TÓM TẮT:
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam, hàng triệu lao động giảm giờ làm, giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng về số lượng người tham gia thị trường lao động và việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng bị thâm hụt. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm và tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức tăng mạnh so với xu hướng giảm của những năm gần đây. Vì vậy, bài viết này nghiên cứu về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động: thực trạng và giải pháp.
Từ khóa: người lao động, tỷ lệ thất nghiệp, số người có việc làm, thu nhập.
1. Đặt vấn đề
Tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, năm 2021 kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Lao động phổ thông, lao động làm việc trong khu vực bán lẻ và nền kinh tế phi chính thức lànhững đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, hàng triệu lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm được việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn.
2. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình lao động
2.1. Gia tăng tỷ lệ thất nghiệp
Trước khi có đại dịch: Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 2%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,17%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,11%, khu vực nông thôn là 1,69%. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm trong tất cả các ngành và tại mọi miền trong nước từ nông thôn đến thành thị. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất là vào quý II /2020 - khi tình hình diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng và đặc biệt là việc áp dụng quy định giãn cách toàn xã hội càng làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Đặc biệt, đợt dịch bùng phát vào tháng 4/2021 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến vào quý III/2021 lên mức 3,98%. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV/2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Việc nền kinh tế bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc. Điều này làm cho tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng kỷ lục trong vòng 5 năm gần đây, cùng với đó là việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động. (Hình 1)
2.2. Lực lượng lao động
Quý IV/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả 2 khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,8 triệu người và lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,9 triệu người so với 0,8 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm mạnh ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,2 triệu người) và giảm chủ yếu ở nam giới (khoảng 0,8 triệu người). (Hình 2)
Hình trên cho thấy lực lượng lao động bị ảnh hưởng rõ rệt qua các đợt dịch. Đỉnh điểm là đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vào quý II/2020, khi việc thực hiện giãn cách được tiến hành và quý III/2021 và tỷ lệ người tham gia lao động đã sụt giảm mạnh. Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động mất việc. Lao động có việc làm trong quý III/2021 tiếp tục giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý III là 49,1 triệu người, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Đến quý IV/2021, tỷ lệ này là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
2.3. Số người có việc làm và số người thiếu việc làm
Trong quý IV/2021, sau khi phủ rộng vắc xin mũi 2 và các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 là 49,1 triệu người, tăng 1,82 triệu người so với quý trước và giảm 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 890,1 nghìn người so với quý trước và tăng 498,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 31,1 triệu người, tăng 934,5 triệu người so với quý trước và giảm 2,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Số người lao động thiếu việc làm quý III/2021 là cao nhất với tỷ lệ 4,46%. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2021 là gần 1,5 triệu người, giảm 381,1 nghìn người so với quý trước và tăng 635,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV/2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 4,06% và 2,95%). Đây là quý thứ 3 liên tiếp thị trường lao động chứng kiến tình trạng tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. (Hình 3)
Mức thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng gắn với các điểm bùng phát dịch. Quý III/2021 đã chứng kiến mức thu nhập thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, sang quý IV/2021, mức thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện hơn (tăng 139 nghìn đồng/người/tháng). Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến đời sống của người lao động, so với cùng kỳ năm 2020, mức thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng (giảm 624 nghìn đồng/người/tháng).
Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 khiến hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm. Sau cơn bão đại dịch, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm năm 2021 giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, trước diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020. Lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
3. Một số giải pháp
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động sau đại dịch, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động, như: việc làm, nơi ăn ở, chỗ gửi con cái và biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động bằng cách tiêm vắc xin.
Thứ hai, xây dựng 3 kịch bản, theo đó, kịch bản đầu tiên là sử dụng tất cả các đối tượng đang học nghề, đẩy nhanh tiến trình đào tạo để bổ sung lao động, kịch bản khác là sử dụng thêm bộ đội nghĩa vụ cho các chuỗi sản xuất.
Thứ ba, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ tư, chính quyền địa phương rà soát lại nhu cầu cung cầu lao động ở địa phương để phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn cho người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển dụng trong tỉnh hoặc ở thị trường các tỉnh, thành phố.
Thứ năm, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022-2023 về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn,... phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; có chính sách giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vuong, Q.H., et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities & Social Sciences Communications, 9, 22.
- Tổng cục Thống kê, (2022), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV/ 2021.
- Tổng cục Thống kê, (2021), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I, II, III/2021.
Impacts of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s labor market: Current situation and solutions
Master. Do Thi Thanh Tam
Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries
Abstract:
The COVID-19 pandemic has negatively affected Vietnam’s labor market. Pandemic leads to huge reduction in working hours, income and employment losses. This is the first time in the past 10 years that the Vietnamese labor market has suffered a serious reduction in the number of labor market participants and jobs. The average income of workers has been also reduced, and the unemployment rate and the number of informal workers have increased sharply. This paper analyzes the impacts of the COVID-19 pandemic on Vietnam’s labor market: Current situation and solutions.
Keywords: workers, unemployment rate, number of employed people, income.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]