Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội

TS. LÊ THỊ VIỆT HÀ1 - NGUYỄN TUẤN ANH2 - NGUYỄN TUẤN QUANG2 (1Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) – (2Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Từ năm 2010, văn hóa Hàn Quốc lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bài viết khảo sát trực tiếp giới trẻ tại Hà Nội trong 2 nhóm tuổi từ 15 tuổi đến 22 tuổi và từ 23 tuổi đến 30 tuổi, với 240 phiếu trả lời về ảnh hưởng của 5 khía cạnh làn sóng văn hóa Hàn Quốc, gồm: âm nhạc, phim, ẩm thực, thời trang và mỹ phẩm, ngôn ngữ Hàn tới hành vi tiêu dùng của giới trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy, tác động của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội bên cạnh mặt tích cực còn có nhiều bất cập. Dựa vào kết quả đó, nghiên cứu đề xuất ra 2 nhóm giải pháp để cải thiện, định hướng hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội.

Từ khóa: làn sóng văn hóa Hàn Quốc, hành vi tiêu dùng, giới trẻ Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Từ những năm 2010, văn hóa Hàn Quốc đã bùng nổ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới Thành công của làn sóng văn hóa Hàn Quốc có thể xem xét từ 2 khía cạnh là kinh tế và văn hóa. Đối với giới trẻ ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã tạo ra làn sóng yêu thích và quan tâm đến các sản phẩm của văn hóa Hàn Quốc. Theo Hồ sơ thị trường Hàn Quốc của Ban Quan hệ Quốc tế, Hàn Quốc là nước đứng đầu về số lượng vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn là 67,7 tỷ USD. Theo bản tin của Công ty Nghiên cứu Thị trường, khảo sát với đối tượng là giới trẻ từ 20 đến 29 tuổi ở 4 thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, kết quả cho thấy xu hướng chọn thời trang của giới trẻ liên quan đến xu hướng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì giới trẻ đang chi tiêu cho các sản phẩm của văn hóa Hàn Quốc không hợp lý. Bài viết cho thấy việc tiếp thu văn hóa một cách không chọn lọc, thiếu sự định hướng đúng đắn của giới trẻ Hà Nội sẽ dẫn đến những bất cập trong hành vi tiêu dùng. Do vậy, giới trẻ sẽ cần nhìn nhận lại tiêu dùng của mình đối với những làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Tài liệu trong nước

Có nhiều bài nghiên cứu đã phân tích và tìm hiểu sâu về những ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới giới trẻ như tác giả Phan Thị Thu Hiền (2008) với bài “Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) ở Đông Nam Á”; Trần Trương Thị Thanh Thanh (2015) với nghiên cứu “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong thanh niên ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang hiện nay” hay Phan Thị Thu Hiền (2012) với “Sự tiếp nhận và ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc đối với giới trẻ Việt ngày nay, tìm hiểu thông qua ý kiến của học sinh và sinh viên”. Ngoài ra, còn có bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam” của tác giả Phan Thị Oanh (2013).

Trong bài nghiên cứu “Sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay - những điểm nhìn từ một cuộc khảo sát xã hội học văn hóa”, tác giả Hà Thanh Vân (2014) đã tiến hành khảo sát với 600 người trong độ tuổi 15 - 30 ở 12 tỉnh, thành phố. Cuộc khảo sát đã chứng minh ảnh hưởng lớn của làn sóng Hàn Quốc thông qua phim ảnh, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, trò chơi và văn học. Tác giả Bùi Ngọc Tuấn Anh (2022) đã có bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của thông tin và người nổi tiếng trong quyết định mua sản phẩm công nghệ của giới trẻ” để nói về sự tác động của thông tin và người nổi tiếng đến hành vi tiêu dùng của giới trẻ.

Cuốn sách “Quản trị Marketing” của Lê Thị Lan Hương (2012) đã nêu được mô hình hành vi người tiêu dùng, các yếu tố tác động đến tiêu dùng, những yếu tố của marketing.

Văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng tới đời sống văn hóa - xã hội của giới trẻ Việt, được phân tích trong 2 bài nghiên cứu “Một số tác động của Hàn Lưu đối với Việt Nam - Nhìn trên góc độ văn hóa xã hội” của tác giả Nguyễn Thị Thắm (2014) và nghiên cứu “Ảnh hưởng của Hàn lưu tại Việt Nam: Nhìn từ góc độ liên ngành” của Trần Thị Hường - Cao Thị Hải Bắc (2014). Ngoài ra, nội dung nghiên cứu “Ảnh hưởng của truyền thông Marketing đến hành vi tiêu dùng mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam” của tác giả Lê Ngọc Huyền (2022) đã thể hiện rõ ảnh hưởng của truyền thông marketing tới hành vi tiêu dùng.

2.2. Tài liệu nước ngoài

Thuy Anh Dinh (2016) “Nguyên nhân và ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đến hành vi của người tiêu dùng Việt Nam” và Dat Tuan Tran (2013), “Ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc đối với giới trẻ Việt Nam: Trường hợp phổ biến nhà hàng Hàn Quốc” là những bài nghiên cứu về ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc đến thói quen chi tiêu của người Việt Nam.

Ingyu Oh và Hyo-Jung Lee (2005) “Cách ngành công nghiệp nhạc pop đang thay đổi một xã hội phát triển” cho thấy vai trò rất lớn của chính phủ Hàn Quốc vào sự phát triển của làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

Bài nghiên cứu về của tác giả Zhonghui Ding (2015): “Phân tích hành vi tiêu dùng của thanh niên - người lớn: so sánh giữa Trung Quốc, Slovenia và Croatia” đã cho thấy những đặc điểm chi tiết trong hành vi tiêu dùng của giới trẻ nhiều nước. Trong bài: “Vai trò của làn sóng Hallyu đối với sự phát triển của du lịch văn hóa ở Hàn Quốc” tác giả Andrzeja Frycza và cộng sự (2017) đã viết về thực trạng và sự phát triển của văn hóa đại chúng Hàn Quốc, tác động của nó đối với lưu lượng khách du lịch và những lợi ích đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Còn tác giả Won-Jun và cộng sự (2015) viết về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc và điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về các bộ phim Hàn và ý định thăm lại Hàn Quốc trong bài: “Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc và sự hài lòng của người tiếp nhận và ý định xem lại phim truyền hình của T.V”.

Để hiểu sâu hơn về hành vi tiêu dùng và nhân tố ảnh hưởng đến nó, tác giả Wayne D. Hoyer, Deborah J. MacInnis (1997) đã viết cuốn sách “Consumer Behavior” và tác giả Michael Solomon cùng cộng sự (1992) đã viết cuốn “Consumer Behaviour”.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng bảng hỏi điều tra với cỡ mẫu là 240 người với 2 nhóm độ tuổi từ 15 đến 22 tuổi, từ 23 đến 30 tuổi theo phương thức điều tra trọng điểm. Khảo sát này tiến hành điều tra giới trẻ Hà Nội trực tiếp tại các cửa hàng thời trang, nhà hàng, trung tâm thương mại ở các khu vực quận Đống Đa, quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy,... để đánh giá chi tiêu đối với các khía cạnh làn sóng văn hóa Hàn Quốc của giới trẻ.

4. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội

4.1. Tiêu dùng đối với phim Hàn Quốc

Theo kết quả điều tra, các bạn trẻ Hà Nội mua ứng dụng xem phim, vé xem phim với giá 35.000 đồng hoặc 65.000 đồng, đến 125.000 đồng mỗi tháng. Đối với giới trẻ từ 23 tuổi đến 30 tuổi, mức tiêu dùng của họ như vậy là bình thường vì những người đi làm có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, giới trẻ từ 15 đến 22 tuổi chưa có thu nhập thì mức tiêu dùng như vậy cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn, vì đối với giới trẻ độ tuổi này thì sự thỏa mãn nhu cầu tâm lý vẫn chiếm phần lớn quyết định mua. Có thể thấy phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc có tác động lớn đến giới trẻ Hà Nội, khiến cho quyết định tiêu dùng ở độ tuổi học sinh, sinh viên cần được cân nhắc kỹ càng hơn.

