8 tháng, cấp than cho điện đạt trên 37 triệu tấn

Lũy kế đến hết tháng 8/2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 40,72 triệu tấn, trong đó cấp cho điện khoảng 34,07 triệu tấn than.
Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện
Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện

Than thương phẩm đạt 40,72 triệu tấn trong 8 tháng

Theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính đến hết tháng 8/2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 40,72 triệu tấn, trong đó than thương phẩm xuất trong nước khoảng 31,56 triệu tấn, gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 27,01 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 4,55 triệu tấn; than nhập khẩu khoảng 9,16 triệu tấn, gồm TKV 5,97 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 3,19 triệu tấn.

Tổng khối lượng than cấp cho điện khoảng 34,07 triệu tấn. Trong đó, TKV cấp khoảng 27,83 triệu tấn, đạt 72,19% khối lượng hợp đồng, bằng 117,28% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng công ty Đông Bắc cấp khoảng 6,24 triệu tấn, đạt 80,23% khối lượng hợp đồng, bằng 138,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự kiến, cả năm 2023, sản lượng than thương phẩm sản xuất đạt khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn (TKV 38,67 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 6,01 triệu tấn); than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn (TKV 9,2 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc 64,0 triệu tấn).

Tổng than tiêu thụ khoảng 57,08 triệu tấn, trong đó, cung cấp than cho sản xuất điện khoảng 46,29 triệu tấn.

Dự kiến cả năm 2023, TKV cấp khoảng 38,52 triệu tấn, đảm bảo đủ khối lượng cam kết theo Hợp đồng đã ký; Tổng công ty Đông Bắc dự kiến cấp khoảng 8,2 triệu tấn, bằng 103% khối lượng Hợp đồng đã ký.

Xem thêm: "Cung ứng 186,7 tỷ kWh điện trong 8 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá than giữ biên độ dao động cao 

Theo Bộ Công Thương, trong các tháng đầu năm 2023, loại than có nhiệt trị 4.700-6.000 NAR dần có giá ổn định so với năm 2022 nhưng vẫn có biên độ dao động cao trong khoảng 91-366 USD/tấn, tăng đến khoảng 178% so với năm 2021 (81-131 USD/tấn) và giảm khoảng 9-17% so với năm 2022 (100-441 USD/tấn) tùy theo thời điểm và thị trường bán.

Theo thống kê của Hải quan, đến hết ngày 31/7/2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 29,56 triệu tấn than, tăng 52,7% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân dẫn đến giá than thế giới tăng cao so với trước đây là do ảnh hưởng bởi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và tác động của cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine dẫn đến nhu cầu than tăng cao, nguồn than khan hiếm, giá nhiên liệu (dầu) tăng cao kéo theo cước phí vận chuyển tăng. 

"Điều này dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu than về Việt Nam để cung cấp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả của các doanh nghiệp sử dụng than nhập khẩu", Bộ Công Thương đánh giá, đồng thời cho biết nguồn cung than cho nhu cầu trong nước thiếu hụt đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, nhất là cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thông tin thêm, hiện nay, giá than thế giới đang có xu hướng giảm so với các tháng đầu năm 2023. Tại thời điểm ngày 31/8/2023, giá than dao động khoảng 108-160 USD/tấn. Đây là tín hiệu thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu xếp nguồn than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện trong các tháng còn lại của năm 2023.

Diễn biến giá than thế giới từ tháng 12/2022 đến nay
Diễn biến giá than thế giới từ tháng 12/2022 đến nay (Nguồn: TradingEconomics)

Đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện

Trong các tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và bám sát tình hình cung cấp than cho sản xuất điện để kịp thời chỉ đạo, điều hành các đơn vị liên quan; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than cho sản xuất điện.

Trong đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể, bao gồm việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho sản xuất điện tại các văn bản liên quan.

Đối với các đơn vị sản xuất than, Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng năng lực sản xuất, chế biến than đối với các khu vực đã được cấp phép khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. Đẩy mạnh thực hiện công tác nhập khẩu than để pha trộn, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than, đảm bảo cấp đủ và phấn đấu vượt khối lượng cam kết theo hợp đồng đã ký phù hợp với nhu cầu phát điện của các nhà máy nhiệt điện than các tháng còn lại của năm 2023; trong đó, lưu ý các thị trường đã được Bộ Công Thương kết nối giao thương trong thời gian qua. Khẩn trương làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy phép khai thác than.

Đối với chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương yêu cầu chủ động nghiên cứu việc sử dụng loại than nhập khẩu có chất lượng tương đương than sản xuất trong nước hoặc loại than pha trộn có chất bốc cao để gia tăng khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện nhằm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, đảm bảo nhà máy nhiệt điện than vận hành an toàn, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Khẩn trương tìm kiếm các nhà cung cấp than để thu xếp khối lượng than nhà máy có nhu cầu sử dụng vượt so với khả năng cấp của TKV và Tổng công ty Đông Bắc (vượt so với hợp đồng đã ký) để đảm bảo cung cấp đủ than cho vận hành nhà máy theo Kế hoạch huy động điện của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Chủ động rà soát lại toàn bộ hệ thống, thực hiện ngay các giải pháp kỹ thuật, quản lý để hạn chế tối đa tiêu hao nhiệt, giảm suất tiêu hao than trong quá trình vận hành nhà máy, nâng cao hiệu quả sử dụng than.

Thy Thảo