Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền cảm hứng cho CBCNV của ngành qua 6 câu hỏi lớn. 6 câu hỏi này mở ra một không gian mới trong tư duy, một tầm nhìn mới cho phép đột phá về quan điểm phát triển và hoạch định chính sách của ngành; lại vừa như lời khích lệ, gửi gắm niềm tin vào một ngành có vị thế, đóng góp tới 80% vào GDP, 70% vào thu nộp ngân sách nhà nước.
“Tôi rất ấn tượng”
Thủ tướng nhắc lại, cũng khoảng thời gian này năm ngoái, dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, Thủ tướng đã nêu nhiều câu hỏi “làm sao?” với ngành: Làm sao trong các năm tới sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển? Làm sao thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp? Làm sao ngành Công Thương ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường? Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước? Làm sao tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam? Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã? Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin? Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn? Làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam?
Một năm trôi qua, kiểm điểm lại việc thực hiện những câu hỏi nêu trên, Thủ tướng cho rằng, ngay từ đầu quý I/2018 Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc những chủ trương quan trọng của Chính phủ; nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được thực hiện thành công, có hiệu quả, là tiền đề cho kết quả nổi bật ngành ta đạt được trong năm qua. Điều đó thể hiện Bộ Công Thương biết tổ chức triển khai công việc, giữ lời hứa, lời nói hành động đi liền nhau.
Thủ tướng đánh giá Bộ Công Thương “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu vượt xa yêu đầu được giao”. Trong bài phát biểu hơn 1 giờ đồng hồ, Thủ tướng nhiều lần dùng từ “tôi rất ấn tượng” với những thành tích của ngành, nhất là ở 3 chỉ tiêu chủ chốt của ngành gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước. Đề cập đến công nghiệp, Thủ tướng “ấn tượng” với chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 12% là mức cao nhất trong 7 năm gần đây, khẳng định là động lực chính trong mức tăng trưởng chung. Nếu những năm trước, nói đến công nghiệp chế biến chế tạo, đến động lực tăng trưởng là nói đến sản xuất điện tử, máy tính, thì nay hàng loạt phân ngành chế biến chế tạo đều tăng mạnh: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 65%; sản xuất kim loại tăng 25%; thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 20%; xe có động cơ tăng 16,8%; kim loại đúc sẵn tăng 11,8%. Nhưng điều “ấn tượng” nhất trong lĩnh vực này là năng lực sản xuất tăng lên rõ rệt với hàng loạt dự án lớn đi vào hoạt động như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các tổ hợp sản xuất thép, ô tô của Vinfast, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát… Trong quản lý, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN là điểm “hết sức ấn tượng” của Bộ Công Thương. Việt Nam là một trong những nước có chỉ số tiếp cận điện năng tăng nhanh nhất.
Về xuất khẩu, Thủ tướng “ấn tượng” với hàng loạt con số tăng trưởng ngoạn mục: Xuất khẩu 245 tỷ USD, tăng 13,8% vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao (7-8%) và Chính phủ giao (8-10%); xuất siêu 7,2 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2017; doanh nghiệp trong nước có tốc đô tăng trưởng xuất khẩu 15,9%, cao hơn so với 12,9% của khối FDI; 29 mặt hàng kim ngạch trên 1 tỷ; trong đó có 8 mặt hàng trên 5 tỷ USD; 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD về xuất khẩu; tất cả thị trường Việt Nam có các Hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận xuất khẩu tăng cao như Hàn Quốc tăng trên 23%, ASEAN tăng 13,7%; Nhật Bản tăng 12,9%, Trung Quốc tăng 18,5%... Một điều hết sức thú vị, Thủ tướng coi Bộ trưởng Công Thương và một số bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh đã trực tiếp cùng Thủ tướng đi bán hàng, xúc tiến thương mại… là “hình ảnh hết sức ấn tượng”.
Đánh giá thị trường trong nước, Thủ tướng cho rằng năm 2018 thương mại nội địa tiếp tục giữ đà tăng trưởng, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa ở mức 2 con số. Đáng mừng hơn, Việt Nam có nhiều siêu thị mới, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam “vẫn trụ được”, ổn định cung cầu, không để xảy ra sốt giá, khan hàng kể cả trong những dịp lễ tết; hoặc ở các địa bàn và trong cả những thời điểm xảy ra thiên tai; góp phần giúp GDP tăng trưởng cao mà vẫn giữ được CPI ở mức 3,54%, là năm thứ 3 liên tiếp kiềm chế dưới 4%.
Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác hội nhập quốc tế với 2 hình ảnh ấn tượng. Một là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng với Bộ trưởng Nhật Bản “dẫn đầu” thúc đẩy nối lại đàm phán CPTPP để đạt được thoả thuận về “những phần cốt lõi” cho Hiệp định khi hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam. Hình ảnh thứ hai là Bộ Công Thương đã rất nhanh nhạy trong việc chủ động nắm bắt thời cơ; theo dõi tiến trình nước Anh rời EU, hiện một lãnh đạo Bộ đã có mặt tại Anh, sẵn sàng đàm phán một FTA với nước này.
Những câu hỏi lớn
Trong phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng dành nhiều thời gian nêu những vấn đề trăn trở với ngành thông qua những câu hỏi để Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương “thảo luận để có định hướng giải pháp”: (i) Làm sao tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất kinh doanh? (ii) Làm sao để vốn của tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam trong lúc thế giới có nhiều thay đổi? (iii) Hành lý của ngành công thương đã có những gì, sẽ cần những gì trên chuyến tàucông nghiệp 4.0? (iv) Việt Nam được nhìn nhận là đang đứng trước thời cơ lớn để tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; chúng ta có biến thời cơ thành vận hội hay không?(v) Phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 trong đó có chữ “bứt phá”, vậy“bứt phá” của ngành Công Thương là ở đâu? (vi) Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, chúng ta có làm được không?
6 câu hỏi lớn được đưa ra bởi có lẽ điều trăn trở nhất của Thủ tướng là đất nước phồn vinh, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua khởi nghiệp của người dân, doanh nghiệp. Trong hơn 1 giờ đồng hồ, Thủ tướng trở đi trở lại với vấn đề giải phóng nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp “Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương”; “Phải nâng cao tâm thế, uy tín doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam”; “Bộ Công Thương đã đi đầu năm 2017, đến 2018 tiếp tục đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội”; “Trong hội nghị này, không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà mời cả doanh nghiệp tư nhân tham gia”; “Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã vươn lên mạnh mẽ như Vingroup, Trường Hải, Thành Công…”.
6 câu hỏi lớn Thủ tướng đặt ra với ngành, thực chất là những gợi mở, định hướng; truyền một cảm hứng mạnh mẽ về khát vọng “Việt Nam có thể phát triển được thành con rồng, con hổ châu Á hay không là nhờ rất lớn ở sự nỗ lực của Bộ Công Thương”. 6 câu hỏi lớn mở ra một không gian mới trong tư duy, một tầm nhìn mới cho phép đột phá về quan điểm phát triển và hoạch định chính sách của ngành; lại vừa như lời khích lệ động viên, gửi gắm niềm tin vào một ngành có vị thế, đóng góp tới 80% vào GDP, 70% vào thu nộp ngân sách nhà nước. Do đó, mỗi sự đổi mới, mỗi bước đột phá đều có khả năng kích hoạt lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa trong kế hoạch hành động của toàn Ngành, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời để trả lời về những câu hỏi, những yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra trên một tầm tư duy mới, mang tính hệ thống, chiến lược và đột phá về quan điểm phát triểnn