4.2. Tiêu dùng đối với âm nhạc Hàn Quốc

Giới trẻ Hà Nội từ 15 đến 22 tuổi và từ 23 đến 30 tuổi đều tiêu dùng cho âm nhạc theo hành vi mua nhiều lựa chọn, họ sẽ tìm kiếm sự đa dạng trong tiêu dùng để thỏa mãn nhu cầu tâm lý. Tuy nhiên, có một số bạn trẻ vì không xem xét kỹ lưỡng các thông tin, đặc điểm của sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc, nên dẫn đến hành vi mua có sự hối tiếc rất nhiều. Từ năm 2010 đến năm 2015, ở Hà Nội đã có 4 buổi biểu diễn âm nhạc thu hút quy mô lớn các bạn trẻ như Kpop Festival in Hanoi, Musicbank in Hanoi,... Các buổi biểu diễn này có giá vé từ 300.000 đồng đến 4.500.000 đồng, chiếm trung bình 1/4 thu nhập của giới trẻ Hà Nội thời điểm đó. Năm 2019, lễ trao giải Hàn Quốc AAA ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình với giá vé vào khoảng từ 1.000.000 đồng đến 5.500.000 đồng, chiếm gần hết thu nhập 1 tháng của các bạn trẻ ở Hà Nội. Ngoài ra, những nghệ sĩ Hàn biểu diễn ở nước ngoài cũng thu hút bộ phận lớn các bạn trẻ ở Hà Nội, họ phải mua vé máy bay, chỗ ở,... để được gặp thần tượng của mình. Bên cạnh đó, những ứng dụng nghe nhạc Spotify, Naver,... sẽ phải trả hàng tháng khoảng từ 40.000 đồng cho đến 200.000 đồng, đây là nhân tố ảnh hưởng dài hạn đến hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội. Việc mua album của nghệ sĩ Hàn Quốc từ nước ngoài về đã trở nên phổ biến với giới trẻ Hà Nội. Với giá của các album nghệ sĩ vào khoảng 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo khảo sát của nghiên cứu, điều này cho thấy việc chi tiêu cho album của nghệ sĩ Hàn Quốc chiếm đến 1/2 nguồn thu nhập chính của giới trẻ Hà Nội.

4.3. Tiêu dùng đối với ẩm thực Hàn Quốc

Khảo sát của đề tài cho kết quả: có 180 trên tổng số 240 người yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 75%, đây là một con số lớn. Các nhà hàng ẩm thực Hàn Quốc luôn đổi mới các món ăn, có nhiều những ưu đãi như giảm giá đi 3 người tặng thêm 1 suất ăn,... Các nhà hàng thường tập trung gần các trường học để giới trẻ yêu thích văn hóa Hàn Quốc có thể thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, một số người độ tuổi từ 15 đến 22 tuổi, mức tiêu dùng cho ẩm thực Hàn Quốc vào khoảng 50.000 đồng đến dưới 400.000 đồng một tháng. Chủ yếu thu nhập độ tuổi này là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nhờ vào làm thêm và gia đình hỗ trợ. Đối với giới trẻ độ tuổi từ 23 đến 30 tuổi có thu nhập ổn định, có khả năng tìm kiếm thông tin và đánh giá về các thương hiệu ẩm thực Hàn Quốc rõ ràng, họ tiêu dùng cho ẩm thực Hàn Quốc ở mức từ 700.000 đồng đến nhiều nhất là 2.000.000 đồng mỗi tháng.

