Bàn về một số quy định về doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp 2020

ThS. Nguyễn Thành Trân (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), Huỳnh Thị Lâm Phương (Sinh viên Lớp HQ6-GE03, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong pháp luật Việt Nam hiện nay, theo đúng bản chất pháp lý chính là cá nhân kinh doanh. Bản thân DNTN không có tư cách pháp nhân và tương đương với sole trader / sole tradership / sole proprietorship ở Anh - Mỹ - Úc, entreprise individuelle ở Pháp, hay einzelunternehmen ở Đức. Tuy nhiên, những quy định khác nhau trong Luật Doanh nghiệp 2020 lại không thống nhất với nhau. Bài viết này phân tích một số vấn đề bất cập trong Luật Doanh nghiệp 2020 về doanh nghiệp tư nhân và đề xuất một vài kiến nghị để thực thi Luật Doanh nghiệp tốt hơn.

Từ khóa: doanh nghiệp tư nhân, chủ thể của pháp luật, tư cách pháp nhân.

1. Đặt vấn đề

DNTN là một mô hình kinh doanh đơn giản nhất và thông dụng nhất trên thế giới. DNTN trong luật Việt Nam không có gì khác với sole trader / sole tradership / sole proprietorship ở Anh - Mỹ - Úc, entreprise individuelle ở Pháp, hay einzelunternehmen ở Đức.[i] Luật Doanh nghiệp từ phiên bản đầu tiên năm 1999 đến nay[ii] đã có một số thiếu sót, bất cập trong việc xây dựng mô hình pháp lý cho cá nhân kinh doanh - đó chính là “doanh nghiêp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp 2020. Vì vậy, bài báo này cần phân tích bản chất pháp lý của DNTN và từ đó sẽ phân tích những bất cập, phi logic trong chính Luật Doanh nghiệp 2020 xoay quanh quy định liên quan tới DNTN.

2. Bản chất pháp lý của DNTN

Trong Luật Dân sự, chủ thể của pháp luật (subject of law), còn gọi là “người” trong luật (person), chỉ có cá nhân (individual / natural person) và pháp nhân (legal person). Đặc trưng của 2 loại người này là phải có nhân cách pháp lý (legal personality / personhood) - đó là tư cách làm người trong luật. Nói cách khác, không có nhân cách pháp lý thì không phải là người trong luật và cũng không phải là chủ thể của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay không phát triển khái niệm “nhân cách pháp lý” (vốn rất phổ biến và thông dụng ở luật học phương Tây)[iii] để áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân, mà chỉ phát triển khái niệm “tư cách pháp nhân” để áp dụng cho pháp nhân (Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015.[iv] 

Do đó, một nhóm người như hộ gia đình, tổ hợp tác, hay câu lạc bộ chẳng hạn, vì không có tư cách pháp nhân, nên đều không phải là chủ thể của pháp luật. Từng cá nhân trong các nhóm này mới là chủ thể của pháp luật. Chính vì thế, Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ đi 2 loại chủ thể đã có trước đó trong Bộ luật Dân sự 1995 và 2005 là hộ gia đình và tổ hợp tác, chỉ còn lại 2 loại chủ thể cá nhân và pháp nhân.

Vậy DNTN có tư cách pháp nhân và có phải là chủ thể của pháp luật không? Điều 188.1 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.” Nội dung điều luật này cho thấy bản thân DNTN không phải là một thực thể pháp lý độc lập.[v] Nói cách khác, DNTN là thực thể không có tư cách pháp nhân. Do đó, DNTN không được xem là chủ thể của pháp luật. Thực tế, dưới góc độ pháp lý, DNTN và chủ DNTN chỉ là một. DNTN không có danh tính pháp lý riêng biệt so với chủ sở hữu nó.

Chính chủ DNTN mới là chủ thể của pháp luật; họ bỏ vốn ra khởi sự kinh doanh và phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cho hoạt động kinh doanh của mình (được tổ chức dưới hình thức DNTN). Điều này được chứng minh bằng quy định tại Điều 35.4 Luật Doanh nghiệp 2020: Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho DNTN. Điều này trái ngược hoàn toàn với công ty: Những người góp vốn vào công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Sau khi chuyển, họ mất quyền sở hữu, còn công ty trở thành chủ sở hữu mới của tài sản đó (Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020).

