Cảng Gemadept (GMD): Sản lượng qua cảng chạm đáy, giá dịch vụ bốc dỡ có thể tăng

Mặc dù tình hình toàn ngành logistics ảm đạm nhưng kết quả kinh doanh của Cảng Gemadept vẫn ở mức tích cực trong nửa đầu năm nay. Sản lượng qua cảng được nhận định đã chạm đáy và đang phục hồi trở lại trong nửa cuối năm nay.

Biên lợi nhuận gộp từ mảng cảng biển lên mức cao nhất lịch sử

Cảng Gemadept Tạp chí Công Thương
Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng cảng của Cảng Gemadept trong nửa đầu năm nay đã lên tới 45% - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trong quý 2/2023 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022, so với mức giảm 13,3% trong quý 1/2023; qua đó, xác lập mức giảm theo quý cao nhất kể từ năm 2009.

Nhập khẩu thậm chí còn có mức giảm mạnh hơn khi tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu trong quý 2/2023 giảm 20,6%, so với mức giảm 15,5% trong quý 1/2023.

Hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm mạnh đã tác động dây chuyền đến toàn bộ các dịch vụ logistics như cảng biển, vận chuyển, kho bãi và vận tải. Theo đó, trong nửa đầu năm nay, tổng sản lượng container thông qua các cảng biển ở Việt Nam đã giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận hành cảng biển.

Đối với Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE), tổng sản lượng container thông qua cảng trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 1,3 triệu TEU (giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022), giảm mạnh hơn mức giảm bình quân của ngành.

Nguyên nhân chủ yếu do Cảng Gemadept phụ thuộc nhiều vào các tuyến hàng sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu (thông qua cảng Gemalink); đây lại là những thị trường có nhu cầu sụt giảm mạnh hơn so với nhu cầu của khu vực châu Á.

Doanh thu Cảng Gemadept
Doanh thu (tỷ đồng) và tốc độ tăng trưởng doanh thu (%) mảng cảng biển của Cảng Gemadept qua các quý. (Nguồn: SSI Research)

Tuy nhiên, doanh thu mảng cảng biển của Cảng Gemadept trên thực tế trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.300 tỷ đồng, chỉ giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái khi doanh thu/TEU cao hơn, nhờ: việc tăng cước tại một số cảng của Việt Nam, và có thêm nhiều dịch vụ cung cấp cho mỗi container đi qua cảng biển như vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, Cảng Gemadept đã tối ưu hoá chi phí trong giai đoạn gần đây.

Những yếu tố trên đã giúp Cảng Gemadept ghi nhận lợi nhuận gộp từ mảng cảng trong nửa đầu năm nay ở mức 606 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm thấp hơn tốc độ giảm của doanh thu. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng cảng đã lên tới 45% - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Cảng Gemadept.

Lợi nhuận Cảng Gemadept
Lợi nhuận (tỷ đồng) và biên lợi nhuận gộp (%) mảng cảng biển của Cảng Gemadept qua các quý. (Nguồn: SSI Research)

Đối với mảng logistics (chủ yếu bao gồm vận tải biển và một số kho bãi), doanh thu và lợi nhuận trong quý 2/2023 tiếp tục giảm so với quý 1/2023 nhưng vẫn duy trì ở mức cao khi so sánh với cùng kỳ năm 2022 do Cảng Gemadept đang cho thuê 3 tàu với giá cho thuê tốt.

Nhìn chung, tổng lợi nhuận gộp của Cảng Gemadept trong nửa đầu năm 2023 đạt 857 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước bất chấp bức tranh toàn ngành tiêu cực, chủ yếu nhờ doanh thu/TEU và tỷ suất lợi nhuận cải thiện. Tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng từ 42% lên 47% trong 6 tháng đầu năm nay.

Xem thêm: "Đâu là động lực để cổ phiếu NVL tiếp tục đi lên trong thời gian tới?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Sản lượng qua cảng đã chạm đáy, dự kiến giá dịch vụ bốc dỡ tăng

Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, vì mô hình kinh doanh của Cảng Gemadept dựa trên việc cung cấp hệ sinh thái logistics, nên không có gì ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này bị suy giảm bởi nhu cầu bên ngoài yếu, đặc biệt là khi 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận ở mức nền cao.

Đồng thời SSI Research cho rằng sự sụt giảm sản lượng đối với Cảng Gemadept đã chạm đáy khi nhu cầu ở nước ngoài được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm nay, hàng tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu đã vơi dần và cao điểm mua sắm cuối năm đang đến gần. Thực tế, sản lượng qua Cảng Gemadept trong tháng 6/2023 đã tăng 5% so với tháng 5 trước đó.

Dự phóng tổng sản lượng qua Cảng Gemadept trong nửa cuối năm nay sẽ đạt 1,4 triệu TEU, giảm 5% so với nửa cuối năm 2022 nhưng tăng 9,5% so với nửa đầu năm 2023, theo SSI Research.

Theo đó, tổng sản lượng của Cảng Gemadept trong năm nay dự kiến đạt 2,9 triệu TEU, giảm 6% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng của Gemalink ước tính đạt 0,9 triệu TEU, giảm 18% so với năm 2022.

Trong một diễn biến có liên quan, tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ tàu lai dắt tại cảng biển Việt Nam đang được Cục Hàng hải Việt Nam lấy ý kiến, khung giá dịch vụ bốc, dỡ, vận chuyển hàng hoá tại các cảng biển được đề xuất điều chỉnh tăng khoảng 10% so với trước đây.

Giá cổ phiếu GMD Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GMD của Cảng Gemadept từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Khan hiếm nguồn cung mặt bằng bán lẻ, cổ phiếu VRE của Vincom Retail bật tăng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trước đó, bốn hiệp hội bao gồm Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan tới giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Trong đó, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container với mức điều chỉnh tăng tối thiểu là 15 – 20%/năm, lộ trình tối thiểu liên tục 3 năm, bắt đầu từ giữa năm 2023, ưu tiên trước cho khu vực các cảng nước sâu Việt Nam, nhằm đưa giá dịch vụ tại Việt Nam tiệm cận với mức giá bình quân của khu vực và THC (phí xếp dỡ hàng hoá tại cảng) của hãng tàu. Cục Hàng hải Việt Nam cũng nhận định giá dịch vụ cảng biển của Việt Nam thấp hơn nhiều so với khu vực tạo sự thiệt thòi cho doanh nghiệp cảng biển nói riêng, và thiệt thòi cho cả nền kinh tế hàng hải của Việt Nam nói chung.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, giá cổ phiếu GMD đạt 55.800 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu GMD đã tăng hơn 21%. Cổ phiếu GMD đã chịu áp lực điều chỉnh giảm trong 2 tuần trở lại đây với thanh khoản giảm dần.

Quỳnh Trang