TÓM TẮT:
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn lên toàn ngành Du lịch. Các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của đại dịch là những nguyên nhân khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách. Điều này cảnh báo sự sụt giảm doanh thu của ngành Du lịch nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Bài báo phân tích những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành Du lịch Việt Nam.
Từ khóa: Covid - 19, ngành Du lịch, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ và Anh là hai nước có số ca mắc bệnh và tử vong mới cao nhất thế giới trong thời gian gần đây.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã cảnh báo dịch bệnh Covid-19 đang lây nhiễm và cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Theo báo cáo của ECDC, tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán đã diễn ra tại các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, và chủ yếu rơi vào những người già trên 65 tuổi. Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) tại châu Âu đã vượt ngưỡng 75.000 người.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết, châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng cộng 13.686 ca mắc Covid-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong. Đến nay, Dịch Covid-19 đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn lãnh thổ châu Phi.
Còn tại Châu Á, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong đó, Indonesia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất Đông Nam Á; các trường hợp tái phát bệnh gia tăng ở Hàn Quốc và Singapore. Có thể thấy, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid-19, điều này đã và đang gây tác động rất lớn đến sức khỏe con người cũng như toàn bộ ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch.
2. Ảnh hưởng của Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam
Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, dự báo sẽ chịu nhiều tổn thương và có thể kéo dài cả sau khi dịch bệnh kết thúc.
- Lượng khách quốc tế sụt giảm
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 ước tính đạt 449,9 nghìn lượt người - giảm 63,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 62,3%; bằng đường bộ giảm 65,9%; bằng đường biển giảm 83,6%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3 giảm 68,1%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 65,7%; bằng đường bộ giảm 77,9% và bằng đường biển giảm 55,2%; khách đến từ châu Á giảm 77,2%; từ châu Âu giảm 27,5%; từ châu Úc giảm 49,9%; từ châu Mỹ giảm 67,9% và từ châu Phi giảm 37,8%.
Tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người - chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người - chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người - chiếm 3,9% và tăng 92,1%.
Trong 3 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người - chiếm 72,5% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người - giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc: 819,1 nghìn lượt người - giảm 26,1%; Nhật Bản: 200,3 nghìn lượt người - giảm 14,1%; Đài Loan: 192,2 nghìn lượt người - giảm 7,2%; Malaysia: 116,2 nghìn lượt người - giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam vẫn tăng trong quý I như Thái Lan: 125,7 nghìn lượt người - tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Cam-pu-chia đạt 120,4 nghìn lượt người - tăng 254,3%; Lào đạt 36,8 nghìn lượt người - tăng 38,5%.
Khách đến từ châu Âu trong quý I ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người - giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Vương quốc Anh đạt 81,4 nghìn lượt người - giảm 9,4%; Pháp 74,5 nghìn lượt người - giảm 14,7%; Đức 61,5 nghìn lượt người - giảm 14,9%; riêng khách đến từ Liên bang Nga tăng 13,6% với 245 nghìn lượt người. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người - giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ, đạt 172,7 nghìn lượt người - giảm 21,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người - giảm 14,4%, trong đó khách đến từ Australia đạt 92,2 nghìn lượt người - giảm 15%. Khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người - tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
- Các sơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhân viên ngành du lịch thất nghiệp
Do diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid 19 không chỉ tác động trực tiếp lên số lượng khách đi du lịch mà còn tác động đến các cơ sở lưu trú. Công suất hoạt động các cơ sở lưu trú giai đoạn này chỉ đạt 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách hủy phòng tại các cơ sở lưu trú tại Hà Nội là hơn 80.613 lượt, số ngày bị hủy phòng khoảng 57.652 ngày.
Các khách sạn trên khắp các tỉnh, thành cả nước lần lượt tuyên bố đóng cửa ít nhất đến hết 30/4, như: hệ thống Silk Queen, Hệ thống OHG sở hữu các khách sạn 4* & 5* như Oriental Suites Hotel & Spa, O’Gallery Premier Hotel & Spa, O’Gallery Majestic Hotel & Spa hay Thiên Minh Group với chuỗi khách sạn & tàu Victoria 5* cao cấp,… Chính điều này khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế đến 60%. Đối với các công ty đa quốc gia thậm chí còn giảm 4/5 số lượng nhân viên. Ít nhất cho đến hết tháng 6/2020, hơn 80% nhân sự không có việc làm. Nếu tình hình khó khăn hơn thì tình trạng thất nghiệp chắc chắc cũng kéo dài hơn.
