Câu mơ hồ trong văn bản pháp luật Việt Nam: Nghiên cứu từ chương I trong Luật Doanh nghiệp

ThS. NGUYỄN THỊ NHẬT LINH (Khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) - ThS. PHAN TUẤN LY (Khoa Ngoại ngữ Pháp lý, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung vào câu mơ hồ trong văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, tập trung nghiên cứu Chương I của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về câu mơ hồ để làm nền tảng cho việc mô tả câu mơ hồ trong ngữ liệu nghiên cứu, từ đó phân tích các tác động tiêu cực của câu mơ hồ trên bình diện ngôn ngữ. Nắm bắt được sự mơ hồ trong ngữ liệu nghiên cứu là cơ sở nền tảng để đề xuất một số giải pháp trên bình diện ngôn ngữ và pháp luật.

Từ khóa: Mơ hồ, đa nghĩa, văn bản pháp luật, ngôn ngữ pháp luật, Luật doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Pháp luật tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống pháp luật của quốc gia cũng có nhiều kiểu khác nhau. Trong khoa học pháp lý tồn tại hai kiểu hệ thống pháp luật lớn là hệ thống pháp luật dân luật (civil law) và hệ thống pháp luật kiểu Anh - Mỹ (bao gồm thông luật và luật công bằng). Hệ thống pháp luật Việt Nam được xếp vào nhóm hệ thống pháp luật dân luật vì nhiều đặc trưng, trong đó có đặc trưng về pháp luật thành văn. Pháp luật thành văn được thể hiện dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật ở các quốc gia theo mô hình pháp luật dân sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thậm chí, việc hiểu một điều luật có thể làm ảnh hưởng đến “sinh mệnh” của một người hoặc một vài người. Do vậy, hiểu đúng và đầy đủ nghĩa của văn bản luật là một điều cần thiết và hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước Việt Nam ban hành, chúng ta sẽ thấy có nhiều trường hợp nghĩa của các câu sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc không rõ nghĩa. Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, mơ hồ là một căn bệnh của ngôn ngữ pháp luật (Reed Dickerson, 1964). Từ đó, sẽ bắt đầu xuất hiện trạng thái nghĩa của câu không được hiểu một cách thống nhất ở các chủ thể áp dụng pháp luật. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ áp dụng không đồng nhất, làm gia tăng tính chủ quan của chủ thể áp dụng pháp luật. Chính sự mơ hồ trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra thiệt hại trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu về câu mơ hồ trong Chương I của Luật Doanh nghiệp Việt Nam, để có thể đưa ra một số đánh giá về câu mơ hồ và đề xuất một số phương hướng giải quyết.

2. Lý luận cơ bản về câu mơ hồ trong văn bản quy phạm pháp luật

Câu mơ hồ không phải là một vấn đề mới mẽ trên bình diện ngôn ngữ và pháp luật. Trên thế giới, việc nghiên cứu mơ hồ trong pháp luật đã được nghiên cứu từ rất lâu trên bình diện ngôn ngữ. Một vài tác giả với những công trình lớn về mơ hồ, như: Hanne Weismann, Nicola Gennaioli, Ndubuisi H. Onyemelukwe,… Ở Việt Nam cũng đã có nhiều tác giả nghiên cứu về câu mơ hồ trong văn bản pháp luật, chẳng hạn như Trần Thủy Vịnh, Đỗ Văn Học, Nguyễn Tuấn Đăng,… Trong bài nghiên cứu này, tiếp bước các cơ sở nghiên cứu lý luận của các học giả trước đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu cụ thể về câu mơ hồ trong Chương I của Luật Doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đánh giá và đưa ra một số đề xuất mang tính định hướng để giảm thiểu mơ hồ ngữ nghĩa của văn bản quy phạm pháp luật này.