Với mức thu nhập bình quân của giới trẻ Hà Nội từ 23 đến 30 tuổi là trên 5.000.000 đồng, thậm chí hơn 10.000.000 đồng, thì mức tiêu dùng trên chiếm khoảng 1/8 so với thu nhập của họ, đó là một mức tiêu dùng cần phải cân nhắc lại. Hàng năm, Hàn Quốc tổ chức lễ hội văn hóa và ẩm thực Việt Hàn, thu hút nhiều giới trẻ ở Hà Nội, trong sự kiện đó, chi tiêu của giới trẻ có thể từ 1.000.000 đồng đến khoảng 3.000.000 đồng, là con số khá lớn. Như vậy, ẩm thực Hàn Quốc tác động không nhỏ đến với hành vi tiêu dùng của giới trẻ ở Hà Nội, khiến chi tiêu của giới trẻ có nhiều bất cập.

4.4. Tiêu dùng đối với thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc

Đối tượng tiêu dùng cho thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc phần lớn là nữ giới. Giới trẻ Hà Nội trong trường hợp này sẽ quan tâm đến các yếu tố xã hội, các yếu tố khác trong quá trình quyết định của người mua, như lựa chọn thương hiệu, thời gian, số lượng mua sản phẩm. Những xu hướng tiêu dùng được giới trẻ yêu thích trong một thời gian nhất định sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của họ.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, với xu hướng tiêu dùng sản phẩm thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc, người tiêu dùng trẻ ở Hà Nội có sự khác biệt lớn. Giới trẻ từ 15 đến 18 tuổi Hà Nội chỉ tiêu dùng 200.000 đến 300.000 đồng mỗi tháng để mua mỹ phẩm, con số này tăng lên giữa các nhóm và đạt gần 2.000.000 đồng cho những người trẻ lớn hơn 23 tuổi. Khoảng cách lớn này là do thu nhập hàng tháng của họ, cho thấy một số lượng lớn chi tiêu chỉ dành cho thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc.

4.5. Tiêu dùng đối với ngôn ngữ Hàn Quốc

Gần đây, giới trẻ có xu hướng đi du học và xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, làn sóng học tiếng Hàn ở giới trẻ đang phổ biến. Giới trẻ ở độ tuổi từ 23 đến 30 tuổi sẽ có hành vi mua phức tạp, vì độ tuổi này có thể cân nhắc kỹ về các khóa học tiếng Hàn để đưa ra quyết định tiêu dùng với mục đích nâng cao chất lượng cho công việc và cho cuộc sống. Giới trẻ ở Hà Nội từ 15 đến 18 tuổi học tiếng Hàn để xem phim, đi du lịch, để nghe nhạc,... Theo khảo sát, một số ít bạn trẻ tự học tiếng Hàn ở nhà mà không mất chi phí nào. Khảo sát trực tiếp tại các trung tâm tiếng Hàn, trung bình một khóa có mức phí từ 1.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Khảo sát tại các trường đại học cho thấy, chương trình học chính quy tiếng Hàn thường sẽ có chi phí từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng mỗi tháng, khóa học tiếng Hàn chất lượng cao có chi phí từ 3.000.000 đồng đến 3.500.000 đồng mỗi tháng.

Giới trẻ từ 23 đến 30 tuổi sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí chiếm 1/4 đến 1/2 mức lương của mình để chi tiêu cho khóa học tiếng Hàn; thậm chí chi phí có thể chiếm gần hết nguồn thu nhập. Giới trẻ Hà Nội trẻ từ 18 cho đến 22 tuổi với mong muốn được đi du học, được đi du lịch, được làm công việc yêu thích thì việc học các khóa đào tạo tiếng Hàn chính quy là hợp lý. Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ không có nhu cầu công việc liên quan đến ngôn ngữ Hàn, chưa có thu nhập ổn định thì mức giá cả như vậy khá lớn.

4. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Văn hóa Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, đặc biệt là nhận thức và hành vi tiêu dùng của giới trẻ. Nhờ làn sóng văn hóa Hàn Quốc, khán giả Việt Nam đã cởi mở hơn, tạo nên mối giao lưu văn hóa sinh động, sáng tạo và tạo ra các giá trị văn hóa mới trong giới trẻ. Ngày càng có nhiều trường hợp học tiếng Hàn xuất phát từ sự hứng thú với tiếng Hàn. Xu hướng này được dự báo sẽ tăng lên khi ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam mong muốn học ngôn ngữ này để đi du học hoặc có thể tìm việc làm lương cao hoặc làm việc tại công ty Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tích cực đến tâm lý với giới trẻ Hà Nội như games online, truyện tranh, hoạt hình, du lịch, sự kiện văn hóa,… Nhìn chung, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã giúp cho giới trẻ sống năng động và tích cực hơn trong cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ ra một vài điểm chưa phù hợp trong hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội. Văn hóa Việt Nam đang dần trở nên bị thay thế bởi nền văn hóa Hàn Quốc: Giới trẻ bây giờ quan tâm nhiều đến âm nhạc Hàn, xem phim Hàn, tiêu dùng các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm Hàn, ẩm thực Hàn Quốc,… Một bộ phận giới trẻ đã tiêu dùng với khoản chi tiêu lớn để tiêu dùng cho các xu hướng Hàn Quốc. Điều này khiến cho một vài khoản chi tiêu của giới trẻ có bất cập trong tiêu dùng, họ dành khoản chi tiêu cho ẩm thực, thời trang, âm nhạc,... nhiều hơn cả những mục đích khác. Trong những năm gần đây, thậm chí có nhiều bạn trẻ Hà Nội yêu thích quá nhiều đối với những nhóm nhạc Hàn Quốc hay các thần tượng của mình. Những bạn trẻ đang còn đi học, nguồn thu nhập còn phải phụ thuộc vào gia đình nhưng sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn, chiếm gần nửa thu nhập để mua đĩa nhạc, album, các phụ kiện hay thậm chí là vài triệu đồng để mua vé gặp mặt thần tượng. Chi phí cho việc yêu thích làn sóng văn hóa Hàn Quốc quá lớn sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong chi tiêu của giới trẻ Hà Nội.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc vẫn còn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Hành vi tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì vậy, đề tài nghiên cứu đưa ra các giải pháp sau:

5.1. Tiêu dùng cá nhân

Các chuyên gia đã đưa ra gợi ý về 3 loại ngân sách: từ thấp, trung bình đến cao. Ngân sách thấp là khi cần tiết kiệm cho một điều gì đó đặc biệt; ngân sách trung bình là khoản tiền bạn đang làm ra và sử dụng nó cho những sinh hoạt hàng tháng và ngân sách cao là khi bạn sắp có các khoản tiền mới. Giới trẻ nên tự đưa ra một khoản chi tiêu dành riêng cho các khía cạnh của văn hóa Hàn Quốc trong 1 tháng. Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, hiện nay, Việt Nam có rất nhiều ứng dụng quản lý chi tiêu thông minh được rất nhiều bạn trẻ sử dụng như Spendee, MoneyBudget, HomeBudget, Level Money, Sổ chi tiêu MISA,… Người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu để kiểm soát được tiêu dùng của mình đối với các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc.

5.2. Gia đình và nhà trường

Gia đình và nhà trường cần có những biện pháp để điều chỉnh việc mất cân đối trong tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội trong độ tuổi từ 15 đến 22 tuổi.

Về phía nhà trường: Lãnh đạo nhà trường nên tổ chức các buổi sinh hoạt, các sự kiện để tuyên truyền và nâng cao ý thức trong tiêu dùng của học sinh, sinh viên. Nhà trường cần giáo dục học sinh, sinh viên về việc tiêu dùng sao cho hợp lý, tiêu dùng cho những sản phẩm quan trọng hơn như học tập. Bên cạnh đó, các giáo viên nên quan tâm, chia sẻ suy nghĩ để giới trẻ có những nhận thức đúng đắn trong việc quản lý chi tiêu cho riêng mình.

Gia đình phải giáo dục về hành vi tiêu dùng của giới trẻ để giúp cho giới trẻ phải nhận thức được những tác hại và mặt tiêu cực của việc tiêu dùng không phù hợp với mục đích và nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ Hà Nội.