- Doanh thu từ ngành du lịch sụt giảm
Du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động, dẫn đến sụt giảm doanh thu ở các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; TP. Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%). Lý do là bởi nhiều địa điểm tham quan du lịch phải ngừng hoạt động, một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.
Vận tải hành khách tháng 3/2020 ước tính đạt 334,4 triệu lượt khách vận chuyển - giảm 8,8% so với tháng trước, và luân chuyển 14,8 tỷ lượt khách.kilômét (Hk.Km) - giảm 15,1%. Tính chung quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển - giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%), và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km - giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%). Trong đó, vận tải trong nước đạt 1.187,7 triệu lượt khách - giảm 6,1% và 46,4 tỷ lượt khách.km - giảm 3,5%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách - giảm 30,3% và 9,6 tỷ lượt khách.km - giảm 24,9%.
Xét theo ngành Vận tải, tất cả các ngành đường đều bị ảnh hưởng do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, vận tải hành khách đường bộ quý I đạt 1.128,3 triệu lượt khách - giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, và 38,5 tỷ lượt khách.km - giảm 7,2%; đường thủy nội địa đạt 47,7 triệu lượt khách - giảm 1,3%, và 1,1 tỷ lượt khách.km - giảm 0,4%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách - giảm 23,2%, và 109,4 triệu lượt khách.km - giảm 5,8%; đường sắt đạt 1,5 triệu lượt khách - giảm 27,8%, và 0,7 tỷ lượt khách.km - giảm 23,8%. Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19 khi các hãng phải tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế, vận tải hàng không quý I năm nay đạt 11,9 triệu lượt khách - giảm 8%, và 15,6 tỷ lượt khách.km - giảm 9,5% (riêng tháng 3/2020 vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%).
Dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam đang gặp 2 vấn đề chính: sự phụ thuộc của ngành Du lịch hiện tại đối với thị trường Trung Quốc, và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành khi có khủng hoảng xảy ra.
3. Giải pháp
- Trước hết cần tiếp tục mở rộng tiếp thị tới các thị trường tiềm năng, cải thiện chi tiêu trung bình và thời gian lưu trú của du khách nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào thị trường khách du lịch Trung Quốc.
- Chính phủ nên xem xét việc miễn thị thực 30 ngày cho công dân Australia và New Zealand, công dân tại các nước đã phát triển của châu Âu cũng như các công dân đến từ vùng Bắc Mỹ. Đây là những đối tượng hiện tại chưa được hưởng quyền lợi miễn trừ này.
Các giải pháp khác bao gồm lập kế hoạch cho trường hợp tình hình xấu đi hoặc bắt đầu cải thiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, như: miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội; giảm lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp mà vốn dĩ có nguồn tài chính vững chắc nhưng đang gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong khi đó, chính các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đưa ra các giải pháp hợp lý, tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát như cắt giảm giá phòng không theo kế hoạch hoặc giảm giá vé máy bay, vì điều này sẽ không mang lại thêm lợi nhuận khi mọi người chưa được phép đi du lịch hoặc bản thân khách du lịch cũng chưa cảm thấy yên tâm vì lo sợ dịch bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế quý I/2020.
2. Tâm Lê (2020), Ngành Du lịch khắp nơi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
https://baodulich.com/diem-den/nganh-du-lich-khap-noi-chiu-anh-huong-boi-dich-covid-19/
3. Linh Chi – Bích Trâm (2020), Ngành Du lịch lao đao vì corona https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap nhat/nganh-du-lich-lao-dao-vi-corona-9222.html.
Impacts of the Covid-19 pandemic on Vietnam’s tourism industry
Master. Le Kim Anh
Faculty of Fundamental Economics
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The complicated development of the Covid-19 pandemic has significantly affected on the global tourism industry, including Vietnam’s tourism sector. The travel restrictions, lockdown measures as well as apprehension of tourists are major reasons for the collapse of hotel, restaurant and retail businesses at tourist destinations amid the pandemic. As a result, the revenue of tourism industru in many countries, including Vietnam is forecasted to plunge. This paper analyzes the impacts of the Covid-19 pandemic on Vietnam's tourism industry.
Keywords: Covid - 19, tourism, Vietnam.