TÓM TẮT: Dựa trên nguồn số liệu thứ cấp về nhu cầu trình độ nhân lực ngành Du lịch phân theo trình độ và phân theo vị trí việc làm, số lượng đơn vị đào tạo nguồn nhân lực của ngành Du lịch và yêu cầu về nội dung chương trình đào tạo chung ASEAN (CATC), bài viết đề cập đến thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch khi Việt Nam tham gia AEC. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn, nhân lực ngành Du lịch. Từ khóa: Du lịch, đào tạo, đáp ứng, nguồn nhân lực, AEC. |
1. Đặt vấn đề
Trong những năm vừa qua, du lịch là ngành có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Du lịch, doanh thu của ngành Du lịch năm 2017 đạt 510 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016, góp phần quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sự phát triển không ngừng của ngành Du lịch góp phần vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP). Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành Du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đồng thời xét về cơ cấu doanh thu ngoại tệ trong xuất khẩu dịch vụ, doanh thu của ngành Du lịch chiếm trên 50% trong xuất khẩu dịch vụ của cả nước, đứng đầu về doanh thu ngoại tệ trong các loại hoạt động dịch vụ “xuất khẩu” Nguyễn Thị Thu Hương, 2017. Mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam đến năm 2020 là trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới, nằm trong những nước đứng đầu Đông Nam Á về các chỉ tiêu phát triển du lịch. Để đạt được mục tiêu đó thì chất lượng nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch cần phải được nâng cao hơn nữa, bởi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện cần thiết để du lịch Việt Nam xóa dần khoảng cách với du lịch của các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực. Thực tế cho thấy nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cả về mặt cơ cấu, chất lượng và số lượng. Do đó, công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch là vấn đề mang tính cấp thiết đối với sự phát triển du lịch của mỗi địa phương và của quốc gia, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực ASEAN.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trên nguồn số liệu thứ cấp thu thập được từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê mô tả, so sánh kết hợp phân tích đánh giá.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam
Hiện nay, ngành Du lịch hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng là 6,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên du lịch, lễ tân…) trong ngành ước tính cần 620.000 người và đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành Du lịch tăng lên khoảng 870.000 lao động trực tiếp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 là 7,0%/năm.
Nhu cầu nhân lực của ngành Du lịch ngày càng gia tăng. Cụ thể dự báo năm 2020 tăng 40% so với năm 2015. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học được dự báo chiếm 0,7%; trình độ đại học, cao đẳng chiếm 15%; Trình độ trung cấp chiếm 13%; trình độ sơ cấp chiếm 22,3% và trình độ dưới sơ cấp chiếm 49%. Ngoài ra, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành Du lịch theo vị trí làm việc và theo ngành nghề kinh doanh đến năm 2020 cũng tăng đáng kể, cụ thể như sau:
Bảng 1. Dự báo nhu cầu nhân lực ngành Du lịch đến năm 2020
(theo ngành đào tạo)
Chỉ tiêu | Số lượng (Người) | Tỉ lệ (%) |
1. Trình độ trên đại học | 6.100 | 0,70 |
2. Trình độ đại học, cao đẳng | 130.500 | 15,00 |
3. Trình độ trung cấp | 113.110 | 13,00 |
4. Trình độ sơ cấp | 194.000 | 22,30 |
5. Trình độ dưới sơ cấp (qua đào tạo tại chỗ, truyền nghề hoặc huấn luyện ngắn hạn) | 426.300 | 49,00 |
Tổng | 870.000 | 100,00 |
Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ. Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về mặt số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam những năm qua cho thấy: lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51%, dưới sơ cấp là 39,3%... Trong đó, chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch [2, tr.1]. Ngoài ra, hơn một nửa lao động làm việc trong du lịch lại rất yếu về ngoại ngữ, đây là một hạn chế rất lớn của du lịch Việt Nam. Theo nghiên cứu của ITDR về trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực ngành Du lịch cho thấy, ngoại ngữ tiếng Anh hiện chiếm khoảng 42% nhân lực toàn ngành, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác với tỷ lệ tương ứng là 5%, 4% và 9% nhân lực. Như vậy, nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch là rất lớn, trong đó đáng chú ý là nhu cầu nhân lực có trình độ cao ngày một gia tăng.
Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học được hình thành và mở rộng. Số lượng cơ sở đào tạo tăng nhanh, phủ kín hầu hết các tỉnh; cơ cấu đa dạng về loại hình sở hữu, cấp đào tạo và ngành nghề đào tạo; phần lớn tập trung ở các đô thị, trung tâm du lịch trọng điểm, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu khách du lịch. Hầu các tỉnh, thành phố đã có trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch ngắn hạn hoặc trung tâm đào tạo đa ngành nghề tham gia đào tạo du lịch. Năng lực đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch trong toàn quốc từng bước được nâng cao. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật (cả nơi dạy lý thuyết và thực hành) và trang thiết bị giảng dạy tuy còn khó khăn về kinh phí, nhưng đã có tiến bộ. Đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo du lịch tăng về số lượng và từng bước được chuẩn hóa. Các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình. Một số khoa và bộ môn du lịch ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề đã và đang xây dựng chương trình các chuyên ngành, các nghề du lịch; biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo, chuyên khảo. Quy mô đào tạo, bồi dưỡng hàng năm tăng dần. Quy mô đào tạo mới tăng mạnh, chất lượng cơ bản đảm bảo, dần gắn với nhu cầu xã hội. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều ngành, nghề đào tạo mới xuất hiện đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nhu cầu đào tạo du lịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội trong hội nhập quốc tế nói chung.
Bảng 2. Dự báo nhu cầu nhân lực ngành Du lịch đến năm 2020
(theo vị trí làm việc và theo ngành nghề)
Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Số liệu ở Bảng 2 cho thấy tính đến tháng 10/2010, cả nước có 284 đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. So với năm 2005, số lượng đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch đã tăng 4,11 lần. Trong đó, trường đại học có 62 đơn vị, trường cao đẳng có 80 đơn vị, trường trung cấp có 117, có 2 doanh nghiệp và 23 trung tâm tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành.
Về cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị đào tạo: Các đơn vị đã được đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thí nghiệm và thực hành được nâng cấp, từng bước đồng bộ hoá và hiện đại hoá. Một số cơ sở đào tạo đã đầu tư xây dựng cơ sở thực hành (xưởng trường, khách sạn trường...) tương đối hiện đại. Một số trường đã có trung tâm thực hành nghề và nhiều đơn vị đã nhận được sự tài trợ của EU và Luxembourg trong dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch.
Về chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo: Năm 2004, Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình khung trung học chuyên nghiệp ngành Du lịch và được hỗ trợ, hướng dẫn, đã xây dựng và ban hành 8 Chương trình khung đào tạo nghề trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch còn có một số hạn chế:
Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Du lịch là rất lớn theo như phân tích ở trên. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của ngành còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Trong khi đó, các địa điểm du lịch, các trung tâm du lịch lại tập trung ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Năng lực đào tạo của mạng lưới cơ sở đào tạo còn hạn chế, chương trình đào tạo còn thiếu thực tế và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị của đa số các cơ sở đào tạo du lịch thiếu, lạc hậu, không đồng bộ. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và thực tế còn thiếu, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.
Chưa có cơ chế huy động sự tham gia tích cực, thiết thực và hiệu quả của doanh nghiệp vào đào tạo nhân lực ngành Du lịch. Chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nhân lực ngành Du lịch ở vùng nông thôn, miền núi (nơi có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch) chưa đủ, lại tổ chức triển khai chưa tốt, còn có sự buông lỏng quản lý. Sự cách biệt về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch ở đô thị, ở một số vùng đồng bằng và các cơ sở đào tạo du lịch ở vùng sâu, vùng xa còn lớn, nhưng chưa có biện pháp giải quyết.
Thiếu những quy định và cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ quan quản lý với nhau và với các cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng nhân lực ngành Du lịch.
Liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo với nhau, giữa các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế chưa được phát triển mạnh.
3.2. Cộng đồng kinh tế ASEAN và những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Khi AEC được thành lập, dự kiến có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Lực lượng lao động này đòi hỏi phải có chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phải được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ nhất là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Đây là những cơ hội lớn cho nguồn lao động có chất lượng cao của Việt Nam tương tác, thâm nhập ở nước ngoài, để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp ở các nước tiên tiến trong khu vực, từ đó làm tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa, chuyên nghiệp. Ngoài ra, theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về nghề du lịch trong ASEAN đã quy định chi tiết về Bộ tiêu chuẩn chung về nghề du lịch trong ASEAN, trong đó quy định cụ thể về năng lực chính, năng lực phổ thông, năng lực chức năng; khung trình độ chuyên môn khu vực và hệ thống thừa nhận các kỹ năng. Trong đó, đáng chú ý là Chương trình du lịch chung ASEAN (CATC) là chương trình chung đã được phê duyệt cho Nghề Du lịch ASEAN theo thỏa thuận lẫn nhau của các Bộ trưởng Du lịch ASEAN. CATC được lập ra dựa trên 6 hình thức lao động (6 ngành): Front Office (bộ phận lễ tân), Housekeeping (bộ phận buồng phòng), bộ phận bếp (nấu nướng), bộ phận ăn uống, bộ phận đại lý và bộ phận tổ chức tour với khung chương trình đào tạo được chia thành các loại cụ thể như sau:
Khung đào tạo CATC căn bản chia thành 3 loại như sau: (1) Khung được định hướng theo các ngành công nghiệp - các đơn vị năng lực và nội dung học cho mỗi đơn vị được quy định theo từng ngành: bằng cấp khác nhau sẽ phù hợp với các ngành công nghiệp khác nhau. Điều này tránh tình trạng làm trái ngành và mang lại lợi ích cho cả sinh viên và các ngành công nghiệp; (2) Khung linh hoạt: cho phép sinh viên, các ngành công nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo sự linh hoạt trong việc lựa chọn các đơn vị cho từng trình độ chuyên môn mà tùy vào từng bên liên quan. Các cá nhân có thể xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể mà pha trộn các học phần dựa theo thực tế của đơn vị để đóng gói ra được một gói văn bằng hoàn chỉnh; (3) Khung cấu trúc bền vững: Khung này là sự kết hợp hợp lý giữa các trình độ với nhau: loại hình này tạo điều kiện cho sinh viên, người học nâng cấp trình độ, di chuyển giữa các trình độ và cho phép sinh viên đạt được trình độ quản lý cấp cao hơn trong khi vẫn tập trung vào hoạt động thực tiễn.
