Ngày 29/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị công tác xúc tiến thương mại năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Trong những kết quả tích cực của ngành Công Thương năm 2022 có một phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại.
Tập trung xúc tiến thương mại, kết nối thị trường
Theo Cục Xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt gồm hơn 100 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng.
Chương trình tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương và phát triển thị trường trong nước theo hướng đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động mang tính liên kết vùng, miền, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương.
Nổi bật như các hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm cấp vùng, tổ chức các chương trình kết nối giữa nhà cung ứng với các nhà xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại cấp vùng do Bộ Công Thương điều phối, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch luân phiên tổ chức các đề án cấp vùng cụ thể.
Nhiều hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ như: Hội chợ Thương mại quốc tế lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022), Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo 2022)… Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các Chương trình hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn tại nước ngoài như: Triển lãm Thế giới World Expo Dubai, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2022, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm SIAL Paris, Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul 2022, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN 2022, Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022...
Đặc biệt, với vai trò là đầu mối của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - EU.
Hỗ trợ tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường
Bên cạnh các hoạt động trên, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm các chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, logistics... tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EVFTA, CPTPP, Nam Á, châu Phi,...
Xuyên suốt trong năm 2022, hàng loạt phiên tư vấn xuất khẩu đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, sản phẩm công nghiệp…) của các thị trường trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ….
Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 7/2022 chuỗi chương trình giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng được tổ chức nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Tại thị trường trong nước, với mục đích kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa, Cục Xúc tiến thương mại đã đề xuất và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt tổ chức Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” từ ngày 15/11/2022 đến 22/12/2022 trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.
Nhằm tiếp tục phát triển Thương hiệu quốc gia, tăng cường nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2022 Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 với 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận hiệu quả đạt được của công tác xúc tiến thương mại khi đã bám sát và thực hiện tốt 2 chương trình xương sống là xúc tiến thương mại quốc gia và Thương hiệu quốc gia. Những nhiệm vụ khác như ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… cũng đã được đẩy mạnh thực hiện.
"Kết quả đạt được của năm 2022 sẽ là nền tảng cho Cục Xúc tiến thương mại thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023", Thứ trưởng nhận định và cho rằng, năm 2023, tình hình có thể sẽ rất khó khăn, trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cần cụ thể hơn vào từng thị trường. Tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam.
Song song đó, cần có sự phối hợp với các đơn vị thuộc bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được. Nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về việc thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại thời gian tới, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, trong bối cảnh thị trường dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại mong muốn có sự ủng hộ và phối hợp của các cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước. Theo đó, cùng quan tâm hơn nữa đến hoạt động nâng cao năng lực cho cơ quan xúc tiến thương mại, từ đó hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại.
"Năm 2023, Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại (DECOBIZ) sẽ được đưa vào ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi mong muốn toàn bộ hệ thống xúc tiến thương mại cố vấn cho địa phương ứng dụng rộng rãi DECOBIZ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Tại Hội nghị, các cơ quan thuộc Bộ, hiệp hội ngành hàng, địa phương đánh giá cao những nỗ lực của Cục Xúc tiến thương mại và cho rằng công tác xúc tiến thương mại đã tác động tích cực tới hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt được.