Cần thêm nguồn lực cho xúc tiến thương mại

Hiện nay năng lực cung ứng và thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện, hàng hóa Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm, để giữ vững và phát triển thị trường cũng như kim ngạch xuất khẩu.

Gần 300 hoạt động trong nước và quốc tế năm 2023

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai công tác xúc tiến thương mại đa dạng, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh hiện tại và hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc kết nối cung cầu trên thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ đã và đang triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, Chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, Hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP... qua đó giúp các nhà sản xuất, các nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, các đơn vị thu mua phục vụ sản xuất.

“Đáng chú ý, chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tổ chức cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên khắp cả nước thông qua hướng dẫn hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà cung ứng phát triển đa dạng kênh phân phối từ các kênh truyền thống đến kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối số”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho hay.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023

Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt các Chương trình ở trong nước và quốc tế như tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín trên thế giới, tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng ở Việt Nam...; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua việc cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, tư vấn chính sách tham gia thị trường thế giới qua các chương trình giao ban xúc tiến thương mại với cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng, Chương trình Tư vấn xuất khẩu trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Chương trình Nhịp cầu thương vụ trên VTV1 hàng tuần...

“Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp trong thời gian Covid-19 đã góp phần quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được kết quả xuất khẩu tích cực trong thời gian qua”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhận định.

Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều thách thức khó lường, thị trường tiếp tục có những dị biệt; cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng tăng... thì công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế, theo đó, sẽ có hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này.

Các hoạt động này tập trung vào một số nội dung trọng điểm:

Một là, tăng cường triển khai các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế thông qua việc tổ chức các đoàn giao thương tại nước ngoài, các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam, lựa chọn và tổ chức gian hàng quốc gia quảng bá sản phẩm xuất khẩu tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế có uy tín tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới có tiềm năng; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, quảng bá ngành hàng xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu.

Hai là, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia song song quảng bá thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm, và sản phẩm đặc sản vùng miền ở thị trường nước ngoài; Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở trong và ngoài nước.

Ba là, phát huy vai trò hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường.

Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 thu hút hơn 500 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 thu hút hơn 500 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Bốn là, khẩn trương triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.

Năm là, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường Trung Quốc. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan của Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4/2023 tại Hà Nội. Đây được kỳ vọng sẽ là Diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Song song với các định hướng đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, và tốc độ của hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

“Bên cạnh các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu đã đề cập cần song song tăng cường, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu”, Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Gỡ nút thắt về nguồn lực và tổ chức 

Dù vậy, theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC) về vai trò của xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu của các quốc gia cho thấy, mỗi 1 USD chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm được 87 USD giá trị xuất khẩu và 384 USD đóng góp vào GDP.

Thực tế hiện nay, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn rất hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xức với mức tăng trưởng xuất khẩu.

Năm 2012, kinh phí được cấp cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 100%, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng đạt 282,66 tỷ USD, năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD nhưng kinh phí Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dù được tăng dần các năm sau đó và ổn định ở mức 136 tỷ đồng/năm (khoảng 5,7 triệu USD), như vậy mức tăng kinh phí xúc tiến thương mại thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu.

Mức tăng kinh phí xúc tiến thương mại được đánh giá là còn thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu nước ta những năm vừa qua
Mức tăng kinh phí xúc tiến thương mại được đánh giá là còn thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu nước ta những năm vừa qua

Trên thế giới, Thái Lan dành ngân sách cho xúc tiến thương mại năm 2022 khoảng 74,6 triệu USD; Trung Quốc chi cho hoạt động xúc tiến thương mại thông qua Ủy ban xúc tiến thương mại Trung Quốc trung bình khoảng 15 triệu USD/năm; Hàn Quốc chi khoảng 330 triệu USD cho riêng các hoạt động khảo sát thị trường nước ngoài và các đoàn thương mại; Canada dành cho xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương là khoảng 94,1 triệu USD; Italia chi cho các chương trình xúc tiến, phát triển ngoại thương, xây dựng thương hiệu quốc gia lên đến 184,8 triệu USD/năm. Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1,2% của Hàn Quốc, 8% của Thái Lan...

Do hạn chế về kinh phí, quy mô hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế rất khiêm tốn, và nhỏ bé so với các nước trong khu vực và các nước khác, khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, ngành hàng, sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay năng lực cung ứng và thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế và đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm, để giữ vững và phát triển thị trường và kim ngạch xuất khẩu.

Để triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường hiệu quả hơn nữa, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, có chiều sâu, xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu có uy tín có tầm cỡ tại các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương mở rộng mạng lưới cơ quan Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển xuất khẩu. Giao Bộ Công Thương làm đầu mối tổng hợp, rà soát các nội dung xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia hàng năm và trung hạn để đề xuất với các Bộ ngành, địa phương lồng ghép, phối hợp giữa các hoạt động và vùng miền trên phạm vi cả nước, tránh chồng chéo, trùng lặp gây lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, về phía địa phương, Bộ Công Thương cho rằng cần có sự thống nhất về tổ chức bộ máy và chức năng của mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại để nâng cao hiệu quả trong phối hợp, triển khai và chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thương mại.

Phương Chi