghiên cứu chỉ dừng lại ở góc độ phân tích mối quan hệ nhân quả của các biến số kinh tế vĩ mô này. Có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu như: Hoàng Thị Chinh Thon, Phạm Thị Hương, Phạm Thị Thủy (2010) nghiên cứu về tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại các địa phương ở Việt Nam, kết quả cho thấy nguồn chi cho đầu tư cấp huyện cần được tăng cường, trong khi chi tiêu đầu tư cấp tỉnh nên giảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặng Văn Cường và Bùi Thanh Hoài (2014) nghiên cứu tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở TP. HCM, kết quả cho thấy chi thường xuyên không có tác dộng đến tăng trưởng trong dài hạn nhưng lại tác động cùng chiều trong ngắn hạn, bên cạnh đó, chi đầu tư phát triển có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Sử Đình Thành (2011) nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế trong mô hình đa biến, kết quả cho thấy chi NSNN có ý nghĩa tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Các nghiên cứu thực hiện phân tích các cú sốc chính sách tài khóa có thể kể đến như Mohsen và cộng sự (2014) nghiên cứu tác động của chính sách tài khóa lên tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại 14 quốc gia đang phát triển như Argentina, Brazil, Bulgaria, Iran Islamic, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Kyrgyz, Nepal, Pakistan, Peru, Philippines, Singapore, Venezuela. Bằng việc tiếp cận phương pháp PVAR để các phân tích tác động của các cú sốc trong chi tiêu công và thuế đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với các cú sốc chi tiêu công sẽ gây ra phản ứng ngược chiều với lạm phát, phản ứng cùng chiều với tăng trưởng trong ngắn hạn và ngược chiều với tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, các cú sốc về thuế sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng không ảnh hưởng trong dài hạn, các cú sốc này cũng gây ra phản ứng trái chiều đối với lạm phát trong ngắn hạn nhưng lại tạo ra phản ứng cùng chiều trong dài hạn. Fredj và cộng sự (2015) nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tại các quốc gia BRICS.
Đứng trên quan điểm tổng quan các nghiên cứu trước đây, có thể thấy các nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách tài khóa với tăng trưởng và lạm phát đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các biến số. Bên cạnh đó, các phương pháp phân tích cơ chế truyền dẫn cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành nhưng cũng chỉ phân tích cơ chế truyền dẫn trong phạm vi chính sách tiền tệ. Có thể thấy, việc sử dụng phương pháp truyền dẫn để phân tích các cú sốc trong chính sách tài khóa lên lạm phát và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc phân tích cơ chế truyền dẫn chéo giữa các quốc gia cũng đang cần được thực hiện.
3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu
3.1. Mô hình nghiên cứu
Quan sát quá trình tăng trưởng ở nhiều quốc gia cho thấy đóng góp cho tăng trưởng ngoài nhân tố vốn, lao động còn nhiều nhân tố tổng hợp khác. Solow (1957) đưa ra phương pháp hoạch toán tăng trưởng dựa trên kỹ thuật tính toán sự đóng góp riêng lẻ của nhân tố vốn, lao động và các nhân tố tổng hợp, từ đó đề xuất chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nhân tố trong nền kinh tế phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Mô hình lý thuyết được xây dựng nếu bỏ qua yếu tố tổng hợp, hàm sản xuất tân cổ điển tổng quá có dạng:
Y = f(K,L)
Tuy nhiên, một trong các giả định của mô hình tăng trưởng tân cổ điển là nền kinh tế không có chính phủ. Giả định này được điều chỉnh khi mở rộng mô hình tăng trưởng tân cổ điển bằng cách đưa thêm một chủ thể kinh tế là chính phủ vào, thông qua chính sách tài khóa với các biến G và T.
Trong điều kiện nền kinh tế mở và có sự huy động vốn nước ngoài để gia tăng vốn đầu tư, khi đó chi tiêu công được tài trợ từ 2 nguồn: thu ngân sách trong nước (T) và nguồn vốn tài trợ nước ngoài (D). Đông thời đo lường độ mở thương mại (Z) vào mô hình làm biến kiểm soát (Constantios Alexiou., 2009; Mesghena Yasin., 2003), khi đó hàm sản xuất có dạng:
Y = f(K, L, G, T, D, Z)
Như vậy, tác động của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế được xác định thông qua sự tương tác giữa chính sách thu ngân sách (T), vay nợ (D) chi tiêu công (G) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ngoài tra, trong nghiên cứu của Bhattarai và cộng sự (2014) cũng chỉ ra hai cơ chế chính sách khác nhau qua đó chính sách tài khóa tác động lên lạm phát. Đó là, cơ chế tiền tệ lấn át với kết luận lạm phát không bắt nguồn từ chính sách tài khóa mà là sản phẩm của chính sách tiền tệ, cơ chế tài khóa lấn át với kết luận chính sách tài khóa có vai trò lớn đối với sự thay đổi của lạm phát, sự gia tăng nợ công làm lạm phát cao hơn, đồng thời sự gia tăng trong mức thuế cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát. Từ hai cơ chế này, một lần nữa chứng tỏ rằng chưa có kết luận chắc chắn về mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và lạm phát.
Như vậy, trong nghiên cứu này, các cú sốc tài khóa được đo lường bởi sự thay đổi của 2 yếu tố là chi tiêu chính phủ và thu ngân sách. Trong đó, thu ngân sách được chia làm 2 nhóm là các khoản thu từ thuế và các khoản thu ngân sách từ vay nợ.
3.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng theo quy trình sau:
Bước 1: Sử dụng phương pháp kiểm định nghiệm đơn vị để kiểm tra tính dừng của các chuỗi thời gian trong các biến. Xử lý tính không dừng và tính mùa vụ của các chuỗi thời gian.
Bước 2: Kiểm định tính ổn định của mô hình.
Bước 3: Ứng dụng chức năng hàm phản ứng IRF (Impulse Response Function) từ kết quả của mô hình PVAR - (Panel Vector autoregression model), cơ chế phân rã cấu trúc (Structuaral Decomposition) để đo lường và phân tích sự truyền dẫn của chính sách tài khóa đến lạm phát và tăng trưởng và xác định độ trễ của các biến trong mô hình. Trong phương pháp này, dữ liệu bảng và phương pháp VAR được kết hợp với p độ trễ như mô hình sau:

Yit = ψ0 + A1Yi,t-1 + A2Yi,t-2 + … + AkYi,t-p + αi + λt + uit

Từ khung phân tích về mối quan hệ giữa chính sách tài khóa với tăng trưởng và lạm phát, Yit là một ma trận K*1 được xây dựng bao gồm các biến như sau:

Yit = |CPIit, GROit, GOVit, TAXit, DEBit, OPENit|
Trong đó:
CPI: Chỉ số giá tiêu dùng, để đo lường lạm phát
GRO: Tăng trưởng kinh tế danh nghĩa
GOV: Tỷ lệ chi tiêu chính phủ / GDP
TAX: Tỷ lệ thu ngân sách từ thuế/ GDP
DEB: Tỷ lệ nợ công/GDP
OPEN: Độ mở thương mại
Nguồn dữ liệu dự kiến: Sử dụng dữ liệu bảng các quốc gia Đông Nam Á trong khoảng thời gian các năm từ 2000 đến 2016 thu thập từ 2 nguồn chính là IMF và ADB. (Bảng dưới). 4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kiểm định nghiệm đơn vị
Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị bằng phương pháp ADF cho thấy các chuỗi dữ liệu không dừng ở chuỗi gốc, mà dừng ở sai phân bậc 1. Kết quả này cho thấy rằng, các biến có mối liên hệ đồng liên kết. Các chuỗi không dừng và có quan hệ đồng liên kết khi sử dụng trong mô hình VAR sẽ bỏ qua một sồ thông tin về mối quan hệ dài hạn. Tuy nhiên, mục tiêu của bài nghiên cứu này là tập trung phân tích các cú sốc ngắn hạn nên VAR vẫn phù hợp để phân tích các cú sốc đó. Điều này được ủng hộ bởi Piti & Pinnarat (2003), Mala & Param (2007), Abdul (2010).
4.2. Kiểm định tính ổn định của mô hình
Bước kiểm định này nhằm mục tiêu đảm bảo rằng mô hình ước lượng đạt tính ổn định. Sử dụng phương thức kiểm định nghiệm đa thức, mô hình đạt tính ổn định khi nghiệm của đa thức trong hệ thống VAR có gí trị trong khoảng 1. Kết quả cho thấy các nghiệm của đa thức đều nằm trong khoảng 1 nên kết quả thu được từ chức năng hàm phản ứng đẩy phát sinh từ mô hình sẽ có ý nghĩa trong nghiên cứu.
4.3. Phân tích hàm phản ứng đẩy
Các cú sốc từ chi tiêu chính phủ, thuế và nợ công có những ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế. Cụ thể như sau: Hình 1. Thứ nhất, khi chi tiêu chính phủ gia tăng, tỷ lệ lạm phát có xu hướng gia tăng trong ngắn hạn, sau đó chỉ số CPI bình ổn và ít biến động. Điều này có nguyên nhân từ việc chi tiêu của chính phủ có khả năng kích cầu, do đó làm chỉ số CPI gia tăng.
Thứ hai, khi số thu thuế tăng, chi phí thuế của hoạt động kinh doanh trở nên gia tăng, điều này làm cho giá cả đầu ra của doanh nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tăng cũng là nguyên nhan gây ra sự gia tăng trong giá cả tiêu dùng. Hàm phản ứng thể hiện sự gia tăng mạnh trong CPI khi thuế tăng.
Thứ ba, khi nợ công gia tăng, chỉ số giá tiêu dùng phản ứng không theo xu hướng rõ rệt, điều này chưa thể kết luận về tác động của cú sốc nợ công đến CPI.

