Đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương

THS. PHẠM THỊ THÙY LINH (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kkỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Quảng bá, xúc tiến thương mại cho đặc sản địa phương ở trong nước và xuất khẩu luôn là một trong những nội dung được các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp quan tâm. Một trong những mô hình được sử dụng chủ yếu trong thời gian qua là hình thức quảng bá thông qua kết hợp du lịch nông thôn và kết hợp ứng dụng công nghệ. Mô hình này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đa ngành và gắn chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cao cho người nông dân góp phần tiêu thụ và phát triển, nâng tầm các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP. Bài viết nêu các hình thức cũng như đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương.

Từ khóa: du lịch, thương mại điện tử, đặc sản, địa phương.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong những cường quốc về nông nghiệp với các vùng miền địa lý, khí hậu rất đa dạng và các yếu tố thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Việt Nam có rất sản phẩm xuất khẩu nằm trong top đầu của thế giới như lúa, cà phê, hạt tiêu và rất nhiều những đặc sản vùng miền khác. Sản xuất, xuất khẩu nông sản những năm gần đây liên tục tạo nên những kỷ lục mới. Theo đó, thời gian qua, việc mật ong Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Úc; quả vải Lục Ngạn, Bắc Giang được đánh giá rất cao ở thị trường Nhật Bản, thị trường Pháp… cho thấy những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ và đặc biệt là việc cung cấp thông tin thị trường cho bà con nông dân đang phát huy tác dụng. 

Song những kết quả này lại chưa đồng nghĩa với việc phát triển thị trường bền vững, bởi thực tế khó khăn khi tiếp cận nông sản, đặc sản các vùng miền do công nghệ chế biến còn hạn chế, gây khó cho tiêu thụ, do thời gian bảo quản ngắn. Các đơn vị sản xuất cũng chưa có được hình ảnh cũng như chiến lược kinh doanh để có được một phương án cụ thể tiếp cận đối tượng khách hàng nên giao dịch với sản lượng sản phẩm bán trên sàn thương mại tử chưa cao. 

2. Hình thức quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương

Trên thực tế đã có một số địa phương năng động trong quảng bá chuyên nghiệp và kết nối giữa các ban, ngành, nhất là kết hợp quảng bá sản phẩm với du lịch.

Thứ nhất, các địa phương có đặc sản vùng miền, có lợi thế về du lịch nông nghiệp kết nối với các công ty du lịch để đưa khách về tham quan và trải nghiệm sản phẩm. Từ đó, xây dựng các cơ sở làng nghề, đặc sản vùng miền thành những khu du lịch để trực tiếp thu hút khách không thông qua các khu du lịch và triển khai thực hiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn như hướng dẫn tham quan tại địa phương hay dịch vụ lưu trú homestay...

Quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua hoạt động văn hóa - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích và giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa cũng có thể bán được, giới thiệu được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là hình thức đơn giản nhất và sớm nhất được hình thành, điển hình tại một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang,…

Hà Giang đã lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ du lịch như: chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, hồng không hạt. Đồng thời, khai thác một số sản phẩm du lịch mới, khác biệt để tạo điểm nhấn, như: Khảo sát, lựa chọn một số cơ sở sản xuất công nghiệp đủ điều kiện đưa vào  tour du lịch lồng ghép thăm quan các danh lam, thắng cảnh; cung cấp hình ảnh, nội dung thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình du lịch sát với mùa vụ từng địa phương...

Còn tại Tuyên Quang, các sản phẩm đặc sản của tỉnh như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang,… đã được du khách khắp cả nước biết đến thông qua các lễ hội như Lễ hội Thành Tuyên. Lễ hội hàng năm đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm trực tiếp nơi sản xuất, chế biến những đặc sản của tỉnh, biết được đằng sau sản phẩm là những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc. Điều này cũng làm tăng giá trị của sản phẩm địa phương. Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đưa hoạt động "Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” trở thành hoạt động thường niên… để du khách được trải nghiệm thực tế tại nhà vườn, được tìm hiểu về quy trình canh tác của người nông dân.

Thứ hai, tổ chức các gian hàng, hội chợ tổ chức thường niên tại những khu vực đông dân cư, đô thị sầm uất nhằm đưa đặc sản địa phương tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa đến tay người tiêu dùng. Điển hình tại Hà Nội, thành phố đã và đang đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nổi bật phải kể đến hội chợ đặc sản vùng, miền Việt Nam được tổ chức thường niên; phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức “Tuần lễ xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La”; phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn; phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức tuần lễ na Chi Lăng; cùng tỉnh Bắc Kạn tổ chức tuần lễ hồng không hạt và nông sản.

Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức. Năm 2022, Hội chợ đã được diễn ra với quy mô 260 gian hàng đến từ hơn 350 đơn vị, doanh nghiệp của 54 tỉnh, thành phố tham gia và quy tụ sản phẩm của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp tổ chức các chương trình Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ…; Hội chợ Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2022 tại Trung tâm thương mại AEON Hà Đông và Long Biên; Chương trình tháng khuyến mại Hà Nội; Hội chợ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022; Lễ hội trái cây thành phố Hà Nội tại công viên Thống Nhất trong tháng 10/2022… . Tất cả những hoạt động này đều có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước... Qua đó, các kênh phân phối Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 52 nghìn tấn trái cây, nông sản. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được kết nối đưa trên 60 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.

