Ban chỉ đạo 389 Quốc gia giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2023

Sáng 11/5, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý 1/2023 và tổng kết kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý 1 năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị

Cụ thể, trong quý I-2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34%); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54%); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66%); khởi tố hình sự 278 vụ đối với 679 đối tượng.

Riêng tại thành phố Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 5.113 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt hành chính là 817,77 tỷ đồng. Khởi tố 9 vụ đối với 11 đối tượng.

Về kết quả thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai thực kế hoạch cao điểm trước, trong và sau Tết; phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, nhiều mặt hàng nguy hại tới tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng như ma túy, pháo nổ, thuốc lá, thực phẩm, hàng đông lạnh, quần áo, dày dép trẻ em, góp phần kiểm soát, ổn định thị trường, giữ vững trật tự, an toàn xã hội để nhân dân đón Tết, vui xuân.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý 1 năm 2023
Các điểm cầu tại các địa phương

Cụ thể, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương đã bắt giữ xử lý trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với 28.037 vụ vi phạm, trong đó: xử lý vi phạm hành chính 25.167 vụ. Số vụ khởi tố hình sự 163 vụ/193 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước là 513,6 tỷ đồng.

Về phương thức thủ đoạn, thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, các đối tượng lợi dụng không khai báo, khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; để buôn lậu, gian lận thương mại. Các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, đường mòn, lối mở... đối tượng thuê người dân vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.

Trong thị trường nội địa, các đối tượng mua bán, kinh doanh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, núp bóng các trang mạng xã hội để trà trộn hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...; lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; lợi dụng các cửa hàng, kiot, hộ kinh doanh, chợ truyền thống để trà trộn, bày bán công khai hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023; chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với địa bàn, đơn vị mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả; chủ động phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Ban chỉ đạo 389 bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả bắt giữ, xử lý vụ việc vi phạm.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định thị trường, an ninh, trật tự, quyền, lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.

Ứng dụng công nghệ để chống buôn lậu, gian lạn thương mại

Để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu, người đứng đầu các lực lượng, đơn vị giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phải phối hợp tốt hơn trong công tác trao đổi thông tin, tiếp cận dần với các loại vi phạm mà chưa đủ sức kiểm soát tình hình như thương mại điện tử; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về đấu tranh chống buôn lậu, khích lệ người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, không mua hàng rẻ, biết chọn lựa hàng hóa tốt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng cũng đề xuất 2 nhóm việc, trong đó hiện còn nhiều quy định chồng chéo, xung đột, đề nghị các đơn vị trong vòng 10 ngày tổng hợp các đề xuất chi tiết cần sửa đổi các quy định, văn bản, nghị định để tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giải pháp xử lý, tháo gỡ các vấn đề này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại; việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng; nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức online, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện… ngày tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên, tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định một số nhiệm vụ trọng tâm quý II - 2023, cụ thể, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Về phía các địa phương, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đề xuất:

Một là, lực lượng hải quan sân bay cần tập trung phân tích đánh giá tình hình, thu thập thông tin, chủ động trong nắm bắt các đối tượng, chuyến bay, chặng bay, phương thức thủ đoạn hoạt động, xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Hai là, tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, mặt hàng mới nổi để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng ngừa đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ba là, kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đặc biệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt nhằm nâng cao tính răn đe.

Bốn là, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các chủ sở hữu website thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tuyên truyền việc ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Diệu Hân