Phản ứng của GDP trước các cú sốc như sau:

Thứ nhất, khi chi tiêu chính phủ gia tăng, GDP có xu hướng tăng nhẹ trong ngắn hạn sau đó có xu hướng giảm, điều này được lý giải do chi tiêu công vẫn còn tập trung quá nhiều vào chi tiêu dùng.

Thứ hai, khi số thu thuế tăng lên, GDP có xu hướng giảm, điều này được lý giải từ chi phí thuế của doanh nghiệp và người dân làm thay đổi hành vi tiêu dùng và đầu tư.
Thứ ba, cú sốc nợ công hầu như không tác động đến GDP.
5. Khuyến nghị giải pháp
Từ kết quả trên, bài viết gợi ý một số giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa như sau:
Thứ nhất, các cú sốc từ chi tiêu chính phủ có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế ở mức độ nhỏ nhưng lại gây ra sự gia tăng CPI trong ngắn hạn. Điều này có thể được lý giải là do chi tiêu chính phủ chủ yếu tập trung vào chi tiêu dùng, khoản chi có khả năng kích thích gia tăng tổng cầu trong ngắn hạn nhưng không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Do đó, bài nghiên cứu đưa ra khuyến nghị về cơ cấu trong chi tiêu chính phủ, cần tăng cường chi đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, các cú sốc từ số thu thuế có khả năng làm cho GDP giảm sút và lạm phát gia tăng, điều này thể hiện tác động tiêu cực từ việc tăng thuế. Nguyên nhân là do số thu thuế cao có khả năng gây ra những gánh nặng to lớn cho cả doanh nghiệp và người dân. Từ nguyên nhân này, bài nghiên cứu đưa ra giải pháp cần đa dạng hóa các nguồn thu ngân sách, hạn chế việc chỉ tập trung số thu ngân sách vào thuế.
Thứ ba, phản ứng của GDP và CPI trước các cú sốc nợ công là không đáng kể và không rõ ràng. Điều này có thể được lý giải từ việc quản lý nợ công, số nợ công không phải chỉ phát sinh từ thâm hụt ngân sách trong việc điều hành chính sách tài khóa mà còn phát sinh từ nhóm nợ do chính phủ bảo lãnh đi vay. Do đó, để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý nợ công, cần tách bạch giữa nhóm nợ do chính phủ đi vay và nhóm nợ chính phủ bảo lãnh đi vay. Đối với nhóm nợ chính phủ bảo lãnh đi vay, cần xác định rõ nguyên nhân đi vay và kiểm soát chặt chẽ hiệu quả của việc sử dụng vốn .
Tài liệu tham khảo:
1. Abdul A., (2010), Transmission mechanism of monetary policy in India, Journal of Asian Economics 21, 186 - 197.
2. Đặng Văn Cường và Bùi Thanh Hoài (2014). Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Mala R., Param S., (2007), Structural VAR approach to Malaysian monetary policy framework: Evidence from the Pre- and Post-Asian crisis periods, Department of Econometrics and Business stastistics Monash University.
4. Piti D., Pinnarat V., (2003), Monetary policy and the transmission mechanism in Thailand, Journal of Asian Economics 14, 389 - 418.
5. Solow, R. M. (1957). A Contribution to the Theory of Economic Growth. The Quarterly Journal of Economics, 65-94.
6. Sử Đình Thành (2011). Chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế phát triển.

THE EFFECTS OF FISCAL POLICY TO INFLATION AND ECONOMIC GROWTH IN ASEAN COUNTRIES

MA. TRUONG MINH TUAN

University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract

The paper focuses on the impact of fiscal policy shocks on inflation and economic growth. For this objective, The research analyzed the response function of the pushing and decomposing variance from the results of the PVAR model, taking data in Asian countries in the period from 2000 to 2016. The results show that public sector shocks have a positive effect on economic growth but cause inflation. In addition, tax shocks have a negative impact on the economy.

Keywords: Fiscal policy, economic growth, inflation, ASEAN countries.