2.1. Văn bản quy phạm pháp luật và ngữ liệu nghiên cứu

“Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này” (Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2020). Theo đó, Luật Doanh nghiệp Việt Nam là một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 và thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2005. Luật Doanh nghiệp 2014 gồm 10 chương, 213 điều, quy định về các vấn đề quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, quy chế pháp lý của các loại hình doanh nghiệp, tổ chức lại hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đến hoạt động của hầu hết các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu hiện tượng mơ hồ ngữ nghĩa trên bình diện ngôn ngữ sẽ góp phần quan trọng trong việc rà soát, cũng như chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật.

2.2. Quan niệm về câu mơ hồ

Câu mơ hồ là một khái niệm được cấu thành bởi “câu” và tính từ “mơ hồ”. Khái niệm câu trong tiếng Việt đã được nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra những khái niệm cơ bản. Tuy nhiên, khi bàn về khái niệm mơ hồ, nhiều học giả đều phải thừa nhận rằng khó có thể đưa ra một khái niệm chính xác (Hanne Weismann, 2017, tr. 6).

Trên bình diện ngôn ngữ, câu trong tiếng Việt đã được nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra khái niệm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin phép sử dụng khái niệm câu của Diệp Quang Bang (2008) để làm cơ sở lý thuyết của bài viết: Câu là đơn vị lớn nhất về mặt cấu trúc trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ, được làm thành từ một khúc đoạn ngôn ngữ tập trung trung quanh một vị tố, và được dùng để diễn đại một sự thể (hay một sự việc). Hiểu một cách đơn giản hơn, câu là một đơn vị lớn nhất về mặt cấu trúc trong tổ chức ngữ pháp một ngôn ngữ. Việc xác định câu trên bình diện khoa học ngôn ngữ sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, câu trong văn bản quy phạm pháp luật dường như sẽ rất dễ dàng xác định bởi định biên bởi một cụm từ đầu câu và luôn là một dấu chấm nằm ở cuối câu1.

Dù không đưa ra chính xác khái niệm về mơ hồ, nhưng trên cơ sở những nghiên cứu trước đó, chúng tôi xin phép đúc kết một số quan niệm về mơ hồ để làm cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu này. Đúc kết nhiều quan niệm khác nhau về mơ hồ, Trần Thủy Vịnh (2008) cho rằng, mơ hồ trong ngôn ngữ khá đa dạng, nhưng tựu trung về hai dạng là mơ hồ đa nghĩa (ambiguity) và mơ hồ mờ nghĩa (vagueness) (tr. 40). Mơ hồ theo giải thích trong một số từ điển tiếng Việt được hiểu là sự không rõ ràng. Theo từ điển tiếng Anh, mơ hồ đa nghĩa là “sự thật có thể tồn tại nhiều hơn một nghĩa và vì thế có thể gây ra sự nhầm lẫn” (Cambrigde Dictionary Online). Mơ hồ mờ nghĩa được hiểu là “không được diễn đạt, biết đến, mô tả hoặc đoán định một cách rõ ràng” (Cambrigde Dictionary Online).

Đặc trưng của văn bản quy phạm pháp luật là phải đơn nghĩa và nhất quán, để có thể đạt được sự từng minh, rõ ràng (Đỗ Văn Học, 2015, tr. 85). Và, mơ hồ mờ nghĩa được xem như một lỗi trong diễn đạt. Do vậy, mơ hồ mờ nghĩa sẽ được hạn chế đến mức tối đa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thi thoảng vẫn sẽ tồn tại những câu mơ hồ do mờ nghĩa này. “Câu mơ hồ là câu trong khi có một biểu hiện duy nhất ở cấp độ này lại có ít nhất hai cách hiểu ở cấp độ khác” (Nguyễn Đức Dân, Trần Thị Ngọc Lang, 1993)2. Hiểu một cách đơn giản, câu mơ hồ là câu có thể tồn tại nhiều hơn một nghĩa và dẫn đến những sự nhầm lẫn trong cách hiểu. Câu mơ hồ trong văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến khó áp dụng hoặc áp dụng không nhất quán giữa các chủ thể áp dụng pháp luật. Điều này có nguy cơ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường trong quá trình áp dụng pháp luật.

