Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả này có sự nỗ lực thúc đẩy đàm phán của các cơ quan chức năng Việt Nam những năm qua, nhờ đó tiến trình hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số loại nông sản Việt Nam đã hoàn thành. Tổng cộng, Việt Nam có 12 loại nông sản đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, chanh dây, măng cụt, sầu riêng và khoai lang.
Đặc biệt trong đó, kể từ tháng 9/2022 khi lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng đột biến.
5 tháng đầu năm, sầu riêng vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam khi đạt trên 526 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch ước đạt gần 500 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng của cả nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho mặt hàng này, đồng thời giá sầu riêng của Việt Nam cũng cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác và với tốc độ xuất khẩu sầu riêng như hiện tại, năm 2023, loại nông sản này có thể giúp Việt Nam thu về khoảng 1,5 tỷ USD.
Hiện Việt Nam có khoảng 6.500 vùng trồng và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 địa phương được cấp mã xuất khẩu. Trong đó, sầu riêng đã có ít nhất 293 mã số vùng trồng và 115 mã số cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.
Dự kiến có thêm 400 mã vùng trồng và 60 mã cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục được cấp phép khi Cơ quan quản lý Việt Nam đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến.
"Cửa sáng" cho khoai lang
Cùng với sầu riêng, mới đây một loại nông sản khác của Việt Nam cũng đã thành công thâm nhập thị trường Trung Quốc là khoai lang. Cụ thể, tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành hàng sản phẩm này theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên có lô hàng khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Khoai lang là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Vĩnh Long với diện tích trồng khoai lang đạt từ 12.000 - 14.000 ha/năm, sản lượng đạt từ 380.000 - 400.000 tấn/năm.
Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh như thuỷ sản, dệt may,… trong những tháng đầu năm, khoai lang được kỳ vọng có thể trở thành mặt hàng góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu nông sản của Vĩnh Long cũng như cả nước tăng trưởng trở lại vào quý 3 và 4/2023.
Thay đổi nhanh để thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Quốc
Nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn so với các thị trường khác, các chuyên gia dự báo năm 2023 thị trường Trung Quốc sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hoá và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Đồng thời không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng kí doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy,… đối với hàng hoá nói chung và hàng hoá nhập khẩu nói riêng.
Trong khi đó, các hộ sản xuất, kinh doanh Việt Nam chưa kịp thay đổi, thích nghi với những điều chỉnh mới của thị trường này, có thể kể đến như: chất lượng hàng hoá chưa đồng đều, công tác bảo quản sau khi thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng tốt các quy định của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để thâm nhập sâu hơn và khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm và xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có.
Địa phương, doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.
Nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc. Phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng mặt hàng cụ thể trước khi xuất khẩu.
Hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình xuất khẩu nông sản, cụ thể như thông tin trên Giấy chứng nhận kiểm dịch, trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá cần khớp với thực tế lô hàng xuất khẩu, tránh việc các cơ quan liên quan phía Trung Quốc không cho phép thông quan do vướng phải các sai sót nêu trên, trong khi thực tế hàng xuất khẩu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây trồng để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên làm lợi thế cạnh tranh.
Chú trọng công tác xúc tiến thương mại như chủ động tham gia các Hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực nông sản tại Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản đã có thương hiệu như xoài, vải, thanh long,… qua đó, kết nối giao thương, tìm kiếm các đối tác, các nhà nhập khẩu uy tín nhằm xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy, bài bản.
Nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử của phía Trung Quốc để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.
Bộ Công Thương khẳng định, thị trường Trung Quốc luôn luôn là thị trường mục tiêu trọng điểm từ trước tới nay và sau này cũng vậy. Chính vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường này cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp để mở rộng cơ hội tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường này.