Cần nói thêm mô hình sole proprietorship là mô hình kinh doanh tự nhiên và đơn giản nhất ở các nước phát triển. Không giống như công ty, sole proprietorship không có tư cách pháp nhân. Đây được xem là sự mở rộng hoạt động của một cá nhân đơn lẻ tới hoạt động kinh doanh. Khi một cá nhân khởi sự kinh doanh mà không tiến hành bất cứ thủ tục pháp lý nào để hình thành nên các mô hình pháp lý khác, công ty chẳng hạn, thì cá nhân đó ngay lập tức được nhận diện trong luật là sole proprietor - tương đương với chủ DNTN và mọi hoạt động kinh doanh đó được gọi là sole proprietorship - tương đương với khái niệm DNTN. Lúc này họ phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của chính mình và hưởng trọn lợi nhuận, cũng như gánh chịu mọi khoản lỗ và rủi ro.

Điều quan trọng là đối với mô hình sole proprietorship, cá nhân khởi sự kinh doanh (sole proprietor) không cần làm bất cứ thủ tục pháp lý nào để hình thành nên sole proprietorship.[vi] Điều này khác hẳn trong pháp luật Việt Nam. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cá nhân muốn kinh doanh dưới hình thức DNTN cũng phải đăng ký thành lập doanh nghiệp giống như thành lập công ty (Chương II Luật Doanh nghiệp 2020). Bản thân chữ “thành lập doanh nghiệp” và “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” khiến người ta có cảm nhận về mặt pháp lý DNTN cần phải được “thành lập” và khi được thành lập, DNTN là một thực thể gì đó tồn tại tách rời ra khỏi chủ DNTN.

Tóm lại, có thể nói DNTN chính là cá nhân kinh doanh - là chủ DNTN theo như cách gọi của Luật Doanh nghiệp 2020. DNTN không có tư cách pháp nhân, không phải là chủ thể của pháp luật. Đây là cơ sở lý luận để bài viết này sẽ tiếp tục đi sâu phân tích những quan niệm phi logic ngay chính trong Luật Doanh nghiệp 2020 về DNTN.

3. Một số bất cập trong Luật Doanh nghiệp 2020 về doanh nghiệp tư nhân

3.1. Về tư cách pháp lý của DNTN

Trước hết, hãy xem xét khái niệm “doanh nghiệp” trong Luật Doanh nghiệp 2020. Về mặt ngoại diên, doanh nghiệp bao gồm 3 loại hình công ty, gồm: - công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh - và DNTN (Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2020). Về mặt nội hàm, doanh nghiệp được hiểu là “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (Điều 4.10 Luật Doanh nghiệp 2020). Như vậy dễ nhận thấy theo câu chữ của Luật Doanh nghiệp 2020, DNTN là một tổ chức.

Vậy “tổ chức” là gì? Từ này không được định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp 2020 nên chúng ta có thể hiểu theo nghĩa thông dụng trong tiếng Việt. Theo Từ điển tiếng Việt, tổ chức là ‘tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung.’[vii] Theo đó, nội hàm của tổ chức rất rộng, bao gồm cả gia đình, lớp học, câu lạc bộ, bệnh viện, nhà tù, nhà nước,… Có học giả ủng hộ quan điểm coi DNTN cũng là một tổ chức: “Dù chỉ có một chủ, DNTN là đơn vị kinh doanh dưới hình thức một tổ chức, trong đó có người quản lý điều hành, có người lao động làm công,… Chính vì vậy, DNTN vẫn thỏa mãn dấu hiệu cơ bản đầu tiên của doanh nghiệp nói chung là một tổ chức.”[viii] 

Tuy nhiên, điều đây là cách hiểu theo nghĩa kinh tế học chứ không phải luật học. Việc mô tả sole tradership như là một tổ chức (organisation) là gọi lộn tên (misnomer).[ix] Một nhóm các giáo sư Mỹ cho rằng sole proprietorship thường không được coi là “tổ chức kinh doanh” (business organization) theo nghĩa pháp lý (legal sense), mà là theo nghĩa phi pháp lý (nonlegal sense) khi nó có quy mô lớn, phức tạp và có liên quan tới nhiều người.[x] 

Như vậy, theo nghĩa phi pháp lý, DNTN là một tổ chức. Nhưng theo nghĩa pháp lý, điều này chưa thật chuẩn xác. Như đã phân tích ở trên, bản chất pháp lý của DNTN chính là một cá nhân kinh doanh (là ông/bà chủ DNTN). Khi DNTN chỉ là một cá nhân thì không thể nói đó là tổ chức theo nghĩa pháp lý được.