2.3. Phân loại câu mơ hồ

Mơ hồ trên bình diện ngôn ngữ có nhiều loại khác nhau, và việc phân loại cũng chỉ mang tính chất tương đối (Trần Thuỷ Vịnh, 2008, tr. 52). Theo Trần Thủy Vịnh, mơ hồ đa nghĩa được chia làm 3 loại, gồm: mơ hồ từ vựng, mơ hồ ngữ pháp và mơ hồ ngữ dụng.

“Mơ hồ từ vựng xuất hiện ở những câu có hơn một nghĩa do có chứa các thành tố từ vựng có nhiều hơn một nghĩa. Nói cách khác ở cấp độ âm vị học và/hay cú pháp học nó có một “biểu hiện” duy nhất nhưng ở cấp độ từ vựng học lại có hai khả năng hiện thực hóa” (Trần Thủy Vịnh, 2015, tr. 169).

“Mơ hồ cú pháp xuất hiện ở những câu có hơn một nghĩa do các quan hệ cú pháp có thể được phân định theo nhiều cách khác nhau” (Nguyễn Đức Dân, trích lại từ Trần Thủy Vịnh, 2017, tr. 95).

“Mơ hồ ngữ dụng xuất hiện ở những phát ngôn có hơn một nghĩa ngôn trung/hàm ngôn. Nói cách khác, phát ngôn mơ hồ ngữ dụng là phát ngôn (có thể) có ít nhất là hai nghĩa ngôn trung (trong một ngôn cảnh cụ thể nào đó)” (Trần Thủy Vịnh, 2015, tr. 170).

Trong bài viết này, chúng tôi đồng tình và sử dụng các lý thuyết cơ bản về mơ hồ của Trần Thủy Vịnh để mô tả, phân tích và đánh giá các hiện tượng mơ hồ trong Chương I của Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

3. Câu mơ hồ trong Chương I của Luật Doanh nghiệp Việt Nam

3.1. Câu mơ hồ ngữ pháp

Bằng cơ sở lý luận về câu mơ hồ, chúng tôi đã khảo sát và phát hiện ra 8 trường hợp mơ hồ ngữ pháp trong Chương I Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể, đó là các quy định tại khoản 3 điều 5 “trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường”; khoản 1 điều 13 “đại diện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”; khoản 3 điều 13 “một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam”; điểm a, b khoản 4 điều 13 “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân”, “người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh”; khoản 6 điều 13 “nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú”; điểm c khoản 1 điều 14 “thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ”; khoản 1 điều 15 “người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức”; khoản 1 điều 17 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm “cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Chúng tôi xin phép phân tích hai trường hợp về mơ hồ ngữ pháp, tại khoản 3 điều 13 và điểm a khoản 4 điều 13. Cụ thể như sau, theo quy định tại khoản 3 điều 13 “doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam”. Câu này có thể được hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất: (1) doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo quy định của pháp luật về cư trú tại Việt Nam. Nghĩa thứ hai: (2) doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện mà người này phải cư trú tại Việt Nam.

Tương tự như tình huống trên, quy định tại điểm a khoản 4 điều 13 “người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp”. Câu trên có thể được hiểu theo nghĩa thứ nhất là người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được doanh nghiệp tư nhân ban hành. Nghĩa thứ hai được suy ra trong câu này là người được ủy quyền của doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo quy định của pháp luật.

Phân tích Chương I của Luật Doanh nghiệp về câu mơ hồ ngữ pháp có thể thấy, số lượng câu mơ hồ ngữ pháp chiếm số lượng khá nhiều trong nguồn ngữ liệu khảo sát. Điều này có thể xuất phát từ khả năng ngữ pháp của người biên soạn hoặc do lỗi vô ý trong quá trình biên soạn dẫn đến câu bị mơ hồ ngữ nghĩa do ngữ pháp. Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, người chấp bút dự thảo đã không quá chú trọng cấu trúc ngữ pháp của câu trên bình diện ngôn ngữ cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mơ hồ ngữ pháp. Một lý do quan trọng nữa để lý giải hiện tượng câu mơ hồ ngữ pháp có thể là do quy trình ra soát văn bản quy phạm pháp luật trên bình diện ngôn ngữ vẫn chưa được hoàn thiện.