5.3. Truyền thông xã hội

Xã hội cần giúp cho các bạn trẻ ở các nhóm tuổi nhìn thấy được cả mặt tích cực và tiêu cực của làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Chính phủ và xã hội nên khuyến khích giới trẻ Hà Nội tiêu dùng cho các mặt hàng của Việt Nam để cải thiện sự cân bằng đối với hàng hóa nội địa. Truyền thông xã hội tuyên truyền cho giới trẻ Hà Nội ở mọi độ tuổi hiểu giá trị và ý nghĩa của việc tiêu dùng đúng đắn, tiêu dùng sản phẩm của văn hóa Hàn Quốc phù hợp với thu nhập của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tran Tho Dat (2013). Effect of Korean wave on young Vietnamese consumers: Case of Koreanrestaurant popularity, Luận án, trang 9-69.
  1. Phạm Thị Thu Hiền (2008). Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) ở Đông Nam Á, Hội thảo khoa học Quốc tế Hàn Quốc học ở Đông Nam Á.
  2. Hà Thanh Vân (2012). Sự tiếp nhận văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay - những điểm nhìn từ một cuộc khảo sát xã hội học văn hóa, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), số tháng 12, 55 - 64.
  3. Vương Tâm (2012). Văn hóa Hàn xâm nhập vào giới trẻ Việt như thế nào?. Tạp chí Petro Times.
  1. Trần Thị Hường, Cao Thị Hải Bắc (2014). Ảnh hưởng của Hàn lưu tại Việt Nam: Nhìn từ góc độ liên ngành, Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, 20-29.
  2. Nguyễn Thị Thắm (2014). Một số tác động của Hàn lưu đối với Việt Nam - Nhìn trên góc độ văn hóa xã hội. Tạp chí Hàn Quốc (3), 9.
  3. Hoàng Thị Thùy Linh (2020). Hồ sơ thị trường Hàn Quốc. Ban Quan hệ Quốc tế VCCI, trang 9.
  4. Lê Ngọc Huyền. (2022). Ảnh hưởng của truyền thông Marketing đến hành vi tiêu dùng mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp.
  5. Bennet, P. D. (1998). Marketing McGraw-Hill series in marketing, McGraw-Hill.
  6. Sik, Y. J. (2004). Hàn lưu và chiến lược quảng bá các hình ảnh truyền hình: chiến lược mở rộng thị trường Việt Nam, Thái Lan. Nhà xuất bản Communication, Hàn Quốc.
  7. Ok, J. S. (2008). 어머니에 의한 소비자교육이 중학생의 휴대폰 소비행동에 미치는 영향, Luận văn, Hàn Quốc.
  8. Chan, K. Y. (2008). Nghiên cứu hiện trạng tiếp nhận phim Hàn Quốc ở Việt Nam, Nghiên cứu khoa học, 5-29.

 The effect of the Korean Wave on the consumption of Hanoian youth

 PhD.Le Thi Viet Ha1 - Nguyen Tuan Anh2 - Nguyen Tuan Quang2

1School of Business Administration, VNU Hanoi - University of Economics and Business

2Faculty of Political Economy, VNU Hanoi - University of Economics and Business

Abstract:

Since 2010, Korean culture has truly taken off worldwide, not just in Vietnam. Through a direct survey of young people in Hanoi in two age groups including 15 to 22 years old and 23 to 30 years old, 240 respondents were asked about how five components of Korean cultural trends as music, movies, food, fashion and cosmetics, and Korean language have an impact on their consumption behavior. According to experimental findings, the influence of the Korean cultural trend on young people's spending behavior in Hanoi has several drawbacks and it has a negative impact on their consumption. This study suggests two sets of remedies to enhance and orient the consumption behavior of young people in Hanoi based on these findings.

Keywords: the Korean Wave, consumption behavior, Hanoian youth.

This work was supported by the Core University Program for Korean Studies of the Ministry of Education of the Republic of Korea and Korean Studies Promotion Service at the Academy of Korean Studies (AKS-2019-OLU-2250003).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]