TÓM TẮT:
Hội đồng quản trị luôn có một vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động quản trị công ty cổ phần. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn được ban hành tiếp tục củng cố vị trí vai trò quan trọng của cơ quan này đối với từng mô hình quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam. Tuy nhiên, quy định pháp luật về Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục phân tích, nghiên cứu kiến nghị hoàn thiện. Bài viết trình bày những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần, từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: hội đồng quản trị, công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2020, quản trị công ty.
1. Một số bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về Hội đồng quản trị công ty cổ phần tại Luật Doanh nghiệp 2020
Thứ nhất, về triệu tập họp Hội đồng quản trị.
Theo quy định tại khoản 8, Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020, “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định tại khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định, thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có hơn 1/2 số thành viên Hội đồng quản trị dự họp”. Theo tinh thần của quy định này, cuộc họp Hội đồng quản trị chỉ được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên dự họp (đối với lần triệu tập thứ nhất) và khi có hơn 1/2 thành viên Hội đồng quản trị dự họp (đối với lần triệu tập họp thứ 2 sau dự định lần thứ nhất).
Tuy nhiên trên thực tế, sẽ có không ít trường hợp người có thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị đã gửi thông báo mời họp hợp lệ đến các thành viên 2 lần nhưng vẫn không tiến hành họp được do không đủ số lượng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành hoạt động của công ty, phương hại đến lợi ích của các cổ đông trong công ty. Ví dụ, trong công ty cổ phần X có tất cả 5 cổ đông là cá nhân tham gia góp vốn thành lập, cả 5 cổ đông này đều là thành viên Hội đồng quản trị công ty và họ bầu 1 người trong số họ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Để tiến hành thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đã ra thông báo triệu tập cuộc họp đến 2 lần, nhưng mỗi lần như vậy đều chỉ có 2 thành viên tham dự. Điều này khiến cho cuộc họp Hội đồng quản trị không thể tiến hành được, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều hành hoạt động của công ty. Chính vì vậy, cần thiết phải có giải pháp về mặt pháp luật để giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc này.
Thứ hai, về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 154, Luật Doanh nghiệp 2020: “Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 2 nhiệm kỳ liên tục”. Đây là một hạn chế có từ Luật Doanh nghiệp 2014 khi không quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, chỉ quy định nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị[1]. Trong trường hợp doanh nghiệp có cổ đông chi phối nắm giữ từ 50% cổ phần có quyền biểu quyết, thì việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị khi có thành viên hết nhiệm kỳ sẽ khiến các cổ đông còn lại khó có cơ hội đề cử người của mình vào Hội đồng quản trị. Thực tế, một số công ty cổ phần đã vận dụng quy định này để tiến hành bầu riêng lẻ từng thành viên Hội đồng quản trị, kết hợp với việc không sử dụng phương thức bầu dồn phiếu[2], nhằm hạn chế cổ đông thiểu số có đại diện trong Hội đồng quản trị.
Thứ ba, về thời hạn triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.
Quy định về thời hạn Hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng tối thiểu theo quy định không có sự thống nhất giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 140 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì Hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng tối thiểu theo quy định. Trường hợp Hội đồng Quản trị không triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá 1/3 so với quy định tại Điều lệ, thì Hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày số thành viên bị giảm quá 1/3 so với số quy định tại Điều lệ công ty.
Thứ tư, về trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị.
Quy định về trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần còn mâu thuẫn giữa các điều luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2020, trong trường hợp việc thanh toán số cổ phần được mua lại hoặc chi trả cổ tức trái với quy định của pháp luật, thì cổ đông phải hoàn trả cho công ty số cổ phần đã nhận. Trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty, thì tất cả các thành viên Hội đồng quản trị cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi trị giá số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại. Như vậy, theo quy định trên, tất cả các thành viên của Hội đồng quản trị đều phải liên đới chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ những thành viên Hội đồng quản trị tán thành việc thông qua các nghị quyết trái với quy định mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về các nghị quyết, quyết định đó; các thành viên phản đối việc thông qua các nghị quyết, quyết định trên sẽ được miễn trừ trách nhiệm.