Thực ra khái niệm doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp lâu nay chính là một thuật ngữ kinh tế, chứ không phải luật học.[xi] Theo đó, doanh nghiệp chỉ còn đơn giản là tổ chức kinh doanh / kinh tế (business / economic organisation). Theo Jean-Philippe Robé: “Hãng (firm) (hoặc doanh nghiệp (enterprise) - tôi sử dụng hai từ này đồng nghĩa với nhau) là một tổ chức thực hiện hoạt động kinh tế: Nó điều phối, thông qua một ban quản lý, sự đóng góp của các nhà cung cấp các nguồn lực khác nhau vào hoạt động của hãng. Thông qua các quy trình, văn phòng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, máy tính, phần mềm, nhãn hiệu, logarithms, nhân viên, nhà phân phối,... được vận hành có tổ chức. Thông qua các quy trình này, hàng hóa hoặc dịch vụ được sản xuất và chuyển giao. Hãng không phải là pháp nhân (legal person); nó là một tổ chức (organization) của các nhà cung cấp nguồn lực. Nó hoạt một cách động hiệu quả với tư cách là một tổ chức trong hệ thống xã hội, kinh tế, luật pháp và chính trị mà không phải là một pháp nhân. Nó không sở hữu gì cả; nó không ký hợp đồng; nó không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất cứ điều gì. Nó không tuân theo các quy tắc kế toán và không cung cấp thông tin kế toán về các hoạt động của nó cho công chúng.”[xii] 

Như thế, hãng / doanh nghiệp là một tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh, sản xuất và phân phối sản phẩm / dịch vụ.[xiii] Nó không phải là một pháp nhân. Câu hỏi “doanh nghiệp có tư cách pháp nhân không” không nên đặt ra vì kinh tế học không giải quyết vấn đề tư cách pháp nhân. Nó không sở hữu gì cả. Nó không ký hợp đồng. Nó không chịu trách nhiệm pháp lý cho bất cứ điều gì. Nó vô hình và không tồn tại trong luật. Luật không thừa nhận nó; hay chính xác hơn là không biết đến nó. Nói gọn lại, kinh tế học không xử lý vấn đề tư cách pháp nhân, sở hữu, hợp đồng, trách nhiệm pháp lý,… Những thứ đó nằm trong lĩnh vực pháp luật, do luật xử lý, không phải kinh tế học. Kinh tế học hoàn toàn có quyền nhắc đến đến những khái niệm như thế, nhưng nội hàm của chúng được giải quyết trong luật.

Như đã phân tích ở trên, nhận thức về bản chất pháp lý của DNTN tương đối đơn giản, là cá nhân kinh doanh; bản thân DNTN không có tư cách pháp nhân và do đó, không phải là chủ thể của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quan niệm rõ ràng và thống nhất như vậy. Trong Luật Doanh nghiệp 2020 hàm chứa những điều luật cho thấy DNTN cũng là chủ thể của pháp luật, trước hết ở điều 4.10 Luật Doanh nghiệp 2020: DNTN là một loại hình doanh nghiệp, mà doanh nghiệp trước hết là một “tổ chức có … tài sản…” Vậy có thể khẳng định, DNTN có tài sản riêng của bản thân nó. Tuy nhiên, trong luật học từ xưa tới nay, chỉ có cá nhân và pháp nhân (là chủ thể của pháp luật) mới có quyền sở hữu tài sản dưới hình thức sở hữu riêng hoặc chung. Do đó, theo lời văn của Luật Doanh nghiệp 2020, DNTN ở đây là chủ thể của pháp luật.

