Công Thương “được mùa” nhờ làm tốt liên kết dọc-ngang

Những thành tựu ấn tượng trên 2 lĩnh vực “Công” và “Thương” có sự góp sức của hoạt động liên kết ngang, phối hợp hành động giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành liên quan; và liên kết dọc, phối hợp hành động giữa Bộ Công Thương với các địa phương.

Nhìn lại năm 2018, Thủ tướng đánh giá ngành Công Thương “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu vượt xa yêu cầu được giao”. Những thành tựu ấn tượng trên 2 lĩnh vực “Công” và “Thương” có sự góp sức của hoạt động liên kết ngang, phối hợp hành động giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành liên quan; và liên kết dọc, phối hợp hành động giữa Bộ Công Thương với các địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: 2018 là năm được mùa cả Công lẫn Thương

bo truong cương

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

 

Năm 2018 được mùa cả Công lẫn Thương. Không chỉ ở tốc độ tăng trưởng cao, mà nhiều ngành công nghiệp có những đột phá lớn, xuất hiện nhiều mũi nhọn công nghiệp.

Thương mại cũng được mùa, xuất khẩu đạt 245 tỷ USD. Xuất siêu 7,2 tỷ USD, góp phần cân đối cán cân thương mại.

Tất cả các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều được cải thiện rất tích cực. Cùng đó, 30 mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chứng minh nền sản xuất Việt Nam đa dạng. Trong điều kiện biến động của thị trường thế giới, thành tựu này là rất đáng ghi nhận. Chứng tỏ đây là hướng đi đúng.

Cùng với thương mại quốc tế, năm nay thương mại nội địa rất được chú ý, Bộ Công Thương đã huy động tổng lực các doanh nghiệp, tập đoàn, người dân hưởng ứng phát triển thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất.

Trong bức tranh đó, nông nghiệp gắn bó với công thương cũng có thu hoạch rất lớn. Đặc biệt là công nghiệp chế biến. Năm nay triển khai tới 16 dự án lớn toàn nhà máy hiện đại như: Nhà máy chế biến thịt lợn, Nhà máy chế biến rau củ Tamifood tiên tiến nhất thế giới.

Năm 2019 là năm rất khó khăn. Thương mại thế giới có nhiều bất ổn. Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, cần liên kết chặt chẽ hơn, cả ở tầm phát triển thị trường và kỹ năng bảo vệ thị trường. Vì 2019 là năm đầu tiên áp dụng CPTPP, khu vực nông nghiệp lại là khu vực dễ tổn thương nhất.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Bộ Công Thương đã giúp Hà Nội tiếp cận được nhiều thị trường mới, theo những kênh đơn giản mà hiệu quả

ong Chung

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung

 

Năm qua, TP. Hà Nội đã phối hợp với ngành Công Thương đưa các sản phẩm đặc trưng riêng của Hà Nội và của các tỉnh thành trong cả nước vào chuỗi bán lẻ của Aeon (Nhật Bản), chợ đầu mối Rungis (Pháp). Nếu như tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào được các hệ thống phân phối này, thì cơ hội vào các thị trường Nhật Bản, EU sẽ rất rộng mở.

Đề nghị, Bộ Công Thương đẩy mạnh việc phát triển, tìm kiếm thị trường hơn nữa, để hàng hóa sản phẩm của các địa phương có thể thâm nhập sâu hơn vào các hệ thống phân phối lớn trên toàn thế giới.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm: TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kết nối

le thanh liem

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm

 

Năm 2018, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp 60% vào sự tăng trưởng GDP của thành phố. Trong năm 2019, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phấn đấu để đưa các chỉ tiêu của ngành cao hơn năm 2018, do đó, thành phố đã xây dựng, xác định 4 nhiệm vụ cho ngành. Cụ thể, thành phố sẽ tập trung hỗ hợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kết nối, gặp gỡ cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ... Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, tiềm năng của thành phố, trong đó tháo gỡ cơ chế vốn, chuyển giao công nghệ, mặt bằng, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu...

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường: Mục tiêu 2019 xuất khẩu đạt 40 tỷ USD

nguyen tien truong

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường

 

2018 là năm thắng lợi của ngành dệt may, kim ngạch tăng 16,6%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, giá trị tuyệt đối tăng 5 tỷ USD. Tất cả những năm trước đây tuy tăng trưởng xuất khẩu có thể tăng 12-13% nhưng trung bình mỗi năm giá trị tuyệt đối chỉ tăng 2-3 tỷ USD. Trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng 3%, 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới tăng 5%, 2 trong nhóm 10 nước này giảm là Ấn Độ và Băngladesh. Lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới.

Năm 2019 là năm thách thức hơn nhiều so với năm 2018, kinh tế toàn cầu đang chững lại. Dự báo GDP của các nước là thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản và EU đều giảm, chiến tranh Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc… Tuy nhiên ngành dệt may quyết tâm tận dụng cơ hội từ CPTPP và EVFTA để đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay lên 38 - 40 tỷ USD. Ngành cũng tập trung đi theo hướng sản xuất xanh, năng suất tốt, cải thiện điều kiện làm việc, tăng giá trị gia tăng. Mục tiêu tốc độ tăng hiệu quả tăng gấp đôi tăng kim ngạch.

Nhóm PV