Cần những trợ lực nào để thúc đẩy sản xuất, phân phối xanh?

Sản xuất, phân phối xanh là một xu thế tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên quá trình triển khai có không ít khó khăn, thách thức và cần những giải pháp phù hợp để tháo gỡ, thúc đẩy.

Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề: “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh những mặt tác động tích cực như: Nắm bắt được xu thế của thế giới để định vị thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam, có thể chiếm lĩnh được thị trường và niềm tin của người tiêu dùng… thì việc áp dụng quá trình sản xuất xanh, phân phối xanh có một số khó khăn.

phân phối xanh
Sản xuất, phân phối xanh là một xu thế tất yếu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Những khó khăn "cản đường" sản xuất và phân phối xanh

Khó khăn đầu tiên là doanh nghiệp khi chuyển đổi sang nền sản xuất xanh phải lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp, nói cách khác chúng ta phải lựa chọn được công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp.

Khó khăn khác của các doanh nghiệp là vốn đầu tư. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.

Cù Huy Quang
Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương).

Đồng tình với ý kiến của ông Cù Huy Quang, ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) cho rằng, một trong những khó khăn khi triển khai sản xuất xanh, bền vững liên quan đến chi phí đầu tư.

Nhiều khi anh em trong ngành chúng tôi hay nói đùa đây là cuộc chơi của con nhà giàu chính vì cuộc chơi này chi phí cho nó rất lớn, kể cả chi phí về trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ cho đến chi phí về nhân lực, chuyển giao, nghiên cứu, đào tạo…”, ông Huân chia sẻ. Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn vốn để triển khai những dự án sản xuất xanh, bền vững vẫn còn khó khăn, chưa thực sự dễ dàng cho doanh nghiệp.

Một trong những khó khăn khác trong quá trình triển khai, theo ông Huân là thiếu sự tương đồng, kết nối với địa phương. Trên một địa bàn vẫn có sự không đồng bộ giữa các đơn vị sản xuất cùng triển khai chuyển đổi sản xuất xanh và sự không đồng bộ trong chính sách áp dụng của địa phương.

Với riêng ngành Than, ông Huân cho rằng còn một khó khăn là yếu tố liên quan lịch sử. “Sau khi trải qua quá trình tổ chức, triển khai thì hiện trạng sản xuất của ngành đã ổn định từ hàng chục năm nay rồi và bây giờ chúng ta có những tác động để làm sao thay đổi nó là rất khó khăn và tốn kém”, ông Huân chia sẻ.

Nguyễn Hoàng Huân
Ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE).

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai áp dụng mô hình phân phối xanh, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam cho biết có 02 khó khăn lớn.

Khó khăn thứ nhất là cần hành trình dài để thay đổi nhận thức và xu hướng tiêu dùng mới của người dân. Trong suốt quá trình hướng đến phát triển bền vững của mình, MM đã trải qua một hành trình dài để đến được sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng mới và cũng cần rất nhiều hoạt động truyền thông để kêu gọi thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về phân phối xanh, tiêu dùng xanh.

“Có thời điểm MM vấp phải những sự phản đối, không hài lòng từ chính khách hàng. Một ví dụ nhỏ là việc MM không phát túi nilon tại các quầy tính tiền ban đầu nhận được sự không hài lòng từ nhiều khách hàng”, bà Mỹ Hưng cho biết.

Khó khăn thứ hai là nhiều doanh nghiệp còn hạn chế hiểu biết về các quy định mới liên quan đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng xanh.

Bà Mỹ Hưng dẫn chứng: Trong quá trình thực hiện Nghị định 08 về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, khi phối hợp triển khai thu thập thông tin về bao bì để chuẩn bị báo cáo (Báo cáo EPR), MM Mega Market Việt Nam nhận thấy rất nhiều đối tác, nhiều doanh nghiệp không hề biết đến quy định này.

Nguyễn Thị Mỹ Hưng
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam.

Đồng bộ hóa các chính sách ưu tiên phát triển sản xuất xanh

Để giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra, ông Cù Huy Quang cho rằng, trước tiên các doanh nghiệp cần xác định quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững là một xu thế tất yếu và là con đường chiến lược để hướng tới phát triển bền vững.

Về phía quản lý Nhà nước, theo ông Quang, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý để hỗ trợ được các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững hướng đến phát triển bền vững. Cần đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên phát triển sản xuất xanh trong các ngành, các lĩnh vực.

Chúng ta có thể ưu tiên những lĩnh vực, những ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch. Từ những chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh cũng như những doanh nghiệp bán lẻ thực hiện phân phối xanh để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, phương pháp, phương thức xanh hóa trong quá trình sản xuất, tiêu dùng”, ông Quang nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huân, một trong những giải pháp đầu tiên là cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, làm sao tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như cải tạo sản xuất, kịp thời đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng và nâng cao sản lượng, hiệu quả của trang thiết bị đầu tư.

Thứ hai quan trọng nhất cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi vì chi phí của quá trình chuyển đổi sản xuất xanh rất lớn. Tốt nhất nguồn vốn này có thể vừa giá rẻ và thời gian ưu đãi dài bởi sản xuất xanh, sạch không thể nào ngày một, ngày hai, do vậy cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng mong muốn có sự phối hợp nhiều hơn giữa các ban, ngành để tổ chức những buổi hội thảo, những buổi chia sẻ hay đào tạo cụ thể hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ về khung luật cũng như đưa ra một số gợi ý về giải pháp để doanh nghiệp hướng tới chuyển đổi trong chính tổ chức, đơn vị của mình.

Về phía doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, bà Mỹ Hưng cho rằng cần chủ động trong việc cập nhật thông tin, xu hướng tiêu dùng cả trong nước lẫn quốc tế để chuẩn bị cho hành trình thay đổi của mình.

Tại các doanh nghiệp, ngoài chiến lược từ ban lãnh đạo, nên có thêm bộ phận hay cán bộ chuyên trách về phát triển bền vững để nắm bắt những khung luật, chính sách quy định và tìm ra những giải pháp phù hợp với thực trạng, khả năng áp dụng của doanh nghiệp mình thì hành trình chuyển đổi sang hướng bền vững sẽ nhanh hơn.

Việt Hằng