Suy luận này được củng cố thêm thông qua điều 7 và điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Chữ “doanh nghiệp” ở đây bao gồm DNTN. Từ đó suy ra, DNTN cũng có quyền và nghĩa vụ. Mệnh đề này cho thấy DNTN cũng phải là chủ thể của pháp luật, bởi vì trong luật học chỉ có chủ thể mới có quyền và nghĩa vụ mà thôi.

Tóm lại, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định DNTN cũng là chủ thể của pháp luật. Điều này mâu thuẫn với bản chất của DNTN đã chỉ ra ở trên. Đúng ra, Luật Doanh nghiệp 2020 phải quy định quyền và nghĩa vụ của DNTN là quyền và nghĩa vụ của cá nhân chủ DNTN. Đây là điều mà Luật DNTN 1990 làm được, còn các Luật Doanh nghiệp từ 1999 đến nay thì không.[xiv] 

3.2. Về mua bán và cho thuê DNTN

Không chỉ dừng lại ở quan niệm chưa thật đúng đắn rằng DNTN là chủ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 còn cho rằng DNTN cũng là một loại tài sản có thể giao dịch được. Điều 191 và 192 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chủ DNTN có thể bán và cho thuê DNTN. Thậm chí điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định DNTN là đối tượng của quyền thừa kế. Trong luật học, đối tượng của giao dịch bán / cho thuê chỉ có thể là tài sản giao dịch được. Vậy có thể kết luận: DNTN là một loại tài sản.

Tuy nhiên, những quy định đó làm không ít học giả lúng túng khi không biết phải giải thích những điều luật đó như thế nào, bởi vì không thể xếp DNTN vào bất cứ một loại tài sản nào trong Bộ luật Dân sự 2015. Đúng ra phải hiểu bán / cho thuê DNTN thành bán / cho thuê tài sản thuộc sở hữu của chủ DNTN do quá trình đầu tư kinh doanh mà có. DNTN bản thân nó không phải là một loại tài sản và nó cũng không thể sở hữu tài sản được.

3.3. Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

Ở Việt Nam, DNTN cần có người đại diện theo pháp luật  - người đó chính là chủ DNTN (Điều 190.3 Luật Doanh nghiệp 2020) và xem đây là điều đương nhiên không cần thảo luận gì thêm. Theo Phan Huy Hồng và Nguyễn Thanh Tú (2017): “Trong thực tiễn giao dịch dân sự và trong cả quan hệ luật hành chính DNTN luôn tham gia với tư cách chủ thể, còn chủ DNTN là người đại diện theo pháp luật.”[xv] Đây là nhận định chưa thật thấu đáo.

Nếu quan niệm DNTN chính là cá nhân kinh doanh (tức chủ DNTN), thì quy định người đại diện theo pháp luật của DNTN không cần tồn tại. Theo tinh thần Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ những người thành niên có năng lực hành vi đầy đủ mới có quyền thành lập DNTN. Chỉ những người này mới có thể trở thành chủ DNTN. Mặt khác, khái niệm “người đại diện theo pháp luật” trong Bộ luật Dân sự 2015 lại không áp dụng cho cá nhân loại này (người thành niên có năng lực hành vi đầy đủ). Nói cách khác, theo Bộ luật Dân sự 2015, người thành niên có năng lực hành vi đầy đủ chỉ có thể có người đại diện theo ủy quyền chứ không có người đại diện theo pháp luật. Thêm nữa, khái niệm DNTN không được đề cập trong Bộ luật Dân sự 2015. Tất cả điều đó cho phép kết luận rằng không có cái gọi là “người đại diện theo pháp luật của DNTN.” Vấn đề đại diện của DNTN không cần đặt ra vì chính cá nhân chủ DNTN là chủ thể của pháp luật rồi. Người tham gia tố tụng cũng là cá nhân chủ DNTN chứ không phải bản thân DNTN.[xvi] 