Thứ năm, về quyền khởi kiện của cổ đông đối với thành viên Hội đồng quản trị.
Quyền khởi kiện của cổ đông đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong trường hợp luật định[3]. Quy định này còn tồn tại một số bất cập như sau:
Một là, quy định trên chỉ cho phép cổ đông khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong khi đó, người quản lý công ty theo quy định pháp luật có thể các cá nhân khác theo quy định của Điều lệ công ty[4].
Hai là, quy định nói trên đề cập đến mục đích của việc các cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện là để “yêu cầu hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác”. Quy định khởi kiện để yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc bồi thường thiệt hại cho “người khác” ở đây được hiểu là chủ thể nào hiện chưa được Luật Doanh nghiệp quy định cụ thể. Tại sao cổ đông lại được quyền khởi kiện để đòi bồi thường cho “người khác” và tại sao “người khác” phải thông qua các cổ đông để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại? Bởi lẽ, theo quy định của Pháp luật Tố tụng Dân sự, cổ đông không thể đương nhiên có quyền đại diện để khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cho người khác.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020, “Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp bị bác yêu cầu khởi kiện”. Vậy, việc khởi kiện để đòi lợi ích cho chủ thể khác nhưng chi phí khởi kiện lại được tính vào chi phí của công ty là không hợp lý. Ngoài ra, chi phí khởi kiện ở đây bao gồm những khoản chi phí gì để hạch toán vào chi phí công ty thì hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng.
Thứ sáu, về thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, nếu công ty được tổ chức theo mô hình có thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán, thì ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị[5]. Theo đó, Ủy ban kiểm toán chịu trách nhiệm định hướng và giám sát một số lĩnh vực quản trị cụ thể, bao gồm việc thiết lập, triển khai và đảm bảo tính hiệu quả của ban kiểm toán nội bộ doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị, và các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành[6]. Thành viên độc lập Hội đồng quản trị có quyền hạn khá hạn chế, bao gồm thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty và quyền đề nghị họp Hội đồng quản trị[7]. Nếu so sánh với chức năng của Ban kiểm soát thì ngoài chức năng giám sát, Ban kiểm soát có quyền kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Thực tế thi hành trong thời gian qua, việc tuân thủ quy định về thành viên độc lập Hội đồng quản trị còn nhiều rào cản, thành viên độc lập Hội đồng quản trị hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự “độc lập” để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cổ đông, theo Luật Doanh nghiệp 2020, cơ chế bầu thành viên độc lập Hội đồng quản trị cũng tương tự như các thành viên Hội đồng quản trị khác, đó là được giới thiệu, đề cử bởi các cổ đông trong công ty[8], điều này cho thấy, sự tách bạch giữa chức năng điều hành và giám sát trong các công ty cổ phần tại Việt Nam vẫn chưa được triệt để khi các giám đốc điều hành hay thành viên Hội đồng quản trị vẫn được quyền đề cử, giới thiệu và bỏ phiếu bầu ra các thành viên độc lập Hội đồng quản trị, Ủy ban kiểm toán. Chức năng và quyền hạn của thành viên độc lập Hội đồng quản trị, Ủy ban kiểm toán còn khá hạn chế.
2. Hướng hoàn thiện pháp luật về Hội đồng quản trị công ty cổ phần
Thứ nhất, về vấn đề triệu tập họp Hội đồng quản trị, Luật Doanh nghiệp cần quy định bổ sung quy định theo hướng: “Trong trường hợp cuộc họp Hội đồng quản trị đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn không đủ số lượng thành viên dự họp thì sau một thời gian nhất định, người có thẩm quyền triệu tập cuộc họp có quyền triệu tập Hội đồng quản trị lần thứ 3 và lần này cuộc họp được tiến hành mà không phụ thuộc số thành viên dự họp”.