Như vậy, căn cứ vào mức độ của từng khung và các chỉ số đánh giá của từng mức độ trong khung đào tạo CATC, để hội nhập vào Cộng đồng AEC và thực hiện các thỏa thuận lẫn nhau về ngành Du lịch trong khối thì đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam phải đáp ứng được năng lực sử dụng ở mỗi cấp độ cụ thể như trên.
4. Kết luận và giải pháp
Đào tạo nguồn nhân lực của ngành Du lịch để đáp ứng những yêu cầu hội nhập đặc biệt là hội nhập khu vực AEC là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Do đó, để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch đáp ứng những yêu cầu đặt ra của quá trình hội nhập, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành Du lịch mạnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập, hợp lý giữa các cấp đào tạo, ngành nghề đào tạo và vùng miền. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa chất lượng giảng viên, chuẩn hóa giáo trình khung đào tạo. Nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có; tập trung đầu tư một số cơ sở đào tạo du lịch đạt chuẩn; hình thành bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề ở các địa phương. Chú trọng đầu tư cho các trường đào tạo nghề du lịch tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở khác có đào tạo về du lịch, bảo đảm yêu cầu chung và sự thống nhất về nội dung đào tạo, trình độ đào tạo.
Chương trình đào tạo cần bám sát và đáp ứng theo khung chương trình đào tạo CATC như đã thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Du lịch ASEAN.
Thu hút doanh nghiệp tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch; tạo cơ sở kiến tập, thực tập cho học sinh và sinh viên. đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo liên thông từ thấp đến cao, từ lao động giản đơn đến giám sát, quản lý các cấp.
Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên du lịch đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài.
Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo hợp tác song phương và đa phương với các cơ sở đào tạo nước ngoài, nhất là với các cơ sở đào tạo du lịch trong khối ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương,... Gắn kết đào tạo với sử dụng trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu ngành vừa thực hiện liên kết vùng và xuất khẩu lao động; tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban thư ký ASEAN “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch” truy cập điện tử: http://vietnamtourism.gov.vn/dmdocuments/SachHDMRA.pdf
2. Nguyễn Thị Thu Hương (2017), “Thực trạng và giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam hiện nay” Tạp chí Công Thương, http://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-nganh-du-lich-viet-nam-hien-nay-20170530111426127p0c488.htm.
3. Phạm Trung Lương (2016) “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập”, Hội thảo khoa học Trường ĐH Văn Hiến “Brexit và những vấn đề đặt ra cho Cộng đồng kinh tế ASEAN, tháng 8/2016.
4. Nguyễn Sơn Hà (2016) “Đào tạo nguồn du lịch hiện nay”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 382, tháng 4-2016.
5. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL.
HUMAN RESOURCES TRAINING OF VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY TO MEET REQUIREMENTS OF INTEGRATION INTO AEC ● LE VAN THONG Center of Political Theory - Vietnam National University - Ho Chi Minh City ABTRACT: Based on secondary data about the demand for human resources in the tourism industry by level and by job positions, the number of human resources training centers for the tourism industry and the content of the common ASEAN training program (CATC), this study is to discuss the current status of human resources training activities of Vietnam’s tourism industry. The study also presents current requirements for human resources training activities when Vietnam participates in the ASEAN Economic Community. Based on the study’s results, the author makes some recommendations to improve the effectiveness of human resources training of Vietnam’s tourism industry. Keywords: Tourism, training, meet, human resources, AEC. |