3.2. Câu mơ hồ do mờ nghĩa

Như đã đề cập trong phần lý luận, quy phạm pháp luật mơ hồ do mờ nghĩa xảy ra khi quy phạm đó không được diễn đạt một cách rõ ràng trên bình diện từ vựng. Hậu quả đối tượng chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó cảm thấy lúng túng vì không biết cách hành xử cho đúng với quy định. Trong bài viết này, chúng tôi xin phép phân tích 2 câu mơ hồ do mờ nghĩa trong Chương I Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 10 “tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội” quy định doanh nghiệp được “huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam”. Tuy nhiên, rất khó để xác định những nguồn lực mà doanh nghiệp có thể huy động. Hay nói cách khác, doanh nghiệp khó xác định quyền của mình trong trường hợp này là được quyền huy động vốn, huy động tài sản, huy động nguồn nhân lực hay huy động một nguồn lực nào khác để không vi phạm pháp luật.

Cụm từ “người quản lý” theo quy định tại điểm c khoản 5 điều 15 cũng là trường hợp làm cho quy phạm pháp luật trở nên khó hiểu. Lý do là người đọc khi tiếp cận quy phạm pháp luật trên không thể biết được đây là người quản lý doanh nghiệp, hay người quản lý nào khác trong doanh nghiệp.

Theo chúng tôi, lý do dẫn đến việc câu mơ hồ do mờ nghĩa nêu trên là do trong quá trình xây dựng văn bản chưa rà soát kỹ các từ vựng gây mơ hồ ngữ nghĩa trên bình diện từ vựng. Nếu được rà soát kỹ hơn trên bình diện ngôn ngữ sẽ cải thiện được những hiện tượng mơ hồ do mờ nghĩa này.

3.3. Câu mơ hồ từ vựng và ngữ dụng

Trên cơ sở phân tích ngữ liệu nghiên cứu, chúng tôi hoàn toàn không tìm thấy câu mơ hồ về từ vựng và ngữ dụng. Chúng tôi xin phép đưa ra một số kiến giải về lý do không tồn tại các dạng thức mơ hồ này trong văn bản quy phạm pháp luật.

Mơ hồ về ngữ dụng không tồn tại trong văn bản quy phạm pháp luật là bởi đặc trưng ngôn ngữ pháp luật. Ngôn ngữ pháp luật phải có tính tường minh nên trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng hết mức có thể để không sử dụng các từ đa nghĩa. Nếu có sử dụng các từ đa nghĩa, cơ quan soạn thảo sẽ phải đưa ra định nghĩa thống nhất trong phần giải thích từ ngữ của văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật thường định biên các điều luật bằng phương thức đặt tiêu đề. Tiêu đề của điều luật giúp xác định ngữ cảnh và hỗ trợ hiểu chính xác điều luật đó. Do đó, câu mơ hồ về từ vựng sẽ khó có thể xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật nhờ ngữ cảnh của điều luật.

4. Một vài đề xuất hoàn thiện

Câu là một thành tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Như đã phân tích ở trên, hiện tượng mờ nghĩa trong cấu trúc câu sẽ tiềm ẩn những nguy cơ hết sức tai hại trong quá trình áp dụng pháp luật. Do vậy, việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân sự có trình độ cao trong kỹ năng xây dựng câu và văn bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hoàn thiện các dự thảo pháp luật, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Rà soát dự thảo văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật đã được ban hành là một công việc hết sức cần thiết. Việc rà soát các văn bản này cần có sự kết hợp giữa đội ngũ chuyên gia pháp lý và chuyên gia ngôn ngữ để có thể đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành. Hiện nay, việc rà soát mới chỉ chú trọng đến các nội dung của văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị rằng cần phải rà soát các văn bản này trên cả bình diện ngôn ngữ trong suốt quá trình văn bản quy phạm pháp luật được hình thành. Đây là phương thức hữu hiệu để phòng tránh các hiện tượng câu mơ hồ do mờ nghĩa, câu mơ hồ do ngữ pháp như phân tích ở trên.