Thứ hai, để tạo sự hài hòa của lợi ích cổ đông nhỏ với sự phát triển bền vững của công ty. Luật Doanh nghiệp cần bổ sung theo hướng quy về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, nhiệm kỳ thành viên Hội đồng quản trị, cần phải cân nhắc Hội đồng quản trị có sự kế thừa để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định, trường hợp bầu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng quản trị thì nhiệm kỳ thành viên Hội đồng quản trị là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.
Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 160 của Luật Doanh nghiệp 2020 nhằm bảo đảm sự thống nhất với khoản 2 Điều 140 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cụ thể, điểm khoản 4 Điều 160 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá 1/3 so với số quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày số thành viên bị giảm quá 1/3”.
Thứ tư, cần sửa đổi bổ sung Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2020 nhằm bảo đảm sự thống nhất với khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2020 cần được sửa đổi theo hướng chỉ những thành viên của Hội đồng quản trị đã tán thành với nghị quyết về việc mua lại cổ phần của cổ đông hoặc nghị quyết chi trả cổ tức cho cổ đông trái pháp luật thì mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp các cổ đông không trả lại cho công ty khoản tiền, tài sản đã nhận. Còn những thành viên Hội đồng quản trị đã phản đối nghị quyết trái pháp luật thì không phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ của công ty.
Thứ năm, cần sửa đổi, bổ sung quy định về quyền khởi kiện của cổ đông đối với trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc: Cụ thể, khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty”. Việc sửa đổi theo hướng trên vừa bảo đảm quyền khởi kiện của các loại cổ đông trong công ty vừa bao quát được đầy đủ các chủ thể được pháp luật quy định là người quản lý công ty có khả năng ban hành các quyết định làm thiệt hại đến lợi ích của các cổ đông.
Thứ sáu, về thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị, cần sửa đổi các quy định liên quan tới việc bầu ra ban kiểm soát và thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo hướng các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám đốc không được quyền đề cử hay giới thiệu và bỏ phiếu bầu ra các thành viên Ban kiểm soát hoặc thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng Ban kiểm soát hay các thành viên độc lập Hội đồng quản trị hoạt động vì lợi ích của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Bên cạnh đó, đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị với chức năng là giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lí điều hành công ty, pháp luật cần đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết hơn về vị trí này trong công ty cổ phần để tránh tình trạng các công ty bầu ra vị trí này chỉ mang tính hình thức và không có giá trị trên thực tiễn.
3. Kết luận
Tóm lại, với việc kế thừa và phát triển những điểm hợp lý từ Luật Doanh nghiệp đã ban hành và tiếp tục điều chỉnh Luật Doanh nghiệp 2020 trong quy định về Hội đồng quản trị công ty cổ phần cho phù hợp với thực tế, mang tính khả thi. Trong đó, các vấn đề pháp lý về Hội đồng quản trị công ty cổ phần cần tiếp tục được bổ sung, quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo thi hành thống nhất, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, góp phần phát triển vững chắc mô hình công ty cổ phần trong thời kỳ mới.
[1] Xem khoản 2 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2014.
[2] Xem khoản 3 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.
[3] Xem Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020.
[4] Xem khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
[5] Xem điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020.
[6] Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2020.
[7] Điều 157 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[8] Xem Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020.
TÀI LIệU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp 2020.
The role of Board of Directors in joint stock companies under
the Law on Enterprises 2020
Master. Trinh Van Tai
Hanoi Law University
Abstract:
The Board of Directors always plays an important role in the governance of joint stock companies. The Law on Enterprises 2020 and its guiding documents strengthen the important role of the Board of Directors in the governance of joint stock companies in Vietnam. However, current legal regulations under the Law on Enterprises 2020 on the Board of Directors in joint stock companies still have many shortcomings that need to be further analyzed, amended and supplemented. This paper points out these shortcomings and makes some recommendations to improve the law’s effectiveness to meeet practical requirements about the joint stock comapney’s corporate governance in Vietnam.
Keywords: board of directors, joint stock companies, Law on Enterprises 2020, corporate governance.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]