Bộ Công Thương: Hàng hóa Tết Canh Tý 2020 đảm bảo 2 "không"

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ không có hiện tượng thiếu hàng và không tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường, trong đó thịt lợn là mặt hàng được theo dõi diễn biến sát sao.

Hàng hóa sẵn sàng phục vụ Tết 

Chia sẻ tại buổi thị sát tình hình thực tế chuẩn bị Tết Nguyên đán tại Siêu thị Co.opMart (thuộc Saigon Co.op) Nguyễn Trãi, Hà Nội, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trong dịp Tết Canh Tý sắp tới, sức mua trên thị trường được dự báo sẽ tăng khá ở mức khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ với báo chí bên lề buổi thị sát tình hình chuẩn bị Tết tại Co.opMart Nguyễn Trãi, Hà Nội
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ với báo chí bên lề buổi thị sát tình hình chuẩn bị Tết tại Co.opMart Nguyễn Trãi, Hà Nội

Đề bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường, từ tháng 10/2019 Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Cùng với đó, thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến nay, 37/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó có 13 địa phương có kế hoạch, triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Nguồn hàng Tết 2020 đang khá dồi dào với nhiều mặt hàng được đưa vào chương trình bình ổn giá
Nguồn hàng Tết 2020 đang khá dồi dào với nhiều mặt hàng được đưa vào chương trình bình ổn giá

Theo báo cáo, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu,…

Mặt hàng bánh, mứt, kẹo đang có sức tiêu thụ lớn tại các hệ thống bán lẻ
Mặt hàng bánh, mứt, kẹo đang có sức tiêu thụ lớn tại các hệ thống bán lẻ

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opMart Nguyễn Trãi, siêu thị này đã chuẩn bị kế hoạch cho Tết Nguyên đán Canh Tý từ đầu tháng 6/2019 để sẵn sàng nguồn hàng cung ứng trong 3 tháng cuối năm trước, trong và sau Tết.

Trong đó, mặt hàng tiêu thụ lớn nhất hiện nay vẫn là bánh, mứt, kẹo. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi dự báo sẽ chuyển sang các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, thịt các loại và đến ngày 29 Tết thực phẩm tươi sống sẽ là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhất.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opMart Nguyễn Trãi cho biết siêu thị này đang ghi nhận lượng khách bắt đầu tăng cao
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opMart Nguyễn Trãi cho biết siêu thị này đang ghi nhận lượng khách bắt đầu tăng cao

Nhiều chương trình khuyến mãi cũng đã bắt đầu được Saigon Co.op triển khai từ tháng 11/2019 đến nay, áp dụng với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao của người dân, đặc biệt một số mặt hàng mua để tặng, các giỏ quà Tết,…

Đặc biệt, ghi nhận tại siêu thị Co.opMart Nguyễn Trãi cho thấy, hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến chiếm tỷ trọng khá cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường của doanh nghiệp.

Giá thịt lợn dự kiến ngưng "phi mã" 

Đối với mặt hàng thịt lợn, trước tình hình giá thịt lợn liên tục tăng cao trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường mặt hàng này và ghi nhận hiệu quả tích cực từ các hoạt động này.

Sau buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 26/12/2019, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối thịt lợn đã cam kết sẽ góp phần giảm giá bán thịt lợn ra thị trường thông qua nhiều biện pháp.

Mặt hàng thịt lợn đang là mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng trong dịp Tết
Mặt hàng thịt lợn đang là mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng trong dịp Tết

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá thịt lợn đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000-12.000 đồng/kg tùy từng địa phương.

Tại cá địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh,… Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã chủ trương vận động một số doanh nghiệp phân phối tại địa phương đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong đó có thịt lợn, vào diện bình ổn thị trường.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Sở Tài chính, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn với giá thấp hơn giá thị trường 5% và có thể điều chỉnh giá nếu cần thiết nhưng mức tăng không quá 10%/lần.

Giá thịt lợn đã bình ổn hơn khoảng 2 tuần trở lại đây nhờ sự nỗ lực của Bộ Công Thương, địa phương và doanh nghiệp
Giá thịt lợn đã bình ổn hơn khoảng 2 tuần trở lại đây nhờ sự nỗ lực của Bộ Công Thương, địa phương và doanh nghiệp

Saigon Co.op là một trong những hệ thống tiên phong trong vấn đề này, dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương.

Giám đốc Co.opMart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, ngoài việc cam kết với nhà cung cấp về nguồn hàng trước và sau Tết, hệ thống của Saigon Co.op còn có thêm nguồn hàng đông lạnh chuyển từ Vissan trong TP. Hồ Chí Minh ra để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân Thủ đô Hà Nội.

“Chúng tôi luôn kiểm soát chất lượng thịt lợn từ đầu vào đến đầu ra, đặc biệt trong Thành phố Hồ Chí Minh đã có một phòng quản lý chất lượng, kiểm soát tận gốc từ nhà cung cấp. Vì vậy nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm luôn rõ ràng, trên các quầy hàng cũng đề rõ từng nhà cung cấp để khách hàng thực sự yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết.

Thịt lợn tại hệ thống của Saigon Co.op đặc biệt chú trọng về vấn đề nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn thực phẩm

Thịt lợn tại hệ thống của Saigon Co.op đặc biệt chú trọng về vấn đề nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn thực phẩm
Thịt lợn tại hệ thống của Saigon Co.op đặc biệt chú trọng về vấn đề nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn thực phẩm

Theo Bộ Công Thương, dự kiến sau đợt điều chỉnh giảm, giá sản phẩm thịt lợn có thể tăng vào những ngày cận Tết so với hiện nay, nhưng mức tăng không lớn do các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi sẽ đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời cũng do nhu cầu tiêu dùng giảm khi giá cao.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký hay bán không lợi nhuận và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm, sẽ giúp đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng trong những ngày Tết.

Nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm cua các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Người dân ở mọi miền Tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

(Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương)

Thy Thảo