4. Kết luận và kiến nghị

Về bản chất kinh tế học khi phân tích nguồn gốc tạo nên DNTN, DNTN chính là cá nhân chủ DNTN. Họ là người đầu tư vốn khởi sự kinh doanh, là thương nhân đơn lẻ (thương nhân thể nhân). Họ sở hữu tài sản đầu tư vào kinh doanh, hưởng trọn lợi nhuận và gánh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ trong quá trình kinh doanh. Dưới góc độ pháp lý, chính chủ DNTN cũng là nguyên đơn / bị đơn trong các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã áp dụng điều chỉnh hoạt động kinh doanh của DNTN dưới dạng một tổ chức kinh doanh nên cần có người đại diện theo pháp luật, cần phải đăng ký thành lập. Những quy định này mâu thuẫn với bản chất kinh tế học của DNTN. Luật Doanh nghiệp 2020 có chỗ lại đối xử với DNTN như là tài sản, lúc khác lại coi DNTN là chủ thể, tạo ra sự mâu thuẫn không đáng có.

Những vấn đề này cần được thảo luận thêm và nhà làm luật cần nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề pháp lý xoay quanh DNTN cho lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp tiếp theo. Trước mắt, dựa trên các phân tích trong bài này, tác giả đề xuất 2 hướng sửa đổi, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mô hình DNTN tồn tại từ Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 và sau đó là Luật Doanh nghiệp 1999 đến nay. DNTN mang bản chất cá nhân kinh doanh và không cần phải đăng ký thành lập theo thủ tục tư pháp, chỉ cần đăng ký theo thủ tục hành chính là đủ. Do đó, về lâu dài, cần tách DNTN ra khỏi Luật Doanh nghiệp và gộp chung với các mô hình cá nhân kinh doanh khác đang tồn tại hiện nay để điều chỉnh bằng một văn bản luật riêng.

Thứ hai, cần điều chỉnh lại một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng định nghĩa DNTN một cách cụ thể và rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp. Cụ thể hơn, không nên định DNTN là một tổ chức có tài sản theo nghĩa pháp lý để tránh gây hiểu nhầm DNTN cũng là một loại chủ thể của pháp luật. Ví dụ như sửa Điều 7 và 8 Luật Doanh nghiệp 2020 để thay cụm từ “doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ” bằng cụm “công ty và chủ DNTN có quyền và nghĩa vụ”. Thêm nữa, thay vì viết chủ DNTN có thể bán / cho thuê DNTN trong các Điều 191 và 192 Luật Doanh nghiệp 2020, nên sửa lại thành chủ DNTN có quyền bán / cho thuê tài sản đã đầu tư và hình thành trong quá trình kinh doanh dưới hình thức DNTN.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Có rất nhiều tài liệu viết về các mô hình này. Ví dụ: Munkert, M.J. et al (eds) (2010), Founding a company: handbook of legal forms in Europe, Springer, Heidelberg.

[ii] Luật Doanh nghiệp có nhiều phiên bản: 1999, 2005, 2014, 2020 (sửa đổi năm 2022). Những quy định liên quan DNTN trong các phiên bản có chút thay đổi về câu chữ nhưng nội dung chính vẫn giữ nguyên. Do đó bài viết này lấy phiên bản Luật Doanh nghiệp 2020 làm trích dẫn minh họa.

[iii] Ví dụ, xem Bộ luật Dân sự bang Québec - Canada (CCQ-1991 - Civil Code of Québec) < https://www.legisquebec.gouv.qc.ca/fr/document/lc/CCQ-1991?langcont=en >.

[iv] Việc thảo luận về “nhân cách pháp lý” và “tư cách pháp nhân” vượt qua khỏi khuôn khổ của bài báo này. Nên ở đây chúng tôi tạm dùng hai thuật ngữ này có nghĩa tương đương nhau.

[v] Ngô Huy Cương (2010). Vài bình luận về pháp luật doanh nghiệp tư nhân. VNU Journal of Science: Legal Studies, 26(1), 24.

[vi] Schneeman, A. (2013). The Law of Corporations and Other Business Organizations, 6th ed., Delmar, Cengage Learning, Clifton Park, NY 33.

[vii] Hoàng Phê (cb)(1988), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1040.

[viii] Trần Hoàng Nga, ”Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh,’ trong Bùi Xuân Hải (cb) (2021), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, 2nd ed, Nhà xuất bản Hồng Đức, 101.

[ix] Milman, D. (1999), ‘Regulation of Business Organisations: Into the Millennium’ in David Milman (ed) (1999), Regulating Enterprise: Law and Business Organisation in the UK, Hart Publishing, 1.

