Trong 02 ngày 28 và 29/5/2024, tại Thành phố Bắc Giang, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức 03 Hội nghị tập huấn với mục đích phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số.
Hội nghị có sự tham dự của bà Cao Thị Mai Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp; ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số); Đại diện Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công Thương Bắc Giang); Đại diện Công ty TNHH Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp iViet; cùng sự tham gia của học viên là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và học sinh, sinh viên năm cuối tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Hiện nay, công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ giúp cho việc mua bán hàng hóa trực tuyến thuận tiện và phổ biến hơn bao giờ hết. Theo Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và thương mại điện tử (Sở Công Thương Bắc Giang), đây là giải pháp tối ưu thay thế cho phương pháp mua bán truyền thống. Vì vậy, hình thức kinh doanh này ngày càng mở rộng, đa dạng về hình thức cũng như nội dung và đang diễn ra sôi động trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart; các website thương mại điện tử như thegioididong, Pico, Dienmayxanh…
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử ngày càng sôi động. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã khai thác, tận dụng lợi thế thương mại điện tử nhằm quảng bá, mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn do năng lực ứng dụng CNTT của các đơn vị, hộ sản xuất chưa cao.
Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết, để hỗ trợ và giải quyết khó khăn trên, Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử tổ chức 03 hội nghị đào tạo, với mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và học sinh, sinh viên… những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử cũng như kỹ năng vận dụng thực tế.
Qua phần chia sẻ của các chuyên gia đến từ Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Công ty TNHH Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp iViet, các học viên đã được cung cấp kiến thức cơ bản về: Thực trạng thương mại điện tử và những lưu ý khi kinh doanh trong thời đại số; Xu hướng ứng dụng thương mại điện tử, quy trình xây dựng và vận hành doanh nghiệp số hiệu quả; Giải pháp tiếp thị đa kênh và một số lưu ý khi biên tập nội dung nhằm tăng năng lực tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa chuyển đổi; Thực hành kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam, mạng xã hội Facebook, TikTok và hướng dẫn cách livestream bán hàng trên các nền tảng…
Trong đó, chia sẻ rõ hơn về vấn đề phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử trong nền kinh tế số, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử cho biết, có 6 vấn đề sau: Hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; Đảm bảo môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; Phát triển thương mại điện tử xanh - Thương mại điện tử gắn liền bảo vệ môi trường; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, những năm qua, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số phát triển, Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã hỗ trợ, kết nối hàng ngàn doanh nghiệp tham gia và chinh phục thị trường thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới. Số liệu thống kê từ Amazon Global Selling cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 17 triệu sản phẩm Việt Nam được bán trên các gian hàng Amazon, góp phần đưa hàng Việt “cất cánh toàn cầu”. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đủ năng lực và có nhu cầu mở rộng thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội để chinh phục thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sau 02 ngày diễn ra sôi nổi, Hội nghị đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại Bắc Giang đã kết thúc thành công. Sở Công Thương Bắc Giang hy vọng, trong tương lai gần, nguồn nhân lực về thương mại điện tử sẽ trở thành tiền đề, mở ra cơ hội cho sự phát triển thương mại điện tử của Bắc Giang, từ đó, thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số ngày càng phát triển.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Theo diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển Thương mại Điện tử năm 2024 trên địa bàn, trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử là một trong những nội dung quan trọng, được các địa phương ưu tiên hàng đầu.
Đầu tháng 4/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch phát triển Thương mại Điện tử trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Trong khi đó, năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.
Năm 2024, EcomViet sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong cả nước; Biên soạn, số hóa bài giảng, duy trì, vận hành hệ thống Eclass.vn, đồng thời triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho các nhóm đối tượng về Thương mại Điện tử cả nước; Tiếp tục tổ chức Hội thảo tập huấn về Thương mại Điện tử cho giảng viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước…
Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong cả nước (khoảng 20 lớp); Tiếp tục phối hợp cùng Amazon Global Selling, OSB - Đại lý đầu tiên của Alibaba tại Việt Nam tổ chức các chương trình hội nghị, lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước.
Xây dựng chương trình đào tạo sát với nhóm đối tượng, rút ngắn thời gian các lớp đào tạo, phối hợp chặt chẽ hơn với các Sở trong công tác mời học viên tham dự đúng đối tượng…