Thứ ba, thông qua các trang thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ số. Hiện nay, số người sử dụng các trang thương mại điện tử nhằm mua sắm và truy cập vào các ứng dụng nền tảng tăng liên tục trong thời đại số hóa. Do đó, đây trở thành những kênh tiếp cận tiêu dùng, quảng bá sản phẩm nhanh và phổ biến nhất thay cho những kênh phân phối truyền thống, Điển hình TikTok Việt Nam phối hợp cùng Thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tập đoàn Yeah1 và Công ty cổ phần giải pháp KYC tổ chức chương trình Livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Nội tại tài khoản TikTok của OCOP Hà Nội (https://www.tiktok.com/@ocop.hanoi). Việc này sẽ góp phần quảng bá và kết nối giao thương sản phẩm OCOP, đồng thời giới thiệu văn hóa các vùng miền đến với cộng đồng người dùng ngay trên nền tảng. Đồng thời TikTok trong năm 2022 phát động chiến dịch “Cùng TikTok và OCOP tìm hiểu thêm những món ăn đặc trưng thông qua hashtag #DacSanVietNam” khuyến khích người dùng đăng tải các video chia sẻ các công thức nấu món đặc sản địa phương, các video ăn thử và cảm nhận về các món ăn đặc sản, các video cung cấp thông tin liên quan đến món ăn như nguồn gốc, quá trình sản xuất. Việc hợp tác với TikTok để triển khai chương trình Livestream sẽ là cơ hội để các các chủ thể OCOP có thêm chuyên môn về xây dựng và quảng bá sản phẩm, từ đó kết nối với khách hàng một cách mới mẻ và sáng tạo hơn, mở ra kênh bán hàng tiềm năng và hiệu quả trong thời đại số.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương qua các hình thức nêu trên, nhưng thực tế triển khai cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, với hình thức thứ nhất thông qua các sự kiện du lịch - văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng. Công tác xúc tiến thương mại chưa thực hiện thường xuyên khiến nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời tới khách du lịch... Việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm địa phương với các hoạt động văn hoá du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như tập quán sản xuất của bà con nông dân vẫn là tự phát, chưa có những sản phẩm thực sự tuân theo quy trình sản xuất. Có những sản phẩm có sức tiêu thụ rất tốt nhưng số lượng hạn chế. Nhãn mác, bao bì sản phẩm chưa độc đáo, hấp dẫn, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu… Cùng với đó, việc tiếp cận đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng không đơn giản, bởi nhận thức của doanh nghiệp với phương thức kinh doanh này còn hạn chế. Hàng nông sản có thời gian bảo quản ngắn và các đơn vị cung cấp cũng chưa có được hình ảnh cũng như chiến lược kinh doanh để có được một phương án cụ thể tiếp cận đối tượng khách trên sàn thương mại.

3. Giải pháp thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương

3.1. Về phía Nhà nước

- Cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất - kinh doanh đặc sản địa phương; thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể các nhà sản xuất - kinh doanh để họ chủ động triển khai việc thiết lập và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản;

- Triển khai các chiến dịch, hoạt động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương ra nước ngoài.

- Xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Điều này giúp giữ vững uy tín và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế; tham gia là thành viên của các tổ chức, mạng lưới quốc tế để xây dựng và tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương (gắn với chỉ dẫn địa lý) ở quy mô quốc gia, từ đó tham gia vào các sự kiện quốc tế về quảng bá đặc sản địa phương.

- Cần trang bị kỹ năng, ứng xử trên môi trường số cho người nông dân. Việc này không chỉ dừng lại việc đào tạo người nông dân cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, vận hành hàng của họ mà trang bị cho họ tất cả các kỹ năng trên môi trường số.

Bên cạnh đó là vai trò của địa phương, các bộ, ban, ngành liên quan trong phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển, tiêu thụ các sản phẩm vùng miền. Cần hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau. Hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng cần phải được mở rộng hơn.

3.2. Về phía nhà nông

- Nhà nông cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp tạo nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.

- Từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng địa phương.

- Có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.

3.3. Về phía doanh nghiệp

Cần có những doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp, đồng bào dân tộc có ý thức hơn trong vấn đề cung cấp sản phẩm theo hợp đồng, tuân thủ những cam kết, bảo vệ môi trường, đảm bảo uy tín với khách hàng, có được những sản phẩm đặc thù hơn, có giá trị cao hơn…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Xuân Anh (2004), Chỉ dẫn địa lý nông sản –thực trạng và giải pháp, truy cập tại: http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208888.
  2. Báo Tin tức Du lịch, Thừa Thiên Huế: Phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với du lịch, truy cập tại: https://dulichvn.org.vn/index.php/item/thua-thien-hue-phat-trien-nongnghiep-dac-san-gan-voi-du-lich-38941.
  3. Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng (2021), Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững, truy cập tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210678.

Enhancing the trade promotion and the consumption of local specialties

Master. Pham Thi Thuy  Linh

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Running trade promotion activities for local specialties in both domestic and foreign markets is always one of the top priority tasks of many countries, especially agricultural producing countries. One of trade promotion methods which has been mainly implemented in recent years is to promote local specialties through rural tourism activities and technological advancements. This method aims to promote the growth of multiple economic sectors, create more jobs, increase farmers’ income, boost consumption, and facilitate product production, especially the production of OCOP products. This paper presents trade promotion methods for local specialties and proposes some solutions to boost the consumption of local specialties. 

Keywords: travel, e-commerce, specialty, local.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]