5. Kết luận

Mơ hồ là một khái niệm tồn tại trong nhiều lĩnh vực khoa học và ngay cả đời sống hàng ngày. Giá trị của mơ hồ là tiêu cực hay tích cực vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngõ trên bình diện ngôn ngữ. Đương nhiên, mơ hồ trong văn bản quy phạm pháp luật cũng không phải luôn luôn mang tính tiêu cực. Mơ hồ do mờ nghĩa và mơ hồ đa nghĩa là hai dạng thức của mơ hồ. Mơ hồ đa nghĩa được phân chia thành mơ hồ ngữ pháp, mơ hồ từ vựng và mơ hồ ngữ dụng. Trong Chương I Luật Doanh nghiệp Việt Nam không tồn tại mơ hồ ngữ dụng và mơ hồ từ vựng. Mơ hồ ngữ pháp và mơ hồ do mờ nghĩa có xuất hiện trong ngữ liệu nghiên cứu. Trong đó, mơ hồ ngữ pháp xuất hiện với một tần số thường xuyên hơn. Nghiên cứu ngữ pháp, cấu trúc câu để hoàn thiện các mơ hồ ngữ pháp là một nội dung cần được quan tâm để có thể hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, văn bản quy phạm pháp luật sẽ ngày càng hoàn thiện hơn trên bình diện pháp luật và cả bình diện ngôn ngữ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Trong trường hợp liệt kê, cuối câu có thể là một dấu chấm phẩy (;).

2Đây là khái niệm về mơ hồ đa nghĩa, chứ không phải mơ hồ do mờ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hanne Weismann. (2017). How Vague Are International Agreements? Introducing a Method for Systematic Comparison. PhD Dissertation - Technische Universitt Darmstadt.
  2. Viện Ngôn ngữ học. (2008). Ngữ pháp tiếng Việt Những vấn đề lý luận. Hà Nội: Khoa học xã hội.
  3. Trần Thuỷ Vịnh. (2008). Hiện tượng mơ hồ trong tiếng Việt và tiếng Anh. Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP, Hồ Chí Minh.
  4. Đỗ Văn Học. (2015). Một số vấn đề về sử dụng ngôn ngữ, văn phong trong văn bản quản lý nhà nước. Phát triển Khoa học và Công nghệ. 18(X1), 64-74.
  5. Nguyễn Đức Dân, Trần Thị Ngọc Lang. (1993). Câu sai và câu mơ hồ. Hà Nội: NXB. Giáo dục.
  6. Trần Thủy Vịnh (2017). Các kiểu loại truyện cười do mơ hồ cú pháp (minh họa qua tiếng Việt và tiếng Anh). Phát triển Khoa học và Công nghệ. 1(4), 95-104.
  7. Trần Thủy Vịnh (2015). Các kiểu loại truyện cười dưới góc độ mơ hồ ngôn ngữ (minh họa qua tiếng Việt và tiếng Anh). Phát triển Khoa học và Công nghệ. 18(X2), 168-181.
  8. Reed Dickerson. (1964). The Diseases of Legislative Language. Articles by Maurer Faculty, 1507.

VAGUE SENTENCES IN VIETNAMESE STATUTES:

REVIEWING THE CHAPTER I OF VIETNAM’S LAW

ON ENTERPRISES

• LLM. NGUYEN THI NHAT LINH

Faculty of Economics

 Nong Lam University - Ho Chi Minh City

• LLM. PHAN TUAN LY

Faculty of Legal Foreign Languages

 Ho Chi Minh City University of Law

ABSTRACT:

This paper focuses on the ambiguity in Chapter I of Vietnam’s Law on Enterprises. On the basis of theoretical research on the ambiguity to serve as the foundation for the description of vague sentences in the corpus, the research analyzes the negative effects of the ambiguity on the linguistic aspects. Understanding the ambiguity in terms of linguistic aspects is the foundation for proposing a number of solutions in terms of linguistic and legal aspects.

Keywords: Vagueness, ambiguity, multi-meaning, legal terms, Law on Enterprises, Vietnam’s statutes.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]