[x] Klein, W.A. et al., (2010). Business Organizations and Finance: Legal and Economic Principles, 11th ed Foundation Press, New York, 5.

[xi] Phạm Duy Nghĩa (2004). Chuyên khảo luật kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 249.

[xii] Robé JP (2019). The Shareholder Value Mess (And How to Clean It Up). Accounting, Economics, and Law: A Convivium, 2.

[xiii] Deakin, S (2012) ‘The Juridical Nature of the Firm’ in Thomas Clarke and Douglas M Branson (eds) (2012), The SAGE Handbook of Corporate Governance, SAGE Publications, Los Angeles, 115.

[xiv] Điều 3 Luật DNTN 1990 quy định: trong khuôn khổ pháp luật, chủ DNTN có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh. Các Luật Doanh nghiệp từ 1999 trở về sau luôn coi DNTN có quyền và nghĩa vụ, chứ không phải bản thân chủ DNTN nữa.

[xv] Phan Huy Hồng và Nguyễn Thanh Tú (2017). Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạp chí Khoa học Pháp lý, 06 (109), 7-8.

[xvi] Xem Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC ngày 18/4/2022 của VKSND tối cao về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Québec. Civil Code of Québec. Retrieved from: https://www.legisquebec.gouv.qc.ca/fr/document/lc/CCQ-1991?langcont=en.
  1. Deakin, S. (2012). The Juridical Nature of the Firm. In Thomas Clarke and Douglas M Branson (eds), The SAGE Handbook of Corporate Governance. Los Angeles: SAGE Publications.
  2. Hoàng Phê (cb) (1988). Từ điển Tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1040.
  3. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2022). Hướng dẫn số 25/HD -VKSTC ngày 18/4/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng.”
  4. Klein, W.A. et al., (2010). Business Organizations and Finance: Legal and Economic Principles, 11th ed. New York: Foundation Press.
  5. Quốc hội (1999), Luật Doanh nghiệp năm 1999.
  6. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  7. Quốc hội (1990), Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990.
  8. Milman, D. (1999). Regulation of Business Organisations: Into the Millenium. In D Milman (ed.), Regulating Enterprise: Law and Business Organisations in the UK. Oxford: Hart Publishing, 1-18.
  9. Ngô Huy Cương. (2010). Vài bình luận về pháp luật doanh nghiệp tư nhân. VNU Journal of Science: Legal Studies, 26(1).
  10. Munkert, M.J. et al (eds). (2010). Founding a company: Handbook of legal forms in Europe. Heidelberg: Springer.
  11. Phạm Duy Nghĩa (2004). Chuyên khảo Luật Kinh tế. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 249.
  12. Phan Huy Hồng và Nguyễn Thanh Tú (2017). Tư cách tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo bộ luật dân sự năm 2015. Tạp chí Khoa học Pháp lý, 06(109).
  13. Robé JP. (2019). The Shareholder Value Mess (And How to Clean It Up). Accounting, Economics, and Law: A Convivium.
  14. Schneeman, A. (2013). The Law of Corporations and Other Business Organizations, 6th ed. NY: Delmar Cengage Learning.
  15. Trần Hoàng Nga (2021). Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Trong Bùi Xuân Hải (cb), Giáo trình pháp luật về chủ thể kinh doanh, 2nd ed, Nhà xuất bản Hồng Đức.

DISCUSSING SOME PROVISIONS ON THE PRIVATE ENTERPRISE IN THE LAW ON ENTERPRISE 2020

Master. Nguyen Thanh Tran1

Huynh Thi Lam Phuong2

1University of Economics Ho Chi Minh City

2Student, Faculty of Business Administration, Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

According to the currrent Vietnamese law, a private enterprise is a sole trader based on its legal nature. The private enterprise itself has no legal status and it is equivalent to the sole trader, sole tradership, sole proprietorship, entreprise individuelle, and einzelunternehmen, in the UK, the US, Australia, France, and Germany, respectively. However, the Law on Enterprise’2020 provisions have different concepts about the private enterprise. This paper analyzes this issue and proposes some recommendations to perfect the law.

Keywords: private enterprise, subject of law, legal status.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]